Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Trong đó, một nội dung trong kết luận được đông đảo giáo viên quan tâm, hưởng ứng là việc sắp tới sẽ thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Chính sách nhân văn, hướng đến sự chăm lo cho nhà giáo
Chia sẻ một số quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến việc này, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, kết luận này là một dấu mốc quan trọng đối với các nhà giáo. Nó hiện thực hóa được mong mỏi của giáo viên bao lâu nay rằng, họ có thể "sống" bằng chính tiền lương của nghề mà họ đã chọn.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, điều này có tác động rất lớn để thay đổi tư duy, cách nhìn về công việc nhà giáo, khích lệ giáo viên cống hiến và yên tâm công tác, tiến tới giải quyết bài toán thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương lâu nay.
"Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự thấu hiểu, sẻ chia của lãnh đạo ngành giáo dục, có thể nói gần đây nghề giáo gần đây cũng đã có nhiều thay đổi đáng mừng. Trong đó, mùa tuyển sinh năm nay, lượng thí sinh đăng ký vào các khối ngành sư phạm rất đông và điểm đầu vào cũng rất cao. Điều này cho thấy cách nhìn nhận về nghề giáo cũng đã có thay đổi.
Cộng thêm việc có cơ hội được cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc ưu tiên xếp hạng lương thì tôi nghĩ rằng đây là yếu tố thúc đẩy sự phát triển rất lớn với giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo viên".
Mong sớm hiện thực hoá chủ trương
Cùng chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược - Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc ưu tiên lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ góp phần khích lệ tinh thần lao động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy.
Đồng thời, việc này sẽ khiến nhà giáo phấn khởi hơn, và yên tâm gắn bó với nghề. Giảm bớt tình trạng phải lo nghĩ đến chuyện kiếm sống, làm thêm trang trải cuộc sống mà chuyên tâm vào việc dạy học. Nhờ đó chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện, học trò sẽ được quan tâm và giáo dục tốt hơn.
"Tạo ra các cơ chế ưu đãi về lương, đặc biệt là lương của giáo viên là một chủ trương phù hợp của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn nền kinh tế đang có nhiều biến động. Đặc biệt là sau khi ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhiều giáo viên phải bỏ nghề hoặc chuyển đổi ngành nghề vì đồng lương không đảm bảo phục vụ cuộc sống. Trong khi đó, giá nhà ở, chi phí sinh hoạt thì không hề đứng im.
Chắc chắn khi có các chính sách ưu tiên về lương cho nhà giáo thì nó sẽ giúp đội ngũ giáo viên có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng gia đình. Đồng thời, khi có nguồn thu nhập tăng thêm, nó còn kéo nguồn chi tiêu dùng tăng, tạo ra một chuỗi hiệu ứng tăng trưởng đối với lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước", Phó Giáo sư Võ Đại Lược bày tỏ.
Ngoài ra, vị nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng mong muốn chủ trương này sớm được hiện thực hoá để chính sách đi vào cuộc sống. Qua đó vị này cũng cho rằng, nếu ngành giáo dục được quản lý theo ngành dọc như một số ngành đặc thù khác hiện nay thì việc thực hiện chính sách tốt đẹp liên quan đến lương nhà giáo cũng sẽ nhanh chóng hơn.
"Ngành Giáo dục hơn ai hết hiểu rõ nhất về đội ngũ của mình. Hơn nữa, bản thân các Sở, phòng có thể hiểu rõ về điều kiện trường lớp, điều kiện sống của giáo viên của địa phương để từ đó có sự tham vấn cơ quan quản lý cấp trên đưa ra các kiến nghị phù hợp.
Tất nhiên, khi giao quyền về nhân sự, cũng liên quan đến cấp ngân sách, bởi nếu không có ngân sách thì cũng không giải quyết được nhân sự. Vì vậy, nên cho ngành Giáo dục chủ động quản lý cả về nhân sự và ngân sách thì khi triển khai thực hiện, công việc sẽ trôi chảy, trơn tru hơn", Phó Giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến việc này, khi được hỏi về cảm xúc của mình khi lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, cô Đỗ Bích Vân - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Mỹ, (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) không giấu nổi niềm vui và cho rằng, đây là yếu tố có tác động rất lớn đến tinh thần nhà giáo và mong chủ trương này sớm được hiện thực hoá.
"Hiện mức lương của tôi đang nhận được vào khoảng 6,5 triệu đồng, theo lộ trình thì đến đầu năm học 2024 - 2025 lương của tôi mới được tăng lên khoảng 7,5 triệu đồng. Nếu nhìn nhận thực tế thì với mức lương này nếu để đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và trang trải cuộc sống thì chúng tôi cần phải có sự tính toán chi li mới không bị thâm hụt.
Tôi có nhà ở Hà Nội nên không phải lo lắng đến khoản chi phí tiền thuê nhà. Tuy nhiên, với các chi phí ăn ở, sinh hoạt hàng ngày và chi phí ăn học của các con, nếu vào các tháng tiêu pha nhiều, mức lương như hiện tại của tôi là không thể gồng gánh nổi. Như vậy, nếu với những nhà giáo khác khi còn phải đi thuê nhà, gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên vai thì làm sao họ có thể yên tâm cống hiến cho nghề được.
Vì thế, dù đây chỉ mới là chủ trương nhưng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Nếu được áp dụng vào thực tế sớm thì quá tốt, bởi sẽ bảo đảm cho đời sống của nhiều giáo viên như tôi.
Bởi lẽ, khi ấy giáo viên bớt đi phần vất vả lo kinh tế, không phải tính đi dạy thêm, làm thêm ở ngoài, thậm chí nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong giáo dục, từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên", cô Vân cho hay.