Nữ sinh mồ côi cha, nỗ lực đạt thủ khoa C00, muốn theo sư phạm để đỡ tiền học

27/07/2024 07:12
Bích Ngọc

GDVN - Nữ thủ khoa đến từ Thanh Hóa sẵn sàng tranh luận và đặt ra nhiều câu hỏi phản biện với thầy cô để nắm kiến thức sâu hơn và nhớ được lâu hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 4, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường có một thí sinh đạt thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc, đồng thời cũng là thủ khoa duy nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự dìu dắt của nhà trường, thầy cô, em Tô Thị Diệu đã xuất sắc đạt tổng điểm 29.75. Trong đó, 2 môn Lịch sử, Địa lý nữ sinh đạt điểm 10 tuyệt đối, môn Ngữ Văn đạt 9,75 điểm.

Nữ sinh mồ côi cha vượt lên nghịch cảnh

Liên hệ với Tô Thị Diệu, nữ sinh không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Khi nhận kết quả em rất vui mừng và bất ngờ khi biết tổng điểm ba môn là 29.75 điểm. Đến bây giờ em vẫn ngỡ kết quả ấy là một giấc mơ. Đây là kết quả thành công ngoài sự mong đợi của em”.

z5654475504725_3c82ff97f3f1f2d71b8047e5cd50968e.jpg
Tô Thị Diệu, một trong 19 thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: NVCC.

Khi nhận được điểm thi, Diệu lập tức thông báo ngay cho mẹ là chị Tô Thị Nguyệt. Lúc đó, chị Nguyệt đang làm tạp vụ cho một nhà hàng cách nhà gần 10 km. Nghe tin con đạt thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc, người mẹ vội xin về sớm để cùng chia sẻ niềm vui với con.

"Tôi mừng đến mức chỉ muốn òa lên khóc nhưng không thể khóc nổi. Thật hạnh phúc vì mọi nỗ lực bền bỉ của con đã được đền đáp xứng đáng", chị Tô Thị Nguyệt không giấu nổi cảm xúc.

Hoàn cảnh của em Diệu không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Gia đình Diệu chỉ có ba mẹ con, bố Diệu mất từ khi em học lớp 3. Suốt thời gian đó đến nay, một mình mẹ Diệu gồng gánh nuôi gia đình, vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi các con ăn học.

Hàng ngày, chị Nguyệt làm đủ công việc, từ làm đồng áng đến chạy ra chợ bán hàng. Mùa hè đến, chị Nguyệt làm rửa bát thuê, tạp vụ ở khu du lịch Sầm Sơn từ sáng đến tối để lo cho hai chị em Diệu ăn học.

mẹ Diệu.jpg
Chị Tô Thị Nguyệt, mẹ nữ sinh Tô Thị Diệu có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Chị Tô Thị Nguyệt xúc động cho biết: "Tôi phải đi làm suốt, không có thời gian để theo dõi sát sao việc học của con, chỉ động viên hai chị em cố gắng học tập. Con ham học lắm, nhiều lúc thấy con thức khuya học không biết mệt, tôi nhắc đi ngủ nhưng con vẫn ngồi học miệt mài”.

Hiểu được sự vất vả của mẹ, hai chị em Diệu luôn ngoan ngoãn, cố gắng vươn lên trong học tập. Trong suốt 12 năm học phổ thông, Diệu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, Diệu còn đoạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh năm lớp 9. Năm lớp 12, em đoạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Ngoài thời gian đến trường, Diệu thường phụ mẹ việc nhà, dạy em học bài nên chị Nguyệt rất yên tâm về con gái của mình.

Thủ khoa luôn đặt câu hỏi phản biện cho thầy cô

Cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên dạy môn Địa lý lớp 12D1, Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 4 chia sẻ: "Do thi trắc nghiệm nên Diệu ra khỏi phòng thi có thể tự kiểm tra đáp án và biết được số điểm của bản thân ngay. Khi có đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã gửi ngay cho Diệu kiểm tra. Diệu thông báo rằng kết quả vẫn giữ nguyên, tức là em đạt hai điểm 10 môn Lịch sử và môn Địa Lý.

Mặc dù đoán trước được em Diệu sẽ đạt kết quả cao, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng Diệu có thể trở thành thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc. Tôi và nhiều thầy cô rất bất ngờ vì nhiều năm nhà trường chưa có được thành tích xuất sắc như năm nay”.

Diệu là học sinh mà các thầy cô đều đánh giá rất cao về phương pháp học tập và khả năng truyền cảm hứng cho các học sinh khác. Theo cô Huế nhận xét, nữ sinh có tính cách bên ngoài điềm đạm, hiền lành nhưng thực chất bên trong lại rất mạnh dạn, năng nổ.

Với kiến thức chưa hiểu rõ, Diệu luôn gọi điện hoặc nhắn tin hỏi cô Huế như vì sao đáp án này tham khảo trên mạng hầu hết chọn B mà cô lại chọn D? Lúc đó, cô Huế phải dành thời gian để giải thích cặn kẽ cho bạn hiểu. Nữ sinh cũng sẵn sàng tranh luận và đặt ra nhiều câu hỏi phản biện với thầy cô, vì vậy việc nắm kiến thức sẽ sâu và nhớ được lâu hơn.

Ngoài việc nắm chắc kiến thức và có sự chăm chỉ, Diệu còn được thầy cô đánh giá là có tính chủ động rất cao. Thông thường với việc học tập trên lớp, đa số học sinh được thầy cô giáo giao bài đến đâu thì mới làm đến đó. Nhưng riêng Diệu rất chủ động trong việc tìm tòi kiến thức, xin tài liệu từ thầy cô. Khi giải xong đề, Diệu liên tục xin thầy cô cho làm thêm đề, bổ sung kiến thức ở một số phần mà em chưa chắc chắn.

Có thể học liền từ 7 giờ sáng hôm trước tới 3-4 giờ sáng hôm sau

Chia sẻ về bí quyết học tập, nữ thủ khoa tự nhận mình có phương pháp học tập không khoa học khi thường xuyên thức đêm để học bài. Diệu cho biết, em có thể “cuồng học” tới mức học liền một mạch từ 7 giờ sáng hôm trước đến 3-4 giờ sáng hôm sau. Thậm chí, trước những kỳ thi quan trọng, em có thể liên tục thức xuyên đêm để học bài.

Tuy học nhiều như vậy, Diệu không cảm thấy mệt mỏi mà trái lại, càng học em càng cảm thấy thích. Diệu chia sẻ: "Em cảm nhận môn Ngữ văn như thấm vào từng mạch máu trong cơ thể. Em thấy mình học Ngữ văn không phải để thi, mà như có một nguồn động lực mạnh mẽ, khiến em càng học càng thấy say mê".

Trong bài thi Ngữ Văn, Diệu đã vận dụng tất cả kiến thức mình có để viết 5 tờ giấy thi. Diệu cho rằng đây là một sự bứt phá, vì bình thường em chỉ viết được tối đa 4 tờ. Nữ thủ khoa đến từ Thanh Hóa đánh giá đề thi môn Ngữ văn rất hay và ý nghĩa, đặc biệt đề mở nên thí sinh có thể thoải mái triển khai luận điểm và văn phong theo ý mình.

diệu 2.jpg
Nữ sinh Tô Thị Diệu cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về bí quyết đạt điểm cao môn thi trắc nghiệm, Tô Thị Diệu cho biết, đầu tiên cần đọc kỹ đề tài. Sau đó, nữ sinh tiến hành làm những câu dễ mà bản thân chắc chắn đáp án trước. Còn những câu khó em sẽ đánh dấu đỏ lại và suy nghĩ sau. Đặc biệt, nữ sinh rà soát lại câu hỏi và đáp án 3-4 lần, sau khi hoàn toàn chắc chắn với các sự lựa chọn thì mới nộp bài.

Đối với môn Ngữ văn, Diệu cũng đọc đề kỹ càng, sau đó em tận dụng tất cả những kiến thức mà mình có được vào bài làm. Diệu cho rằng đó là kiến thức rất rộng, không chỉ là kiến thức thầy cô giáo giảng trên lớp mà còn là kiến thức vận dụng từ sách, báo, mạng xã hội, hay trong các tài liệu em mua. Nữ sinh khẳng định bài làm môn Ngữ văn đạt 9.75 điểm của em là những lời văn thực sự sáng tạo chứ không theo một khuôn mẫu nhất định.

Tô Thị Diệu cho biết, nhiều lúc em cảm thấy mệt mỏi và áp lực trong việc học tập. Mỗi lúc tiêu cực như vậy, nữ sinh sẽ dành ra một khoảng thời gian để suy nghĩ về mẹ và ước mơ tương lai của mình. Đó cũng chính là động lực không cho phép em bỏ cuộc.

Cô gái 18 tuổi có ý định theo đuổi ngành Sư phạm để được hỗ trợ học phí, cũng là đỡ một phần gánh nặng cho mẹ. Trước kỳ thi 2 ngày, Diệu biết mình đã đỗ vào Khoa Sư phạm Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội qua kỳ thi đánh giá năng lực. Điều đó trở thành động lực to lớn và giúp Diệu cởi bỏ áp lực, đi thi với tâm thế thoải mái nhất.

Nữ thủ khoa cũng dành lời khuyên đến các sĩ tử năm sau: "Các bạn nên phân bổ thời gian học một cách hợp lý, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Đồng thời cũng không nên quá áp lực về điểm số mà hãy nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình".

Bích Ngọc