Thời điểm hiện tại đã là tháng 8/2024, tức chỉ còn vài tháng nữa là hoàn thành giai đoạn thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" (sau đây gọi tắt là Đề án 522) của Chính phủ.
Cụ thể, đối với mục tiêu đến năm 2025, Đề án 522 nêu rõ, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Nhiều học sinh chưa biết thông tin về các ngành nghề, chính sách giáo dục nghề nghiệp
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho hay, Đề án 522 đã nêu rất cụ thể những mục tiêu về công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương đến năm 2020, đến năm 2025 ra sao.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tùy từng địa phương, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được khoảng 19-21% và sau tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ đạt khoảng 22-23%. Có thể thấy rằng, công tác phân luồng ở các địa phương không đồng đều và tỉ lệ phân luồng thấp thường nằm ở những khu vực khó khăn, tùy vào thực tế của từng địa bàn.
Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát chủ yếu từ nhận thức của nhiều phụ huynh không muốn cho con học nghề từ sớm, và ai cũng mong con mình có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để có thể vào học đại học.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ luôn nhấn mạnh là cần nâng cao công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Thế nhưng công tác này đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Qua tìm hiểu, rất nhiều em không biết những thông tin về các ngành nghề, chính sách ưu đãi của Nhà nước liên quan đến đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; chính sách liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Một bộ phận lớn người dân vẫn chưa biết đến tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm tương đối cao, khoảng trên 80%. Đặc biệt, hầu hết người học còn làm đúng ngành, đúng nghề mình đã được đào tạo.
Hơn nữa, nhiều em học sinh hiện nay vẫn chưa chủ động trong việc lựa chọn con đường học tập của mình; không có những phương pháp khoa học để tìm tòi, khám phá được khả năng của bản thân. Thay vào đó, các em chỉ chọn theo cảm tính hay theo đám đông, xu hướng, … Một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông lại lựa chọn đi làm ngay do điều kiện, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của bản thân.
Mặt khác, hiện nay, theo Bộ Luật lao động hiện hành, người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ được làm một số công việc hạn chế. Do đó, có thực tế là nhiều em học sinh sau tốt nghiệp trung cấp chỉ mới 16-17 tuổi nên doanh nghiệp ngần ngại tuyển dụng. Theo ông Bình, có thể nói đây cũng là điểm nghẽn mà Đảng và Nhà nước cần xem xét điều chỉnh để công tác phân luồng được thuận lợi hơn.
Cần tiếp tục rà soát hệ thống các quy định liên quan đến đào tạo liên thông
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhằm giúp công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học tiến gần hơn với mục tiêu mà chúng ta đặt ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp hơn nữa.
Trên thực tế, tại nhiều nước phát triển, công tác tư vấn, hướng dẫn giúp các em khám phá bản thân, tìm hiểu năng lực, sở thích cá nhân được triển khai ngay ở cấp trung học cơ sở và thậm chí còn sớm hơn. Không những vậy, công tác này phải được làm một cách khoa học và bài bản, có đội ngũ chuyên môn và có chương trình phù hợp riêng để thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng mong muốn, các trường trung học cơ sở phải đánh giá học lực của học sinh một cách thực chất, đồng thời thúc đẩy việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong quá trình học. Nhờ vậy, học sinh sẽ tự đánh giá được bản thân mình, lựa chọn trình độ phù hợp nhất với bản thân, với giai đoạn và điều kiện cụ thể của từng em, từng gia đình.
Đối với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa những chính sách về năng lực đào tạo, chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khi học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho lao động, …). Tuyên truyền về cơ hội học tập ở trình độ cao hơn; chính sách tôn vinh những lao động tay nghề giỏi, … Từ đó, giúp người dân thấy rằng, học sinh dù ra ngoài đi làm với trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn được tôn trọng và được trả mức lương xứng đáng.
Tiếp tục rà soát các hệ thống quy định liên quan đến liên thông, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và những Bộ, ban, ngành có liên quan để tạo nên con đường, cách thức để các em có thể học tập suốt đời một cách thuận lợi.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng cơ sở vật chất; đổi mới chương trình đào tạo, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm đúng ngành, đúng nghề, đảm bảo mức thu nhập cho người học sau khi tốt nghiệp và niềm tin cho xã hội tin tưởng.
Ngoài ra, với hệ thống giáo dục suốt đời, khi các em tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, nếu học lên trình độ cao hơn cũng rất thuận lợi, đặc biệt là khi đã yêu ngành, yêu nghề của mình. Trên thực tế, hiện đã có nhiều trường cao đẳng ký kết với một số cơ sở giáo dục đại học lớn để thực hiện công tác liên thông, tạo ra những chương trình đào tạo phù hợp, theo xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và trên thế giới.
“Việc lựa chọn đúng trình độ, đúng con đường, đúng khả năng sẽ giúp các em học sinh chọn được nghề nghiệp phù hợp, trở thành những người “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Đồng thời, giúp chúng ta tận dụng được thời cơ dân số vàng để phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội”, ông Bình nhấn mạnh.
Mỗi bậc học đều có chức năng và thị phần nhất định trong thị trường lao động
Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù tốc độ đạt được mục tiêu chưa như mong muốn nhưng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở của nước ta đã có sự vận động tích cực với những kết quả tốt hơn so với trước kia.
Theo thầy Tuấn, nếu cho rằng học kém, thụt lùi về năng lực mới vào trường nghề hoặc chỉ nhìn đơn giản là học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông đi học các hệ giáo dục nghề nghiệp để nhanh chóng trường đi làm là chưa đủ, chưa toàn diện về chọn con đường học nghề.
Thực tế cho thấy, không phải học sinh nào sau khi học xong trung học phổ thông sẽ tiếp tục học tốt đại học mà phải căn cứ theo mức độ, hình thức chọn nghề và hệ học tập nào để phù hợp với năng lực, điều kiện, nhu cầu của mỗi người.
Vì vậy nếu học sinh nào nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, nhu cầu, sở thích theo học đại học thì có thể lựa chọn học nghề theo các hệ trung cấp, cao đẳng phù hợp với mình. Điều này sẽ tạo giá trị nghề nghiệp phù hợp nhanh chóng tham gia hiệu quả vào thị trường lao động, nuôi sống bản thân.
“Thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu “học” đúng lĩnh vực, phù hợp sở trường, tính cách của mỗi người và nắm bắt được cơ hội… chứ không phải do bằng cấp quyết định thành công. Chính vì vậy, các em học sinh cần có những lưu ý để chọn nghề phù hợp với từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình học cần chú trọng đến việc rèn luyện, học hỏi, nâng cao, đồng bộ giá trị nghề nghiệp cho bản thân”, thầy Tuấn bày tỏ.
Thầy Tuấn thông tin, sự phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 04 xu hướng phát triển chính gồm gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.
Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động.
Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Hiện nay, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đang chiếm bình quân trên 90% đối với thị trường lao động của nước ta. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 27% và sơ cấp chiếm 25%.
Như vậy, khi mỗi bậc học đều chức năng riêng và thị phần nhất định trong thị trường lao động, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp dù ở bậc học nào vẫn được làm đúng nghề, đúng lĩnh vực sẽ không còn là bài toán quá nan giải.
Vấn đề là người học phải biết tự cân nhắc năng lực học tập, năng lực tài chính của bản thân, gia đình để chọn ngành học, bậc học cho phù hợp. Nếu các em đều học và làm việc luôn bằng tất cả trách nhiệm và đam mê thì chắc chắn thành công trong hành trình cuộc đời về thu nhập, đời sống và sự nghiệp.
Trên thực tế, công tác đào tạo tại hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng hiện nay đều chú trọng tính thực tiễn, gắn liền với doanh nghiệp, phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Do đó, trong quá trình đào tạo, học sinh, sinh viên sẽ được đào tạo một cách chủ động để học và nắm vững kỹ năng nghề, dễ dàng hòa nhập được với công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp. Người học sau khi ra trường còn có chuyên môn tốt, bắt nhịp sớm được với công việc và nhanh chóng hòa nhập thị trường lao động…
Cũng theo thầy Tuấn, công tác phân luồng của nước ta hiện nay chưa thể đạt được như kỳ vọng bởi một số nguyên nhân. Trước hết, trên thực tế, tư tưởng của nhiều học sinh, phụ huynh vẫn mong muốn con em vào trường trung học phổ thông để bước tiếp vào bậc đại học một cách thuận lợi.
Không những vậy, mặc dù chính sách của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng nhưng công tác phân luồng hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo còn rời rạc, cơ sở vật chất hạn chế. Bên cạnh đó, việc dạy văn hóa trong trường nghề hiện nay còn nhiều vướng mắc, chưa đi vào thống nhất...
Những lý do này khiến nhiều phụ huynh, học sinh phân vân, ngần ngại cho con vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để khắc phục những khó khăn này, thầy Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, tạo sự thuyết phục đối với những phụ huynh có con em muốn đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà gia đình còn ngăn cản. Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề cải thiện hệ thống trường trung cấp, tạo ra những trường đào tạo ngành trọng điểm để phụ huynh tin tưởng hơn khi lựa chọn..