Cách tính điểm xét tốt nghiệp mới buộc học sinh phải chú trọng học từ lớp 10

04/09/2024 06:15
ĐÀO HIỀN

GDVN - Theo chuyên gia, tỷ lệ 50% - 50% như dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã nêu là con số hợp lý và tiến bộ. 

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Trong đó, một trong những điểm mới đáng chú ý là xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi".

Tỷ lệ 50%- 50% là sự điều chỉnh đúng đắn và phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về điểm mới này, ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc nâng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở lớp 10,11,12 lên 50% là điều rất cần thiết và hợp lý. Bởi mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Do đó, sự đổi mới trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp là hoàn toàn đồng bộ với mục tiêu giúp học sinh vừa làm chủ kiến thức phổ thông, vừa biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống.

gdvn_1.JPG
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau. Ảnh minh hoạ: Đào Hiền

Theo ông Phạm Quốc Toản, quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/05/2020 đã nêu rõ mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

Thứ nhất là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thứ hai là làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Thứ ba là cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh.

Do đó, điều chỉnh tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của 3 năm học bậc trung học phổ thông lên 50% trong việc xét tốt nghiệp là sự thay đổi phù hợp và đúng đắn để phát triển toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân trong tương lai.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái – nguyên Trưởng khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ bản và toàn diện công tác đánh giá giáo dục.

ad-4nxdmjwzgaq4b-72d0qfqbia-yihyykt4n4ejbrid1qbeypt3rxvidzxqizscuzemuxjdurdbdap41eiluvyw2fysqc7-1ly47trypnih9aqvdyl7ks6ia1vhjyulmqciq7qrb5lwrr6zbhhniyoiguq-ztbeo8uafvuxmhyrjyvdy5pbzu-pyq-9156.png
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - giảng viên khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: giaoduc.net.vn

Theo Giáo sư Đỗ Đức Thái, có hai hình thức đánh giá chủ yếu trong Chương trình phổ thông 2018, đó là đánh giá quá trình và đánh giá định kì.

Đánh giá quá trình (hay còn gọi là đánh giá thường xuyên) đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học sinh, thậm chí là đánh giá theo từng tiết học nhằm liên kết chặt chẽ giữa quá trình dạy học và quá trình đánh giá.

Đây là một phần quan trọng của quá trình dạy học nhằm đánh giá được phẩm chất và năng lực của người học. Từ đó giúp giáo viên và học sinh nhận ra những điểm hạn chế cần cải thiện để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy và học, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học sinh.

Thứ hai là đánh giá định kỳ thể hiện qua các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có thể hiểu rằng, đánh giá định kỳ có mục đích chính là đánh giá việc thực hiện các mục tiêu học tập, xác định khả năng hoàn thành nhiệm vụ học tập của từng học sinh so với yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả đánh giá định kỳ được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học sinh.

“Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cả hai hình thức đánh giá nêu trên đều giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công tác đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục. Nếu đã xác định và coi đánh giá thường xuyên là nội dung không thể thiếu thì cần thể hiện rõ hơn vai trò và hiệu quả mà hình thức đánh giá này đem lại đối với việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn hết, khi ý nghĩa và vai trò của cả hai hình thức đánh giá là như nhau vậy thì tại sao trước đây chúng ta lại sử dụng 70% dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 30% kết quả học tập ở bậc phổ thông để xét công nhận tốt nghiệp?

Như vậy là chưa cân đối và thiếu công bằng cho quá trình đánh giá. Do đó, nếu để tỷ lệ 50% - 50% như dự thảo đã đưa ra thì chắc chắn đây sẽ là tỷ lệ hợp lý và tiến bộ hơn rất nhiều so với quy định trước đó”, thầy Thái nêu quan điểm.

Học sinh là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất

Từ thực tiễn đào tạo, thầy Hoàng Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tụy (Ninh Bình) cũng cho rằng, việc tăng lên 50% tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả ba lớp 10, 11 và 12 là việc làm cần thiết để có thể đánh giá hiệu quả quá trình dạy - học ở bậc trung học phổ thông.

Nếu sử dụng tỷ lệ 30% - 70 % như trước đây thì có nhiều bất cập khi mục tiêu cuối cùng của học sinh là phục vụ cho một kỳ thi thay vì tập trung phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất tại trường học.

Do đó, việc cân đối và giữ tỷ lệ 50% - 50% là một cách tính khoa học, đảm bảo sự hài hòa trong việc đánh giá cả phẩm chất và năng lực người học.

GDVN (11).JPG
Cách tính mới trong xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông tạo thuận lợi cho cả người học và nhà trường. Ảnh minh hoạ: Phạm Minh

Theo ý kiến đánh giá của thầy Nam, khi dùng 50% kết quả đánh giá quá trình học tập ở bậc trung học phổ thông để xét công nhận tốt nghiệp sẽ giúp học sinh có định hình học tập tốt ngay từ những ngày đầu năm lớp 10.

Qua đó các em sẽ học tập tích cực hơn, có kế hoạch học tập nghiêm túc trong suốt cả một cấp học chứ không chỉ đầu tư cho năm học cuối cấp như trước đây.

Về phía nhà trường, khi kết quả học tập ở cả 3 năm học trung học phổ thông chiếm một tỷ lệ cao trong việc xét tốt nghiệp thì vai trò của cơ sở giáo dục sẽ ngày một tăng lên.

Cụ thể, nhà trường phải chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo thực chất hơn cho người học. Qua đó, định hướng học sinh ngay từ những ngày đầu cấp và hướng dẫn các em trong quá trình học tập, ôn tập và dự thi sau này.

“Hiện, việc tổ chức dạy học tại các trường trung học phổ thông đều được triển khai theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi tỷ lệ xét tốt nghiệp trung học phổ thông có sự thay đổi thì chắc chắn các đơn vị đào tạo cũng sẽ có định hướng sớm để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, giúp học sinh học tập thuận lợi và phát triển toàn diện.

Đồng thời các trường cần có sự phân hoá trong quá trình đào tạo để phát triển phẩm chất và năng lực người học, giúp học sinh có thể định hình sớm hơn trong việc lựa chọn ngành nghề cũng như việc dự thi xét tuyển đại học, cao đẳng sau này.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường để phân luồng học sinh hiệu quả", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tụy chia sẻ.

Trong khi đó, theo Giáo sư Đỗ Đức Thái, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông phải dựa trên đánh giá suốt cả quá trình ba năm học trung học phổ thông của học sinh mới tạo ra được sự công bằng thay vì chỉ dựa vào kết quả từ một kỳ thi cuối cấp.

Ngoài ra, Giáo sư Thái còn nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng khác nữa đó là việc giảm tỉ lệ điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 70% xuống 50% sẽ cho phép đề thi tốt nghiệp của các môn học có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo cung cấp dữ liệu tin cậy hơn, chất lượng hơn cho công tác tuyển sinh đại học.

Đồng thời việc tăng tỷ lệ đánh giá thường xuyên (dựa vào kết quả học tập ở cả ba năm trung học phổ thông) lên 50% sẽ tránh tình trạng đánh giá lớp học nào là quan trọng hơn lớp học nào.

Trên thực tế, hiện tượng học sinh đủng đỉnh trong năm lớp 10, 11 không phải con số ít. Nhiều em có tâm thế coi thường quá trình và kết quả học tập ở hai năm đầu cấp mà chỉ dồn sức để học tập ở lớp 12.

Việc chỉ đầu tư học tập ở giai đoạn lớp 12 đã phản ánh tâm thế học sinh phổ thông khi chỉ tập trung đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi cuối cấp mà thiếu sự coi trọng đối với kết quả của quá trình học tập.

“Như câu nói “xây nhà từ móng chứ không ai xây từ nóc", việc học tập của học sinh cũng được xác định là một quá trình liên tục và có sự kế thừa. Nếu người học tập trung và dồn lực từ năm học đầu tiên thì sẽ đạt được yêu cầu cần đạt của năm học đó. Đây sẽ là bệ phóng vững chắc để học sinh tiếp tục phát huy và đáp ứng các yêu cầu cần đạt cho hai năm học tiếp theo", Giáo sư Thái bày tỏ.

ĐÀO HIỀN