Tiêu chí 5.2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy định: "Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%" đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận của lãnh đạo các trường đại học.
Tiêu chí trên nhằm mục đích duy trì chất lượng, hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học. Nếu trường đại học có tỷ lệ sinh viên thôi học cao hơn 10% hàng năm sẽ không đạt tiêu chí, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh giá và giám sát điều kiện đảm bảo chất lượng.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện quy định trên cũng có nguy cơ nảy sinh tình trạng trường đại học vì muốn đạt chuẩn tiêu chí 5.2 nên phải khống chế tỷ lệ sinh viên thôi học không quá 10% hàng năm bằng nhiều cách, trong đó có việc giữ lại sinh viên không đủ điều kiện theo học. Như vậy, trường đại học chỉ đạt chuẩn tiêu chí về tỷ lệ thôi học chứ không đạt về chất lượng giáo dục.
Dù đã chăm sóc sinh viên nhưng tỷ lệ thôi học vẫn cao
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng năm, tỷ lệ sinh viên thôi học ở Trường Đại học Kinh tế Nghệ An khoảng 16-17%; riêng đối với năm nhất là khoảng 17%.
Đối chiếu với quy định tỷ lệ thôi học hằng năm không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu tiên không cao hơn 15%, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói: "Nhà trường không thể đạt được, khó lắm!”.
Theo thầy Tường, nhà trường xác định, việc sinh viên nghỉ học nhiều là một khó khăn vì ảnh hưởng đến nguồn thu cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của những sinh viên còn lại vì một số ngành chỉ 15 sinh viên nhưng có đến 5 sinh viên thôi học.
Do đó, từ trước đến nay, nhà trường vẫn luôn quan tâm, chăm sóc đến từng cá nhân sinh viên để các em yên tâm học tập chứ không phải chờ đến khi có quy định tiêu chí 5.2 thì trường mới làm. Cụ thể, nhà trường giao nhiệm vụ cho các khoa phải thực hiện biện pháp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, hỗ trợ kịp thời cho các em để đảm bảo tỷ lệ thôi học thấp nhất có thể.
“Nếu có sinh viên nghỉ học 1 tuần, bộ phận hỗ trợ của sinh viên của khoa sẽ liên hệ với sinh viên để hỏi han lý do nghỉ học, từ đó có hướng giải quyết, giúp đỡ. Những sinh viên khó khăn về tài chính sẽ được nhà trường hỗ trợ thêm, nằm ngoài chính sách chung của trường.
Bên cạnh đó, do đặc thù vùng miền, sinh viên thôi học thường là những em học được một thời gian thì muốn đi xuất khẩu lao động, hoặc chuyển trường, chuyển đổi ngành học,... Với những sinh viên này, nhà trường dù có quan tâm, chăm sóc tốt cỡ nào thì cũng không thể giữ lại các em, tỷ lệ thôi học khi đó sẽ cao”, thầy Tường chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nhấn mạnh, không phải có tiêu chí 5.2 thì nhà trường mới tích cực chăm sóc người học. Hơn nữa, quy định về tỷ lệ thôi học cũng không phản ánh được chất lượng đào tạo của nhà trường. Do đó, cần thiết phải xem xét lại, bỏ quy định 5.2 về tỷ lệ thôi học sao cho phù hợp với thực tế.
Trên trang thông tin điện tử của một cơ sở giáo dục đại học có đăng tải rất chi tiết danh sách sinh viên chính thức bị cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học của từng học kỳ, năm học.
Đơn cử, học kỳ II năm học 2023-2024, có trường công bố danh sách gồm 43 sinh viên (các khóa 2021, 2022, 2023) bị buộc thôi học. Đây là những sinh viên có điểm trung bình chung học kỳ I và II của năm học 2023-2024 dưới 1 điểm.
Đáng nói, trước khi công bố danh sách sinh viên chính thức bị buộc thôi học, trường này đã tạo điều kiện cho sinh viên được cam kết thách thức kết quả học tập trong học kỳ mới. Tuy nhiên, những sinh viên này vẫn có điểm trung bình chung dưới 1, nợ nhiều tín chỉ, không đạt cam kết thách thức kết quả học tập trong học kỳ.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhà trường cho biết, những năm gần đây, sinh viên thôi học của trường cao là do các em không đủ học lực để theo kịp chương trình đào tạo, sau đó đã chuyển sang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Có những sinh viên tự ý nghỉ học, không báo cho nhà trường trong khi các em đã đăng ký tín chỉ, có danh sách lớp nhưng không học khiến cho các giấy tờ liên quan đến sinh viên khó xử lý.
“Đối với nhà trường, số lượng sinh viên năm nhất thôi học ít hơn so với sinh viên năm hai, ba. Bởi, sinh viên năm nhất đóng tiền học phí đầy đủ rồi mới nhập học nên ít em nghỉ học. Chỉ có sinh viên từ năm hai, ba, do càng học lên cao, kiến thức càng khó, em nào không theo được chương trình đào tạo sẽ sinh ra chán nản, hoặc ngành học không phù hợp với sở thích, năng lực nên muốn chuyển ngành, bỏ học”, vị này chia sẻ.
Trước những khó khăn trong thực hiện tiêu chí 5.2, lãnh đạo nhà trường mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc điều chỉnh tỷ lệ thôi học theo hướng tăng lên (ví dụ: tỷ lệ thôi học hàng năm không quá 15%). Hoặc có thể xem xét việc bỏ quy định tỷ lệ thôi học, bởi hiện nay xu hướng các trường thực hiện tự chủ nên sinh viên thôi học cũng là bình thường, không có vấn đề quá lớn.
Trong khi hầu hết các trường đại học "than" khó thực hiện quy định tỷ lệ thôi học thì một số trường lại cho rằng có thể kiểm soát được tỷ lệ này dưới 10% hàng năm.
Đơn cử, những năm gần đây, quy mô đào tạo đại học của Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 14.000-15.000 sinh viên/năm học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ sinh viên thôi học của nhà trường khoảng 2%/khóa.
“Trong một khóa đào tạo, tỷ lệ thôi học đối với sinh viên năm nhất của nhà trường thường chưa đến 1% và sau bốn năm học, tỷ lệ này khoảng 2%”, thầy Hoàn chia sẻ.
Đánh giá về tỷ lệ sinh viên thôi học của trường, thầy Hoàn cho rằng con số này là nhiều đối với Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Những sinh viên nằm trong danh sách thôi học của nhà trường thường là các em có cơ hội đi du học, hoặc có lựa chọn khác trên con đường học tập của bản thân.
Cuối mỗi học kỳ, cơ sở giáo dục đại học sẽ thông báo cảnh báo kết quả học tập với những sinh viên có kết quả học kém, nhằm giúp các em có định hướng tìm phương án học tập phù hợp. Được biết, sau mỗi năm học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét và thông báo sinh viên bị buộc thôi học.
Theo báo cáo ba công khai một số năm học, quy mô đào tạo đại học Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 33.000 sinh viên/năm học. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, tính theo khóa đào tạo, tỷ lệ sinh viên thôi học của nhà trường chủ yếu rơi vào năm đầu tiên do các em không theo được chương trình học.
“Những năm gần đây, nhà trường ghi nhận số sinh viên thôi học hàng năm không nhiều so với trước. Ví dụ, niên khóa 2019-2023 của nhà trường chỉ có hơn 0,2% tỷ lệ sinh viên thôi học. Còn trước đây, có năm học, tỷ lệ sinh viên thôi học của nhà trường vào khoảng 3-4% (gần 1.000 sinh viên thôi học)”, thầy Nhân chia sẻ.
Nhiều biệp pháp để khống chế tỷ lệ sinh viên thôi học ở mức thấp
Với Tiêu chí 5.2. tỷ lệ thôi học, thầy Nhân cho biết: "Không có chuyện trường đại học vì muốn đạt chuẩn tiêu chí 5.2 mà bất chấp giữ lại những sinh viên không đủ điều kiện học tập. Nhà trường cũng không “dám” giữ những sinh viên này vì tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trường. Chẳng hạn, nếu sinh viên đã thôi học nhưng vẫn có tên trong danh sách sinh viên của trường thì khi các em vi phạm pháp luật sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhà trường”, thầy Nhân cho biết.
Còn theo thầy Hoàn, trường đại học công lập tuyển sinh phải đảm bảo các quy định chất lượng đầu vào nên hầu hết sinh viên có khả năng theo học tốt. Có năm, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo học vụ đối với sinh viên học hộ, thi hộ. Trong số này đã có em bị ngừng học 1 năm. Điều này thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc của nhà trường trong đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với quy định tiêu chí 5.2, thầy Hoàn cũng bày tỏ lo lắng nếu như có trường giữ lại những sinh viên không đủ điều kiện theo học để nhằm đạt tiêu chí nhưng thực chất không đạt về chất lượng tuyển sinh và đào tạo.
Để khống chế tỷ lệ sinh viên thôi học ở mức thấp, các cơ sở giáo dục đại học phải áp dụng nhiều biện pháp.
Vị lãnh đạo trường đại học cho rằng, giảng viên là người đồng hành với sinh viên trong quá trình học. Thầy cô luôn khuyến khích, tâm sự với sinh viên về tương lai ngành nghề mà các em lựa chọn, theo học để các em vững tin, yên tâm học tốt. Ngoài ra, nhà trường cũng có các buổi dạy thêm miễn phí tại trường cho sinh viên có lực học kém để các em theo kịp chương trình. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của nhà trường hiện vẫn cao nên điều kiện chăm sóc cho sinh viên chưa được tốt. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ không tăng quy mô đào tạo để tập trung tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập để hỗ trợ sinh viên nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ngày nay có sức chịu đựng kém hơn thế hệ trước rất nhiều nên nhà trường sẽ xây dựng trung tâm tư vấn tâm lý để giúp sinh viên vượt qua những khó khăn, khủng hoảng tinh thần, từ đó các em sẽ tự tin học tập tốt, duy trì chất lượng, hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo.
Trong khi đó, thầy Nhân chia sẻ, để giảm được tỷ lệ sinh viên thôi học từ 2% xuống còn chưa đến 1%/năm là nhờ việc áp dụng tổng hòa các giải pháp của nhà trường.
Cụ thể, từ năm 2020, 2021, nhà trường bố trí mỗi lớp đều có giảng viên chủ nhiệm để hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên (về học tập, khó khăn tài chính, chia sẻ tâm tư nguyện vọng). Những giảng viên làm công tác chủ nhiệm lớp đều được nhà trường hỗ trợ nên tỷ lệ sinh viên thôi học giảm rõ rệt (khóa 2019, 2020 chỉ chưa đến 1%/năm tỷ lệ sinh viên thôi học).
Đối với sinh viên năm nhất - những em có nguy cơ bỏ học cao, giảng viên dạy học đều là những thầy cô được tập huấn bài bản về đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, thú vị. Đồng thời, nhà trường điều tiết thời khóa biểu xen kẽ những môn đại cương và kỹ năng chuyên ngành để sinh viên năm nhất cảm thấy hứng thú, không nhàm chán.