Từ ngày 18-30/7/2024, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp (trừ các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Do đó, thông tin về trường cao đẳng, trung cấp thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên đương nhiên không có trong hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều này đang khiến thí sinh có nguyện vọng học cao đẳng, trung cấp cảm thấy lo lắng vì khó tiếp cận từ mã trường, cách xét tuyển của từng trường, đồng thời bản thân cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Trường cao đẳng đến hàng trăm trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh
Do không có thông tin trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh tuyển sinh bằng cách quảng bá, tuyên truyền các ngành nghề đào tạo qua cổng thông tin điện tử của nhà trường và đến trực tiếp các trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hải Đăng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Các trường cao đẳng hiện nay không có tên trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công tác tuyển sinh gặp một số khó khăn. Nhà trường phải có chính sách hỗ trợ học tập, hỗ trợ đầu ra việc làm, thực hiện tốt chiến dịch truyền thông thì may ra mới thu hút được thí sinh vào trường”.
Theo thầy Đăng, hiện nay Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) không có hệ thống hỗ trợ tuyển sinh như Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thay vì để các trường cao đẳng, trung cấp “tự bơi” để tuyển sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên có sự phối hợp nhằm xây dựng một hệ thống tuyển sinh chung. Hệ thống này sẽ bao gồm thông tin của trường đại học, cao đẳng, trung cấp để các trường tiếp cận được với thí sinh và thí sinh cũng biết đến trường, từ đó có những so sánh và quyết định đăng ký xét tuyển vào học đại học, hay cao đẳng, trung cấp phù hợp với năng lực, điểm số.
Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận xét, nhiều trường phổ thông khi hướng dẫn học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ tư vấn các em tìm kiếm thông tin trường trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng ở đó lại không có mã trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên học sinh không tiếp cận được thông tin về trường cao đẳng, trung cấp, từ đó làm mất cơ hội học tập của các em, nhất là những em không đỗ đại học.
Cũng theo thầy Đăng, có những em học sinh thắc mắc vì sao nhà trường không có tên trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiển nhiên, khi 1 trong 2 trường cao đẳng xuất hiện trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chắc chắn độ uy tín trường đó đối với thí sinh cũng nhiều hơn so với trường còn lại - “đây là một tiện ích rất nhỏ về mặt kỹ thuật nhưng mang lại nhiều thuận lợi trong tuyển sinh đối với trường cao đẳng”, thầy Đăng chia sẻ.
Chia sẻ thêm, thầy Đằng cho biết, trong trường hợp nếu không xây dựng được hệ thống tuyển sinh chung, về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về các trường cao đẳng, trung cấp, quảng bá hoạt động của trường,... để giúp thí sinh đỡ vất vả trong tìm kiếm thông tin các trường cao đẳng để đối sánh trước khi đưa ra quyết định đăng ký xét tuyển. Và để hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về các trường cao đẳng, trung cấp đến gần hơn với thí sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường phổ thông cần phải làm tốt công tác truyền thông quảng bá.
Được biết, năm 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu. Hiện, đối tượng đã đăng ký vào trường chủ yếu là thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước và thí sinh xác định học cao đẳng thay vì học đại học.
Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ cho biết, từ năm 2017, nhà trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý ngành dọc. Điều này đồng nghĩa với việc thông tin về nhà trường “vắng bóng” trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo thầy Tâm, rất ít học sinh phổ thông được tiếp cận với những thông tin về các trường cao đẳng, trung cấp. Nếu không chủ động tìm hiểu, hoặc được các trường cao đẳng, trung cấp đến trực tiếp giới thiệu về trường, phần lớn học sinh sẽ chỉ biết đến các trường đại học, cao đẳng sư phạm thông qua Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này khiến cho trường cao đẳng gặp khá nhiều khó khăn trong tuyển sinh và buộc phải chủ động tìm biện pháp để thu hút người học.
Trước những khó khăn này, thầy Tâm cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng một hệ thống tuyển sinh chung. Từ đó, giúp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về các trường cao đẳng, trung cấp đối với học sinh, góp phần tăng hiệu quả tuyển sinh cho trường cao đẳng, trung cấp, mở ra cơ hội học nghề cho thí sinh.
Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh, thầy Tâm cho hay, những năm gần đây, thông tin tuyển sinh của nhà trường được đăng tải trên website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhưng hiệu quả không cao vì nhiều phụ huynh, học sinh chưa biết đến trang thông tin này.
Để thu hút nhiều người học, mỗi năm, nhà trường phân công cán bộ tuyển sinh đến trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh, con số này có thể lên đến hàng trăm trường/năm. Bên cạnh đó, nhà trường tích cực tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Kiến nghị các trường cao đẳng có tên trên hệ thống tuyển sinh chung
Việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nằm trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đến nay cũng khiến Trường Cao đẳng Đồng Khởi gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có đăng tải các thông tin tuyển sinh của trường cao đẳng, trung cấp trên website của Tổng cục nên thí sinh có thể xem thông tin về các trường trên đó.
Tuy nhiên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh quanh năm nên không xác định thời điểm nào là cao điểm để đẩy mạnh thông tin tuyển sinh cho các trường cao đẳng, trung cấp trên website của Tổng cục. Cũng chính vì thế mà công tác truyền thông về tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp của Tổng cục có phần yếu hơn so với các thông tin về tuyển sinh đại học. Điều này còn có thể thấy rõ qua thực tế, các phương tiện truyền thông, báo đài đưa tin nhiều về các trường đại học và rất ít thông tin về trường cao đẳng, trung cấp.
Để công tác tuyển sinh của trường cao đẳng, trung cấp nghề thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, thầy Dũng cho rằng, đối với các trường phổ thông, bắt đầu từ học kỳ II lớp 9, lớp 12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyển sinh cho các trường cao đẳng, trung cấp đến với những học sinh này. Việc đẩy mạnh thông tin tuyển sinh là từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm vì đây là thời gian học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở và lớp 12 tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đặc biệt, thầy Dũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả tuyển sinh đối với trường cao đẳng, trung cấp, cần có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để các trường cao đẳng, trung cấp được xuất hiện trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Nếu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có chung một hệ thống tuyển sinh thì học sinh không phải tìm kiếm nhiều thông tin trên mạng, có thể sai sự thật về trường, mà chỉ cần vào trang tuyển sinh chung là có thể xem được danh sách các trường. Khi đó, căn cứ vào điểm thi của bản thân, thí sinh thuận lợi đăng ký xét tuyển vào đại học, hoặc cao đẳng, trung cấp để gia tăng cơ hội trúng tuyển, và nhờ đó, trường cao đẳng, trung cấp cũng tháo gỡ được khó khăn trong việc đưa thương hiệu của nhà trường đến gần hơn với thí sinh”, thầy Dũng chia sẻ.
Cũng theo vị này, hệ thống tuyển sinh chung cũng có thể giúp định hướng thí sinh đăng ký học vào các ngành, nghề tương ứng với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong đó, những thí sinh có điểm xét tuyển đại học không cao (tổng khoảng trên dưới 15 điểm, tức 5 điểm/môn thi) sẽ chọn vào học ở trường cao đẳng, trung cấp thay vì học đại học, từ đó cũng giúp nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học.