Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, chuyên ngành Kinh tế đầu tư đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp khi đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về quản lý các hoạt động đầu tư chuyên nghiệp, huy động và sử dụng vốn sao cho quá trình đầu tư có hiệu quả.
Kinh tế đầu tư đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Huyền Anh, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng cho biết: Kinh tế đầu tư là nghiên cứu cách thức sử dụng nguồn vốn một cách thông minh để phát triển kinh tế.
Cụ thể, những người làm kinh tế đầu tư sẽ nghiên cứu việc sử dụng tiền cùng các nguồn lực khác vào đâu và như thế nào để tiền có lợi nhuận và các giá trị mong muốn.
Theo đó, họ sẽ phân tích các dự án và cơ hội đầu tư, đánh giá tiềm năng sinh lời và đưa ra quyết định đầu tư tối ưu ở cả cấp độ doanh nghiệp và quốc gia.
“Đầu tư là hoạt động kinh tế khởi nguồn cho việc tạo ra lợi nhuận và giá trị để phát triển các ngành nghề, tạo ra việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Do đó, kinh tế đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng cao thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Nhờ những chuyên gia kinh tế đầu tư, doanh nghiệp sẽ có những dự án đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, cô Huyền Anh chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Sâm - Phó Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank cho rằng: Hiện nay, Kinh tế đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực tài chính, giúp doanh nghiệp xác định các chương trình, dự án đầu tư có tiềm năng. Qua đó, đánh giá rủi ro và đưa ra các khuyến nghị đầu tư phù hợp.
Với góc nhìn rộng trên giác độ của Nhà nước, Kinh tế đầu tư giúp các quyết định tài chính trở nên bền vững hơn. Từ đó giúp các cơ quan chức năng xây dựng được những chiến lược đầu tư đa dạng, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank cũng cho rằng, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhu cầu về nhân lực đối với Kinh tế đầu tư ngày càng tăng cao.
Đánh giá từ thực tế, mặc dù số lượng sinh viên theo học chuyên ngành này khá lớn nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
“Nhìn chung, sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư sau khi ra trường đều nắm vững kiến thức cơ bản và phát huy được nhiều kỹ năng trong công việc, đặc biệt là sự tự tin và khả năng thuyết trình.
Tuy nhiên, một số sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, khó ứng dụng kiến thức vào công việc ngay khi ra trường.
Trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, yêu cầu về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là một trong những tiêu chuẩn cơ bản của nhân lực chuyên ngành Kinh tế đầu tư. Thế nhưng, vẫn còn nhiều sinh viên chưa đáp ứng được.
Vậy nên, để có thể phát triển và tồn tại trong lĩnh vực kinh tế với sức cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ, nhân sự trong lĩnh vực tài chính phải không ngừng cố gắng học hỏi và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, tích cực trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn”, ông Nguyễn Văn Sâm nêu quan điểm.
Nhân sự chuyên ngành Kinh tế đầu tư cần có tố chất, kỹ năng gì để làm việc hiệu quả?
Anh Phùng Văn Tuấn, chuyên viên Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu báo cáo cho Ngân hàng MBCambodia (là cựu sinh viên khóa 22 chuyên ngành Kinh tế đầu tư, Học viện Ngân hàng) cho rằng: Kinh tế đầu tư là một ngành học đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì vì chương trình đào tạo chủ yếu là kiến thức nền tảng về kinh tế vĩ mô, vi mô, phải tiếp xúc với nhiều con số, phân tích dữ liệu.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế đầu tư tại Học viện Ngân hàng lại khá chú trọng đến việc rèn luyện các kỹ năng thực hành dự án giúp người học có cơ hội áp dụng kiến thức nghiên cứu vào thực tiễn. Bên cạnh đó, trường còn tạo cơ hội thực tập và cơ hội tham gia các cuộc thi học thuật để sinh viên phát huy được năng lực của bản thân, mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Kết thúc chương trình đào tạo, sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư có nền tảng kiến thức vững chắc về kinh tế vĩ mô, vi mô, quốc tế, phát triển, đầu tư. Nhờ đó, người học có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề kinh tế xã hội, các cơ chế vận hành của thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
Qua các bài tập, dự án thực hành, sinh viên được rèn luyện kỹ năng phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình tài chính, đánh giá dự án đầu tư. Những kỹ năng này đều rất quan trọng và hữu ích không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư sẽ có cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ và có thêm nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp vì được tiếp xúc, làm quen với những chuyên gia trong ngành qua các hoạt động được tổ chức tại Khoa.
Theo đó, với các buổi thảo luận nhóm, dự án thực tế, các cuộc thi case study tạo ra một môi trường học tập sôi động, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và khả năng thuyết trình.
Sinh viên sẽ có cơ hội được nghe các bài giảng của các chuyên gia trong ngành, tham gia các hội thảo, workshop để mở rộng kiến thức và mạng lưới quan hệ. Đây chính là một lợi thế mang lại những lợi ích quan trọng về công việc đối với sinh viên sau khi ra trường”, anh Phùng Văn Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank lại cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự chuyên ngành Kinh tế đầu tư thường đặt ra những yêu cầu khá cao, đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng mềm và nhiều kỹ năng chuyên biệt.
Về kiến thức chuyên môn, nhân sự Kinh tế đầu tư cần có sự hiểu sâu về các lý thuyết kinh tế, tài chính và đầu tư; có khả năng đánh giá dự án, quản lý dự án và hiểu biết về thị trường tài chính trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó là khả năng sử dụng thành thạo các công cụ phân tích số liệu như Excel, Python, SQL để đưa ra những quyết định đầu tư chính xác. Sử dụng các ngôn ngữ lập trình để xây dựng các mô hình dự báo, tự động hóa các công việc.
Có tố chất ham học hỏi, chủ động tìm hiểu về các ngành công nghiệp khác nhau để đánh giá tiềm năng của các doanh nghiệp, nắm bắt các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính như AI, Big Data và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư để đảm bảo tuân thủ pháp luật và giảm thiểu rủi ro.
“Bên cạnh yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, chúng tôi ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại các dự án đầu tư thực tế hoặc ứng viên đã từng làm cho các công ty tài chính, ngân hàng, các tổ chức đầu tư.
So sánh yêu cầu thực tiễn và năng lực nhân sự hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đầu tư có kiến thức lý thuyết vững chắc nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế, kỹ năng mềm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ góc độ của đơn vị tuyển dụng, một số doanh nghiệp cho rằng sinh viên mới ra trường chưa thể đáp ứng ngay các yêu cầu công việc, do đó, họ thường tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm làm việc.
Vậy nên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, các đơn vị đào tạo cần có những điều chỉnh phù hợp như cập nhật chương trình đào tạo theo hướng bổ sung kiến thức thực tiễn, xu hướng mới và áp dụng phương pháp dạy học hiện đại.
Bên cạnh đó cần tích cực tăng cường hợp tác doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, tích cực tổ chức các cuộc thi để sinh viên được trải nghiệm thực tế sớm hơn”, ông Nguyễn Văn Sâm chia sẻ.
Đào tạo chuyên ngành Kinh tế đầu tư đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Trên cương vị đào tạo, Tiến sĩ Trần Huy Tùng, Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng cho biết, chương trình đào tạo bậc đại học ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đầu tư được Khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng bắt đầu triển khai từ năm 2018.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, Khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng định hướng trang bị cho sinh viên hành trang từ kiến thức, kỹ năng đến thái độ. Theo đó, sinh viên sẽ được tiếp cận kiến thức toàn diện đối với các chương trình, dự án đầu tư phát triển từ cả góc độ Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đối với chuyên ngành Kinh tế đầu tư, sinh viên được chú trọng phát triển các học phần chuyên ngành từ nền tảng các học phần Kinh tế học. Nhờ đó, người học có nền tảng kinh tế chắc chắn, có sự am hiểu sâu rộng liên quan tới công tác quản lý hoạt động đầu tư dự án phát triển ở tầm vĩ mô và vi mô. Qua đó, hình thành và phát triển tư duy hệ thống trong quản lý cho người học.
Khi nhu cầu của thị trường lao động không ngừng thay đổi theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi chương trình đào tạo phải cải tiến không ngừng để người học có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trên cơ sở đó, khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng đã chú trọng văn hoá chất lượng, không ngừng cải tiến mọi mặt của chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên với tôn chỉ “lấy người học làm trung tâm, chất lượng đào tạo là mục tiêu”.
Cụ thể, với chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế đầu tư, nhà trường đã tăng cường học phần thực hành, trải nghiệm cho sinh viên, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực tập, thực tế, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng và hiểu biết thực tế cần thiết cho nghề nghiệp.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhà trường chủ trương cập nhật vào chương trình học các nội dung hướng tới các chứng chỉ nghề nghiệp trong nước và quốc tế về quản lý dự án như chứng chỉ hành nghề đấu thầu, chứng chỉ quốc tế về quản lý dự án CAPM, PMP, PMI-PBA...
Với cách tiếp cận như vậy, sinh viên hoàn toàn có cơ hội đạt được các chứng chỉ này sau khi ra trường, từ đó nâng cao tiềm năng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Hơn hết, khi mạng lưới của Nhà trường với các doanh nghiệp, tổ chức lớn, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng trải dài trên phạm vi cả nước chính là điều kiện giúp sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin thực tiễn thông qua các buổi hướng nghiệp, chia sẻ thực tế, thông tin về việc làm.