Vi phạm giao thông, tài xế bị trừ điểm trên GPLX, nhiều quốc gia đã áp dụng

27/08/2024 06:48
Lan Phương

GDVN - Theo luật sư, quy định trên giấy phép lái xe của tài xế có 12 điểm và bị trừ điểm khi có vi phạm giao thông đã được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại Điều 58, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ (hiệu lực từ ngày 1/1/2025) có nội dung quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Theo đó, Giấy phép lái xe của tài sẽ có 12 điểm và sẽ bị trừ điểm khi tài xế vi phạm giao thông. Nếu trong 12 tháng, số điểm không bị trừ hết sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp Giấy phép lái xe bị trừ hết số điểm, tài xế sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó trong thời hạn ít nhất 6 tháng.

Cũng theo khoản 3, Điều 58, sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. [1]

gplx-1723456414287900667540.jpg
Giấy phép lái xe hiện nay của tài xế.

Liên quan đến nội dung trên, có những ý kiến băn khoăn xoay quanh về việc thực hiện quy định này. Ví dụ như việc "treo bằng" 6 tháng khi bị trừ hết điểm, xử lý hành vi nào bị trừ điểm nhiều nhất...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Trần Hải Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, quy định nêu trên có những ưu điểm và đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đây một biện pháp quản lý nhà nước hiện đại, để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe, phù hợp với điều kiện phát triển kinh khoa học công nghệ.

"Thông qua đó, cơ quan nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ hơn quá trình chấp hành pháp luật của tài xế. Nếu tài xế nào không có đầy đủ kỹ năng, thường xuyên vi phạm bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Trước mắt, việc áp dụng quy định này cần có thời gian để đồng bộ dữ liệu và triển khai được trên thực tế", luật sư Nam nhận định.

Trước câu hỏi, nên áp dụng quy định này cho cả hai loại hình phương tiện (ô tô và xe máy) là hợp lý hay chỉ nên áp dụng cho ô tô, luật sư Nam cho rằng, việc áp dụng này cho cả hai loại phương tiện là hợp lý bởi lưu lượng xe máy ở nước ta cũng rất lớn.

Vì vậy, việc chấp hành pháp luật của cả ô tô và xe máy đều quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ cho cả hai loại phương tiện cũng đảm bảo công bằng, khách quan.

Với việc tài xế vi phạm bị trừ hết 12 điểm sẽ bị tạm dừng điều khiển lái xe trong thời hạn 6 tháng. Quy định này liệu có “nặng” với tài xế?

Luật sư Nam cho rằng, quy định nêu trên đã có sự nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ để phù hợp với thực tiễn của cơ quan hữu quan.

gdvn_quoc-lo-1a.JPG
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nếu quy định chế tài nhẹ sẽ không đảm bảo sức răn đe cho tài xế và gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Mỗi tài xế phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm và tuân thủ đúng quy định pháp luật khi tham gia giao thông để tránh bị áp dụng chế tài này.

Về câu hỏi, hành vi vi phạm nào nên bị trừ điểm nặng nhất, theo luật sư, việc đánh giá mức trừ điểm giấy phép lái xe cũng nên đảm bảo có sự tương đồng với mức xử phạt vi phạm hành chính, khi vi phạm giao thông để đảm bảo công bằng và đồng bộ.

"Vì vậy, khi quy định chi tiết, cần có sự đối chiếu, so sánh mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông để áp dụng cho việc trừ điểm để tạo được sự đồng thuận cao từ người dân", luật sư Trần Hải Nam nhận định.

Cần nghiên cứu chặt chẽ luật

Theo luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính là tương đối hoàn thiện và đầy đủ, cả về hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung.

Nếu áp dụng trừ điểm và khi hết số điểm để trừ thì người lái xe phải “kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức”, cần quy định chi tiết từng hành vi cụ thể, hành vi đến mức độ nào thì bị trừ điểm, tránh hành vi nào cũng áp dụng trừ điểm. Việc trừ điểm áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung khi nào? Đây là những nội dung cần làm rõ.

"Ngoài ra, cần cân nhắc hình thức xử phạt này, hiện tại lực lượng Cảnh sát giao thông cũng có sự quá tải về nhiệm vụ", luật sư Khuyên nhận định.

Theo luật sư Khuyên, lâu nay chúng ta đang áp dụng hình thức xử phạt bổ sung mạnh tay hơn là “tước giấy phép lái xe có thời hạn” (tạm thời), nhưng tài xế vẫn vi phạm, thì hình thức trừ điểm này “nhẹ hơn” liệu có hiệu quả...?

Thực tế cho thấy đa phần tài tài xế quan tâm tới “chế tài (mức phạt)” và “việc phát hiện hành vi vi phạm”, nếu mức phạt đủ tính răn đe và mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý thì mới tác động lên ý thức của tài xế một cách bền vững.

"Để làm được điều này, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài xử phạt đã tương đối đầy đủ và phù hợp. Tuy nhiên, “việc phát hiện hành vi vi phạm” còn nhiều hạn chế, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị để phạt nguội ở nhiều tuyến phố, tuyến đường.

Từ đó, tránh tình trạng “vi phạm không bị phát hiện” dẫn tới ý thức tài xế không được nâng cao, việc chấp hành chỉ là đối phó tại vị trí có camera và có cảnh sát giao thông", luật sư Khuyên chia sẻ.

Link tham khảo:

1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-2024-so-36-2024-QH15-444251.aspx

Lan Phương