Không dùng ngữ liệu SGK ra đề Ngữ văn: Hạn chế tình trạng dạy học kiểu rập khuôn

16/08/2024 08:38
Thu Trang

GDVN - Quy định này sẽ hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, đồng thời rèn luyện khả năng tư duy cho học sinh, thúc đẩy sự sáng tạo, tìm tòi cho thầy và trò.

Ngày 30/07/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.

Theo đó, với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Theo các giáo viên Ngữ văn, thực hiện quy định này, học sinh phải thay đổi cách học, cần nắm vững đặc trưng cơ bản, cách phân tích của từng thể loại, từ đó có thể triển khai được những dạng bài tương tự.

Buộc học sinh phải thay đổi cách học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Tình, giáo viên văn Trường Trung học phổ thông Mỹ Văn, Phú Thọ cho biết, việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa sẽ tránh được tình trạng học tác phẩm nào thi tác phẩm đó.

Đồng thời việc này cũng tránh được tình trạng dạy học kiểu rập khuôn khi bài nào cũng dạy cho học sinh cách mở bài, thân bài, kết bài và liên hệ, với cách dạy cũ như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng học sinh học tủ, đoán đề.

Hiện nay, việc chuyển sang không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi Ngữ văn sẽ buộc học sinh phải thay đổi cách học để nắm được cách làm của từng tác phẩm, từ việc khai thác một văn bản trong sách giáo khoa có thể giúp học sinh khai thác một văn bản khác.

Giáo viên sẽ dạy cho học sinh cách để chinh phục những tác phẩm khác chứ không cung cấp các mẫu sẵn để các em học thuộc và sao chép.

Cũng theo cô Tình, với cách thay đổi này, học sinh sẽ phát huy được khả năng văn chương bởi với mỗi tác phẩm. Tùy vào từng trình độ của học sinh, các em có thể nhìn nhận ra vấn đề phù hợp thì thầy cô cũng sẽ ghi nhận những cách hiểu đó. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng học vẹt, học tủ.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Doãn Thị Sen, Tổ trưởng tổ văn Trường Trung học phổ thông Đồng Quan, Hà Nội chia sẻ, việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn tạo ra sự thay đổi không chỉ với học sinh mà còn với giáo viên.

Những năm trước đây môn văn thường dạy thiên về hướng giáo viên là người truyền thụ kiến thức còn học sinh là người tiếp nhận, với cách thay đổi này, giáo viên cần phải có phương pháp dạy phù hợp, cung cấp, hướng dẫn cho học sinh cách thức làm bài để các em có thể dựa vào đó phát huy được năng lực học tập.

Đồng thời, sự thay đổi này còn giúp học sinh có thể tự khám phá, nâng cao khả năng sáng tạo nhưng cũng đòi hỏi các em cần chủ động hơn trong việc học, tăng cường việc đọc sách và nắm vững đặc trưng của từng thể loại.

Tuy nhiên, theo cô Sen, thời gian đầu khi triển khai giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ như việc chọn ngữ liệu làm sao cho phù hợp bởi việc chọn ngữ liệu không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng có thể xảy ra.

Nếu người ra đề chọn sai ngữ liệu sẽ gây ra những tranh luận trái chiều và những hệ lụy sau đó.

Bên cạnh đó, với những học sinh có lực học trung bình, yếu thì việc này có thể sẽ gây khó khăn cho các em trong thời gian đầu. Để khắc phục được tình trạng này, cô Sen cho biết, với mỗi đối tượng học sinh sẽ có yêu cầu khác nhau.

Với học sinh có lực học khá, giỏi sẽ có yêu cầu cao hơn là biết thông hiểu và vận dụng, liên hệ mở rộng, so sánh với các tác phẩm cùng thể loại, nội dung. Còn với những học sinh có mức học trung bình sẽ ra những câu hỏi vừa sức để các em không có cảm giác nhàm chán.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hải Xoan, giáo viên văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị, bất kỳ phương pháp nào cũng đều có ưu nhược điểm.

Về thuận lợi, theo cô Xoan, học sinh sẽ tránh được tình trạng học tủ, học gì thi nấy như trước đây. Đồng thời, các em cũng được tiếp cận với nhiều loại văn bản khác nhau giúp các em nâng cao được năng lực học tập, sự hiểu biết và sự sáng tạo khi học văn.

Cô Nguyễn Thị Hải Xoan, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị. Ảnh: Website nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Hải Xoan, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị. Ảnh: Website nhà trường.

Tuy nhiên, với thời lượng thi 120 phút như hiện nay, nếu chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa quá dài, học sinh mức trung bình khó khăn khi tiếp cận, đọc hiểu.

Đồng thời, việc này vẫn còn tồn tại một số khó khăn như giáo viên cần chọn ngữ liệu phù hợp với học sinh và mức độ tiếp cận của các em vì có vô vàn ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, nếu các thầy, cô chọn phải những ngữ liệu phản cảm hay không phù hợp sẽ có nhiều tranh cãi xảy ra.

Vì vậy, giáo viên cần chọn ngữ liệu đảm bảo về chất lượng, phù hợp với học sinh. Lấy ngữ liệu từ văn bản chính thống, của những nhà xuất bản uy tín…

Đồng quan điểm, theo cô Tình, khi chọn ngữ liệu, giáo viên cần lưu ý chọn ngữ liệu phù với học sinh và phải có nguồn gốc rõ ràng, trích dẫn đầy đủ, hướng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và các giá trị sống tốt đẹp cho học sinh.

Ôn tập như thế nào để học sinh không bỡ ngỡ?

Bàn về vấn đề này, cô Đỗ Thị Tình chia sẻ, để học sinh không gặp khó khăn trong việc phân tích một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần cung cấp cho học sinh cách nắm được đặc trưng của từng thể loại để vào phòng thi gặp bất cứ tác phẩm mới nào cũng có thể vận dụng để làm.

Ngoài ra, cần chú ý đến cảm xúc của học trò vì các em phải thấy hứng thú thì mới có thể đọc, tìm hiểu hay phân tích những đơn vị kiến thức trong bài một cách say mê và thể hiện được sự sáng tạo trong những tác phẩm đó.

Ảnh minh họa: MH.
Ảnh minh họa: MH.

Còn theo cô Xoan, cách dạy và ôn tập cho học sinh sẽ phải thay đổi so với trước đây, học sinh sẽ tìm hiểu và nắm chắc các đặc điểm của từng thể loại văn học, áp dụng vào việc cảm nhận, phân tích qua một số tác phẩm tiêu biểu.

Giáo viên không ôn tập trung vào một tác phẩm mà ôn theo đặc trưng của thể loại như học về thơ, thầy, cô sẽ dạy toàn bộ tri thức ngữ văn về thơ, về hình ảnh, câu từ và cách phân tích.

Từ đó giúp học sinh nắm được chìa khóa của từng thể loại để từ việc khai thác một văn bản trong sách giáo khoa có thể giúp học sinh khai thác một văn bản khác.

Cùng chia sẻ về cách ôn tập cho học sinh, cô Sen cho biết, trước hết giáo viên cần dạy cho các em nhận biết thể loại và đặc trưng của từng thể loại, ngoài ra cũng phải hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu, chủ động đọc sách và tiếp cận các tác phẩm khác.

Bên cạnh đó, học sinh cũng cần chủ động hơn trong việc học, tự đọc nhiều hơn, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu về cả nội dung và hình thức của văn bản.

Với cách học như vậy, khi đi thi các em không bị bỡ ngỡ vì đã nắm được những đặc điểm riêng, nội dung và tín hiệu nghệ của từng thể loại, học sinh sẽ dễ dàng vận dụng được cách làm để giải quyết vấn đề, triển khai những cảm nhận riêng.

Thu Trang