Dự thảo quy định dạy thêm trao nhiều quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng

01/09/2024 06:42
Đào Hiền

GDVN - Ở vị trí hiệu trưởng, trách nhiệm nặng nề hơn khi phải quản lý và giám sát và ra quyết định cho hoạt động dạy thêm, học thêm ở cả trong và ngoài nhà trường.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Thời gian lấy ý kiến kiến góp ý đến hết ngày 22/10/2024.

Làm rõ nhu cầu dạy thêm, học thêm để quản lý hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, hoạt động dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh luận trong xã hội.

Những năm gần đây, nhu cầu học thêm, dạy thêm ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt khi tình trạng có nhiều lớp học tự phát “mọc” lên ồ ạt bên ngoài nhà trường một cách khó kiểm soát. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý của các cơ sở giáo dục mà còn mang đến những tiêu cực không đáng có.

Theo cô Hồng, xã hội cần nhận thức và phân biệt, đánh giá rõ nhu cầu học thêm, dạy thêm đến từ đâu để hạn chế những điều tiếng không hay dành cho hoạt động này.

Trên thực tế, có thể thấy rõ ở vị trí phụ huynh luôn có mong muốn, kỳ vọng đối với con cái về một kết quả học tập tốt, đây là lẽ hiển nhiên không thể thay đổi.

Hơn hết, khi điều kiện xã hội ngày càng phát triển và đặt ra những yêu cầu cao hơn thì phụ huynh lại có tâm lý và kỳ vọng con sẽ phải học tốt hơn, giỏi hơn từng ngày.

Mặt khác, khả năng tiếp thu của mỗi học sinh là khác nhau, do đó đối với những học sinh có học lực trung bình và mức độ tiếp thu còn hạn chế thì chắc chắn cha mẹ học sinh đều mong muốn con được bồi dưỡng thêm ngoài giờ học chính trên lớp. Xét theo quy luật tự nhiên, có cung ắt sẽ có cầu.

cô Hồng.png
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Mộc Hương.

Trước những thông tin tiêu cực về hoạt động dạy thêm, học thêm, cô Hồng cho rằng cần nhìn đến lợi ích và hiệu quả mà hoạt động này đem lại thay vì đánh giá từ một vài trường hợp tiêu cực để rồi quy chụp tất cả.

Hơn hết, chương trình giáo dục hiện nay được thay đổi và hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của học sinh. Cụ thể, thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Như vậy, sách giáo khoa chỉ là những định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chứ không phải là khuôn mẫu cố định để học tập.

Do đó sẽ loại bỏ được khả năng giáo viên “ép" học sinh đi học thêm lớp mình dạy cũng như tư tưởng học “đúng" cô thì mới mong làm được bài thi trên trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nhu cầu học thêm đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài và đang ngày càng trở nên phổ biến.

Vậy nên việc Nhà nước ban hành quy định việc học thêm, dạy thêm là điều rất cần thiết để kiểm soát và đảm bảo cho hoạt động này được thực hiện tích cực, tránh tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

Theo đó, cần xác định rõ nhu cầu cho việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường phải xuất phát từ mong muốn của học sinh khi năng lực, mức độ tiếp thu kiến thức trên lớp học không đảm bảo yêu cầu.

Khi đó, hoạt động dạy thêm sẽ là một kênh thông tin hữu ích giúp nhà trường theo dõi, đánh giá năng lực của của học sinh và giáo viên trong quá trình học tập.

Trên thực tế, vấn đề dạy thêm học thêm gây tranh cãi khi hiện tượng lớp học thêm được mở ra ồ ạt và không có sự kiểm soát. Thậm chí nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu hoạt động dạy thêm, học thêm có thực chất đến từ nhu cầu của học sinh hay đến từ mong muốn của giáo viên khi có thể “thu lời” từ các lớp học này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, chúng ta không nên lạm dụng việc này như là một hình thức nhằm nâng cao thu nhập cho giáo viên. Cần nghiêm cấm và lên án những trường hợp giáo viên ép buộc học sinh học thêm tại các lớp học ngoài trường.

Với những giáo viên vi phạm, cần áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất để cảnh cáo, thậm chí là buộc thôi việc nếu tái phạm.

“Để kiểm soát tốt hoạt động này, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét nguyên nhân, nhu cầu dẫn đến việc học thêm, dạy thêm. Nếu hoạt động này bắt nguồn từ sự quá tải của chương trình đào tạo thì cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Mặt khác, cần sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra hiệu quả, tích cực và chất lượng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng chia sẻ.

gdvn-pgsnguyenkimhong-giaoducnetvn-2-6094.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng cho rằng cần sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra hiệu quả. Ảnh: PM

Trách nhiệm của hiệu trưởng rất nặng

Nhận xét về dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, cô Nguyễn Ngọc Hân - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: Nhìn chung, dự thảo đã cởi bỏ nhiều nút thắt, khắc phục nhiều khó khăn và bất cập còn tồn tại trong Thông tư 17.

Dự thảo Thông tư đã tháo gỡ được nút thắt của hầu hết mọi giáo viên khi trước đây thực hiện dạy thêm thì phải đảm bảo yêu cầu bắt buộc là không được dạy học sinh chính khoá của mình.

Điều này vô cùng bất cập và là nỗi trăn trở của mọi giáo viên khi qua quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên sẽ nắm bắt được thế mạnh, điểm yếu của học sinh. Do đó nếu như phụ đạo chính học sinh của mình, giáo viên sẽ biết cách và dễ dàng bồi dưỡng cũng như truyền đạt lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh đó.

Ngược lại, nếu sắp xếp học sinh trong lớp một giáo viên khác thì giáo viên sẽ cần phải có thời gian tìm hiểu, theo dõi năng lực, trình độ của học sinh đó để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Đối với học sinh thì sẽ phải làm quen và thích nghi với phương pháp dạy học mới, thậm chí có trường hợp học sinh không kịp thích ứng với cách dạy của giáo viên dẫn đến tâm lý chán nản khi học tập.

Theo đánh giá từ Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, nội dung trong dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm sẽ phát huy những điểm tích cực đối với hoạt động này.

Cụ thể là mọi hình thức dạy thêm, học thêm bên trong hay bên ngoài nhà trường đều được gắn những yêu cầu điều kiện nhằm kiểm soát hoạt động dạy thêm một cách chặt chẽ và nghiêm túc hơn.

Điểm mới của dự thảo Thông tư là đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.

Bên cạnh đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục (gọi chung là Hiệu trưởng) để đảm bảo việc thực hiện hoạt động này đúng như nội dung trong dự thảo, đảm bảo hiệu quả quản lý ở từng cơ sở giáo dục.

Theo đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được diễn ra nếu như có sự đề xuất từ tổ chuyên môn. Để có thể đưa ra đề xuất, tổ chuyên môn cần có sự giám sát và khả năng đánh giá năng lực học sinh.

Mặt khác, vì là bộ phận ra đề thi, đề kiểm tra nên khi trách nhiệm của đội ngũ này được nâng lên thì sẽ giúp các đề xuất dạy thêm, học thêm trở nên chất lượng hơn.

Khi thực hiện, tổ chuyên môn sẽ là người phát hiện những điểm hạn chế, lỗ hổng kiến thức của học sinh, do đó dễ dàng hơn trong việc xác định nội dung trọng tâm để tăng cường ôn luyện cho người học.

Ở vị trí Hiệu trưởng, trách nhiệm sẽ nặng nề hơn khi phải quản lý và giám sát và ra quyết định cho hoạt động dạy thêm, học thêm ở cả trong và ngoài nhà trường.

293a55437e2fd971803e.jpg
Cô Nguyễn Ngọc Hân - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Đối với dạy thêm, học thêm trong trường, sau khi tổ chuyên môn có đề xuất, Hiệu trưởng phải ghi nhận những ý kiến đóng góp của tổ chuyên môn, sau đó mới xem xét, đánh giá thực tế cân nhắc có phê duyệt các đề xuất dạy thêm, học thêm trong trường hay không.

Nếu phê duyệt hoạt động dạy thêm diễn ra trong trường, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về yêu cầu thực hiện như trong dự thảo Thông tư.

Đối với hoạt động dạy thêm ngoài trường, Hiệu trưởng là người duyệt và cấp phép cho giáo viên có được tham gia dạy thêm bên ngoài hay không. Do đó, cô Hân cho rằng nếu thực hiện theo đúng nội dung dự thảo thì trách nhiệm của Hiệu trưởng rất lớn khi phải trực tiếp nắm được tình hình, nhu cầu dạy thêm tại trường.

Thứ hai phải đánh giá được năng lực của giáo viên, có đủ sự nghiêm khắc và phân minh khi phân công giáo viên phụ trách dạy thêm trong trường và cấp phép cho giáo viên dạy thêm bên ngoài.

Vậy nên, nếu Hiệu trưởng cấp phép, phê duyệt cho giáo viên được tham gia dạy thêm bên ngoài thì vừa phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, vừa phải chịu trách nhiệm với cả năng lực của giáo viên đó.

Ngoài ra, việc dạy thêm trong nhà trường được công khai, minh bạch cụ thể về nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà trường, người học và phụ huynh cũng như xã hội thuận lợi kiểm soát.

Thực hiện đúng sẽ loại bỏ nhiều bất cập trước đó

Dạy thêm, học thêm không phải là hoạt động xa lạ trong xã hội tuy nhiên, chủ đề này vẫn luôn có sức “nóng" bởi trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Theo chia sẻ từ cô Nguyễn Ngọc Hân, nếu nhìn nhận đúng đắn thì dạy thêm, học thêm xuất phát nhu cầu của học sinh và phụ huynh dưới sự hỗ trợ của những giáo viên tâm huyết với nghề.

Tuy nhiên, nhìn nhận trực diện thực tế thì vẫn còn "số ít" giáo viên lạm dụng, “lách luật" để thu lợi về mình từ chính hoạt động này.

Cụ thể như việc tận dụng thời gian phụ đạo để dạy những nội dung trong chương trình chính khoá, thậm chí dạy trước nội dung có trong đề kiểm tra để lấy thành tích cho học sinh. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho xã hội có định kiến về dạy thêm, học thêm.

Trên thực tế, việc đảm bảo khối lượng kiến thức trên lớp là điều bắt buộc đối với mỗi giáo viên và nghiêm cấm tuyệt đối giáo viên không được cắt xén nội dung học tập trên lớp để sử dụng trong các tiết học dạy thêm.

Do đó, cô Hân cho rằng, nếu tổ chức dạy thêm, học thêm thì yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có thời khoá biểu đi kèm với kế hoạch đào tạo trên lớp một cách rõ ràng, minh bạch.

Đối với giáo viên phải xây dựng giáo án dạy thêm, học thêm và nhà trường cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của giáo viên có đúng với thời khoá biểu và kế hoạch dạy thêm đã đề ra trước đó.

Giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài nhà trường thì cần báo cáo chi tiết và chỉ khi được sự cho phép từ Hiệu trưởng mới được tham gia giảng dạy ở các cơ sở dạy thêm có đăng ký giấy phép kinh doanh.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải đánh giá đúng năng lực, trình độ của giáo viên trong trong việc phê duyệt, cấp phép giáo viên tham gia dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường. Tránh tình trạng để giáo viên tham gia vào hoạt động dạy thêm, học thêm một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng đã chỉ ra điểm thiếu sót trong dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm.

Theo thầy Hồng, hiện trong văn bản dự thảo chưa thấy đề cập đến quy định giáo viên được dạy thêm bên ngoài bao nhiêu giờ một ngày. Vì chưa có quy định cụ thể nên sẽ không có căn cứ để đánh giá thời lượng giáo viên dạy thêm như thế nào là phù hợp?

Trường hợp giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài với tần suất dày đặc nhưng không có thang đo cụ thể về thời gian nên nhà trường rất khó để giám sát cũng như đánh giá, phê duyệt cho giáo viên.

Do đó, thầy Hồng đề xuất phải có sự phối hợp với các cơ quan quản lý khác như nơi cấp phép dạy thêm để có thể kiểm soát hoạt động dạy thêm ở cả trong và ngoài nhà trường.

Ngoài ra cần nêu rõ quy định cho phép giáo viên được dạy thêm tối đa bao nhiêu giờ trong ngày, trong tuần.

Trường hợp giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài với tần suất dày đặc, nhà trường có được quyền can thiệp hay không, nếu có thì sẽ xử lý thế nào?

“Quản lý tốt được điều này sẽ hạn chế tình trạng giáo viên lạm dụng hoạt động dạy thêm, học thêm để kiếm lời, tăng thu nhập”, thầy Hồng chia sẻ.

Đào Hiền