Chuyên gia cùng bàn về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với công nghiệp văn hóa

13/09/2024 08:49
Lưu Diễm

GDVN - Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa diễn ra tại ĐH Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Những năm gần đây, Mỹ thuật ứng dụng đã và đang có những bước đổi mới vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi không ngừng của thực tiễn đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải liên tục điều chỉnh và đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm duy trì và phát triển năng lực đào tạo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, kinh tế và giáo dục hiện nay; việc phát triển đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với nhu cầu xã hội trở thành nhiệm vụ chiến lược mà các cơ sở đào tạo trên toàn quốc nói chung và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói riêng đang tập trung nỗ lực thực hiện. Sứ mệnh của các cơ sở đào tạo là đáp ứng yêu cầu về hội nhập và phát triển của đất nước, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.

Nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, đánh giá khách quan, từ đó đưa ra được những giải pháp đào tạo Mỹ thuật ứng dụng phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, ngày 12/9, Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa" tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Lưu Diễm.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Lưu Diễm.

Tham dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự tham dự của Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Công tác Hội viên; Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Thông tin và Sinh viên; Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số thuộc Hiệp hội cũng lãnh đạo, giảng viên, sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng thuộc Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng.

Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Tiến sĩ Phạm Thái Bình - Trưởng Khoa Thiết kế mỹ thuật, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện các lãnh đạo, đoàn thể, sinh viên thuộc các đơn vị phòng, khoa, trung tâm thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

12092024vanhoa.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: NTCC.

Mở đầu hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các quý vị đại biểu đã có mặt tại Hội thảo khoa học quốc gia về "Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa". Chương trình là một trong những tiêu chí của nhà trường hướng đến kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (17/09/1969 - 17/09/2024).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân cho biết, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng như Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đã có những bước phát triển, những hoạt động lan toả chung tới các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo hiệu quả trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và thách thức.

_DSC0408.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NTCC.

Nhà trường kỳ vọng sự đoàn kết, nhất trí để cùng Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng cất lên tiếng nói chung trong quá trình xây dựng Mỹ thuật ứng dụng trở thành "mũi nhọn" của ngành công nghiệp văn hóa, nhằm đạt được những thành tựu lớn mạnh của chiến lược phát triển mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Hội thảo là một diễn đàn liên kết, khẳng định vai trò và trách nhiệm xã hội của các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, hướng tới xu hướng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đồng thời vẫn phát huy, gìn giữ được bản sắc văn hoá, giá trị truyền thống dân tộc của mình.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên, nghệ sĩ,… đã chứng tỏ chủ đề của hội thảo rất quan trọng ở cả hiện tại và tương lai. Đó đang là những vấn đề "nóng" trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa và đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay.

_DSC0422.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NTCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn mong rằng sau hội thảo, các vấn đề được đặt ra và thảo luận sẽ đi vào thực tế, có tác dụng thúc đẩy việc đào tạo Mỹ thuật ứng dụng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Mai Anh - Phụ trách Khoa Sau đại học, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo cho hay: "Với sự tham gia tâm huyết của 32 tổ chức, đơn vị thành viên, trường trong Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng; hội thảo lần này là sự kiện tiếp nối thành công của 7 chương trình hội thảo trước đây trong vòng gần 10 năm đánh dấu cột mốc hoạt động chuyên môn của Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng... Hi vọng trong những năm tiếp theo, Câu lạc bộ khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự tham gia hiệu quả và đóng góp sôi động về vấn đề chuyên môn đào tạo của các cơ sở giáo dục Mỹ thuật ứng dụng trên toàn quốc".

Trao đổi bên lề sự kiện với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, công tác đào tạo Mỹ thuật ứng dụng rất quan trọng và phù hợp đối với nhu cầu của xã hội con người, nhất là trong định hướng đổi mới sáng tạo hiện nay. Từ đó, quá trình hình thành và phát triển các ngành đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đã tạo thành một cộng đồng mang tính quốc gia để cùng nhau chia sẻ, nâng cao chất lượng đào tạo và xu hướng giáo dục.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ thông qua chương trình giảng dạy mà còn đòi hỏi sự nắm bắt nhanh chóng các chính sách, chủ trương của nhà nước. Bên cạnh đó, sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tuyển dụng là yếu tố quan trọng để hiểu rõ nhu cầu thị trường, định hình cái nhìn đa chiều về sự phát triển của công nghiệp văn hóa, cũng như thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo Mỹ thuật ứng dụng phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời kỳ mới.

"Với truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ban đầu được giao nhiệm vụ đào tạo 4 loại hình cán bộ bậc đại học cho ngành Xây dựng: Kiến trúc sư, Kỹ sư Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Kỹ sư Xây dựng công trình kỹ thuật Thành phố, Kỹ sư Kinh tế Xây dựng.

Đến nay, nhà trường mở thêm nhiều ngành mới, trong đó có những ngành thuộc khối Mỹ thuật ứng dụng được bắt đầu xây dựng và đào tạo gần 20 năm trở lại đây. Trong tương lai, cơ sở giáo dục tiếp tục định hướng công tác giảng dạy không ngừng đổi mới, phát huy cách thức tiếp cận người học gần gũi và thực tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Về điểm khác biệt của hội thảo khoa học quốc gia năm nay, Tiến sĩ Phạm Thái Bình - Trưởng Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công cho sự kiện là số lượng các nhà khoa học gửi bài trong năm nay đã tăng đột biến, hơn 1/3 so với năm ngoái. Điều đó đã chứng tỏ sự nhiệt tình của các nhà khoa học, cũng như nội dung lĩnh vực của đề tài mà Ban Tổ chức đặt ra có độ phủ rộng từ định hướng chuyên môn đến việc đặt ra câu hỏi giả định cho các nhà quản lý.

_DSC0450.JPG
Hội thảo trưng bày triển lãm Đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên đến từ các trường đào tạo ngành, chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng. Ảnh: NTCC.

Bởi lẽ, vấn đề còn thách thức từ trước đến nay là trong những hội thảo khoa học về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng còn thiếu tiếng nói của các nhà quản lý đầu ngành, đầu lĩnh, các nhà quản lý cấp Bộ. Chính những đơn vị đó có sự tác động trực tiếp đến quá trình thay đổi và phát triển của ngành nghề, lĩnh vực này.

Ngoài ra, các đề tài được đưa ra vừa xoay quanh những vấn đề chuyên môn mà nhà khoa học tham gia giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng trong nghề nghiệp, vừa giúp củng cố những kiến thức của các ngành gần liên quan.

_DSC0472.JPG
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh tại khu vực triển lãm. Ảnh: NTCC

Trong khuôn khổ của hội thảo khoa học quốc gia, chương trình diễn ra các phiên toạ đàm thảo luận song song tại ba tiểu ban: Thiết kế đồ hoạ và các vấn đề khác, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang. Đồng thời, ban tổ chức cũng trưng bày triển lãm 27 Đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên đến từ các trường có đào tạo ngành, chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Gốm, Sơn mài, Trang sức,...

Lưu Diễm