Giao định mức tuyển sinh cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có phù hợp?

02/09/2024 07:19
Nguyễn Xuân Trung (Cao đẳng Huế)

GDVN - Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng, trung cấp có 12 nhiệm vụ và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp có 10 nhiệm vụ.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đã khoán định mức tuyển sinh cho nhà giáo theo năm học. Có trường còn coi đó là một giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

1372.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiệm vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn chức danh

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP chỉ rõ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thẩm quyền và trách nhiệm quy định “chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.” Các văn bản về nội dung này của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện nay, cũng chính là những quy phạm pháp luật về nhiệm vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:

Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp;

Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp;

Thông tư số 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Trước tiên, cần xem xét về nhiệm vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Thông tư số 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định nhiệm vụ, sau đó là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của 9 chức danh, từ giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp đến giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp.

Nhìn chung, tất cả các nhà giáo đều có 5 nhiệm vụ tương tự nhau, chỉ khác biệt vài chi tiết ở từng chức danh, có thể tóm tắt lại là:

a) Giảng dạy và đánh giá kết quả học tập;

b) Chủ trì hoặc tham gia hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, sáng kiến, khoa học và công nghệ;

c) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng và quản lý phòng học chuyên môn, thiết bị và đồ dùng dạy học;

d) Học tập nâng cao, thực tập tại doanh nghiệp, dự giờ và trao đổi, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo khác;

đ) Hướng dẫn tốt nghiệp, thực tập, lao động sản xuất, luyện thi tay nghề cho người học.

Như vậy, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không có nhiệm vụ nào về tuyển sinh, chiêu sinh hay tham gia những hoạt động liên quan đến tuyển sinh, chiêu sinh.

Nhiệm vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo chế độ làm việc

Thứ hai, các thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH và 28/2022/TT-BLĐTBXH đưa ra quy định nhiệm vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, sau đó là thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm và định mức giờ giảng như trình bày ở bảng dưới đây.

STT
Nội dung
Thời gian (tuần)
Cao đẳng
Trung cấp
Sơ cấp
1
Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên
32
36
42
2
Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học
8
4
2
3
Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn
4
4
2
4
Nghỉ hè
6
6
4
5
Nghỉ lễ, tết
2
2
2
Cộng
52
52
52
Định mức giờ giảng (giờ chuẩn)
350-450
400-510
500-580

Trong đó, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng, trung cấp có 12 nhiệm vụ và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp có 10 nhiệm vụ. Đối chiếu với các quy định này, không có nhiệm vụ nào về tuyển sinh và chiêu sinh.

Tuy nhiên, tất cả các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đều được quy định là “Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.”

Với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, trường hợp sử dụng không hết khoảng thời gian quy định để học tập, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học thì hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm “công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác.” Sau đó, quy đổi thành giờ chuẩn và tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo.

Tương tự như vậy, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp, khi không sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác..

Như vậy, nếu coi tuyển sinh, chiêu sinh là một “nhiệm vụ khác” được giao cho nhà giáo thì nó phải được thực hiện như sau:

Chỉ giao khi nhà giáo không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng và chỉ trong phạm vi khoảng thời gian này, trình bày ở bảng trên.

Công việc tuyển sinh, chiêu sinh phải được quy ra giờ chuẩn để tính thêm vào định mức giờ giảng theo năm học.

Nếu có giao chỉ tiêu tuyển sinh thì phải kèm theo các phương tiện, nguồn lực, chi phí cũng như sự hỗ trợ cần thiết để nhà giáo có thể hoàn thành nhiệm vụ, theo các quy định tại Điều 11 Luật Viên chức 2010.

Tóm lại, về các quy định, hoàn toàn không có điều khoản cụ thể giao định mức tuyển sinh cho nhà giáo như là một nhiệm vụ đương nhiên, ai cũng như nhau ở cùng hoặc khác chức danh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Xuân Trung (Cao đẳng Huế)