Tỷ lệ GV theo chuẩn còn là thách thức đối với trường đại học mới đào tạo tiến sĩ

11/09/2024 06:18
Thanh Thuý

GDVN -Tiêu chí về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ở Thông tư 01 là thách thức khá lớn cho nhiều cơ sở giáo dục đại học đặc biệt với các trường mới đào tạo tiến sĩ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ quy định về tiêu chuẩn giảng toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đối với các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả tỷ lệ dành riêng cho các trường đào tạo ngành đặc thù.

Theo đó, tại Tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2 quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau:

"Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;

Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".

Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ còn là thách thức với cơ sở giáo dục

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang chia sẻ: “Trong xu thế tự chủ đại học, cá nhân tôi đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục”.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, tỷ trọng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% là khả thi, sát với mục đích ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, tiêu chí này cũng là một thách thức khá lớn cho các cơ sở giáo dục đại học mới đào tạo trình độ tiến sĩ, bởi sự không đồng đều về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giữa các lĩnh vực và ngành đào tạo của mỗi trường".

_uploads_20_images_%C4%90T-NCKH-HTQT-SV_Hu%E1%BB%B3nh%20L%C3%AA%20H%E1%BB%93ng%20Th%C3%A1i_gi%E1%BA%A3ng%20d%E1%BA%A1y%20m%C3%B4%20ph%E1%BB%8Fng%20%C4%91i%E1%BB%81u%20%C4%91%E1%BB%99ng%20t%C3%A0u.jpg
Để đạt được tỷ lệ như Tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT đã đặt ra, Trường Đại học Nha Trang đã có định hướng, chiến lược trong việc phát triển đội ngũ giảng viên. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Nha Trang hiện nay đang đào tạo đến trình độ tiến sĩ. Theo thầy Trung, việc đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ được nhà trường xác định từ cách đây 5 năm. Cụ thể năm 2020 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chỉ tiêu đạt 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Từ mức 33,3% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2020, đến nay tỷ lệ này là hơn 39%, gần đạt chỉ tiêu đề ra và sát với tiêu chí của Thông tư 01.

Để đạt được kết quả nêu trên và tiếp tục phấn đấu mục tiêu đạt trên 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ có chất lượng, cùng với các mục tiêu phát triển nhà trường đến năm 2030, Trường Đại học Nha Trang đã ban hành Chiến lược phát triển trường; ban hành Đề án thực hiện Chiến lược phát triển đội ngũ giai đoạn 2021 - 2025; ban hành quy định tuyển chọn giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89 của Chính phủ; rà soát và đưa các giảng viên thuộc diện đi học tiến sĩ vào quy hoạch chuyên môn giai đoạn 2019 - 2030; sửa đổi chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo đối với giảng viên đi học tiến sĩ; mở các khóa bồi dưỡng năng lực tiếng Anh; hỗ trợ thi chứng chỉ quốc tế; chính sách thưởng khi giảng viên đạt trình độ tiến sĩ hoặc được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư; chính sách thu hút giảng viên trình độ cao về trường công tác; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược để tìm kiếm, giới thiệu các nguồn học bổng…

Theo kết quả báo cáo tiến độ học nghiên cứu sinh của các giảng viên, dự kiến đến cuối năm 2024 Trường Đại học Nha Trang sẽ đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ theo quy định.

Nhìn chung, việc thực hiện tỷ lệ nêu trên không có khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên thách thức của trường cũng như của các cơ sở giáo dục đại học khác đó là một số ngành có thế mạnh và bề dày trong đào tạo, nghiên cứu thì tỷ lệ tiến sĩ thường rất cao, nhưng quy mô đào tạo lại khá thấp, trong khi một số ngành mới có tỷ lệ tiến sĩ chưa cao thì quy mô đào tạo thường khá cao, gây quá tải và khó khăn cho giảng viên trong việc đi học tiến sĩ.

Một thách thức khác đó là một số giảng viên sau khi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài thường có xu hướng ở lại nước ngoài làm việc. Ngoài ra, sau khi Chuẩn này được ra đời, đang có sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học để thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng gây khó khăn ít nhiều cho việc tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ về trường.

Theo lãnh đạo một trường đại học ở địa phương, việc thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đang rất được nhà trường quan tâm.

Những năm vừa qua, nhà trường đã có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho cán bộ đi học nghiên cứu sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các thầy, cô được chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cũng như cấp kinh phí cho giảng viên khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những đề xuất với tỉnh trong việc xây dựng đề án đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên, xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ theo chức danh và học vị.

Với sự quan tâm của tỉnh, trong thời gian tới nhà trường sẽ có thêm những định hướng, những chính sách riêng để thu hút được đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Đại diện nhà trường cũng cho biết, thời gian từ giờ đến cuối năm, nhà trường đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để đào tạo thạc sĩ. Sắp tới, nhà trường sẽ mở đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế, trường đã có đủ điều kiện, làm đề án và đã có hội đồng tuyển sinh, đang hoàn thiện nốt các hồ sơ thủ tục để cuối năm sẽ xét tuyển và đào tạo thạc sĩ quản lý kinh tế.

Trong lộ trình dài hạn sắp tới, nhà trường đã có định hướng sẽ mở đào tạo trình độ tiến sĩ với 2 ngành dự kiến là tiến sĩ Quản lý kinh tế và tiến sĩ Chính trị học. Để có thể đáp ứng đủ điều kiện mở đào tạo trình độ tiến sĩ 2 ngành này, nhà trường sẽ có thêm những chính sách thu hút, phát triển giảng viên có trình độ cao nhằm đáp ứng theo quy định về tiêu chuẩn giảng toàn tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, để đáp ứng được Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vẫn là một thách thức lớn với nhà trường như ngoài vấn đề về kinh phí hạn chế của các trường, việc phát triển đội ngũ vẫn còn rất khó khăn, mặc dù trường đã có những chính sách nhưng vẫn chưa thể thu hút được giảng viên có trình độ cao tại các thành phố lớn về làm việc tại trường.

Chưa kể, trong điều kiện thu nhập thấp, thiếu môi trường giao lưu học thuật, giảng viên thiếu động lực và gặp khó khăn về tài chính để học tập, nâng cao trình độ ở học vị tiến sĩ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu chức danh phó giáo sư, giáo sư.

Bên cạnh đó, ngoài việc có những chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao về làm việc thì cần phải có chính sách duy trì, phát triển đội ngũ, tránh xảy ra trường hợp hao hụt cán bộ giảng viên.

Do vậy, việc đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học về đội ngũ theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT là vô cùng khó khăn.

Điều chỉnh hành lang pháp lý đảm bảo sự công bằng giữa cơ sở giáo dục đại học trong khu vực công và tư

Chia sẻ về một số thuận lợi, theo thầy Trung, thuận lợi trong chính sách thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ đó là chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật khá rõ ràng, chẳng hạn như Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã khẳng định “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng”.

Để việc thực hiện theo Thông tư số 01 được thuận lợi hơn nữa, thầy Trung đề xuất, nhà nước cần rà soát, điều chỉnh hành lang pháp lý đảm bảo sự công bằng giữa cơ sở giáo dục đại học trong khu vực công và tư. Hiện tại các cơ sở giáo dục đại học công lập đang chịu khá nhiều ràng buộc về cơ chế so với các trường tư.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần quan tâm đến sự không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế giữa các vùng miền để có chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp nhằm giảm thiểu cách biệt giữa các cơ sở giáo dục đại học giữa các vùng, qua đó tạo điều kiện tiếp cận công bằng hơn cho nhân dân với giáo dục đại học có chất lượng cao.

Đồng quan điểm, theo lãnh đạo của trường đại học địa phương nói trên, để việc thực hiện theo thông tư số 01 được thuận lợi hơn, rất mong có sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Không nhất thiết phải là giảng viên cơ hữu mà nhà trường mong muốn được tính toán cả những giảng viên toàn thời gian bởi nhiều giáo sư và phó giáo sư ở tuổi 80 vẫn còn nhiều năng lực để cống hiến. Điều này cũng sẽ tạo ra sự cân bằng giữa trường đại học công lập và tư thục.

Thanh Thuý