Bàn về định nghĩa vị trí và vai trò nhà giáo trong dự thảo Luật nhà giáo

31/07/2024 06:19
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

GDVN -Trong Dự thảo Luật Nhà giáo khi định nghĩa vị trí và vai trò của nhà giáo còn có chỗ chưa được rõ ràng, thậm chí còn mơ hồ.

Nhà giáo trong nhà trường không chỉ là những người chịu trách nhiệm giảng dạy, quản lý lớp học và hỗ trợ học sinh trong các hoạt động học tập và sinh hoạt hàng ngày, mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn, nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển thế hệ trẻ, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vai trò của nhà giáo không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Nhà giáo khi định nghĩa vị trí và vai trò của nhà giáo theo tôi còn chưa được rõ ràng, có khi còn mơ hồ.

Cụ thể, tại Điều 4 trong Dự thảo có đưa ra khái niệm vị trí và vai trò của nhà giáo như sau:

“1. Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục, được xã hội kính trọng, tôn vinh, bảo vệ.

2. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Định nghĩa như trên không sai, nhưng còn chung chung, không rõ giữa vị trí và vai trò mặc dù toàn bộ nội dung trên muốn khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo trong nhà trường và trong xã hội nhằm mục đich tôn vinh, nêu cao vị trí và vai trò của nhà giáo để có những quy định theo sau Điều này.

Ngoài vị trí quan trọng hàng đầu trong việc đóng vai trò quyết định về đảm bảo chất lượng, chứ hoàn toàn không phải là vai trò quyết định (mang tính duy nhất) vì còn chịu ảnh hưởng cũng có tính chất quyết định đến chất lượng là cơ sở vật chất, tài chính, chương trình dạy học. Bởi lẽ giáo dục là nền tảng của sự phát triển mà nhà giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ, chuẩn bị cho họ trở thành những công dân có ích và những chuyên gia trong tương lai. Bên cạnh đó, khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo được công nhận và đánh giá cao trong xã hội chính là tạo động lực cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển bản thân. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt ra cơ sở thu hút nhân tài để trở thành nhà giáo. Khi nhà giáo được coi trọng và đi kèm với các chính sách khác, xã hội sẽ hình thành văn hóa tôn trọng tri thức và học hỏi, góp phần xây dựng một cộng đồng tiến bộ và văn minh.

Vị trí của nhà giáo trong hệ thống giáo dục và trong xã hội

Trở lại vị trí của nhà giáo trong hệ thống giáo dục thì điều dễ thấy là, nhà giáo - những người trực tiếp thực hiện các chính sách và chương trình giáo dục. Họ chịu trách nhiệm truyền đạt kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục. Tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển chương trình giáo dục. Việc nhà giáo không ngừng cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Với khái niệm như thế thì các hoạt động hay nhiệm vụ của nhà giáo mới dễ có khung để mô tả.

1.jpg
Ảnh minh họa: L.T

Trong xã hội, nhà giáo được xem là biểu tượng của tri thức và đạo đức. Họ được xã hội tôn trọng và tin tưởng. Nhà giáo với vị trí của mình không chỉ đóng vai trò trong giáo dục mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ. Vị trí của nhà giáo không chỉ giới hạn trong nhà trường mà còn mở rộng ra cộng đồng, nơi họ là những người hướng dẫn và dẫn dắt thế hệ trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm và tri thức.

Vai trò của nhà giáo trong hệ thống giáo dục và trong xã hội

Trong hệ thống giáo dục, nhà giáo có vai trò hàng đầu quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Họ không chỉ giảng dạy mà còn đánh giá, nhận xét và định hướng người học. Nhà giáo giúp người học phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng sống. Một nhà giáo giỏi không chỉ là người có kiến thức sâu rộng mà còn biết lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với học sinh, từ đó giúp họ phát triển toàn diện về cả trí tuệ và tâm hồn.

Trong xã hội, nhà giáo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Họ đóng góp vào việc phát triển một xã hội học tập và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh hiện đại. Nhà giáo là những người truyền cảm hứng, động viên và hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và phát triển cá nhân. Họ giúp học sinh hiểu và thực hiện các giá trị đạo đức, từ đó trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Để thuận tiện so sánh vị trí và vai trò của nhà giáo, người viết cho rằng có thể tham khảo bảng dưới đây:

Vị trí, vai trò ở đâu?
Vị trí
Vai trò
Trong nhà trường
- Người đứng lớp, quản lý học sinh.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy.
- Giảng dạy, hướng dẫn học sinh.
-Tạo môi trường học tập tích cực, khuyến khích sáng tạo.
- Đánh giá và định hướng học sinh.
Trong hệ thống giáo dục
- Mắt xích quan trọng trong hệ thống giáo dục.
- Tham gia xây dựng và phát triển chương trình giáo dục.
- Thực thi chính sách giáo dục.
- Đóng góp vào cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong xã hội
- Biểu tượng của tri thức và đạo đức.
- Được xã hội tôn trọng và tin tưởng.
- Tấm gương về tri thức và đạo đức.
- Định hình và phát triển thế hệ trẻ.
- Góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua giáo dục.

Việc ghi rằng “nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước” là đúng, nhưng cần được diễn đạt rõ ràng hơn để tránh sự mơ hồ. Nếu thay bằng câu: "Nhà giáo là những người có trình độ chuyên môn (chuyên nghiệp) cao, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện và phát triển các chính sách giáo dục của quốc gia." Có lẽ sẽ cụ thể vừa rõ ràng.

Ngoài ra, nội dung "góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" cũng cần được diễn đạt rõ ràng hơn. Có thể thay bằng nội dung: "đóng góp vào việc phát triển xã hội học tập và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại". Điều này giúp nhấn mạnh vai trò cụ thể của nhà giáo trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời xây dựng một xã hội học tập.

Ngoài ra, dự thảo nên có điều chỉnh về giải thích từ ngữ như: “Cán bộ quản lý giáo dục là người làm việc trong các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục theo phạm vi thẩm quyền được giao” hoàn toàn chưa đúng vì cán bộ công chức làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục từ cấp huyện, tỉnh đến cấp quốc gia đều là cán bộ hành chính giáo dục.

Qua phân tích chỉ 2 đoạn thuộc về khái niệm thấy rằng văn bản luật cần chuẩn xác hơn về từ ngữ dễ hiểu, logic nhất quán.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh