Ngày 10/9, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vận động tài trợ trong giáo dục và kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở này đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch sớm tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sớm ban hành hướng dẫn thu chi đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý.
Các cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện chỉ được tổ chức các khoản thu sau khi đã có văn bản hướng dẫn của các quận, huyện về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của năm học 2024 – 2025 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo hướng dẫn số 5414/SGDĐT-KHTC ngày 30/8/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở này yêu cầu, các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ và thực hiện đúng theo quy định về các khoản thu chi của năm học 2024 – 2025.
Trong đó, yêu cầu tất cả các khoản thu phải được đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến với phụ huynh, học sinh, sinh viên (nêu rõ nội dung các khoản thu Dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết 13/2024/NQ-HĐND và các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác theo quy định).
Đồng thời phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện thanh kiểm tra, áp dụng các chế tài xử lý mạnh các trường hợp vi phạm quy định về các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, không để xảy ra bất kỳ các trường hợp sai phạm nào hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định tại các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc theo hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học, gây dư luận không tốt đối với ngành giáo dục.
Thực hiện công khai về cam kết đầy đủ chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện về cơ sở vật chất, mức thu học phí, các khoản thu khác, phương thức và thời gian thực hiện đúng theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh phải do ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ cho các hoạt động trực tiếp của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tuyệt đối không sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích sau: “Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa và nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường” (điểm b, khoản 4, điều 10 của Thông tư 55).
Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường, và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến (không bao gồm kinh phí tài trợ).
Về vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, trong đó:
Kế hoạch vận động phải được phê duyệt trước khi tổ chức vận động, trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt. Nội dung kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng, kế hoạch triển khai thực hiện, dự toán kinh phí (có bảng dự toán kinh phí và bảng báo giá kèm theo kế hoạch để làm căn cứ cụ thể); nêu được những khó khăn hoặc nhu cầu cần thiết của đơn vị để lập kế hoạch vận động tài trợ thiết thực, hiệu quả.
Khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “Chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho các cơ sở giáo dục.
Việc thành lập và hoạt động của tổ tiếp nhận tài trợ cần thực hiện đầy đủ theo Điều 6 của Thông tư 16 về cơ cấu, thành phần, phương thức tổ chức tiếp nhận, trách nhiệm trong việc tiếp nhận và sử dụng tài trợ, thông tin tuyên truyền rộng rãi về kế hoạch vận động tài trợ, sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của đơn vị.
Các khoản tài trợ phải được nhà trường tổng hợp kịp thời, báo cáo quyết toán thu chi tài chính theo kỳ, báo cáo quyết toán tài chính theo năm theo quy định.
Về chế tài, theo quy định tại khoản 2 điều 15 của Thông tư 16: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng các cơ sở giáo dục nhận tài trợ thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Sở yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tham mưu Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình chi chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định, có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.
Đồng thời, tổ chức tham mưu việc tập trung các nguồn lực để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bố trí các nguồn lực để huy động, phân bổ ngân sách giáo dục chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các hoạt động giảng dạy học tập…) cho các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học 2024 – 2025 ngành giáo dục và đào tạo.