Sáng nay 8/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Cơn bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho hay, riêng cây xanh, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 17.000 cây gãy đổ.
Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo và tất cả các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo địa bàn phụ trách đều đã xuống hiện trường để kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
Đặc biệt, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông.
“Trong ngày hôm nay (8/9), phải khôi phục hệ thống giao thông để ngày 9/9 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ.
Với những cây xanh gãy đổ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Cùng đó, ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; khẩn trương khôi phục mạng lưới trung thế để phục vụ việc bơm tiêu, thoát nước…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát địa bàn của mình kèm với việc có giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
Trao đổi với báo chí vào đêm 7/9 về tình hình ứng phó với cơn bão số 3, bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Các cấp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách linh hoạt, thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ với các tình huống.
Đặc biệt, các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt sâu sát tình hình nhân dân; huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Hà Nội, đã có 4 người thương vong, 2.500 cây đổ, nhiều phương tiện bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3.
Hà Nội có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Theo Bộ Tư lệnh Thủ đô, nam nạn nhân tên là C.M.C, sinh năm 2002, quê Hưng Yên. Có 3 người bị thương ở quận Ba Đình đã được đưa đi cấp cứu.
Khu vực ngoại thành, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại. Bên cạnh đó, đã có khoảng 2.500 cây xanh bị đổ; 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn...
Ngoài ra, có 17 trạm bơm tại các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng mất điện, đang được khắc phục. Hiện, mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn thành phố đang ở mức cao, nhiều hồ vượt ngưỡng tràn.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ảnh hưởng sau bão. Đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tập trung khắc phục các sự cố điện, đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ nhân dân, đặc biệt đối với các trạm bơm tiêu thoát nước.