Nhiều vấn đề được thảo luận tại hội thảo “Giáo dục ĐH vì sự phát triển châu Á”

21/07/2024 16:29
Bài và ảnh: Mộc Trà

GDVN- Tại hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á”, các diễn giả, đại biểu đề cập nhiều vấn đề về giáo dục ĐH, thảo luận tìm giải pháp phát triển.

Làm sao để giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn dự báo và chuẩn bị cho những yêu cầu của tương lai

Ngày 21/7, Hội thảo quốc tế: “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” chính thức khai mạc. Đây là hội thảo do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Trường Đại học Phú Yên và Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore tổ chức trong hai ngày (21-22/7/2024).

Tham dự Hội thảo về phía đơn vị tổ chức có: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (tham dự qua hình thức trực tuyến); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông; ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên; Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên; ông Johnson Paul - Giám đốc điều hành của Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore.

Hội thảo có Giáo sư Đặng Vũ Minh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục đào tạo); Tiến sĩ Đinh Ngọc Dinh - Chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ...

GDVN_toàn cảnh.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Ngoài ra, hội thảo thu hút sự tham gia của rất nhiều đại biểu, chuyên gia đến từ các trường đại học và chuyên gia quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cho biết, châu Á là khu vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu, và nhất định sẽ có bước phát triển đột phá trong những thập niên tới. Để có nền kinh tế phát triển, thì yếu tố con người là quyết định. Châu Á đang và sẽ cần có một lực lượng làm việc có trình độ cao công nghệ cao càng phát triển, nhất là công nghệ điện tử, bán dẫn, công nghệ chíp, công nghệ xanh, công nghệ số phát triển thì càng cần con người hơn bao giờ hết.

“Đó là trách nhiệm to lớn mà xã hội giao cho ngành giáo dục đại học ở mỗi quốc gia” - Giáo sư Trình Quang Phú nhấn mạnh.

GDVN_ảnh b P.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú cũng hy vọng, thông qua hội thảo, các diễn giả sẽ cùng trình bày tham luận và các đại biểu trao đổi để cùng đưa ra các cơ sở khoa học, các luận đề để phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, cũng như giáo dục đại học của mỗi quốc gia. Từ đó, tăng cường mối liên kết, tăng cường sự hỗ trợ cùng phát triển giữa các quốc gia, để đáp ứng được nhu cầu phát triển đột phá của kinh tế châu Á.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận: “Giáo dục đại học không chỉ là nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học cần phải thay đổi để bắt kịp những tiến bộ khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển và hội nhập quốc tế”.

GDVN_pho ct PY.jpg
Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên.

Vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nêu rõ: “Tại Phú Yên, chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục đại học... Điều mong muốn cốt lõi là có một đội ngũ con người có năng lực và trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Muốn vậy, chúng tôi cần phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Chúng tôi đã và đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nghiên cứu và phát triển kỹ năng mềm.

Chúng tôi mong muốn hợp tác với các trường đại học, các tổ chức giáo dục và các chuyên gia trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chúng tôi hiểu rằng, để phát triển bền vững, không chỉ cần có những chính sách đúng đắn mà còn cần sự hợp tác chặt chẽ các bên liên quan. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến và cải thiện chất lượng giáo dục của tỉnh.

Hội thảo hôm nay là cơ hội quý báu để chúng ta trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phục vụ cho sự phát triển của châu Á nói chung, cho Việt Nam và tỉnh Phú Yên nói riêng.

Tôi mong rằng, qua hội thảo này, chúng ta sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới, nhiều dự án hợp tác cụ thể và thiết thực. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và học hỏi, đồng thời cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các dự án hợp tác được triển khai hiệu quả”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng chỉ ra: “Một trong những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là làm sao để giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải dự báo và chuẩn bị cho những yêu cầu của tương lai.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong quản lý và giảng dạy.

Chúng ta cần phải xây dựng một môi trường học tập mở, khuyến khích sinh viên tự do sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.

Đồng thời, cần phải tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để tạo ra những cơ hội học tập và làm việc tốt nhất cho sinh viên.

Tôi tin rằng, với sự nỗ lực và hợp tác của tất cả chúng ta, giáo dục đại học sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của châu Á. Tỉnh Phú Yên cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các hoạt động hợp tác giáo dục, vì mục tiêu chung là phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực”.

GDVN_db.JPG
Đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Johnson Paul - Giám đốc điều hành của ADS cũng chia sẻ: “Công việc của chúng tôi từ những năm thập niên 70 là cố gắng đóng góp cho sự phát triển của châu Á.

Hiện tại, chúng tôi đã có định hướng để phát triển ADS trong 5-10 năm tới. Chúng tôi cũng rất vinh hạnh được hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông trong lĩnh vực này.

Và hôm nay, chúng tôi cũng sẽ trao đổi về giáo dục đại học, về giáo dục châu Á trong khuôn khổ buổi hội thảo “Giáo dục đại học vì sự phát triển của châu Á”. Chúng tôi rất vinh hạnh được đóng góp vào thành công của buổi hội thảo ngày hôm nay”.

GDVN_ảnh ADS.jpg
Ông Johnson Paul - Giám đốc điều hành của ADS.

Giáo dục còn khá nặng về phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức

Tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày tham luận: “Giáo dục đại học với chiến lược phát triển của Đông Nam Á”.

GDVN_b H.jpg
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày tham luận qua hình thức trực tuyến.

Trong đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đề cập: “Từ ngày ra đời ở nửa sau của thời kỳ Trung-Cổ cho đến nay giáo dục đại học đã góp phần quan trọng bậc nhất cho sự định hình nền văn minh thế giới.

Đại học gồm ba chức năng chủ yếu. Một là, tiếp tục bổ sung, nâng cao, hoàn thiện việc giáo dục nhân bản đã học từ những năm học phổ thông. Hai là, chuẩn bị nghề nghiệp để sau khi ra trường các sinh viên có thể tham gia trực tiếp một cách có hiệu quả vào công việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước. Ba là, chủ động và tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, tạo ra tri thức và những giá trị sáng tạo mới cho xã hội, cộng đồng. Với ba chức năng đó, giáo dục đại học gắn bó mật thiết với những vấn đề có tính chiến lược trong phát triển của mỗi quốc gia, của cả vùng Đông Nam Á và đương nhiên cũng của thế giới nói chung...”.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cũng chỉ ra: “Giáo dục của Đông Nam Á còn khá nặng về phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức. Với cách giảng dạy đó, kinh nghiệm của thế hệ trước vô tình đã làm giới hạn cho thế hệ sau, học trò phải theo thầy, giống thầy và cố gắng bằng thầy, thầy là giới hạn đạo lý và khoa học của học trò.

Ngày nay, tình hình phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ đã khác xưa nhiều. Tốc độ phát triển rất nhanh và đa dạng, lượng kiến thức chung được tích lũy đã rất khổng lồ, thông tin nhiều chiều, các thông tin tiếp tục va chạm vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau, làm nảy sinh thông tin mới. Cứ thế, kiến thức cứ chồng chất lên theo cấp số nhân. Với cách dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức không còn phù hợp nữa. Cần dạy cho các em cách học, cách tự học, chủ động và tích cực tự trang bị kiến thức cho mình một cách thường xuyên liên tục theo những mục tiêu mong muốn và lựa chọn. Người thầy phải có trách nhiệm và tâm huyết giúp cho học trò có khả năng vượt thầy, vượt sách. Công nghệ thông tin và môi trường của kỷ nguyên thông tin là một trong những “người thầy” truyền thụ quan trọng nhất để sinh viên “tự học”.

Còn người thầy không phải chủ yếu lo truyền thụ kiến thức như ngày xưa nữa, mà là hướng dẫn và tổ chức quá trình học cho sinh viên, kể cả sự tự học của mỗi người và học theo các nhóm, nhằm phát triển năng lực tư duy và năng lực hành động. Thầy giáo là nhà tâm lý học, giáo dục học, cần rèn luyện năng lực phát hiện các khả năng thế mạnh tiềm ẩn trong mỗi học sinh để từ đó mà tác động và tạo điều kiện cho các em phát triển tốt nhất theo các phương pháp dạy học có phân hóa theo các thế mạnh của học sinh.

Đối với giáo dục, phương pháp là quan trọng bậc nhất. Phương pháp tốt mới đạt được mục tiêu, mới thực hiện được nội dung của chương trình. Phương pháp không tốt thì mục tiêu và chương trình cũng sẽ chẳng là gì nữa. Vì vậy, phương pháp trong giáo dục cần được nhận thức theo nghĩa quan trọng hơn nhiều so với chính nó. Kinh nghiệm quan trọng bậc nhất của các trường đại học nổi tiếng thế giới là giúp cho học sinh biết cách phản biện, có thói quen phản biện khoa học, và tiếp thu thông qua phản biện. Những gì không bác bỏ được sẽ là cái còn lại bền vững trong nhận thức, tư duy. Người Việt Nam có câu hay nói là “học-hỏi”. Biết hỏi là biết học. Biết hỏi là biết dạy. Hỏi là cách học và cách dạy hiệu quả nhất!”.

Trình bày tham luận “Đại học châu Á mới, một mô hình của giáo dục thế kỷ 21”, Giáo sư, Tiến sĩ Tay Kheng Soon - Giáo sư Đại học quốc gia Singapore, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Cộng hòa Singapore đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến: Thế giới cần một trật tự mới, cần những định nghĩa mới về sự phát triển - góc nhìn về giáo dục đại học thông qua lĩnh vực kiến trúc.

GDVN_GS.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Tay Kheng Soon - Giáo sư Đại học quốc gia Singapore, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Cộng hòa Singapore.

Xu thế và yêu cầu giáo dục đại học vì sự nghiệp phát triển châu Á

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng) trình bày tham luận “Xu thế và yêu cầu giáo dục đại học vì sự nghiệp phát triển châu Á”.

GDVN_trung tuong.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng).

Trung tướng Nguyễn Đức Hải đề cập có 7 xu thế: Xu thế thứ nhất, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và hội nhập quốc tế giáo dục đại học nói riêng; về phát triển chương trình, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo,...

Xu hướng thứ hai, quốc tế hoá giáo dục đại học: Trao đổi sinh viên, giảng viên, giao lưu văn hoá, hợp tác nghiên cứu khoa học (chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nguồn lực, thiết bị, máy móc...), đào tạo liên kết; thành lập cơ sở giáo dục đại học quốc tế, học viện quốc tế đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thu hút sinh viên các quốc gia.

Xu hướng thứ ba, mở cửa thị trường ra thế giới bên ngoài của các nền kinh tế tạo nên sự chuyển dịch của nền giáo dục đại học thế giới sang châu Á. Sự năng động này đã phản ánh rõ trong sự thay đổi của giáo dục đại học. Đặc biệt, trong thời đại khi sự phát triển kinh tế tại nhiều nước trong khu vực châu Á đã gắn bó chặt chẽ với các sản phẩm trí tuệ, kỹ năng tiên tiến và sự gia tăng nhu cầu giáo dục đại học.

Xu hướng thứ tư, sau dịch Covid-19 (năm 2022) đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực giáo dục phương Tây nhưng là cơ hội để các trường đại học châu Á nâng vị thế trên trường quốc tế. Số lượng du học sinh châu Á lựa chọn du học trong khu vực, thay vì đến Anh, Mỹ tăng nhanh là động lực để các trường đại học phương Đông tiếp tục khẳng định giá trị trong thời gian tới. Ví dụ Trung Quốc đại lục đã tăng thêm 12% từ năm 2019 đến năm 2020. Chính phủ Nhật huy động nguồn vốn khổng lồ -10 nghìn tỷ yên vốn cho một trường đại học, quỹ nghiên cứu vào năm 2022. Malaysia - 20% toàn bộ ngân sách quốc gia vào năm 2021 dành cho giáo dục. Indonesia đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học quốc gia.

Xu hướng thứ năm, dự báo thời gian tới lĩnh vực khoa học và công nghệ được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ là lĩnh vực học thuật được thanh, thiếu niên quan tâm. Giáo dục đại học ở châu Á đang bùng nổ với nhiều khoa học mới, phù hợp yêu cầu về nguồn nhân lực của các nền kinh tế mới nổi (như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,...) vấn đề chuyển dịch du học mang lại cơ hội để thế giới cùng nhau phát triển hợp tác mang lại nền giáo dục cởi mở, đa dạng hơn. Hiện nay, nền giáo dục đại học châu Á đang không ngừng tiếp thu những thành tựu của những nền giáo dục danh tiếng trên thế giới và chắc chắn sẽ đem lại nhiều sự thay đổi tích cực, phát triển vững mạnh trong tương lai.

Xu hướng thứ sáu, với sự phát triển của cách mạng 4.0, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số và tăng trưởng đổi mới sáng tạo. Trong đó ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác đào tạo sinh viên về kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm về trình độ ngoại ngữ; gắn kết với doanh nghiệp và hợp tác các trường đại học trong và ngoài nước.

Xu hướng thứ bảy, toàn cầu hoá, sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ngay tại Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, mở cửa thị trường giáo dục, tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, 7 yêu cầu giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á bao gồm: “Một là, tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Hai là, tính minh bạch. Ba là, khả năng kiểm soát. Bốn là, tôn trọng quyền và gìn giữ con người (nguồn lực con người). Năm là, đẩy mạnh thương mại hoá các sản phẩm (công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm của sinh viên). Sáu là, quản trị hệ thống đào tạo, đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả. Tiết kiệm có trọng tâm, trọng điểm. Bảy là, có cơ chế chính sách hoạt động phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đối với Việt Nam)”.

GDVN_ohiene.jpg
Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên điều hành phiên thảo luận ngày 21/7.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lý Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập với nền giáo dục đại học châu Á và thế giới vì mục tiêu thịnh vượng chung”.

GDVN_nu.jpg
Tiến sĩ Lý Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận.

Trong đó, Tiến sĩ Lý Thị Mai đề cập: “Phụ nữ Việt Nam cần làm gì để góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với giáo dục đại học châu Á và thế giới?”.

Theo nữ tiến sĩ, trước hết cần thống nhất về nhận thức rằng không phải chỉ những ai trực tiếp tham gia quản lý hoặc giảng dạy đại học mới có thể góp phần phát triển đại học, bởi đại học nói riêng và nền giáo dục nói chung không phải là “ốc đảo” tồn tại hoàn toàn độc lập và biệt lập với xã hội, ngược lại đây thực sự là một bộ phận cấu thành, luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng.

Tạo lập một cách nhìn thoáng là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn, phải xây dựng một cách nhìn thật biện chứng về lĩnh vực có vị trí rất đặc biệt này. Mỗi tầng lớp và mỗi bộ phận của xã hội đều hoàn toàn có thể góp phần phát triển đại học theo khả năng và điều kiện riêng của mình.

“Sau khá nhiều năm liên tục đổi mới và phát triển, giáo dục Việt Nam đã từng bước hội nhập với giáo dục châu Á và thế giới.

Những gì đã đạt được cho phép chúng ta tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của nền Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Bởi, những chế định khắt khe của thời cổ đại, trung đại và cả cận đại nên phụ nữ tham gia ngành giáo dục muộn hơn nhưng phụ nữ cũng đã và đang làm tất cả những gì cần làm và có thể làm. Dù gián tiếp hay trực tiếp dấn thân, phụ nữ vẫn chứng tỏ tinh thần trách nhiệm và trình độ cùng kỹ năng ngày càng cao” - Tiến sĩ Lý Thị Mai chia sẻ trong tham luận.

Giáo sư, Tiến sĩ Lau Sim Yee - Giáo sư khoa Nghiên cứu toàn cầu (Đại học Reitaku Nhật Bản) gửi đến hội thảo tham luận với chủ đề “Toàn cầu hóa và giáo dục, những bài học rút ra từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và những nền kinh tế mới nổi”.

GDVN_Lau.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lau Sim Yee - Giáo sư khoa Nghiên cứu toàn cầu (Đại học Reitaku Nhật Bản) chia sẻ tại hội thảo.
Bài và ảnh: Mộc Trà