Giáo viên nào đủ tầm để bồi dưỡng học sinh giỏi những môn tích hợp ở cấp THCS?

13/09/2024 06:48
NGUYỄN THẾ TRUNG

GDVN - Nhà trường chưa thể bố trí 1 giáo viên ôn thi cho 1 môn học tích hợp nên số tiết ôn thi cho môn tích hợp sẽ rất lớn vì có từ 2-3 giáo viên ôn thi/ 1 môn.

Hiện nay, một số địa phương đã công bố cấu trúc, nội dung đề thi học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở cho năm học 2024-2025, một số địa phương thì đang lấy ý kiến dự thảo để ban hành chính thức các môn thi trong kỳ thi học sinh giỏi.

Đa phần các địa phương đã công bố phương án và dự thảo cho kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở lựa chọn 7 môn thi. Đó là: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.

Trong 7 môn thi, có 2 môn mang số phận đặc biệt là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vì đây là những môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi “tích hợp” từ 5 môn học độc lập của chương trình 2006, đó là: Vật lí, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lí.

Giáo viên nào có thể cáng đáng ôn thi cả môn thi tích hợp- khi mà các môn học này vẫn đang được phần lớn các trường học bố trí dạy và học theo phân môn? Nhiều bất cập sẽ nảy sinh trong dạy và học; ôn thi; thậm chí ngay cả khi học sinh đạt giải thưởng.

455030212_3706162932929293_8645759737212981627_n.jpg
Môn học tích hợp vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh: T.A.)

4 năm triển khai chưa định hình được 2 môn tích hợp

Sau 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 6,7,8 ở cấp Trung học cơ sở nhưng các môn học tích hợp vẫn chưa được định hình rõ nét và tồn tại một số bất cập.

Trước những khó khăn khi triển khai dưới cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí gợi ý cho phép các phân môn dạy song song. Kiến thức phân môn nào, giáo viên môn đó dạy, giáo viên đó kiểm tra.

Tuy nhiên, các phân môn trong môn tích hợp vẫn phải quy về một đầu mối là điểm số, đánh giá, nhận xét phẩm chất, năng lực cho 1 môn học. Vì vậy, cách thức thực hiện vẫn đang còn những rối rắm vì đa phần các môn tích hợp đang được bố trí dạy riêng, kiểm tra riêng từng phân môn nhưng điểm lại nhập chung vào 1 môn học.

Những ngày tham gia gác kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II của năm học 2023-2024 vừa qua, bản thân người viết và nhiều giáo viên trong trường khá băn khoăn về cách thức kiểm tra môn tích hợp bởi cách thực hiện khá lạ so với các môn học khác.

Đối với môn Lịch sử và Địa lí thì giám thị được hướng dẫn phát 2 đề kiểm tra, 2 tờ giấy làm bài riêng biệt cho học sinh. Vì thế, giám thị 2 khi vào lớp sẽ phát cho học sinh 2 tờ giấy làm bài để học sinh điền các thông tin cần thiết.

Khi giám thị 1 vào, trên tay cầm 2 đề của 2 phân môn riêng lẻ. Giám thị 1 phát cho học sinh 2 đề kiểm tra: 1 đề phân môn Lịch sử; 1 đề phân môn Địa lí và yêu cầu học sinh làm vào 2 tờ kiểm tra riêng.

Vì thế, trên bàn học sinh, mỗi em có 2 đề kiểm tra cho 2 phân môn và 2 tờ giấy kiểm tra để làm bài riêng biệt. Cuối giờ, giám thị thu 2 tờ giấy làm bài kiểm tra của học sinh và sắp xếp theo từng phân môn riêng biệt.

Sau đó, giáo viên dạy phân môn nào sẽ được nhà trường phân công chấm phân môn đó. Với cách thực hiện như thế này, cho thấy 2 phân môn của môn Lịch sử và Địa lý gần như chẳng có điểm chung nào để “tích hợp” vì khi giảng dạy thì giáo viên 2 phân môn dạy, kiểm tra thì riêng biệt hoàn toàn.

Có chăng, đó là khi kiểm tra, giáo viên ghi trên bảng ghi môn “Lịch sử và Địa lí” nhưng rồi học sinh lại được phát 2 đề bài, 2 tờ giấy làm bài riêng biệt. Nhưng, nó rối rắm cho giám thị và rối cho cả học trò vì trên bàn hiện hữu 2 đề bài, 2 tờ giấy làm bài riêng.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, bao gồm 3 phân môn: Hóa học; Sinh học; Vật lý thì chung đề và được thiết kế hoàn toàn trắc nghiệm. Kiến thức 3 phân môn được thiết kế 3 phần riêng, hết phân môn này đến phân môn khác và có 40 câu trắc nghiệm (mỗi câu 0,25 điểm).

Với cách thiết kế này, giáo viên chấm khá đơn giản vì có sẵn đáp án nên giáo viên chỉ chấm đúng- sai nên việc phân công giáo viên phân môn nào chấm cũng được vì không có kiến thức tự luận.

Năm học 2024-2025 đã là năm cuối cùng triển khai chương trình 2018 ở cấp Trung học cơ sở nhưng việc phân công giảng dạy đầu năm cũng không khác với các năm học trước vì phân môn của giáo viên nào, giáo viên đó dạy.

Những giáo viên được nhà trường cử đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp vẫn chưa tự tin giảng dạy cả môn học. Đặc biệt, đối với môn Khoa học tự nhiên- nhiều giáo viên vẫn nói kiến thức lớp 8 và lớp 9 rất khó nên chưa thể dạy cả môn học.

Nhưng, lớp 9 sẽ đối diện với những thử thách không nhỏ khi các địa phương vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp và mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 trường Trung học phổ thông chuyên. Vì thế, những học sinh thi học sinh giỏi các môn tích hợp và những môn chuyên của trường chuyên vào thời điểm cuối năm sẽ khó.

Các em sẽ cần những thầy cô giỏi để hướng dẫn ôn thi để vừa hiểu bài, hy vọng đỗ cao và điều quan trọng là giảm được thời gian, tiền bạc khi ôn thi. Nhưng, giáo viên nào đủ tầm để ôn thi tất cả các phân môn trong môn tích hợp?

Bất cập khi giáo viên ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp

Từ lâu, các trường Trung học cơ sở rất xem trọng kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp vì kỳ thi này sẽ khẳng định “thương hiệu” của nhà trường nên luôn đầu tư cho việc ôn luyện của cả thầy và trò ngay từ khi chưa bước vào năm học mới.

Trước đây, chương trình 2006 thì môn của giáo viên nào, giáo viên đó ôn vì đó là những môn học độc lập, riêng lẻ. Nhưng, từ năm học 2024-2025 mọi chuyện đã khác. Kỳ thi học sinh giỏi sẽ có 2 môn tích hợp được đưa vào kỳ thi học sinh giỏi văn hóa.

Về cơ bản, sách giáo khoa 2 môn tích hợp vẫn đang được các nhà xuất bản biên soạn riêng lẻ theo từng chủ đề của từng phân môn. Các tác giả sách giáo khoa cũng đang được giao chủ biên cho từng phân môn riêng biệt. Mỗi năm học, sách giáo khoa chỉ có 1-2 chủ đề chung cho các phân môn với một tỉ lệ rất nhỏ.

Vì thế, phần lớn giáo viên, ngay cả giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp vẫn đang dạy theo phân môn và kỳ thi học sinh giỏi dù là môn tích hợp nhưng các trường vẫn phải phân công 2-3 giáo viên ôn thi cho từng phân môn.

Cái khó là sẽ không thể tách môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử Địa lí thành 3 môn thi hoặc 2 môn thi riêng biệt vì nếu thì còn gì là môn tích hợp. Nhưng, để cả môn tích hợp thì cũng khá rời rạc vì tỉ lệ tích hợp trong mỗi đề thi cũng rất ít. Suy cho cùng, vẫn là gộp môn mà thôi.

Trong khi đó, nhà trường chưa thể bố trí 1 giáo viên ôn thi cho 1 môn học tích hợp nên số tiết ôn thi cho môn tích hợp sẽ rất lớn vì có từ 2-3 giáo viên ôn thi/ 1 môn.

Chẳng hạn, tại đơn vị người viết bài đang công tác đang tính định mức mỗi tuần ôn thi học sinh giỏi là 4 tiết. Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sẽ tổ chức vào tuần 22 của năm học nên mỗi môn độc lập được tính 88 tiết; kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là tuần 26 nên sẽ được cộng thêm 16 tiết nữa.

Vì thế, nếu mọi chuyện thuận buồm, xuôi gió cho đến khi học sinh thi cấp tỉnh, giáo viên ôn thi những môn có 1 chuyên ngành sẽ được tính định mức là 104 tiết. Nhưng, môn Lịch sử sẽ có 2 giáo viên ôn nên có tổng số tiết là 208 tiết; môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên ôn thi nên sẽ có tổng số tiết là 312 tiết.

Biết là chia nhỏ theo phân môn sẽ tăng thêm số tiết nhưng các nhà trường cũng không có phương án nào khả thi hơn. Một giáo viên ôn 1 môn tích hợp thì không thể nào hiệu quả và đa số giáo viên cũng chưa đủ tầm để cáng đáng ôn thi học sinh giỏi cả môn tích hợp.

Việc ôn chung có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp giữa các giáo viên ôn thi với nhau. Nếu học sinh rớt, biết đâu, nhóm giáo viên ôn thi môn tích hợp sẽ có những phát sinh thị phi khi cho rằng giáo viên này ôn tốt, giáo viên kia ôn không tốt nên học sinh rớt…

Nếu đậu, nhà trường, phòng, sở sẽ khen giáo viên ra sao? Khen 2-3 giáo viên/ 1 môn thì không đúng, phát sinh kinh phí; khen từng môn thì giáo viên họ sẽ lên tiếng vì số tiết họ ôn phân môn đó cũng bằng như những môn học độc lập khác.

Trong khi đó, lên cấp Trung học phổ thông, các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở lại trở thành những môn học độc lập nhưng học sinh thi vào môn chuyên sẽ thi cả môn tích hợp. Tất nhiên, phát sinh thêm công sức, tiền bạc đầu tư ôn thi.

Nói thật, nhìn các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở những năm qua, hiện nay và có thể cả những năm tới đây vẫn còn nhiều điều rối rắm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG