Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.
Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên có đôi điều bàn thêm về thực trạng dạy thêm, học thêm ở trường trung học phổ thông nơi địa phương người viết đang công tác.
Hầu hết các trường trung học phổ thông (công lập và tư thục) ở địa phương này đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày, bao gồm tiết học chính khoá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tiết tăng cho một số môn theo nội bộ của từng trường.
Bản chất của việc tăng tiết buổi 2 (buổi chiều) là dạy thêm, học thêm và các nhà trường được phép thu học phí theo quy định của địa phương.
Theo đó, tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở địa phương người viết công tác: mức thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng ở bậc trung học cơ sở và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc trung học phổ thông.
Tuy vậy, việc dạy buổi 2 nhiều năm qua ở địa phương này (kể cả một số địa phương khác) đang tồn tại một số bất cập mà cơ quan quản lí giáo dục (Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo) và hiệu trưởng các nhà trường vẫn chưa có phương án tháo gỡ.
Thứ nhất, việc tổ chức dạy học buổi 2 vẫn theo đơn vị lớp như tiết học ở buổi chính khoá và học sinh hầu như không được lựa chọn giáo viên giảng dạy theo sở thích, nguyện vọng của các em.
Việc này khiến học sinh (kể cả giáo viên) bị thiệt thòi về quyền lợi và thầy, trò đều gặp không ít khó khăn, trở ngại trong dạy thêm, học thêm ở trong trường học.
Người viết lấy ví dụ, một lớp học buổi chính khoá có 45 học sinh, tiết học buổi 2 giáo viên cũng dạy chừng này em thì làm sao có thể dạy phân hoá theo năng lực của từng học sinh.
Lẽ ra, đối với tiết học buổi 2 thì học sinh khá, giỏi phải được bồi dưỡng các kiến thức, kĩ năng liên quan đến môn học. Tương tự, học sinh trung bình phải được bổ trợ kiến thức, còn các em học yếu cần được phụ đạo để cải thiện lực học.
Thế nhưng, tất cả học sinh trong lớp cùng học một phạm vi kiến thức ở buổi 2 làm cho các em có lực học khá, giỏi cảm thấy nhàm chán, vì được giáo viên ôn đi ôn lại, còn các em có lực học trung bình, yếu thì không theo kịp.
Thứ hai, theo ghi nhận của người viết, hầu như học sinh ở các nhà trường công lập, tư thục vẫn không được quyền chọn giáo viên dạy buổi 2. Ví dụ, buổi sáng giáo viên A dạy môn Toán thì buổi chiều giáo viên này cũng tham gia dạy buổi 2.
Giáo viên nào dạy giỏi, có trách nhiệm và tâm huyết với học sinh thì việc thầy cô tham gia dạy buổi 2 cho các em là rất đáng mừng.
Ngược lại, vẫn còn không ít giáo viên thiếu trách nhiệm trong công việc, thậm chí thầy cô bị đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh đánh giá thấp về năng lực chuyên môn nhưng họ vẫn được hiệu trưởng sắp xếp dạy buổi 2 là rất thiệt thòi cho học sinh.
Thực lòng mà nói, ở các nhà trường trung học phổ thông, nếu học sinh được quyền chọn giáo viên dạy buổi 2 thì sẽ có giáo viên dạy không xuể nhưng cũng có người không có lớp dạy hoặc chẳng được bao nhiêu học sinh đăng kí học.
Hiệu trưởng nơi đơn vị người viết đang công tác đã từng chia sẻ rằng, cho phép học sinh được chọn giáo viên dạy buổi 2 cũng có cái khó.
Đó là, giáo viên không được học sinh chọn dạy sẽ "tâm tư" và họ cũng mất thêm một nguồn thu nhập, trong khi đồng lương nhà giáo nhìn chung vẫn còn khá thấp.
Chưa kể, buổi chính khóa học sinh học với giáo viên này nhưng buổi 2 thì học với giáo viên khác cũng khiến mối quan hệ giữa thầy và trò bị rạn nứt.
Ngoài ra, giáo viên không được học sinh hoặc chọn ít cũng khiến thầy cô trong tổ chuyên môn có thể xảy ra sự bất hòa, kéo theo tổ trưởng, hiệu phó, hiệu trưởng càng thêm gánh nặng trong công tác quản lí.
Tuy vậy, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, học sinh phải được chọn giáo viên trong việc học buổi 2 vì quyền lợi của các em là trên hết.
Hơn nữa, phụ huynh đóng tiền học thêm thì việc con em họ phải được lựa chọn giáo viên là không có gì phải bàn cãi, trong hoàn cảnh này, cần trọng lí hơn trọng tình.
Giáo viên nào không được học sinh chọn hoặc ít chọn học thêm thì bản thân thầy cô phải tự nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thu hút người học.
Ngược lại, nếu giáo viên nào không chịu tự học, tự trau dồi chuyên môn để đáp ứng nhu cầu học thêm đa dạng của học sinh, phụ huynh thì họ sẽ bị đào thải theo quy luật cung cầu.
Thứ ba, người viết còn thấy rằng, việc dạy buổi 2 ở các nhà trường phổ thông vẫn còn tình trạng nhập nhèm với tiết học chính khóa.
Cụ thể, vẫn có trường dạy học 2 buổi/ngày chưa chủ động xây dựng nội dung kế hoạch dạy học chi tiết cho các môn học, cơ sở vật chất chưa đảm bảo dẫn đến gây quả tải với giáo viên và học sinh.
Đáng nói, không ít trường tư thục có tổng số tiết dạy học trong tuần lên đến hơn 48 tiết (cả chính khóa và buổi 2/tăng tiết) khiến học sinh chỉ biết vùi đầu vào việc học, rất mệt mỏi.
Hoặc khi thực hiện chương trình 2 buổi/ngày, một số nhà trường vẫn còn tình trạng sử dụng thời lượng dành cho việc dạy học, giáo dục thuộc kế hoạch buổi 2 để thực hiện chương trình chính khoá cũng như thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh.
Người viết đã từng nghe một số lãnh đạo và giáo viên thanh minh rằng, chương trình còn nặng, tiết dạy chính khoá không đủ thời gian nên không còn cách nào khác thầy cô phải kéo dài nội dung tiết dạy, bài dạy sang buổi 2.
Ý kiến này có phần đúng, bởi vì qua quá quá trình giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông, người người viết nhận thấy, chương trình môn học này ít nhiều còn hàn lâm so với lứa tuổi và nhận sinh của học sinh.
Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải dựa vào chương trình, sách giáo khoa để soạn giảng sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh để giảm tải cho các em.
Những năm tới, theo quan điểm cá nhân người viết, ngành giáo dục cần tổng kết những thuận lợi, khó khăn cũng như ưu, nhược điểm của Chương trình mới để giảm tải chương trình cho học sinh - đây mới là việc làm thiết thực, căn cơ để góp phần hạn chế việc dạy thêm, học thêm như hiện nay.
Đọc kĩ dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người viết cảm thấy rất tâm đắc với những nội dung được ghi rõ ở khoản 4 Điều 4:
"Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh."
Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm quy định, mỗi lớp dạy thêm, học thêm không quá 20 học sinh/lớp theo từng nhóm năng lực của các em.
Nếu hiệu trưởng "căn cứ nguyện vọng của học sinh" để "xếp lớp, phân công giáo viên" thì sẽ góp phần làm cho cho việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường phổ thông có hiệu quả, học sinh sẽ tiến bộ qua từng ngày.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.