Dọn bùn đất, lên núi dẫn nước, thầy cô ở Yên Bái, Lào Cai nỗ lực đón HS đến lớp

17/09/2024 08:53
Mạnh Đoàn

GDVN - Để có nước sinh hoạt, thầy cô phải lên núi dẫn đường nước về trường, có nơi giáo viên phải đi mượn bàn ghế để đón học sinh trở lại trường.

Tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua.

Đến nay, công tác khắc phục hậu quả bão lũ đang được các địa phương tập trung toàn lực. Với ngành giáo dục ở các địa phương này, thầy cô cũng đang nỗ lực dọn dẹp bùn đất, để cho học sinh đến trường học tập.

Thầy cô lên khe núi dẫn nước sinh hoạt về trường

Cô Nguyễn Thị Thu (Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Xuân Tầm, Văn Yên, Yên Bái) cho hay, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhà trường có hai phòng học, hai nhà vệ sinh, hai phòng kho để đồ bị đất đá sạt lở gây hư hỏng.

"Khu bếp nấu ăn bán trú trong phòng kho được sắm sửa khoảng 80 triệu đồng bị đất đá vùi lấp, sạt lở", cô Thu chia sẻ.

Đất đá sạt lở vào phòng học. Học sinh của đơn vị chiếm 98% dân tộc Dao đỏ.(Ảnh: NVCC)

Đất đá sạt lở vào phòng học. Học sinh của đơn vị chiếm 98% dân tộc Dao đỏ.(Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, khu phòng tập thể nhà công vụ dành cho giáo viên có nhà xa, cũng bị đất đá sạt lở vào ba phòng.

Về nguồn nước sinh hoạt, bể và giếng chứa nước của nhà trường cũng bị hư hỏng.

Theo cô Thu, sau khi nước lũ rút, thầy cô và hàng trăm phụ huynh đã dọn dẹp bùn đất tại các phòng học, khuôn viên trong ba ngày (12-13-14/9).

Sau khi dọn dẹp bùn đất xong cơ bản, vào ngày 16/9, học sinh đã quay trở lại trường để học tập. Tuy nhiên, nhà trường phải bố trí mỗi cấp học chỉ học một buổi trong ngày.

"Sau những thiệt hại do bão lũ, nhà trường đã được các cơ quan đoàn thể của tỉnh, huyện, xã thăm hỏi, động viên chia sẻ, vận động kêu gọi ủng hộ cho nhà trường.

Những phần quà của các đoàn từ thiện trao cho học sinh, nhà trường đã chuẩn bị phát quà trung thu cho 532 học sinh ở hai cấp học", cô Thu cho hay.

Sau khi dọn dẹp phần bùn đất, nhà trường vẫn phải cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. (Ảnh: NVCC)

Sau khi dọn dẹp phần bùn đất, nhà trường vẫn phải cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. (Ảnh: NVCC)

Để khắc phục tình trạng không có nước sạch, các thầy cô giáo đã lên trên khe núi để dẫn đường ống nước sạch về cho vào nhà vệ sinh. Nước để uống, học sinh và giáo viên sử dụng nước lọc do các mạnh thường quân ủng hộ.

Chia sẻ thêm về đời sống của giáo viên, học sinh, cô Thu cho hay, nhà trường có 22 giáo viên, nhân viên, trong đó có 7 thầy cô giáo có nhà cửa bị ảnh hưởng.

Mượn bàn ghế để chuẩn bị đón học sinh đến trường

Theo cô Vũ Thu Hương (giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Minh Chuẩn, Lục Yên, Yên Bái), nhà trường đang cố gắng "phấn đấu" để đến thứ Tư tuần này (18/9) học sinh sẽ quay trở lại trường.

"Do đường đi còn bùn lầy khó đi, nên ngày 16/9, nhà trường đã đi mượn bàn ghế thừa từ các trường khác và của các giáo viên để chuẩn bị cho học sinh đến trường", cô Hương cho hay.

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Minh Chuẩn vào ngày 10/9. (Ảnh: FB nhà trường)

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Minh Chuẩn vào ngày 10/9. (Ảnh: FB nhà trường)

Cô Hương chia sẻ thêm, trước đó, để phòng tránh thiệt hại do mưa lũ, thầy cô đã vận chuyển tivi, bàn ghế lên tầng hai nhưng nước lũ dâng nhanh ngập đến tầng hai của nhà trường. Ngập úng đã gây hư hỏng những đồ dùng trong phòng thiết bị thí nghiệm tại tầng một của nhà trường.

"Trong buổi tối nước dâng đến khoảng 20cm sân trường, các thầy trực tại trường đã khênh bàn ghế và tivi lên tầng 2. Sáng hôm sau, nước ngập hết tầng một, các thầy phải bơi ra ngoài...", cô Hương cho hay.

Nữ giáo viên cho biết, sau khi nước rút, nhiều đồ dùng dạy học đã bị hư hỏng. Bên cạnh giáo viên của nhà trường, còn có giáo viên của ngành giáo dục, lực lượng từ các cơ quan chính quyền địa phương, bộ đội đến giúp đỡ nhà trường khắc phục hậu quả.

"Sau lũ, lượng bùn đất dày khoảng 60-70cm.. May mắn với nhà trường là không có thiệt hại về con người", cô Hương chia sẻ.

Theo nữ giáo viên, nhà trường có 10 thầy cô bị ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó có 3 người bị thiệt hại nhiều về tài sản.

Nước dâng cao, giáo viên phải bơi ra khỏi trường

Cách khu vực làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) - nơi vừa qua xảy ra vụ sạt lở khiến 52 người chết và 14 người mất tích, khoảng 20 cây số là Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).

Thầy Đặng Minh Khương (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho hay, nhà trường có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên và đều ở tập trung khu vực thị trấn, cách trường khoảng 2 cây số.

Huyện Bảo Yên là địa phương giáp sông Chảy có địa hình hẹp, dốc. Trận bão lũ vừa qua khiến nhiều người "không kịp trở tay".

"Thị trấn Bảo Yên chưa bao giờ ngập nhưng vừa qua, vào ngày Thứ Hai (9/9) nước dâng nhanh quá, có những nhà bị ngập đến 4 mét nước. Còn nhà trường ở vị trí cao của một quả đồi nên vừa qua an toàn, đơn vị cũng là nơi tránh trú lũ lụt của người dân địa phương", thầy Khương chia sẻ.

Chia sẻ về gia đình thầy cô sau bão lũ, thầy Khương cho biết, hầu hết nhà của các thầy cô đều bị ngập lụt, nhiều đồ đạc trong gia đình bị hư hỏng do ngập nước.

"Hiện tại, giáo viên đến trường vẫn còn nhiều khó khăn do đường đi nhiều bùn đất. Nếu đi xe máy phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, còn đi bộ phải mất 2 giờ", thầy Khương chia sẻ.

truong-ptdtnt-thcs-thpt-bao-yen (5).jpg
Đường đến trường của các thầy cô bị sạt lở xuống con sông Chảy. (Ảnh: NVCC)
truong-ptdtnt-thcs-thpt-bao-yen (1).jpg
Đường đến trường của các cô giáo trong ngày 16/9. (Ảnh: NVCC)

Vị hiệu trưởng chia sẻ thêm, tổng số học sinh của nhà trường là 484 học sinh. Trong đợt bão lũ vừa qua, các em học sinh sinh hoạt, học tập tại nhà trường, không có em nào về nhà.

Đến nay, nhà trường chưa có thống kê chi tiết thiệt hại của gia đình các em học sinh.

"Ngày 16/9, nhà trường bắt đầu tổ chức giảng dạy trở lại. Về phía thiệt hại đối với gia đình các em học sinh, đơn vị chưa có thống kê do một số nơi chưa có sóng điện thoại, wifi nhưng có một trường hợp học sinh ở làng Nủ có bố bị thiệt mạng", thầy Khương chia sẻ.

Theo vị hiệu trưởng, nhà trường hiện vẫn còn khó khăn về nguồn nước sạch do đường ống nước dù được thay mới nhưng nhiều hộ dân đầu nguồn dùng để dọn rửa nhà cửa, trong khi nhà trường ở cuối nguồn nên chưa có nước.

truong-ptdtnt-thcs-thpt-bao-yen (2)22.jpg
Khi nước rút, gia đình của các giáo viên dọn dẹp bùn đất (Ảnh: NVCC)

Về nguồn nước sinh hoạt, thầy và trò sử dụng nước từ giếng trong khuôn viên của đơn vị. Còn với việc nấu ăn, nhà trường sử dụng bể tích trữ nước khoảng 200 mét khối nhưng có thể chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa.

Mạnh Đoàn