Chi phí để học đại học không chỉ là học phí mà còn bao gồm rất nhiều chi phí khác như chi phí ăn, ở, đi lại, liên lạc,... và cả những khoản phát sinh khiến phụ huynh phải đau đầu tính toán để chọn lựa trường đại học phù hợp cho con cũng như sức khỏe tài chính của gia đình.
Nỗi lo tài chính đại học: tính tổng và ... hoảng!
Nỗi lo về tài chính đại học là nỗi niềm chung của nhiều gia đình và là một bài toán khó cần được lắng nghe và giải quyết thấu đáo.
Giống như trường hợp của gia đình chị Lê Thị Thu Hà và anh Đặng Trung Thông, dù đã ước tính và phân bổ chi phí theo từng tháng, từng năm, tuy nhiên khi đối mặt với con số tổng quá lớn, gia đình vẫn không khỏi lo lắng: “Đối với việc cân đối tài chính khi cho con đi học đại học, gia đình tôi sẽ ngồi lại và áng chừng chi phí trong 3.5 - 4 năm học đại học, rồi từ đó sẽ chia ra mỗi năm hết bao nhiêu, mỗi tháng hết bao nhiêu để dễ cân đối. Tuy nhiên trong quá trình đó, cũng sẽ có những chi phí phát sinh mà mình sẽ không ngờ tới được. Lúc đó, cảm xúc đầu tiên của tôi là lo lắng, vì con số tổng tính được chắc chắn không phải là một con số nhỏ đối với gia đình tôi”.
Anh Đặng Trung Thông cũng chia sẻ thêm về những “kinh nghiệm xương máu” khi có con đang là sinh viên năm 2: “Không chỉ phụ huynh mà cả các con cũng sẽ phải đối mặt với những áp lực về tài chính trong quá trình học đại học. Điểm chung của các con là khi xảy ra vấn đề, con không chia sẻ với bố mẹ ngay cho đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc đó mình cảm nhận được đã có chuyện gì đó xảy ra và mở lời, thì con mới bắt đầu chia sẻ”.
Câu chuyện “hoảng khi tính tổng” không chỉ đúng với phụ huynh mà còn phản ánh tâm trạng của nhiều học sinh, sinh viên. Nhìn vào toàn bộ chi phí cho bốn năm đại học, không ít bạn trẻ băn khoăn liệu theo đuổi giấc mơ giảng đường này thực sự có “đáng”?
Sỳ Nghiêm Vũ, sinh viên năm 3 Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT), xem việc học đại học là một sự đầu tư chính đáng cho bản thân và cả gia đình.
Vũ chia sẻ: “Theo em, mặt bằng chung trung bình mỗi sinh viên sẽ sử dụng khoảng 500 triệu đồng cho việc học đại học. Nếu lựa chọn đúng ngành và trường yêu thích, việc học không chỉ đạt kết quả tốt mà còn đảm bảo đầu tư này xứng đáng với số tiền và công sức bỏ ra, mang lại thu nhập từ công việc sau này. Tuy nhiên, đối với những ai coi học đại học như 'cưỡi ngựa xem hoa' hoặc cảm thấy không phù hợp với ngành, thì tốt hơn hết là dừng lại sớm để tìm hướng đi mới, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.”
Đa thu, rõ chi và cách vượt qua nỗi lo tài chính
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, nhà giáo dục tài chính được NFEC (Hoa Kỳ) nhận định, đại học "giống như một khoản đầu tư", mang lại kiến thức, kỹ năng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cũng như thu nhập dài hạn cho người học trong tương lai. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Như mọi hình thức đầu tư khác, đầu tư thì có thể “lỗ”. Đại học cũng có thể để lại những khoản nợ, những trải nghiệm bị bỏ lỡ, và những cơ hội vụt qua. Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này và gia tăng khả năng nắm bắt các cơ hội ngay khi học đại học”.
Do đó, ông Nhật khuyến khích, mỗi gia đình cần xác định rõ các khoản chi ngay từ ban đầu, lên kế hoạch đa dạng các nguồn thu, rõ ràng các khoản chi. Đối với các bạn sinh viên, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ gia đình, "săn" học bổng và tham gia các công việc làm thêm ngay tại trường… sẽ phần nào giúp giảm nhẹ nỗi lo về tài chính, đồng thời các bạn cũng tích lũy nhiều trải nghiệm quý giá trong quá trình học tập.
Trường đại học cung cấp công cụ hỗ trợ, giúp phụ huynh, người học giải bài toán tài chính đại học bằng cách lấy con người làm trọng tâm
HUFLIT đã tổ chức Webinar "Tài chính Đại học: Đừng tính tổng, sẽ hoảng!", qua đó giúp người tham dự hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính đại học. Nhân dịp này, HUFLIT đã ra mắt 2 công cụ hỗ trợ phụ huynh, học sinh & sinh viên trong quá trình chuẩn bị cho hành trình đại học bao gồm: Lịch tài chính và Cẩm Nang Tài chính đại học.
Cẩm nang Tài chính đại học này được thiết kế nhằm giúp phụ huynh, học sinh và sinh viên nhận thức rõ hơn về các kỹ năng tài chính cần thiết và cách áp dụng chúng vào quá trình học đại học, từ đó đưa ra quyết định phù hợp khi chọn ngành, chọn trường đại học.
Đây là một công cụ hữu ích giúp quản lý chi tiêu, lập kế hoạch tài chính và tránh những khó khăn tài chính không đáng có trong suốt quãng thời gian học tập.