Trường đại học khó đạt chuẩn tỷ lệ giảng viên khi muốn mở đào tạo tiến sĩ

09/09/2024 06:11
Lưu Diễm

GDVN - Tiêu chuẩn về giảng viên theo Thông tư 01 quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và chuyên gia trường ĐH.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào ngày 5/2/2024, bao gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học nhằm mục đích thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Trong đó, tiêu chí 2.3 về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ quy định: "Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".

Song, hiện nay, theo một số trường đại học đang đào tạo đến trình độ đại học, thạc sĩ và có lộ trình mở đào tạo trình độ tiến sĩ thì việc đảm bảo tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo chuẩn còn là một thách thức lớn.

Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ còn là thách thức đối với cơ sở giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, hiện nay, cơ sở giáo dục đang đào tạo đến trình độ đại học và thạc sĩ, có lộ trình đào tạo lên trình độ tiến sĩ.

Từ năm 2015, các chương trình đào tạo dành cho trình độ thạc sĩ của nhà trường đã được xây dựng và công nhận đạt chuẩn như theo đánh giá của AUN-QA, tổ chức đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á.

Dự kiến trong lộ trình phát triển đến năm 2030, Trường Đại học Hoa Sen định hướng xây dựng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ dành cho một số ngành học như Quản trị kinh doanh. Vì vậy, theo Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, công tác chuẩn bị nguồn lực kỹ lưỡng về giảng viên có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là rất cần thiết và phù hợp đối với sự phát triển bền vững của cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: HSU.
Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: HSU.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định còn là một khó khăn lớn đối với nhiều trường đại học hiện nay. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, đối với các nhóm ngành thông thường, việc đảm bảo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt đủ tiêu chuẩn về số lượng là tương đối ổn định nhưng đối với một số ngành học đặc thù, đây còn là một thách thức đáng quan tâm.

Lý giải về vấn đề này, cô Việt Nam cho biết, trên thực tế, với những nhóm ngành đặc thù có khía cạnh về nghệ thuật hay mang nhiều tính chất về thực hành, nhiều giảng viên có xu hướng không quá quan tâm đến việc trở thành tiến sĩ. Bởi lẽ, điều kiện để đáp ứng những tiêu chuẩn để đạt trình độ tiến sĩ thường khó thực hiện.

Chẳng hạn, những thầy cô là kiến trúc sư, nhà thiết kế nổi tiếng vừa có kinh nghiệm thực chiến trong nghề, vừa có công tác giảng dạy cho các ngành như Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Nghệ thuật số,... Họ thường không quá mặn mà đến việc "tạm gác" lại công việc của mình đang làm, để dành thời gian, đầu tư cho nhu cầu học lấy bằng tiến sĩ.

Vì vậy, khi áp dụng chung tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ cho toàn trường sẽ là một hạn chế. Còn đối với những nhóm ngành thông thường như Kinh tế - Quản trị, Tài chính - Ngân hàng,...thì tỉ trọng về giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không phải là vấn đề quá khó khăn đối với các trường đại học.

Như đối với Trường Đại học Hoa Sen, những ngành học thuộc lĩnh vực Kinh tế vốn đã đạt chuẩn về kiểm định đảm bảo chất lượng quốc tế ACBSP từ năm 2015 do Hội đồng Kiểm định Hoa Kỳ công nhận. Một trong những tiêu chí mà chứng nhận kiểm định đảm bảo chất lượng này yêu cầu là cơ sở giáo dục phải đạt được ít nhất 40% khối lượng giảng dạy do giảng viên có trình độ tiến sĩ phụ trách. Do đó, từ trước đến nay, đối với những nhóm ngành thông thường, nhà trường vẫn duy trì số lượng giảng viên có trình độ cao và đảm bảo ổn định về mặt số lượng. Còn nhân lực cho nhóm ngành đặc thù vẫn là một thách thức.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, hiện nay, cơ sở giáo dục vẫn định hướng đào tạo đến bậc thạc sĩ, chưa mở thêm trình độ tiến sĩ. Bởi điều này phù hợp với sứ mệnh của trường đại học thuộc địa phương; đồng thời, công tác đào tạo của nhà trường mang thiên hướng về thực hành, không chuyên sâu về nghiên cứu.

Song, việc xây dựng lộ trình đảm bảo theo quy định về tiêu chuẩn giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đối với các cơ sở giáo dục đại học vẫn tồn tại một số khó khăn từ nguồn lực.

Cụ thể, các trường đại học thuộc địa phương còn cần phải cố gắng đạt được tối thiểu tỷ lệ tiêu chuẩn giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đối với cơ sở giáo dục không đào tạo tiến sĩ.

Dựa vào số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đang đạt tiệm cận gần 20%. Lộ trình đến năm 2030, nhà trường phải tiếp tục phấn đấu để không thấp hơn 30%.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường cho hay, đối với trường đại học địa phương thì số lượng chỉ tiêu tuyển dụng đội ngũ cán bộ giảng viên do địa phương giao.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: website nhà trường.
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: website nhà trường.

Thời gian thực hiện các quy trình tuyển dụng giảng viên cần báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ kéo dài khoảng 3 tháng. Điều này có thể dẫn đến một hạn chế là quy trình tuyển dụng nhân sự kéo dài, người ứng tuyển chưa chắc chắn có được tuyển dụng hay không; trong khoảng thời gian đó, họ dễ chuyển hướng sang nơi khác.

Mặt khác, việc trả lương theo ngạch bậc quy định của Nhà nước hiện nay cũng là một vấn đề khó thu hút nhân tài về với trường và khuyến khích họ phát huy năng lực. Dự kiến sắp tới, cơ sở giáo dục sẽ được tự chủ, thuận lợi hơn trong công tác trả lương, chủ động tháo gỡ nhiều vướng mắc.

Điều này cũng góp phần khuyến khích và thúc đẩy công tác nghiên cứu quốc tế, xây dựng công trình bài báo khoa học của các giảng viên có trình độ cao.

Xây dựng lộ trình thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ tiến sĩ

Theo quan điểm của Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, các cơ sở giáo dục đại học cần phải cân đối giữa những hoạt động về cung cấp sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao; cũng như cố gắng đa dạng hoá ngân sách, thu hút từ nhiều nguồn khác nhau ở cả trong và ngoài trường.

Bên cạnh đó, trả lương theo vị trí việc làm cũng giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, giảng viên; tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại trường.

Từ đó, giảng viên mới được tuyển dụng/bổ nhiệm, nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp,... như hiện tại.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để các trường có thể dần hoàn thiện theo lộ trình mà không bị áp dụng liền ngay.

Do vậy, có thể nói, đây cũng là một cơ hội "mở" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện giúp các trường xây dựng định hướng thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Theo đó, nhà trường cần tìm kiếm các đối tác để làm "cầu nối" giới thiệu nguồn nhân lực, giảng viên từ trường bạn về tham gia công tác tại cơ sở giáo dục. Đồng thời, chúng ta nên xây dựng những chính sách thông thoáng, phù hợp, giúp tạo điều kiện cho giảng viên nước ngoài cũng như giảng viên Việt Nam có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, quay trở về Việt Nam tham gia giảng dạy.

cc57b586-0b67-4d2d-b1dd-82aa9cf27710.jpg
Trường Đại học Hoa Sen thực hiện các chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, bảo hiểm y tế và phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút tiến sĩ về giảng dạy cho từng nhóm ngành. Ảnh: NTCC.

Điều này góp phần rút ngắn và đơn giản hóa quá trình làm giấy phép lao động hoặc thị thực lao động cho đội ngũ giảng viên nước ngoài. Từ đó mở rộng hơn mạng lưới giáo dục quốc tế hóa, xây dựng một môi trường đại học Việt Nam năng động, linh hoạt và chất lượng tiệm cận thế giới.

Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam chia sẻ, Trường Đại học Hoa Sen đã xây dựng và thực hiện cụ thể các chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, bảo hiểm y tế và phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút tiến sĩ về giảng dạy cho từng nhóm ngành. Đáng chú ý, với những khối ngành "vắng bóng" đội ngũ tiến sĩ hơn, nhà trường áp dụng mức lương cạnh tranh hơn để giảng viên nghiên cứu và giảng dạy có thể phát huy được hết thế mạnh và năng lực cống hiến của mình.

Về môi trường làm việc, Trường Đại học Hoa Sen là cơ sở đào tạo nằm ở vị trí trung tâm, với trang thiết bị hiện đại, không gian làm việc thuận lợi và đặc biệt có môi trường văn hóa cởi mở, môi trường học thuật năng động, dễ dàng trao đổi và tôn trọng sự khác biệt. Vì vậy, nhà trường thường ưu tiên tuyển dụng những giảng viên tốt nghiệp ở các đại học nước ngoài, có chất lượng giáo dục tiệm cận quốc tế và toàn cầu hóa.

Về cơ hội phát triển nghề nghiệp, nhà trường xây dựng những chính sách rõ ràng để khuyến khích, động viên, hỗ trợ các giảng viên tiếp tục học lên cao, tạo nhiều cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, hợp tác doanh nghiệp.

Với những người ứng tuyển thực sự tài năng, nhà trường sẽ ưu tiên rút ngắn thời gian tuyển dụng và đơn giản hóa các khâu quy trình làm thủ tục, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên có trình độ cao về đồng hành cùng cơ sở giáo dục. Có thể nói, đây cũng là một lợi thế của trường tư thục khi được tự chủ về tài chính cũng như chính sách đặc thù.

Những yếu tố thúc đẩy nguồn lực con người cần thể hiện từ lối tư duy quản trị nhân sự của ban giám hiệu các trường đại học, cần xác định rõ ràng đội ngũ có năng lực cống hiến và thực hiện quá trình tuyển dụng linh hoạt, áp dụng chính sách hợp lý.

Bàn về giải pháp thu hút nguồn lực giảng viên có trình độ cao nhằm đảm bảo theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm: Các cơ sở đào tạo có thể tìm kiếm, chiêu mộ nhân tài bằng cách kết nối đồng nghiệp với nhau để nộp hồ sơ ứng tuyển. Xây dựng lực lượng giảng viên giỏi thì nhà trường mới đủ điều kiện để mở ngành đào tạo bậc tiến sĩ.

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.
Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, chúng ta cũng cần xem xét lại, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ nên phụ thuộc vào quy mô đào tạo bậc tiến sĩ của từng trường khác nhau. Bởi lẽ, nếu nhà trường chỉ đào tạo một ngành cho tiến sĩ thì không cần thiết đòi hỏi tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ ở cả cơ sở đó cũng cao như các trường đào tạo tiến sĩ ở nhiều ngành.

Với những quốc gia đã có nền giáo dục phát triển trên thế giới, họ tính tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo từng ngành học có đào tạo bậc tiến sĩ và tùy theo nhu cầu của mỗi ngành, thay vì quy định chung cho toàn cơ sở giáo dục. Chất lượng đào tạo không chỉ phụ thuộc vào số lượng, mà còn quyết định bởi chất lượng, bằng cấp, trình độ và kinh nghiệm thực sự của mỗi giảng viên trình độ tiến sĩ tham gia công tác giảng dạy.

Về khả năng thu hút nhân tài, việc này phụ thuộc vào chế độ đãi ngộ, chính sách trọng dụng giữa các trường cạnh tranh với nhau.

Lưu Diễm