Ba dự án xuất sắc của PTIT tại Coding Fest: Bệ phóng chinh phục sân chơi quốc tế

20/08/2024 11:28
Thùy Trang

GDVN - Ba dự án đã ghi dấu ấn tại Coding Fest 2024 do Đại học Sydney tổ chức. Đây là lần đầu tiên có đội đến từ Việt Nam tham gia cuộc thi và đạt giải thưởng lớn.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã đạt thành tích ấn tượng tại cuộc thi Coding Fest 2024 do Đại học Sydney (Úc) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, với ba dự án nổi bật dành được các giải thưởng cao.

Coding Fest là cuộc thi thường niên do Đại học Sydney tổ chức.

Năm 2024, cuộc thi thu hút hơn 50 đội thi đến từ nhiều trường đại học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Trung Quốc, Bangladesh, Bhutan…

Năm nay với chủ đề “Creative and Cultural Coding”, các đội tham dự đã trải qua các vòng thi theo thể lệ của chương trình để đến với vòng chung kết.

Ba dự án ghi dấu ấn tại sân chơi quốc tế

Trước khi đến với Coding Fest 2024, ba dự án đến từ 3 đội thi của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đều được đánh giá, lựa chọn kỹ càng và đạt giải nhất, nhì, ba tại Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm Sáng tạo Đổi mới P – INNOVATION 2024” cấp Học viện tổ chức.

Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm Sáng tạo Đổi mới P – Innovation 2024” là cuộc thi thường niên do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức. Đây là một sân chơi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên, giúp họ rèn luyện kỹ năng phát triển sản phẩm và thuyết trình ý tưởng.

Cuộc thi được tổ chức với sự tài trợ của Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc), tiếp nối các chương trình hợp tác về Trí tuệ nhân tạo từ năm 2021 đến nay giữa Học viện và NAVER. Theo đó, NAVER đã hỗ trợ, đầu tư đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về Trí tuệ nhân tạo cho Học viện, góp phần quan trọng trong việc tạo lập nhiều bước tiến, thay đổi tích cực và mang tính lan tỏa cho Học viện.

3-16.jpg
Giáo sư Ken Tye Yong trao giải Nhất hạng mục Dự án trẻ xuất sắc với chủ đề nền tảng tuyển dụng tiên tiến áp dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: NVCC.

Tại Coding Fest 2024, ba đội thi của học viện đều thể hiện xuất sắc và thuyết phục trước trước toàn thể hội trường bao gồm ban tổ chức, các giáo sư, thầy cô cán bộ của Đại học Sydney, đại diện lãnh đạo các hãng công nghệ lớn tham gia tổ chức và hỗ trợ cho cuộc thi như TikTok, Microsoft, Macquarie, Citadel Securities, Red Piranha, các đội thi đến từ nhiều quốc gia. Đại diện của các đội cũng rất tự tin trả lời các câu hỏi của khán giả và các chuyên gia trong phần hỏi đáp sau thuyết trình.

Nhờ sự thể hiện xuất sắc và chất lượng bài dự thi vượt trội của các đội thi của Học viện, Ban tổ chức đã trao 3 giải cho cả 3 đội thi.

Đội thi UDU_S4U gồm các sinh viên Nguyễn Chí Minh Hiếu, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Đình Đạt với sản phẩm “Tự động hóa quy trình tuyển dụng bằng công nghệ AI” đạt giải thưởng "Best UG Junior Project Award" - Giải nhất hạng mục Dự án sinh viên năm nhất bậc đại học. Được biết, 3 thành viên của đội đều là sinh viên năm 1 chương trình Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng của Học viện.

2-18.jpg
Đội thi CoSign và thầy hướng dẫn Vũ Hoài Nam thuyết trình về dự án tại phòng triển lãm sản phẩm cuộc thi Coding Fest 2024. Ảnh: NVCC.

Đội thi CoSign gồm các sinh viên Nguyễn Hoàng Điệp, Ngô Tuấn Anh với sản phẩm CoSign - Ứng dụng hỗ trợ học tập ngôn ngữ ký hiệu, đã giành giải thưởng “Best Poster Design Award” - Giải nhất hạng mục Trình bày Poster.

Đội thi ALDA AI gồm các sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Đức Quân, Phạm Đình Hải với sản phẩm Digital Human đạt giải "Visionary Project Idea Award Runner-up” - Giải nhì Giải Ý tưởng dự án tiềm năng.

Chia sẻ về cuộc thi, Thạc sĩ Vũ Hoài Nam, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thành viên đoàn công tác của Học viện tại cuộc thi chia sẻ, các sản phẩm và dự án của sinh viên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và hướng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận, tập trung vào giá trị nhân văn và công nghệ vì cộng đồng.

Đây là lần đầu tiên các đội thi của Học viện tham gia cuộc thi quốc tế này và đạt được thành công rực rỡ, khẳng định năng lực và tiềm năng của sinh viên Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.

Các dự án đoạt giải đã minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong giáo dục và khởi nghiệp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Những thành công này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới mà còn tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và sáng tạo trong toàn Học viện.

4-12.jpg
Giáo sư Ken Tye Yong trao giải Nhì hạng mục Ý tưởng dự án tiềm năng cho đội thi ALDA AI với dự án ALDA AI – Digital Human. Ảnh: NVCC.

“Lần đầu tiên tham gia một cuộc thi quốc tế, các đội thi đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm của mình. Thành công của họ không chỉ nhờ vào kiến thức sẵn có mà còn ở khả năng truyền tải ý tưởng đến ban giám khảo một cách rõ ràng và thuyết phục. Vấn đề thương mại hóa các dự án có thể còn xa, nhưng điều quan trọng là sinh viên đã hiểu rõ nhu cầu xã hội và thực hiện các dự án có giá trị. Điều này đã giúp ba đội thi ghi điểm cao trong mắt giám khảo.

Sau cuộc thi, sinh viên sẽ có động lực tham gia nhiều hơn vào các cuộc thi khởi nghiệp, vì họ nhận ra rằng sản phẩm của mình được đánh giá cao và có giá trị thực tế. Môi trường thi quốc tế mang lại góc nhìn rộng hơn, giúp nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên tiếp theo”, thầy Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ niềm vui sau cuộc thi, sinh viên Nguyễn Hoàng Điệp cho biết bản thân cảm thấy hào hứng và cảm ơn Học viện đã tạo điều kiện cho các đội tham gia cuộc thi này. “Chúng em cảm ơn sự hướng dẫn và giúp đỡ của các thầy cô ở khoa để chúng em có thể đến đây và trải nghiệm vẻ đẹp của Sydney cũng như có cơ hội được thử sức mình ở cuộc thi quốc tế”, sinh viên Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Các dự án đoạt giải đã minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong giáo dục và khởi nghiệp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Những thành công này mở ra cơ hội hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và sáng tạo trong toàn học viện.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại PTIT

Những thành tích này không chỉ khẳng định năng lực của sinh viên học viện mà còn là bệ phóng cho các cơ hội hợp tác và tham gia vào các cuộc thi quốc tế trong tương lai, mở ra một hành trình mới đầy tiềm năng trên sân chơi toàn cầu.

Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng của học viện trong việc xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Học viện luôn chú trọng tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên phát huy năng lực sáng tạo, khởi nghiệp, và tự tin cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc đưa sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tham gia nhiều hơn vào các cuộc thi toàn cầu, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu học viện trên trường quốc tế.

5-10.jpg
Đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện tham gia cuộc thi. Ảnh: NVCC.

Trong tương lai, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các cơ hội học tập và khởi nghiệp toàn cầu, qua đó góp phần thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ thế giới.

Thạc sĩ Chung Hải Bằng, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chuyên viên phòng Chính trị và Công tác sinh viên Học viện Công Nghệ Bưu chính Viễn thông, Trưởng đoàn công tác của Học viện trong chuyến đi này cho hay, trong tương lai học viện sẽ có thêm văn phòng đại diện tại Úc. Văn phòng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên học tập, trao đổi, và nhận học bổng tại Úc, đồng thời mở cơ hội để sinh viên Úc đến Việt Nam thực tập và tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Trong tương lai, Học viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và mở rộng mạng lưới đối tác, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế hỗ trợ cho đào tạo và nghiên cứu. Học viện chủ trương mở rộng các hoạt động hợp tác với các trường đại học, tổ chức, và doanh nghiệp uy tín trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Về các hoạt động, định hướng các “sân chơi” sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên trong tương lai, thầy Vũ Hoài Nam nhận định, Học viện có thế mạnh về công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, sinh viên vẫn còn yếu trong việc nghiên cứu thị trường và nắm bắt nhu cầu thực tế. Học viện có khối ngành kinh tế nhưng sự hợp tác giữa khối kinh tế và khối công nghệ kỹ thuật chưa thực sự sâu sắc, dẫn đến khó phát triển các dự án chung.

Các dự án hiện tại của sinh viên đã thể hiện thế mạnh về công nghệ, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc hình dung sản phẩm hoàn chỉnh. Khi kết hợp với sinh viên khối kinh tế - sinh viên có khả năng nghiên cứu thị trường, các dự án sẽ có hướng đi rõ ràng hơn và gần gũi với thực tế khởi nghiệp hơn, thay vì chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo như hiện tại.

Đây cũng chính là mục tiêu mà cuộc thi P-Innovation hướng tới trong tương lai với hy vọng sẽ có nhiều đội thi kết hợp giữa hai nhóm, tạo nên những sản phẩm ấn tượng, đủ sức cạnh tranh tại các cuộc thi quốc tế.

Thùy Trang