Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo ngành sư phạm lớn trên cả nước đều đã công bố điểm trúng tuyển năm 2024. So sánh với các năm trước, điểm chuẩn ngành sư phạm tại nhiều trường tiếp tục tăng cao, gần chạm ngưỡng 30 điểm (thang điểm 30). Nhiều ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Nhiều ngành sư phạm có điểm chuẩn trên 29 điểm
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay điểm chuẩn của trường dao động từ 22 đến 29,3 điểm. Hai ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn có mức điểm trúng tuyển cao nhất là 29,3 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý mới được mở năm nay, mức điểm chuẩn đạt 28,83 điểm là ngành có điểm chuẩn cao thứ 4 toàn trường.
Trong nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngành Sư phạm Mỹ thuật có điểm chuẩn thấp nhất đạt 22,69 điểm, tăng 4,39 điểm so với năm ngoái.
Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn cũng là hai ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với 28,83 điểm. Các ngành đào tạo giáo viên của trường có mức tăng trong khoảng 0,3 đến 2 điểm, ngành Sư phạm Tin học có mức điểm chuẩn tăng cao nhất so với năm ngoái (tăng 2,13 điểm).
Năm nay, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có mức điểm chuẩn dao động từ 24,92 đến 28,89 điểm cho 5 nhóm ngành. Cụ thể, nhóm GD1 - Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên, nhóm GD2 - Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý, nhóm GD3 - Khoa học giáo dục và khác, nhóm GD4 - Giáo dục tiểu học, nhóm GD5 - Giáo dục mầm non. Nhóm GD4 là nhóm ngành có mức điểm chuẩn cao nhất trường với 28,55 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023. Nhóm GD3 là nhóm ngành có điểm chuẩn tăng cao nhất (tăng 4,42 điểm) so với năm ngoái.
Còn tại Trường Đại học Vinh năm 2024, có 5 ngành đào tạo giáo viên có điểm chuẩn trên 28 điểm và đây cũng là các ngành có điểm chuẩn cao dẫn đầu trường bao gồm: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Giáo dục tiểu học.
Năm nay, ngành Sư phạm Lịch sử vẫn giữ vị trí là ngành có điểm chuẩn cao nhất toàn trường, điểm chuẩn tăng 0,59 điểm so với năm ngoái. Mới được tuyển sinh năm nay, Ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có mức điểm chuẩn là 28,25 điểm, xếp thứ tư toàn trường.
So với năm 2023, ngành Sư phạm Địa lý có mức điểm chuẩn năm 2024 là 28,5 điểm, tăng 1,95 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn năm nay có mức điểm chuẩn là 28,46 điểm, tăng 1,76 điểm; ngành Giáo dục tiểu học tăng 2,47.
Điểm chuẩn năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng dao động từ 19 đến 28,13 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử vẫn là ngành có điểm chuẩn nhất trường với 28,13 điểm, tăng 0,55 điểm so với năm ngoái.
Xếp vị trí thứ hai là ngành Sư phạm Địa lý với 27,9 điểm, tăng 3,27 điểm so với năm ngoái. Ở vị trí thứ ba là ngành Sư phạm Ngữ văn với 27,83 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2023. Xếp vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt là ngành Giáo dục tiểu học và Sư phạm Lịch sử - Địa lý, cả hai ngành đều tăng từ 1,5 đến 2 điểm so với năm ngoái.
Đối với các ngành đào tạo giáo viên tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, mức điểm chuẩn dao động từ 23,69 đến 28,6 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử có cùng mức điểm là 28,6 điểm, cao nhất trường, tiếp đến là ngành Sư phạm Địa lý với 28,37 điểm. Xếp vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt là ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (với 27,75 điểm) và ngành Sư phạm Hóa học (với 27,67 điểm).
Các ngành nằm trong top 5 ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường có mức điểm tăng từ 1 đến hơn 2 điểm so với năm 2023.
Hiệu quả từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, các ngành đào tạo giáo viên thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn ngày càng cao qua các năm chính là hiệu quả từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đây là tác động tích cực của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Một yếu tố quan trọng khác là niềm tin của học sinh và phụ huynh vào cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Nghị định số 116 đến nay, chỉ tiêu đào tạo sư phạm dựa trên nhu cầu giáo viên của các địa phương, việc phân bổ chỉ tiêu đã sát với thực tế, tạo cơ sở cho phụ huynh và học sinh lựa chọn ngành học.
“Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu vào đóng vai trò quan trọng. Việc nâng cao chuẩn đầu vào đã góp phần cải thiện chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra. Hiện nay, các cơ sở giáo dục sư phạm, trong đó có Trường Đại học Vinh, đang áp dụng nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm cải thiện chương trình và đầu tư vào quá trình đào tạo, hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Nhà trường đang tiến hành cải tiến chương trình đào tạo theo hướng dạy học đáp ứng chuẩn đầu ra và đánh giá theo năng lực. Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường đầu tư vào việc triển khai các chương trình học tập và nghiên cứu khoa học giáo dục cho cả sinh viên và giảng viên.
Sinh viên của Trường Đại học Vinh sau khi tốt nghiệp đã chứng tỏ năng lực và vai trò của mình trong thực tiễn công việc, tạo nên sự tin tưởng từ phía phụ huynh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao uy tín của nhà trường mà còn là một trong những lý do giúp điểm chuẩn ngày càng được nâng cao”, thầy Tiến chia sẻ.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2021 đến nay, trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu theo nhu cầu của các địa phương đặt hàng và nhu cầu xã hội, chỉ tiêu đào tạo giáo viên hàng năm giảm điều này ảnh hưởng đến điểm chuẩn của một số ngành đào tạo giáo viên sẽ tăng.
Thứ hai, các ngành đào tạo giáo viên những năm gần đây có ngưỡng đảm bảo đầu vào cao hơn các năm trước. Đối với các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực, yêu cầu thường thí sinh phải có học lực loại giỏi trở lên và có điểm học bạ cao. Điều này đã thúc đẩy những thí sinh có học lực tốt đăng ký vào các ngành sư phạm để khẳng định năng lực và giá trị bản thân. Ngoài ra, phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng cũng góp phần làm tăng điểm chuẩn của ngành.
Thầy Quốc cũng chỉ ra rằng, sự quan tâm của thí sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và tỷ lệ đăng ký xét tuyển tăng cao phần nào đến từ các chính sách lớn của Nhà nước, nhất là Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, việc tăng lương cơ sở cho ngành công chức, viên chức, trong đó có giáo viên, cũng trở thành một động lực khiến phụ huynh và học sinh tin tưởng vào mức lương ổn định khi theo đuổi nghề giáo.