Ngành Quan hệ quốc tế cần tạo môi trường học tập năng động, thực tiễn hơn cho SV

21/09/2024 10:53
Trần Trang

GDVN-Để thúc đẩy việc đào tạo ngành Quan hệ quốc tế, các trường ĐH cần tạo môi trường học tập năng động và thực tiễn hơn cho SV, sẵn sàng cho sự nghiệp sau này.

Được Liên Hợp Quốc khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1981, Ngày Quốc tế Hòa bình 21/9 nhằm kỷ niệm, tôn vinh hòa bình và phản đối chiến tranh, bạo lực, bất công trên toàn thế giới. Đây cũng là sự kiện nhắc nhở các quốc gia phải đoàn kết, bắt tay cùng nhau giải quyết các vấn đề chung trên toàn cầu.

Trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay, với xu thế chủ đạo là hòa bình, cùng nhau phát triển, vai trò của hợp tác quốc tế ngày càng được coi trọng. Hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, phá bỏ sự biệt lập, mở đường cho sự phát triển, liên kết các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Hưởng ứng tinh thần đó, các khoa, ngành đào tạo về hợp tác quốc tế được các trường đại học mở ra với mục tiêu đào tạo những người nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại có trình độ, năng lực cao. Họ sẽ là những “công dân toàn cầu”, sẵn sàng làm việc trong môi trường đa văn hóa, môi trường quốc tế vì sự hòa bình, phát triển của quốc gia, khu vực.

Quan hệ quốc tế - “cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới

Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Tuấn Thắng - Phó Trưởng khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Hợp tác quốc tế được coi là dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế, do đó, có vai trò vô cùng quan trọng với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới cho tới nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt, trong đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Điều này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến rất nhiều lần. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp chúng ta phát triển đất nước mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

tien-si-ngo-tuan-thang-5258.jpeg
Tiến sĩ Ngô Tuấn Thắng - Phó Trưởng khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phạm Thị Yên, Trưởng ngành Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Văn Hiến cũng đánh giá: “Quan hệ quốc tế hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và sự biến đổi nhanh chóng của thế giới, một quốc gia không thể phát triển nếu chỉ dựa vào nội lực mà không có sự hợp tác với các quốc gia khác. Quan hệ quốc tế giúp Việt Nam tận dụng được các nguồn lực từ bên ngoài như công nghệ, tri thức, vốn đầu tư và cơ hội thương mại để phát triển năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và duy trì mối quan hệ tốt với nhiều quốc gia, Việt Nam có thể khẳng định vị trí của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia và đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Điều này không chỉ giúp tăng cường an ninh, ổn định và phát triển kinh tế mà còn xây dựng hình ảnh một quốc gia đáng tin cậy và tích cực trong mắt bạn bè quốc tế”.

IMG_9031.jpg
Tiến sĩ Phạm Thị Yên, Trưởng ngành Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Văn Hiến. Ảnh: NTCC.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tỉnh, giảng viên Bộ môn Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đề cập: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, trong một thế giới mở và phẳng. Biên giới lãnh thổ dần bị xóa nhòa bởi các hiệp định thương mại tự do, bởi sự dịch chuyển xuyên biên giới của nguồn vốn, lao động, du lịch, sự trao đổi văn hóa, tri thức, khoa học kỹ thuật…

Tuy vậy, nhiều vấn đề đang trở thành những thách thức toàn cầu. Các vấn đề khủng hoảng kinh tế - tài chính, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, dịch bệnh, di dân xuyên biên giới, thảm họa thiên nhiên và nhân đạo… đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của nhiều quốc gia, tổ chức.

Cùng tồn tại, liên kết, đa văn hóa chính là những xu hướng chủ đạo trong một thế giới không ngừng thay đổi ngày nay. Quan hệ quốc tế trở thành một trong các ngành học quan trọng nhất đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề có tính chất khu vực và toàn cầu nói trên”.

337835392_166744432906091_3052452471204483001_n.jpg
Buổi giao lưu học thuật với diễn giả Ấn Độ - Ngài Ram Madhav Varanasi của giảng viên, sinh viên Bộ môn Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NTCC.

Chính vì những lý do đó, Quan hệ quốc tế được ví như một ngành học chuyên “bắt mạch” tất tần tật các vấn đề toàn cầu về kinh tế, văn hóa…, nghiên cứu về quan hệ ngoại giao quốc tế giữa các quốc gia trên thế giới, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các công ty đa quốc gia.

Ngành Quan hệ Quốc tế đã trở thành ngành học được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi sự hội nhập quốc tế và tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng như hiện nay.

Tăng cường đào tạo kỹ năng và tư duy phản biện cho sinh viên

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Quốc tế học được thành lập từ năm 1995 với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực nghiên cứu quốc tế.

Theo Tiến sĩ Ngô Tuấn Thắng, Khoa Quốc tế học với định hướng nghiên cứu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có kiến thức chuyên sâu đa ngành, liên ngành về nghiên cứu quốc tế, phát huy tối đa sự sáng tạo của người học để có khả năng vận dụng và phân tích các vấn đề và sự kiện quốc tế, truyền bá tri thức, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, độc lập, hợp tác trong môi trường hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

418736406_866097002192188_6131043921850611270_n.jpg
Giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đón Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rossen Jeliazkov đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Người học sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và khối ngành khoa học xã hội và hành vi.

Bên cạnh đó là kiến thức chuyên sâu về ngành Quốc tế học với 4 hướng chuyên ngành chính là Quan hệ quốc tế, Châu Âu học, Châu Mỹ học và Nghiên cứu phát triển quốc tế.

Ngoài ra, chương trình cũng trang bị cho người học những kỹ năng chuyên môn trong nghiên cứu, giảng dạy, thực hành về ngành Quốc tế học và kỹ năng mềm giúp người học có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn, có tư duy phản biện, làm việc độc lập, sẵn sàng hợp tác, có năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với xã hội.

“Theo tôi, không riêng gì trong lĩnh vực quốc tế học - quan hệ quốc tế, để làm việc trong bất cứ ngành nghề nào, các cá nhân đều cần phải rèn luyện kiến thức, kỹ năng và có những phẩm chất tốt về đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội cùng mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm.

Chẳng hạn, cần phải biết tuân thủ pháp luật, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đặc biệt trong các hoạt động đối ngoại; trung thực, nhân ái, khiêm tốn, dũng cảm, đoàn kết, tôn trọng mọi người, tôn trọng sự khác biệt; có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong các công việc chuyên môn” - thầy Thắng phân tích.

Tiến sĩ Phạm Thị Yên cho hay: “Chương trình đào tạo ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Văn Hiến chú trọng đến các kỹ năng để làm việc trong các lĩnh vực đối ngoại, truyền thông quốc tế tại các doanh nghiệp, tổ chức ở trong và ngoài nước.

Ngay từ năm nhất, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm ngành nghề thông qua các hoạt động tham quan và quan sát thực tiễn đối ngoại của các doanh nghiệp, tổ chức; tham gia các báo cáo chuyên đề của các nhà ngoại giao, các chuyên gia về truyền thông quốc tế ở trong nước.

Các hoạt động này được thiết kế song song với các bài tập thực hành mà sinh viên sẽ thực hiện trong suốt quá trình học tập, như đóng vai lãnh đạo để đàm phán và ra quyết định; mô phỏng các buổi phát sóng tin tức thời sự trong tuần; tham gia tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế và văn hóa; đại diện phát ngôn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong các tình huống thực tế,…

Bên cạnh đó, sinh viên Quan hệ quốc tế còn có cơ hội được giao lưu với các giảng viên, sinh viên quốc tế thông qua các hoạt động trao đổi, nổi bật là với các trường đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; đồng thời, cũng được lựa chọn để học thêm ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ”.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Phạm Thị Yên, ở Trường Đại học Văn Hiến, việc đào tạo kiến thức và kỹ năng luôn mang các giá trị cốt lõi của trường, theo tinh thần của triết lý giáo dục “Thành Nhân trước thành Danh”.

Trên cơ sở này, sinh viên Quan hệ quốc tế sẽ trở thành những công dân có phẩm chất và năng lực toàn diện - có kiến thức rộng, kỹ năng giỏi, ngoại ngữ tốt, nhưng luôn có tinh thần học hỏi và tính chính trực, tôn trọng sự khác biệt để hội nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa văn hóa.

Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Thanh Tỉnh cũng thông tin: “Ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng được xây dựng dựa trên ba khối kiến thức, bao gồm chính trị quốc tế, luật quốc tế và kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng định hướng ứng dụng với các môn học kỹ năng nhằm giúp sinh viên dễ dàng thích nghi và đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, chúng tôi luôn truyền tải thông điệp: Mỗi sinh viên ngành Quan hệ quốc tế là “cánh tay nối dài” của đối ngoại nhân dân.

Với sự năng động, trình độ ngoại ngữ, kiến thức về lịch sử - văn hóa Việt Nam cùng kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, chính các bạn sinh viên là những đại sứ giúp nâng cao hình ảnh của đất nước thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế”.

z5827703211998_7494a6b2b3187383cd63963d964d7324.jpg
Bộ môn Quan hệ quốc tế (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Ảnh: NTCC.

Cô Yên cũng chia sẻ thêm, triển vọng nghề nghiệp của ngành Quan hệ quốc tế hiện nay rất khả quan, đặc biệt khi ngày càng có nhiều các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mở rộng hợp tác với Việt Nam.

Sự hiện diện đông đảo của các công ty, tổ chức đến từ các quốc gia trên thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên tốt nghiệp ngành này.

Sinh viên sau khi ra trường, có thể làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, truyền thông tại các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ (NGO); các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; các tổ chức báo chí, truyền thông, truyền hình.

Hiện tại, những công việc liên quan đến hợp tác quốc tế, truyền thông đa văn hóa, quản lý dự án trong các công ty Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tại Việt Nam đang phát triển mạnh và thiếu hụt nhân lực.

Sinh viên Trường Đại học Văn Hiến cũng có cơ hội được hỗ trợ tìm nơi làm việc sau khi tốt nghiệp thông qua mạng lưới kết nối doanh nghiệp rộng mở của nhà trường.

IMG_9177.jpg
Seminar “Kỹ năng cần thiết để trở thành Công dân toàn cầu” - một chương trình học thuật dành cho sinh viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Văn Hiến. Ảnh: NTCC.

Cần tạo môi trường học tập năng động và thực tiễn hơn cho sinh viên

Theo Tiến sĩ Ngô Tuấn Thắng, hiện nay, số lượng các trường mở ngành Quốc tế học/Quan hệ quốc tế cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng lên ở cả ba khu vực miền Bắc, Trung và miền Nam.

Để tăng cường chất lượng đào tạo ngành này, các cơ sở giáo dục cần tập trung nguồn lực vào một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tuyển chọn nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn và đúng chuyên ngành.

Thứ hai, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, có sự liên thông và phù hợp với thực tiễn, tăng thời gian thực hành và trải nghiệm thực tế cho người học;

Thứ ba, xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn học liệu phong phú. Điều này ngoài bản thân các đơn vị, cũng cần có sự phối hợp giữa các đơn vị đào tạo quốc tế học - quan hệ quốc tế ở trong nước và có thể mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Thứ tư, quan tâm hơn nữa tới người học (thông qua các hoạt động hỗ trợ học tập, tăng cường hoạt động ngoại khóa…) giúp người học có cơ hội tiếp cận với môi trường học tập tốt, từ đó phát triển toàn diện về mặt chuyên môn lẫn kỹ năng thực tế.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Thị Yên cũng bày tỏ: “Để thúc đẩy việc đào tạo ngành Quan hệ quốc tế, các trường đại học cần tạo môi trường học tập năng động và thực tiễn hơn cho sinh viên.

Điều đầu tiên là cần tăng cường các chương trình thực tập, kết nối sinh viên với các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ, hoặc doanh nghiệp nước ngoài để họ có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế. Các đơn vị đào tạo cũng nên đầu tư vào việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho người học, vì đây là kỹ năng không thể thiếu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, sinh viên cần được tiếp cận với công nghệ và tài liệu học tập hiện đại, đồng thời, trải nghiệm việc tự tổ chức các sự kiện đối ngoại, truyền thông nhằm phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, kỹ năng quản trị sự kiện hay kỹ năng làm việc nhóm để sẵn sàng cho sự nghiệp sau này”.

Trần Trang