Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024. Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
So với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT trong dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm lần này có một số quy định trước đây đã được bỏ và bổ sung một số nội dung mới. Sau khi được công bố để lấy ý kiến, dự thảo này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và học sinh.
Làm sao để học sinh không có điều kiện đi học thêm không bị ảnh hưởng?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu – Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, khi việc dạy thêm, học thêm đang khó kiểm soát thì cách đối diện với nó theo hướng cởi mở hơn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới như đề xuất vừa qua cũng là điều dễ hiểu.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh. Khi có cầu thì ắt sẽ có cung và cần đến đội ngũ giáo viên có điều kiện và thời gian giảng dạy. Chỉ có điều lâu nay nhiều cá nhân lạm dụng và biến tướng việc học thêm khiến cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với việc dạy thêm của giáo viên.
Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc dạy thêm, học thêm giúp các học sinh yếu kém được bổ sung kiến thức, học sinh khá tiếp cận với nhiều kiến thức hơn, thầy cô có cơ hội trao truyền các kiến thức tích lũy với học sinh mà thời gian trên lớp không đủ. Tuy nhiên cần phải có những hình thức "khống chế" để những em không có điều kiện để đi học thêm không bị ảnh hưởng về việc truyền thụ kiến thức chung. Điều này gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục”, vị Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Nêu lên một số quan điểm về việc, trong Thông tư 17 hiện hành có nêu rõ các trường hợp không được phép dạy thêm nhưng hiện tại trong dự thảo lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được bỏ, Phó Giáo sư Trần Hậu cho rằng, nhìn nhận tích cực dưới góc độ phát triển của nền giáo dục thì đây là cách làm phù hợp.
Vị Phó Giáo sư này bày tỏ: "Trước nay khi các giáo viên trong nhà trường tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm cho học sinh, đa phần các phụ huynh chỉ quan tâm rằng, chất lượng sau mỗi buổi học đó có cao không, các học sinh có bị ép buộc phải đi học thêm hay không? Nếu không đi học thì con mình có bị ảnh hưởng và chèn ép trên lớp học với giáo viên đó hay không?.
Tuy nhiên, để kiểm chứng và kiểm soát được những yếu tố đó thì chính các phụ huynh lại không làm được. Có thể có học sinh cho rằng buổi học thêm với giáo viên đó là không hiệu quả, nhưng có thể đối với các học sinh khác là ngược lại.
Vì thế, dù đó là giáo viên muốn tổ chức các buổi học thêm với động cơ là kiếm tiền hay giáo viên đó có tâm huyết muốn dạy thêm để củng cố kiến thức cho học sinh thì họ đều có những phương án để "hợp thức hóa" những buổi học thêm đó trở thành các buổi học thêm "tự nguyện", chính đáng. Trong thời điểm công nghệ thông tin đang rất phát triển, thì nhà quản lý dù có đặt ra rất nhiều các quy định cấm nhưng để ngăn chặn triệt để là điều không hề dễ dàng.
Qua đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đi một quy định không phù hợp với thời điểm hiện tại liên quan đến dạy thêm cũng chính là để tạo điều kiện để học sinh có nhu cầu học thêm chính đáng được học với giáo viên mà các em yêu thích".
Cần kênh công khai thông tin để giám sát được học thêm, dạy thêm
Chia sẻ một số ý kiến liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh - nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tỏ ra quan tâm đến quy định trong dự thảo về việc giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm thay vì phải xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường như quy định trong Thông tư 17 hiện hành.
Vị này cho rằng, những điểm mới này là cách nhìn tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thay đổi cách tiếp cận và minh bạch hơn vấn đề dạy thêm.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh cũng nhận định, trong bối cảnh mọi thứ đang dần thị trường hóa thì giáo dục cũng không ngoại lệ. Vì thế cơ quan quản lý giáo dục và lãnh đạo các nhà trường cần có những biện pháp quản lý hiệu quả thay vì vất vả tìm kiếm những hành vi vi phạm của giáo viên khi dạy thêm theo những quy định cấm như trước đây.
Qua đó, vị nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu lên một số góp ý để những quy định trong dự thảo đi vào thực chất nếu được triển khai. Trong đó nhấn mạnh, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đưa ra cần có những quy định cụ thể về việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch.
Làm sao để khi có ý kiến thắc mắc từ dư luận thì phải sớm có đơn vị để thanh, kiểm tra đối với cơ sở tổ chức dạy thêm và với giáo viên dạy thêm. Nếu phát hiện có tiêu cực trong dạy thêm, học thêm thì cần có biện pháp xử lý mạnh tay, đủ răn đe, thậm chí là đưa ra thời hạn cấm tổ chức các lớp học thêm với giáo viên vi phạm để tạo lòng tin của phụ huynh, học sinh với các chính sách được ban hành.
Đồng thời, nếu dự thảo được áp dụng vào thực tiễn thì cũng cần đưa ra những quy tắc công khai về quá trình tổ chức dạy thêm với các giáo viên, để nếu cần xác minh thì mọi thứ đều phải có giấy tờ minh chứng, đối chiếu.
Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh chia sẻ thêm: "Việc đổi mới các phương thức quản lý là điều cần thiết để có những thay đổi phù hợp với guồng quay xã hội và sự phát triển của giáo dục.
Tuy nhiên, trước khi ban hành chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có xem xét, khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng. Đặc biệt là gắn trách nhiệm với lãnh đạo của các cơ sở giáo dục có giáo viên tham gia dạy thêm.
Như vậy, không phải khi cơ chế đã thông thoáng hơn thì các trường có thể phó mặc hết chất lượng kiến thức của học sinh thông qua các buổi học thêm do giáo viên trong nhà trường tổ chức. Ngược lại, lãnh đạo nhà trường nên kiểm soát tốt các báo cáo của giáo viên về việc tổ chức dạy thêm.
Đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò và gắn kết giữa Hội Phụ huynh học sinh với Ban giám hiệu các trường để khi cơ chế cởi mở, các giáo viên không lợi dụng vào đó để biến tướng, tạo ra tiêu cực.
Ngoài ra, dự thảo cũng nên đề cập đến vai trò của cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương đối việc giám sát các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu có dư luận xấu thì cần sớm vào cuộc kiểm tra để kiến nghị cấp trên hoặc có thể đưa ra các hình thức xử lý kịp thời".
Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng, sự thay đổi các quy định đối với những thông tư đã ban hành nhiều năm là điều cần thiết. Ông nhấn mạnh, với sự phát triển của xã hội, nếu cơ quan quản lý, ban hành luật không mạnh dạn để tạo ra sự đổi mới thì rất khó tạo ra được sự phát triển của ngành.
"Từ khi dự thảo được ban hành tôi cũng đã dành thời gian để đọc và nghiên cứu và thấy rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số thay đổi, cải tiến đáng chú ý.
Riêng với vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay nó vốn là câu chuyện được nhiều người quan tâm. Trước nay, chúng ta chỉ biết đến những trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm bị xử phạt vì vi phạm quy định chứ rất ít thấy các trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm đúng quy định, giúp học sinh tiến bộ, phụ huynh yêu mến được tuyên dương.
Như vậy, trong dự thảo đề cập đến việc, giáo viên có thể dạy, nhưng phải lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm đó là điểm mới đáng ghi nhận.
Nếu trước đây là xin phép hiệu trưởng, có thể có giáo viên xin phép nhưng cũng có người lén lút thực hiện mà hiệu trưởng không biết, như vậy việc dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra. Như vậy, với quy định mới, nếu hiệu trưởng tiếp cận được báo cáo thì họ cũng sẽ có cơ sở để nắm rõ về việc dạy thêm với từng giáo viên. Thậm chí, có thể phát hiện ra giáo viên dạy thêm đúng quy định và có hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức cho học sinh để biểu dương và tạo hình mẫu".
Qua đó, nêu lên một số góp ý để khi dự thảo được áp dụng vào thực tế, các lãnh đạo nhà trường có thể nhận định được giáo viên tổ chức dạy thêm đó có dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh hay không, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh đến việc, các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục nên mở các kênh thông tin góp ý công khai, rộng rãi.
"Khi có các kênh thông tin góp ý và đảm bảo yếu tố bảo mật cho người nêu ý kiến thì sẽ có nhiều học sinh, phụ huynh lên án đối với những giáo viên ép học sinh đi học thêm.
Bên cạnh đó, khi tiếp nhận các thông tin, lãnh đạo nhà trường cùng cơ quan quản lý cũng nên có sự vào cuộc nhanh chóng để xác minh, tìm hiểu và xử lý nếu có sai phạm. Nếu làm được những điều này song hành với những quy định mới trong dự thảo, chắc chắn việc quản lý dạy thêm, học thêm cũng sẽ dễ dàng và thực chất hơn", Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhận định.