Đề xuất giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng giáo viên dạy thêm trước chương trình

22/09/2024 07:01
Nguyễn Quỳnh

GDVN- Với việc “nới lỏng” quy định dạy thêm, học thêm, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tiếp nhận phản ánh và xử lý kịp thời những bất cập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành vào ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm.

Trong đó, có một số nội dung tại dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm được đánh giá là cụ thể và hợp lý hơn so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT như sự quản lý chặt chẽ hơn về chương trình dạy thêm, những thay đổi trong việc học sinh đăng ký học thêm…

Theo dự thảo, không còn quy định cụ thể các trường hợp không được tổ chức dạy thêm như quy định trong Điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, Điều 3 của dự thảo đã đề cấp đến những quy định cụ thể về nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc “nới lỏng” hơn trong hoạt động dạy thêm, học thêm có thể sẽ tạo ra những tiêu cực.

GDVN_BD.JPG
Ảnh minh họa: M.T.

Cần giám sát chặt chẽ để không tình trạng ép buộc học sinh đi học thêm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Eakar (tỉnh Đắk Lắk) nhìn nhận: “Dự thảo Thông tư ra đời với các nội dung mới mang tính cập nhật thời sự, khi toàn ngành ở các cấp học thực hiện đồng nhất chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nội dung mới của dự thảo thông tư phù hợp với mục tiêu giáo dục và một số chính sách, văn bản quy định mới liên quan đến nhà giáo và ngành giáo dục.

Trong đó, các điểm mới của Thông tư quy định chặt chẽ hơn, nâng cao vai trò, trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò của người đứng đầu.

Các cá nhân, tổ chức thành lập nhóm, lớp tham gia dạy thêm, học thêm phải có bản cam kết với lãnh đạo nhà trường, phải tuân thủ nghiêm túc theo chỉ đạo của cấp trên. Qua đó phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm một cách kịp thời”.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh - Phó trưởng phòng gd Eakar.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Eakar (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: NVCC.

Theo ông Nguyễn Tiến Thịnh, dự thảo thông tư đã có sự “nới lỏng” trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó, có nội dung “Học sinh sẽ không phải viết đơn xin học thêm mà thay vào đó sẽ có sự đề xuất từ tổ chuyên môn”.

“Đây được xem là một quy định mới, tạo ra nhiều thuận lợi cho cả người dạy và người học. Xuất phát từ đề xuất của tổ chuyên môn, người học sẽ có nhiều cơ hội hơn và chủ động trong việc lựa chọn thầy cô để tham gia học thêm. Học sinh có thể lựa chọn được thầy/cô giảng dạy phù hợp với phương pháp học, sở thích của bản thân, nhằm đáp ứng nhu cầu học và phát triển năng lực cá nhân.

Đối với người dạy, thông qua đề xuất của tổ chuyên môn, giáo viên cũng có thêm đánh giá khách quan về năng lực, sở trường, cá tính của đối tượng học sinh mà mình sắp dạy. Từ đó, thầy/cô sẽ đưa ra nội dung, phương pháp dạy học phù hợp, tránh những nội dung trùng lắp hoặc đã dạy trên lớp. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình nâng cao sự lĩnh hội kiến thức, kĩ năng của học sinh.

Đồng thời, dự thảo thông tư mới đã chú ý đến bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh thông qua việc yêu cầu công khai thông tin về các khóa học thêm, mức thu học phí và các điều kiện dạy học. Các quy định mới mở rộng cơ hội cho học sinh tham gia các lớp học thêm liên quan đến nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống, giúp học sinh phát triển năng khiếu cá nhân mà còn tạo ra môi trường học tập toàn diện, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng sống” - ông Nguyễn Tiến Thịnh phân tích thêm.

Cho ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) cũng bổ sung thêm: “Việc đăng ký học thêm thực chất phần lớn không phải xuất phát từ học sinh mà từ ý định của phụ huynh. Các bậc phụ huynh luôn muốn con em mình vững chắc kiến thức cơ bản và học thêm kiến thức nâng cao.

Do đó, học sinh không cần phải viết đơn mà phụ huynh có thể xem xét đề xuất từ tổ chuyên môn. Từ đó, có thể biết được con mình đang yếu kém chỗ nào và tìm đến những thầy cô phù hợp để bổ trợ.

Tuy nhiên, các lãnh đạo cũng cần giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng “ép buộc” học sinh đi học thêm”.

Quy trình giám sát khá rườm rà, song vẫn có thể thực hiện tốt nếu có thời gian

Theo dự thảo thông tư, có quy định: “Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh”.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh cho biết, việc triển khai thực hiện nội dung này có thể đảm bảo được tính thực thi, vì các lý do sau: “Thứ nhất, khi đăng ký giáo viên dạy thêm, sẽ có sự ràng buộc về nội dung chương trình dạy thêm. Trong khi đó, tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường sẽ có kế hoạch giáo dục môn học. Hai nội dung dạy học này đều được đối chiếu, tránh gây ra tình trạng “chạy” trước chương trình. Mặt khác, việc kiểm tra đánh giá học sinh không chỉ được thực hiện bởi cá nhân của một giáo viên dạy thêm thực hiện mà còn có sự xem xét từ nhiều tổ chuyên môn khác.

Thứ hai, trong dự thảo thông tư mới, hoạt động dạy thêm vẫn chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan từ chính quyền các cấp và giám sát chất lượng lớp dạy thêm từ phụ huynh.

Thứ ba, việc dạy thêm, học thêm trước chương trình là tuyệt đối không thể vì nếu làm như vậy, nhiều em lên lớp sẽ phải học lại, dẫn đến nhàm chán khi kiến thức không có gì mới mẻ, từ đó hình thành tư tưởng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Mặc dù, thực tế việc dạy trước chương trình có thể sẽ có ích với các đối tượng học sinh chỉ tham gia học nâng cao kiến thức đại trà, nhưng riêng đối tượng học sinh giỏi tham gia các kỳ thi cấp huyện, tỉnh và quốc gia, sẽ trở thành bất lợi. Vì khi tham gia cuộc thi lớn, các em cần thầy cô ôn luyện, trang bị một lượng kiến thức khá rộng và bao quát tổng hợp kiến thức trước, sau, trong và ngoài sách tất cả toàn bộ nội dung chương trình”.

Đề cập tới những bất cập khi thực thi nội dung này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên lại cho rằng, sẽ khó để thực hiện quy định không dạy trước chương trình học, bởi nhiều học sinh tham gia học thêm cũng mong muốn được bổ trợ và giải thích rõ hơn những kiến thức mà giáo viên giảng dạy trên lớp, từ đó, theo kịp tiến độ với bạn bè cùng trang lứa.

ong-nguyen-duc-hai-pgd-huyen-phu-yen-7067.png
Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC.

“Bên cạnh nhu cầu muốn được bồi đắp kiến thức của học sinh và phụ huynh, việc không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học tại nhà trường còn gặp khó khăn ở khâu quản lý.

Để bảo đảm giáo viên không dạy thêm trước chương trình, thầy/cô phải soạn nội dung dạy thêm và trình ban lãnh đạo. Các cấp sau đó phải vào cuộc để xác minh thực tế giáo viên có triển khai đúng như nội dung đó hay không.

Theo tôi, quy trình này sẽ khá rườm rà, song vẫn có thể thực hiện tốt, nếu có thời gian để giám sát chặt chẽ”, ông Hải trao đổi thêm.

Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời những bất cập

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) đề xuất những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm trước chương trình đào tạo. Cụ thể như sau:

Đối với nhà giáo: Cần nắm rõ và thực hiện đầy đủ các quy định của ngành nói chung và quy định về dạy thêm, học thêm nói riêng.

Đối với các cấp quản lý và tổ chức xã hội: Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời những bất cập phát hiện trong hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng biến các trung tâm dạy thêm, học thêm là “sân sau” thu nhập cho một số nhà quản lý.

Đối với gia đình và học sinh: Cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về thành tích học tập và chạy đua thành tích một cách không khoa học, không thực tế và cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích việc tham gia học thêm, đồng thời cần kiên quyết với các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

d81047f55401a45ffd10.jpg
Ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng). Ảnh: ctxhdanang.vn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Thịnh cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiêm cấm triệt để việc dạy trước nội dung chương trình; người vi phạm cần phải được xử lý nghiêm khắc, tước quyền dạy thêm có thời hạn. Nếu tiếp tục vi phạm, cần có biện pháp nghiêm hơn để thầy cô cần có tính kỷ luật, sống có trách nhiệm cao hơn.

“Ban lãnh đạo cần yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch dạy thêm, để làm cơ sở đối chiếu với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; kiểm tra đột xuất, tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh và học sinh, để phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng dạy thêm trước các chương trình trên lớp.

Hơn nữa, thời gian chương trình phải được phân bố phù hợp các môn học và dành để nghiêm túc thực hiện các hoạt động ngoại khóa. Tăng cường cơ sở vật chất để các nhà trường có điều kiện giáo dục toàn diện cho học sinh ở các bộ môn (Nghệ thuật, Tin học, tiếng ngoại ngữ). Nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật hiện chưa được tổ chức dạy đầy đủ là một thiệt thòi lớn của lớp trẻ” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Nguyễn Quỳnh