Để có tiến sĩ chủ trì đối với những ngành chưa đào tạo tiến sĩ là không đơn giản

13/09/2024 06:25
Tường San

GDVN -Cần có quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của tiến sĩ chủ trì đứng mở ngành, tạo ra hành lang rộng hơn cho các trường được tự chủ trong vấn đề này.

Theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, nhiều ngành đào tạo trình độ đại học nhưng chưa có đào tạo ở bậc đào tạo tiến sĩ. Đơn cử, đối với lĩnh vực kinh doanh và quản lý có ngành Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Kinh doanh thời trang và dệt may, … Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn trong việc mở những ngành đào tạo trình độ đại học do khó có được tiến sĩ phù hợp chủ trì cho ngành dự kiến mở.

Quy định, điều kiện mở ngành đào tạo đại học chưa linh hoạt

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành Kinh doanh thời trang và dệt may của nhà trường do tiến sĩ về Quản trị kinh doanh chủ trì ngành; ngành Thương mại điện tử do tiến sĩ Quản trị kinh doanh chủ trì ngành.

nganh-tai-chinh-ngan-hang.png
Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Webiste nhà trường).

Thầy Thanh bày tỏ, để có được tiến sĩ chủ trì mở ngành đại học của nước ta với những ngành chưa có mã đào tạo tiến sĩ là không đơn giản.

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học mặc dù đã có tính mở là đối với những trường hợp những ngành chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ, có thể sử dụng tiến sĩ của những ngành phù hợp để mở ngành. Đáng nói, để tìm những ngành phù hợp cũng không phải đơn giản bởi định nghĩa ngành phù hợp cũng đã tương đối gần với ngành đúng rồi.

Thầy Thanh cho rằng, khi phát sinh ra ngành mới, phải có cơ chế đặc thù, đặc biệt riêng, nhờ đó mới thúc đẩy được các trường đại học mở ngành mới, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Đặc biệt, thay vì chỉ dựa trên văn bằng của tiến sĩ chủ trì mở ngành mang nặng tính lý thuyết, nếu có quy định một cách chi tiết hơn về chuyên môn phù hợp của tiến sĩ đứng chủ trì mở ngành ra sao sẽ tốt hơn nữa. Khi đó, sẽ hướng dẫn được các cơ sở giáo dục đại học có định hướng và hiểu đúng được bản chất của ngành phù hợp.

Bởi, trên thực tế, kể cả có những ngành hơi xa một chút so với ngành dự kiến mở nhưng tiến sĩ đó có những nghiên cứu, tham gia khá nhiều vào lĩnh vực có liên quan được thể hiện qua kết quả hoạt động của họ thì nên đưa vào danh sách nhân lực tham gia mở ngành. Điều này vừa giúp các trường có được những tiến sĩ thực sự phù hợp và vừa tiệm cận hơn với quốc tế.

Những hoạt động thực tiễn của các đối tượng này sẽ cần có hội đồng thẩm định nhân sự để thẩm định lại kết quả hoạt động của cá nhân giảng đó như về kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động giảng dạy, đào tạo.

Đồng tình với quan điểm trên, theo lãnh đạo tại một trường đại học cho rằng, việc mở ngành mới ở nước ta hiện đang còn nhiều bất cập, chưa linh hoạt như nhiều nước phương Tây. Vị này bày tỏ, tiêu chuẩn hiện tại để mở ngành của chúng ta là tương đối khắt khe, chưa khuyến khích được các trường mở ngành mới theo nhu cầu của xã hội.

Khi các trường đợi thực hiện đúng theo quy định hiện hành thì công tác đào tạo đã bị chậm so với xu thế phát triển chung của thế giới, sự phát triển của công nghệ hiện đại.

Đáng nói, việc chịu trách nhiệm chính về chất lượng đào tạo của mỗi chương trình đào tạo và khi mở ra có tuyển sinh được hay không là bản thân mỗi nhà trường. Và khi mở ngành học nào các trường vốn cũng phải tốn rất nhiều chi phí.

Cần có quy định cụ thể về chuyên môn phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành

Đứng trước thực trạng xã hội hiện nay là nhiều ngành nghề mới muốn mở nhưng khó có tiến sĩ ngay để đứng mở ngành, vị này cho rằng, cần cho phép các trường được chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình trong vấn đề mở ngành hơn. Bởi, chất lượng của các trường có thể được chứng minh qua tỉ lệ sinh viên vào trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường, đáp ứng thị trường lao động thế nào

Theo đó, không nhất thiết phải là ngành phù hợp dựa theo tên trên bằng cấp mà phải có văn bản quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành, phải tạo ra hành lang rộng hơn để cho phép các trường được tự chủ trong vấn đề này. Đơn cử, tiến sĩ đó nếu có chuyên môn phù hợp và được hội đồng khoa học Nhà trường chấp nhận hoàn toàn có thể đứng mở ngành.

3-212915220.jpg
Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, việc có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục, số lượng người tốt nghiệp để có thể làm minh chứng cho việc được chọn tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ là tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, công tác cập nhật số liệu lên cổng thông phải được làm một cách hệ thống và đầy đủ.

Ngành Kinh doanh quốc tế cũng là một trong những ngành học chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ. Tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp, Trưởng phòng Đào tạo của Nhà trường cho biết, ngành Kinh doanh quốc tế được Đại học Thái Nguyên cấp phép theo Quyết định số 1537 ngày 3/8/2020 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định.

Trước đây, Nhà trường có một phó giáo sư đứng chủ trình mở ngành những đã nghỉ hưu nên hiện đang phân công cho Tiến sĩ Đoàn Quang Huy phụ trách ngành học này. Theo đó, giảng viên này đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ với chuyên ngành Thương mại quốc tế ở Đại học Sogang, Hàn Quốc, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ Kinh tế do một trường đại học ở Đức cấp bằng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, Khoa nhận thấy rằng, tiến sĩ này chưa đáp ứng quy định theo Thông tư 02 02/2022/TT-BGDĐT để đứng chủ trì ngành Kinh doanh quốc tế.

Thầy Hợp bày tỏ, điểm mở của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo đại học là “trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ…”. Trên thực tế, nhà trường có nhiều thầy cô là tiến sĩ quản trị kinh doanh, tiến sĩ marketing là đủ điều kiện theo đúng quy định trên để đứng chủ trì ngành Kinh doanh quốc tế. Do đó, nhà trường đang điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp về thực tế này.

Thầy Hợp thông tin, tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, nhiều giảng viên tốt nghiệp trình độ tiến sĩ từ nước ngoài về với những ngành học chưa có mã đào tạo ở Việt Nam.

Do đó, khi mở ngành trình độ đại học, hội đồng khoa học và đào tạo của Nhà trường trên cơ sở chuyên ngành mà các giảng viên đã học ở nước ngoài nếu không trùng tên với ngành đại học dự kiến mở sẽ đánh giá ở khía cạnh về chuyên môn nghiên cứu của các thầy/cô này. Sau đó, xác định xem chuyên môn của thầy/cô này sẽ phù hợp với ngành nào để sắp xếp cho phù hợp.

Mặt khác, theo thầy Hợp, việc mở đào tạo những ngành đại học của nước ta vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm người đứng chủ trì để mở ngành theo đúng quy định. Thậm chí, việc thực hiện các chính sách như đưa giảng viên đi học nghiên cứu sinh tại nước ngoài đối với những ngành học mới cũng không phải dễ dàng.

Hơn nữa, thực tế hiện nay, có rất nhiều lĩnh vực của thị trường lao động, xã hội đã hình thành nhưng công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học thường khó có thể chạy trước và thậm chí là không thể chạy theo được. Nếu thực hiện theo đúng quy định phải chờ vài năm sau khi đã đảm bảo đủ kiện để mở ngành, lúc này công tác đào tạo đã bị đi sau rất nhiều.

Chính vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm hướng dẫn cụ thể về những ngành học mà nhu cầu của xã hội đã có nhưng đào tạo chưa theo kịp để các cơ sở được linh hoạt hơn trong việc mở ngành nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, quy định mở ngành nên gắn thêm điều kiện cho những tiến sĩ có công trình nghiên cứu sâu về lĩnh vực phù hợp với ngành dự kiến mở có thể cân nhắc, xem xét để làm tiến sĩ mở ngành.

Thầy Hợp cũng cho rằng, nếu có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục, số lượng người tốt nghiệp để có thể làm minh chứng cho việc được chọn tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ là giải pháp hay nhưng cần tích hợp được dữ liệu này với hệ thống HEMIS để tạo sự thống nhất, tránh rối rắm.

Từ đó, xã hội có thể nhìn được bức tranh tổng thể về từng ngành mà chúng ta đang đào tạo như ngành học đó có bao nhiêu trường đang đào tạo, có bao nhiêu giảng viên phù hợp, có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp để cung ứng cho xã hội, … Việc làm này không chỉ giúp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát lẫn nhau mà còn giúp cho các doanh nghiệp đánh giá được khả năng cung ứng nhân lực của mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Tường San