Trường ĐH khuyên tân SV tỉnh táo, tránh cạm bẫy làm thêm "việc nhẹ lương cao"

27/08/2024 06:36
Thúy Hiền

GDVN - Tân sinh viên đổ về thành phố nhập học, xa gia đình sẽ phải đối mặt với rất nhiều điều mới lạ và đầy cám dỗ.

Bước vào giảng đường đại học không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng mà còn mở ra nhiều cơ hội và thử thách mới cho tân sinh viên. Sống trong một đô thị lớn với nhiều cạm bẫy như làm thêm “việc nhẹ lương cao”, các mô hình kinh doanh đa cấp và hình thức lừa đảo, đặc biệt khi không còn sự giám sát từ cha mẹ đòi hỏi các bạn sinh viên phải cẩn trọng và tỉnh táo hơn bao giờ hết.

Thiếu sự nhắc nhở và kiểm soát từ gia đình có thể làm tăng nguy cơ gặp phải những rủi ro này. Chính vì vậy, mỗi sinh viên cần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, tránh "ngủ quên trên chiến thắng" cũng như xây dựng các chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa cơ hội học tập để phát triển trong suốt thời gian học đại học.

Tránh “ngủ quên trên chiến thắng” khi đỗ đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, cán bộ phòng Truyền thông và Công tác sinh viên, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, đại học là một cuộc chiến, không dành cho những ai “ngủ quên trên chiến thắng”.

“Sinh viên phải hết sức tỉnh táo, các bạn phải là người hiểu rõ nhất vào khả năng của mình và từ đó định hướng mục tiêu rõ ràng. Nếu các bạn còn băn khoăn, chưa xác định được mục tiêu thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình khẳng định mình trong cuộc sống”, cô Huyền nhấn mạnh.

unnamed (24).png
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Website Học viện)

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Vũ Hồng Thanh, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng các bạn đừng vội “ngủ quên trên chiến thắng” bởi đại học chỉ là nấc thang đầu tiên mà các tân sinh viên cần phải vượt qua để chạm tay vào giấc mơ nghề nghiệp.

Thầy Thanh cho biết: “Các tân sinh viên còn một hành trình dài phía trước để chinh phục tri thức, phát triển kỹ năng và hoàn thiện bản thân trước khi chính thức bước vào đời. Bốn năm học đại học không phải là thời gian quá dài nhưng cũng không phải ngắn; thời gian trôi qua rất nhanh và đòi hỏi sinh viên phải có sự nhiệt huyết học tập, phấn đấu miệt mài, bền bỉ.

Đời sống sinh viên khác xa so với thời học sinh khi các bạn chỉ cần tập trung học tập dưới sự hỗ trợ, giám sát của gia đình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bạn dành toàn bộ thời gian để vui chơi, bù đắp cho những năm tháng phổ thông của mình.

Nhiều sinh viên đã phải đối mặt với kết quả thất vọng do không có kinh nghiệm, điểm số thấp và mất định hướng, bởi đã dành quá nhiều thời gian cho việc "xả hơi" thay vì tập trung vào học tập và phát triển bản thân. Hành trình chinh phục tri thức sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu sinh viên chuẩn bị tốt cả về tinh thần và kĩ năng để đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống”.

ảnh1 (1).jpg
Thạc sĩ Vũ Hồng Thanh, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Để chuẩn bị cho một chương mới trong cuộc đời, thầy Thanh cho rằng, với tân sinh viên, việc phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày và quản lý thời gian là rất cần thiết. Trong suốt quá trình học tập, các bạn nên khai thác và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Đồng thời, việc tham gia tích cực vào các chương trình ngoại khóa và câu lạc bộ cũng giúp rèn luyện những kỹ năng mềm, hỗ trợ tốt cho quá trình học tập và phát triển cá nhân.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng việc tạo dựng các mối quan hệ bạn bè mới để hỗ trợ nhau trong học tập và cuộc sống là rất cần thiết. Sinh viên cần xây dựng kế hoạch học tập và cuộc sống hợp lý, học cách tự lập, tránh xa các cạm bẫy tệ nạn, và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Thêm vào đó, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đội nhóm cũng rất quan trọng. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp mà còn phát triển tính cách năng nổ, hoạt bát cùng khả năng làm việc nhóm, từ đó hỗ trợ tốt hơn trong cả học tập và cuộc sống.

Đề cao cảnh giác trước những quảng cáo làm thêm “việc nhẹ lương cao”

Theo cô Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên từ các tỉnh về thành phố nhập học, xa gia đình sẽ phải đối mặt với rất nhiều điều mới lạ và đầy cám dỗ.

“Người tiếp cận có thể là bạn cùng phòng, bạn cùng lớp, bạn khóa trên hoặc thậm chí là người tình cờ gặp ngoài đời hay trên mạng xã hội, hứa hẹn giới thiệu một công việc tốt với mức thu nhập rất cao. Nếu các bạn sinh viên nghe thấy những lời mời chào như công việc nhẹ nhàng, thời gian linh động, mức lương rất cao có thể lên tới vài chục hoặc vài trăm triệu mỗi tháng, hãy cảnh giác. Những lời hứa đó thường là chiêu trò lừa đảo”, cô Huyền nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Vũ Hồng Thanh, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh, tân sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm rất dễ bị các công ty hoặc các đối tượng xấu lừa đảo là điều không thể tránh khỏi.

Thầy Thanh chia sẻ: “Việc làm thêm đối với sinh viên là rất đáng khuyến khích, miễn là không ảnh hưởng đến quá trình học tập. Làm thêm không chỉ mang lại trải nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống mà còn giúp các bạn tự tin hơn trong công việc và cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, nhiều tân sinh viên vì nhu cầu tài chính hoặc muốn phụ giúp gia đình có thể dễ dàng bị lôi kéo bởi các quảng cáo “việc nhẹ lương cao”. Do đó, mỗi sinh viên cần nhớ rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là học tập và phải luôn cẩn trọng, cảnh giác trước những lời mời làm thêm hấp dẫn nhưng không rõ ràng”.

Trở thành tân sinh viên không chỉ có ý nghĩa là tiếp xúc với một môi trường học tập mới mà còn là sự thay đổi trong nhiều phương diện của cuộc sống, phải trưởng thành và chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình.

Lợi dụng sự thiếu từng trải của một bộ phận tân sinh viên, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện các hoạt động lừa đảo có tổ chức để trục lợi, gây ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và thậm chí đến tinh thần của tân sinh viên.

Tiến sĩ Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Ngoại thương cảnh báo: “Tân sinh viên nên nhớ niềm tin không dễ để xây dựng và cũng không nên dễ trao đi. Biết cách đặt những câu hỏi để đưa ra quyết định cũng sẽ giúp các bạn hạn chế rủi ro: Tại sao mọi việc lại thuận lợi dễ dàng đến vậy? Tại sao mình không có một lợi thế nổi bật cụ thể nào lại được ưu ái? Tại sao một người không phải trong gia đình lại nhiệt tình với mình đến thế?”.

ảnh2 (1).jpg
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: NVCC)

Giải pháp an toàn cho tân sinh viên hòa nhập vào môi trường mới

Nhằm giúp tân sinh viên vượt qua "cạm bẫy" một cách thuận lợi, Thạc sĩ Vũ Hồng Thanh nhắn nhủ các bạn trước khi làm việc hoặc tham gia vào một lĩnh vực nào đó, cần tìm hiểu qua các thông tin chính thống; các tổ chức, cá nhân có tính pháp lý được nhà nước công nhận; tra cứu thông tin tìm hiểu trên mạng, các đánh giá của cộng đồng… và tham khảo từ những sinh viên khóa trên. Từ đó chắt lọc và đưa ra phương án phù hợp cho mục tiêu của mình.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cũng tổ chức học tập chính trị đầu khóa hàng năm. Nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia về giảng dạy kỹ năng mềm, phương pháp học tập hiệu quả đối với tân sinh viên. Qua đó, hạn chế và giúp các bạn tân sinh viên có thể tránh được những sự việc không mong muốn.

Thầy Thanh cũng cho rằng đối với các công ty, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, nhất là các bạn trẻ cần có chế tài, biện pháp xử lý mạnh hơn. Đồng thời, cần công khai thông tin, đưa ra các khuyến cáo thông qua các kênh thông tin chính thống để mọi người cùng biết, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tại Trường Đại học Ngoại thương, Tiến sĩ Hoàng Tuấn Dũng cho biết: “Trong nhiều tuần lễ từ lúc bắt đầu nhập học đến hết học kỳ đầu tiên, vấn đề này đã được trao đổi, thông tin đến sinh viên thông qua nhiều hoạt động của các đơn vị trong trường như trung tâm hỗ trợ sinh viên, đoàn thanh niên - hội sinh viên, phòng công tác chính trị và sinh viên,…

Đặc biệt, trung tâm hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Ngoại thương năm nay sẽ ra mắt cẩm nang dành cho tân sinh viên, trong đó có nội dung hướng dẫn các em cách xây dựng những mối quan hệ tích cực và phát hiện sớm những dấu hiệu lừa đảo cùng một số “chiêu trò” trục lợi thường gặp”.

ảnh3 (1).jpg
Học sinh tham gia ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024” tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Website Trường Đại học Ngoại thương)

Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng tân sinh viên nếu bị lừa đảo hoặc tham gia vào các đường dây bán hàng đa cấp có thể phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm mất tiền, sa sút về học tập, đánh mất tình cảm bạn bè và người thân; trong trường hợp xấu nhất, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Để đối phó với tình trạng này, nếu phát hiện có dấu hiệu lôi kéo hoặc dụ dỗ sinh viên vào các hoạt động không minh bạch, cần báo ngay cho cố vấn học tập, nhà trường hoặc bộ phận công tác sinh viên để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Ngoài việc tuyên truyền, Học viện Hàng không Việt Nam cũng thông qua cố vấn học tập, ban cán sự lớp để thường xuyên khuyến cáo sinh viên phải cảnh giác, cẩn thận trong việc tiếp cận thông tin, tránh nghe theo lời “đường mật” và thành “con mồi” cho tổ chức đa cấp, các bẫy lừa đảo qua mạng xã hội.

Cũng theo cô Huyền, năm đầu đại học là giai đoạn chuyển tiếp giữa phương pháp học tập phổ thông và môi trường học đại học. Tân sinh viên nên ưu tiên tập trung vào việc học và làm quen với môi trường học tập mới. Sau khi đã ổn định, quen với nhịp sống đại học, các bạn có thể cân nhắc việc làm thêm nếu có thời gian nhưng không cần vội vàng khi mới bắt đầu cuộc sống sinh viên.

Mỗi công việc đều mang lại cơ hội được rèn luyện kĩ năng và gặp gỡ những con người khác nhau. Từ đó, giúp các bạn hình thành thói quen làm việc, xây dựng mối quan hệ, học hỏi những điều mới mẻ trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là mỗi sinh viên cần xây dựng một lộ trình phát triển nghề nghiệp cho bản thân theo từng năm học, bắt đầu từ những công việc đơn giản đến những công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng, chất xám và liên quan nhiều đến chuyên môn hơn.

6c12287f-0583-4335-a6fb-97f3e181ae98.jpg
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam thực hành. (Ảnh: website học viện)

Tiến sĩ Hoàng Tuấn Dũng cho biết, sẽ không có câu trả lời nên hay không nên nhưng có một số điểm mà các bạn tân sinh viên có thể cân nhắc khi đưa ra quyết định.

“Thứ nhất, mục tiêu quan trọng nhất của một sinh viên là đảm bảo điểm số học tập. Mỗi sinh viên nên tự hỏi mình về điểm số hiện tại và cân nhắc ảnh hưởng của việc làm thêm đối với kết quả học tập. Điều này sẽ giúp các bạn duy trì một sự cân bằng hợp lý giữa việc học và làm.

Thứ hai, tân sinh viên nên xây dựng một lộ trình công việc rõ ràng, bắt đầu từ các công việc đơn giản trong năm nhất và năm hai, sau đó tiến tới những công việc liên quan đến chuyên môn của ngành học ở những năm tiếp theo. Điều này giúp tạo ra một kế hoạch phát triển nghề nghiệp có hệ thống.

Thứ ba, trước khi nhận bất kỳ công việc nào, hãy đặt những câu hỏi quan trọng như: “Mình sẽ nhận được gì từ công việc này? Công việc này sẽ dẫn dắt mình đến đâu và có những cơ hội thăng tiến như thế nào? Những kỹ năng học được từ công việc này sẽ hỗ trợ thế nào cho các hoạt động hoặc công việc tương lai?” Những câu hỏi này sẽ giúp cân nhắc việc có nên tiếp tục công việc hay không.

Giá trị lớn nhất của việc “vừa học vừa làm” là cung cấp cho các bạn nhiều trải nghiệm đa dạng, từ đó giúp xác định niềm đam mê công việc của mình hoặc ít nhất là loại trừ những công việc không phù hợp khỏi danh sách mong muốn trong tương lai”, thầy Dũng nhận định.

Thúy Hiền