Cho con học trước lớp 1 chưa hẳn là tốt cho học sinh

01/09/2024 06:52
NGUYỄN ĐĂNG

GDVN - Việc học đúng tuổi, đúng lộ trình sẽ giúp cho trẻ hình thành những thói quen, kĩ năng tốt, các em cũng không chán chữ khi vào lớp 1.

Tâm lí chung của một bộ phận học sinh, nhất là những phụ huynh ở khi vực thị thành thường sợ khi con mình vào lớp 1 mà chưa biết chữ, chưa biết đọc, biết đếm sẽ gặp khó khăn trong học tập. Vì vậy, có phụ huynh gửi con đến các trung tâm gia sư; thuê gia sư về nhà; hoặc phụ huynh tự dạy cho con mình trước khi con chính thức vào lớp 1.

Việc lo lắng là cần thiết vì nếu học sinh biết cầm bút, biết viết, biết đọc cũng có một số thuận lợi khi vào học chính thức nhưng nếu phụ huynh không biết cách dạy đúng cách, không gửi con đúng nơi, đúng chỗ thì có khi cái lợi sẽ đi liền với bất cập về sau.

Bởi lẽ, cách cầm bút; tư thế đọc; tư thế ngồi học; cách viết đúng những nét cơ bản; dấu thanh; cách phát âm đúng, đọc đúng…đối với những học sinh khi mới vào lớp 1 rất quan trọng. Nếu phụ huynh dạy trước cho con mà không hướng cho trẻ những thói quen đúng, sau này rất khó sửa và khắc phục được.

GDVN_N.Đ.jpg
Các tư thế ngồi học, đọc, cầm bút cũng rất quan trọng đối với trẻ
(Ảnh chụp từ sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Chân trời sáng tạo)

Có những thói quen khó sửa về sau

Là một giáo viên nên bản thân người viết vẫn hay quan sát học trò trong các giờ kiểm tra, lúc ghi bài trên lớp. Có những học sinh cầm bút tay trái; có em cầm bút mà chụm cả 5 ngón tay; có những em ngồi viết mà mặt cúi sát với bàn học; có những em khi viết để vở lệch hẳn sang một bên.

Có nhiều học sinh viết chữ xiêu vẹo; lẫn lộn dấu thanh, đặt dấu thanh không đúng; lẫn lộn một số nguyên âm, phụ âm trong khi viết và đọc...và những lỗi này nếu được chú trọng ở bậc Tiểu học thì khi lên các cấp học cao hơn, học sinh sẽ không mắc phải.

Thực ra, những lỗi sơ đẳng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có cả nguyên nhân thầy cô khi dạy ở cấp Tiểu học vì lớp quá đông nên không bao quát hết, không sửa hết cho học trò những lỗi sơ đẳng ban đầu.

Và, cũng có một phần do phụ huynh không có nghiệp vụ sư phạm nhưng lại nôn nóng dạy cho con khi chưa vào lớp 1 nên dẫn đến hạn chế cho học sinh sau này. Cũng có thể, phụ huynh gửi con cho gia sư nhưng gặp những thầy cô còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy.

Nhưng, cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì những hạn chế trên cũng tạo ra những thói quen không tốt cho các học trò về sau.

Thực tế cho thấy, dạy và hình thành thói quen cho trẻ trước khi vào lớp 1 và ngay cả mấy năm học ở cấp Tiểu học vô cùng quan trọng. Bởi, giai đoạn này, học sinh đang hình thành các thói quen, các em bắt chước thầy cô, người lớn và đa phần học sinh nghe lời thầy cô răm rắp. Lúc này, trẻ như những cây măng non và người dạy trẻ có thể “uốn” trẻ hình thành những thói quen, kĩ năng ban đầu.

Dạy trẻ ở lớp 1 rất quan trọng và thực tế giáo viên dạy lớp 1 bao giờ cũng vất vả hơn giáo viên các lớp còn lại. Có những học sinh biết viết, biết đọc bập bõm nhưng không phải em nào cũng viết đúng, đọc đúng.

Theo lộ trình học, trước khi viết được chữ cái, chương trình lớp 1 sẽ cho học sinh làm quen và học nét trước. Đó là các nét: ngang; sổ; nét xiên phải; nét xiên trái; nét móc ngược; nét móc xuôi; nét móc hai đầu; nét cong hở phải; nét cong hở trái; nét cong kín; nét khuyết trên; nét khuyết dưới; nét thắt trên; nét thắt giữa.

Về dấu thanh, có các dấu: huyền; sắc; ngã, hỏi; nặng phải viết đúng để đặt dấu vào chỗ nào của mỗi chữ viết sau này. Cách đọc cũng quan trọng vì một số địa phương có cách phát âm khác nhau, lẫn lộn giữa các dấu thanh (đặc biệt là dấu hỏi với dấu ngã); lẫn lộn một số nguyên âm đôi, phụ âm ghép.

Bên cạnh đó là tư thế ngồi học của học sinh, ngồi viết phải ngay ngắn; cách cầm bút phải đúng; cách phát âm phải rõ lời, biết ngắt câu khi gặp dấu câu. Những việc này không phải phụ huynh nào cũng biết để dạy con mình trước khi vào lớp 1.

Vì vậy, dạy cho con trước khi vào lớp 1 không hẳn là điều tốt bởi quan trọng nhất vẫn là dạy trẻ phải đúng cách bởi khi trẻ đã hình thành những thói quen, những kĩ năng cơ bản thì việc sửa sau này không hề đơn giản khi học ở trường.

455675869_3709991862546400_8221225661271476457_n.jpg
Nhiều trẻ được phụ huynh gửi vào các trung tâm gia sư trước khi vào lớp 1 (Ảnh của một trung tâm gia sư)

Phụ huynh có nên dạy con viết, đọc trước khi vào lớp 1?

Một số phụ huynh đã dạy hoặc gửi con vào các trung tâm gia sư trước khi vào học lớp 1 hàng năm trời. Một số phụ huynh cho rằng việc làm này sẽ tốt cho con em mình sau này. Thấy con đọc được, viết được những chữ, đọc được một số câu ngắn sẽ là niềm vui của phụ huynh.

Tuy nhiên, cho dù là học sinh biết viết, biết đọc trước khi vào lớp 1 thì khi học chính thức, thầy cô cũng sẽ dạy lại các bước căn bản.

Vậy nên, việc dạy trước cho con lúc chưa vào lớp 1 thực ra không quá cần thiết vì chương trình học lớp 1 sẽ được thực hiện tuần tự qua các bước cơ bản ban đầu của việc học. Các em sẽ được thầy cô uốn nắn, định hướng một các khoa học nhất khi vào lớp 1.

Lúc này, học sinh cứng cáp tay hơn, các em được thầy cô hướng dẫn cách cầm bút, cách viết những nét cơ bản ban đầu, sau đó bắt đầu đến viết các chữ cái sẽ giúp cho chữ viết của học sinh đúng hơn, đẹp hơn.

Thực tế cho thấy, tiếng Việt có nhiều chữ phát âm khó, phức tạp, chưa kể còn liên quan đến phụ âm và cách phát âm của chúng. Vậy nên, khi học tiếng Việt thì việc hướng cho trẻ nắm vững những nguyên tắc để có thể nghe, nói, đọc, viết chính xác là điều không đơn giản, không phải phụ huynh nào cũng có thể thực hiện được tốt.

Vì thế, nếu phụ huynh có kiến thức, phương pháp tốt hoặc gửi con ở các trung tâm cũng cần lựa chọn những nơi có uy tín thì hãy nên học trước. Nếu không hãy để con em mình vào lớp 1 sẽ được thầy cô dạy từ những điều sơ đẳng ban đầu sẽ tốt hơn.

Việc học đúng tuổi, đúng lộ trình sẽ giúp cho trẻ hình thành những thói quen, kĩ năng tốt, các em cũng không chán chữ khi vào lớp 1. Bên cạnh việc học ở trường, lúc này phụ huynh sẽ giám sát, hỗ trợ, động viên con lúc ở nhà mới là điều cần thiết.

Những bài học đầu đời sẽ giúp cho học sinh duy trì tốt việc học của mình sau này- nếu như các em được dạy tốt, dạy đúng. Nếu các em được nhắc nhở, uốn nắn kĩ lưỡng và có được những phương pháp giáo dục tốt. Ngược lại, sẽ tiềm ẩn những hạn chế mà sau này học sinh không dễ dàng để khắc phục đối với trẻ nhỏ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG