ĐH Xây dựng Hà Nội: Ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng lấy 24.8 điểm

17/08/2024 22:17
Lưu Diễm

GDVN - ĐH Xây dựng Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển ĐH chính quy năm 2024, cao nhất là 24.8 điểm thuộc về ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) vừa thông báo điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy năm 2024 theo bốn phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ).

Theo đó, điểm chuẩn của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động từ 17 đến 24.8 điểm. Đáng chú ý, ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm chuẩn cao nhất (đạt 24.8 điểm), tăng 0.31 điểm so với năm ngoái.

Tiếp theo đó là ngành Công nghệ thông tin với 24.75 điểm đứng ở vị trí thứ hai. Một số ngành khác có điểm chuẩn từ 24.0 trở lên là Khoa học máy tính đạt 24.6 điểm; ngành Kỹ thuật ôtô với 24.35 điểm; và ngành Kỹ thuật cơ khí ở mức 24 điểm.

Cụ thể, điểm chuẩn từng ngành, chương trình đào tạo theo từng phương thức xét tuyển được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội công bố như sau:

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 21.38.19.png
Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 21.39.06.png
Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 21.39.17.png
Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 21.39.27.png

Bên cạnh đó, theo quy định của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, công thức tính điểm xét tuyển theo phương thức sử sụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là tổng điểm ba môn trong tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên khu vực/đối tượng (nếu có).

Còn đối với ngành Mỹ thuật đô thị và các ngành/chuyên ngành thuộc nhóm ngành Kiến trúc và quy hoạch; phương thức tuyển sinh là xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp với điểm thi môn Vẽ Mỹ thuật do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức.

Theo đó, điểm trúng tuyển trên thang điểm 30; sử dụng các tổ hợp H01, H06, V00, V01, V02; V06, V10 (môn Vẽ Mỹ thuật là môn thi chính nhân hệ số 2); được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Môn 1 + Môn 2 + (Môn 3 x 2) x 3 + Điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng)/4.

449931314_896809935804374_3344327581871038737_n.jpg
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: webiste nhà trường.

Mặt khác, điểm xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023, 2024 trên thang điểm 100 với công thức tính điểm xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển = Tổng điểm bài thi đánh giá tư duy + Điểm ưu tiên (nếu có).

Điểm xét tuyển kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ) trên thang điểm 30 dựa vào tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 lần lượt của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, cùng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng thực hiện theo Quy chế tuyển sinh hiện hành (nếu có).

Điểm xét tuyển kết hợp theo thang điểm 30, bao gồm: Điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế; Điểm 2 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 thuộc tổ hợp xét tuyển, trong đó có môn Toán và 1 môn khác không phải ngoại ngữ hoặc môn Vẽ Mỹ thuật của trường năm 2024.

Điểm ưu tiên xét tuyển trên thang điểm 30, tính theo công thức tính: Với các tổ hợp V00; V01; V02; V06; V10 (môn Vẽ Mỹ thuật là môn thi chính nhân hệ số 2) thì điểm xét tuyển = môn 1 + môn 2 + (môn 3 x 2) x 3 + điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng)/ 4.

Với các tổ hợp còn lại thì điểm xét tuyển = (môn 1 + môn 2 + môn 3) + điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng).

Năm 2024, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4200 sinh viên theo 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ chiếm 30% chỉ tiêu. Còn lại, nhà trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét tuyển kết hợp và tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển.

Trải qua hơn 55 năm hình thành và phát triển, hơn 65 năm trong công tác đào tạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực Xây dựng.

Đến nay, nhà trường đã đào tạo trên 80.000 kỹ sư và kiến trúc sư, hơn 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ cùng nhiều đề tài, dự án khoa học với tầm nhìn nghiên cứu nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế với gần 80 trường đại học quốc tế và các tổ chức từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới như: Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức, Nga, Italia, Thụy Điển, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... nhằm nâng cao uy tín của trường trong tầm nhìn giáo dục quốc tế thế giới.

Lưu Diễm