Dù công tác dự báo và phòng, chống đã được triển khai sớm và toàn diện ở nhiều địa phương, nhưng sức mạnh khủng khiếp của cơn bão số 3 - bão Yagi đã gây ra thiệt hại lớn tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Tại Hà Nội, toàn thành phố có gần 40 trường học chưa bảo đảm an toàn để tổ chức dạy học vào ngày 9/9 do chưa khắc phục xong sự cố bão số 3 gây ra.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín, Hà Nội thông tin, bão Yagi đã gây thiệt hại khá nhiều về cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn huyện, nhiều cây lâu năm bị đổ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.
Sau khi có văn bản hỏa tốc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín đã thực hiện báo cáo thống kê thiệt hại. Phòng cũng đã chỉ đạo cán bộ giáo viên, nhân viên khắc phục hậu quả sau cơn bão, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị hỗ trợ dọn dẹp trường, đảm bảo cho học sinh đến trường vào sáng 9/9.
Tuy nhiên trên địa bàn huyện còn 8 trường chưa thể cho học sinh quay trở lại học tập, trong đó cấp trung học sơ cơ sở có 3 trường: Trường Trung học cơ sở Dũng Tiến (cây xanh bị đổ, bật gốc; bị tung tôn phòng bộ môn; biển bảng, biển hiệu bị hỏng; một số chậu cây bị vỡ…); Trường Trung học cơ sở Hà Hồi (cây xanh bị đổ, bật gốc; cửa chính, cửa sổ bị hỏng; trần bị thấm dột 3 phòng học); Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (12 cây xanh bị đổ, bật gốc; sự cố mất điện, biển bảng, biển hiệu bị đổ).
Cấp tiểu học có 2 trường bao gồm: Trường Tiểu học Hồng Vân (cây xanh bị đổ, trường bị ngập nước); Trường Tiểu học Liên Phương (cây xanh bị đổ, sân trường bị ngập nước, chậu rửa tay bị vỡ).
Mầm non có 3 trường: Trường Mầm non Hồng Vân (cây xanh bị đổ, bật gốc; trường học ngập nước; cửa chính, cửa sổ bị hư hỏng, sự cố mất điện); Trường Mầm non Liên Phương (trường học bị ngập nước, cây xanh bị đổ); Trường Mầm non Thư Phú (cây xanh đổ, bật gốc; cửa sổ, cửa kính bị hỏng; sự cố mất điện).
“Sáng 9/9 chúng tôi tiếp tục huy động cán bộ, giáo viên khắc phục sự cố để đón học sinh trở lại trường vào ngày 10/9”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín cho biết.
Tại quận Hà Đông, bà Nguyễn Thị Thu Hương, phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, các trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên khẩn trương dọn dẹp. Ngoài ra, các trường cũng có sự hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh của các chiến sĩ công an nên đã dọn dẹp xong trước 17h00 ngày 8/9.
Tuy nhiên, còn duy nhất Trường phổ thông Quốc tế Việt Nam chưa khắc phục được tình trạng các cây đổ nên phía nhà trường cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch đi học vào ngày 10/9.
Trong khi đó, tại Thanh Trì, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì thông tin: Sau cơn bão số 3, các trường trên địa bàn huyện có tới 693 cây xanh bị đổ, bật gốc; 6 trường bị ngập nước (mầm non: 5; tiểu học: 1).
Có 664m2 tổng tường rào bị đổ; 3079 m2 mái tôn phòng học, nhà thể chất bị lật; 19 chiếc cửa sổ, cửa kính bị hỏng; 4 khu vực nhà xe bị ảnh hưởng; 257 biển bảng, biển hiệu bị hỏng; 3 trường bị sự cố mất điện.
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đã kiểm tra, chỉ đạo các nhà trường chủ động khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Các trường học trên địa bàn huyện cũng huy động lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường dọn dẹp, phối hợp với các đơn vị khắc phục sự cố. Đến 15h30 ngày 8/9, trên địa bàn huyện đã có 73/75 trường đã dọn dẹp, khắc phục xong hậu quả do bão số 3 gây ra và đón học sinh trở lại trường vào ngày 9/9.
Tuy nhiên, còn 2 trường chưa đảm bảo điều kiện an toàn đón học sinh đến lớp là Trường Trung học cơ sở Liên Ninh (chưa khắc phục xong tường rào đổ) và Trường Tiểu học Triều Khúc (tuyến đường trước cổng trường ngập nước sâu).
Thông tin về thiệt hại sau bão số 3, bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm cho biết: Các trường học trên địa bàn huyện có 445 cây xanh bị gãy đổ; 35 mái tôn bị hư hại; 67 cửa, cửa sổ bị hỏng; 15m2 tường rào bị đổ; 85 biển bảng bị hư hỏng. Đến nay, các trường đã tập trung lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên khắc phục các thiệt hại sau bão, tổng vệ sinh môi trường đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh quay trở lại trường học.
Cũng theo bà Phùng Thị Hoài Hương, tính đến 16h30 ngày 8/9, Trường Tiểu học Đông Dư có 3 cây cổ thụ to bị bật gốc, cành cây đổ vướng vào lớp học. Ngay trong đêm 8/9 nhà trường đã cắt, hạ cây để tiếp tục đón học sinh đi học vào ngày 9/9. Đến sáng ngày 9/9, học sinh các trường trên địa bàn huyện Gia Lâm đã trở lại trường học 100%.