Sẽ là không đúng nếu hiểu kiểm định nước ngoài có đẳng cấp cao hơn trong nước

21/09/2024 06:22
Ngọc Mai

GDVN - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định, không nên hiểu rằng kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài là một đẳng cấp khác, cao hơn so với trong nước.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 11 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài, 574 chương trình đào tạo của 63 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài (trong tổng số gần 2000 chương trình đào tạo được kiểm định).

Điểm khác biệt giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và trong nước là gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, người từng đảm nhận vai trò trưởng đoàn của rất nhiều đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học chia sẻ, chỉ có bộ tiêu chuẩn kiểm định của Tổ chức Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) là cơ bản giống với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; còn lại, bộ tiêu chuẩn kiểm định của những tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam đều có những đặc thù riêng.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: website Học viện Ngân hàng)
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: website Học viện Ngân hàng)

"Với 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, chúng ta đều hiểu, mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài này có bộ tiêu chuẩn kiểm định riêng, triết lý riêng. Nhưng khi được Bộ công nhận hoạt động tại Việt Nam nghĩa là các tổ chức này đã trải qua quá trình đánh giá hồ sơ, đạt yêu cầu, đảm bảo đủ uy tín, chất lượng hoạt động", thầy Vận chia sẻ.

Chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam đương nhiên sẽ khác các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cũng như khác các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam. Nếu căn cứ vào những yếu tố cốt lõi nhất, có thể thấy một số điểm khác biệt cơ bản như:

Thứ nhất, quy định của Việt Nam về điều kiện hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là phải có trụ sở, nhân lực, nguồn tài chính đủ đảm bảo hoạt động và được phép hoạt động. Còn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài muốn được hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam phải có hồ sơ đề nghị được hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, trong đó, phải chứng minh tính hợp pháp, năng lực, kinh nghiệm hoạt động và tính công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, phạm vi hoạt động,… và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận hoạt động.

Thứ hai, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước phải thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trên cơ sở bộ tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện kiểm định viên,… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam thường tự xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện kiểm định viên,… và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thừa nhận, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận hoạt động.

Thứ ba, nguyên tắc đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cũng có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, trong khi một số nguyên tắc được pháp luật Việt Nam quy định là bắt buộc thì ở một số nước khác (như Hoa Kỳ), kiểm định chất lượng giáo dục là tự nguyện. Rất nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước phát triển coi việc tuân thủ pháp luật ở các cơ sở giáo dục là đương nhiên và cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra vấn đề này chứ không phải là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn).

“Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục là hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục có chất lượng ngày càng cao nhằm đào tạo lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tham gia vào thị trường lao động không biên giới.

Hầu hết tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước phát triển chủ yếu đánh giá chất lượng theo nguyên lý giúp cơ sở giáo dục xác định được yêu cầu, xu thế đào tạo nhân lực của thị trường lao động; đối chiếu với thực tế của trường để thấy được những điểm chưa đáp ứng (cơ sở giáo dục/chương trình đào tạo) cần phải tiếp tục cải tiến; tư vấn các hướng cải tiến,… để nâng cao chất lượng, đạt được mục tiêu giáo dục đào tạo của chính nhà trường và đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm. Điều này cho thấy, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hầu như không xác định nhiệm vụ của họ là người kiểm định việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở giáo dục”, cô Phụng chia sẻ.

Thứ tư, về thành phần đoàn đánh giá ngoài, với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hầu hết là các kiểm định viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp thẻ trên cơ sở kinh nghiệm đã từng làm giảng viên, nhà quản lý giáo dục, được bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, đạt kết quả trong kỳ thi sát hạch của Bộ.

Đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, thành phần đoàn đánh giá ngoài thường bao gồm: người của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (nắm rõ tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình đánh giá), lãnh đạo và/hoặc giảng viên có kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục có uy tín (đánh giá đồng cấp/đồng nghiệp), đại diện doanh nghiệp lớn (có sử dụng lao động là sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học) và sinh viên có kinh nghiệm (sinh viên cuối cấp hoặc mới tốt nghiệp – người biết rõ nhất sinh viên cần điều kiện/môi trường học tập như thế nào).

“Những sự khác biệt nêu trên thể hiện khá rõ quan điểm về đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, lịch sử hình thành, kinh nghiệm, văn hóa chất lượng và mức độ phát triển của từng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở mỗi nước/khu vực.

Trong đó, cũng nhiều yếu tố mà hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam có thể tận dụng “lợi thế của người đi sau”, học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển để ngày càng tiệm cận các nguyên tắc đánh giá tiên tiến, quy định và tổ chức đoàn đánh giá ngoài với thành phần đa dạng, hiệu quả hơn....”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định.

Cô Phụng cho rằng, mặc dù 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam đều là những tổ chức uy tín của các nước có nền giáo dục phát triển như Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á… hiện đều chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam và không thật sự cần thiết phải có.

“Mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có phạm vi hoạt động và thế mạnh khác nhau. Trong đó, có những tổ chức mà Việt Nam đã tham khảo sâu sắc bộ tiêu chuẩn kiểm định để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam như: AUN-QA; có tổ chức kiểm định diện rộng cả cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo như ACQUIN, AQAS, AUN-QA…; tổ chức hầu như chỉ tập trung kiểm định chương trình đào tạo như QAA; tổ chức chỉ kiểm định chuyên sâu một nhóm chương trình đào tạo cụ thể như FIBAA (pháp luật, kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội và hành vi…), ACBSP và THE-ICE (du lịch, khách sạn, nhà hàng…); ABET (kỹ thuật, công nghệ)...

Các cơ sở giáo dục đại học cần hiểu rõ thế mạnh của 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam để đăng ký đánh giá chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu liên quan đến ngành/chương trình đào tạo của trường và phạm vi hoạt động của tổ chức. Từ đó, phát huy được thế mạnh của mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài trong đánh giá, tư vấn nâng cao chất lượng, phát triển nhà trường sau kiểm định”, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học bày tỏ.

Cùng đưa ra quan điểm, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng, thời gian thực hiện đánh giá ngoài giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thường ngắn hơn so với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước chú trọng nhiều vào đánh giá năng lực phát triển của cơ sở giáo dục đại học thông qua đánh giá quy trình hoạt động của cơ sở đào tạo/chương trình đào tạo như thế nào. Việc đánh giá này có lợi thế là giúp các trường định hướng phát triển liên tục, có góp ý quy trình hoạt động.

“Với những tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khi tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, đoàn đánh giá ngoài sẽ quan tâm nhiều đến quy trình phát triển, đây mới là điều tốt, vì nó có thể giúp các trường nhận biết thực trạng chương trình đào tạo của trường đang ở mức nào, chất lượng ra sao và cần có định hướng, cơ cấu tổ chức, hoạt động như thế nào để phát triển hơn trong tương lai”, thầy Vận chia sẻ.

Kiểm định trong nước hay nước ngoài có những điểm khó, dễ riêng

Theo cô Phụng đánh giá, ngày càng nhiều chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài. Đây là một tất yếu khách quan trong quá trình hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; là sự thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước (thể hiện trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 69/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 78/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030).

Còn theo quan điểm của Giáo sư Đặng Ứng Vận, mặc dù ngày càng nhiều chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức nước ngoài nhưng chưa thể trở thành xu hướng. Bởi, hiện nay không phải trường nào cũng kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức nước ngoài vì còn phụ thuộc vào tính phù hợp giữa các tiêu chí đánh giá và mục tiêu mà chương trình đào tạo hướng đến.

Kiểm định trong nước hay nước ngoài có những điểm khó, dễ riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, chủ yếu các kiểm định viên là người Việt Nam nên khi tham gia đánh giá chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam sẽ có thuận lợi hơn về văn hóa, ngôn ngữ, nắm rõ được các vấn đề giáo dục trong nước nên sẽ dễ dàng chia sẻ, góp ý xây dựng hơn.

Có thể thấy, một số cơ sở giáo dục đại học định hướng, phấn đấu trở thành trường đạt chuẩn quốc tế nên luôn mong muốn kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài. Tuy nhiên, để cơ sở giáo dục đại học vươn tới chuẩn quốc tế thì còn cần rất nhiều điều kiện khác như vị trí trên bảng xếp hạng,...

Về một số nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ sở giáo dục đại học chọn kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định giáo dục trong nước hay nước ngoài, cô Phụng cho rằng, Khoản 3, Điều 51, Luật số 08/2012/QH13 của Quốc hội về Luật Giáo dục đại học đã quy định rõ cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, để lựa chọn tổ chức kiểm định giáo dục trong nước hay nước ngoài đánh giá chương trình đào tạo, các trường phải cân nhắc sự phù hợp giữa bộ tiêu chuẩn kiểm định (trong nước hay nước ngoài) với mục tiêu đào tạo chương trình; cân nhắc nguồn lực thực tế có thể đáp ứng (tài chính, cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài, nhân lực có thể viết báo cáo tự đánh giá bằng tiếng nước ngoài và làm việc trực tiếp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài,...); cân nhắc thời gian thực hiện theo kế hoạch của trường,...

“Cá biệt, không loại trừ có ý kiến đề cập đến việc lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài vì cảm giác “dễ” trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục nhưng đó chỉ là những nhận xét cảm tính, không có căn cứ chính xác”, cô Phụng chia sẻ.

Trước thực tế số lượng chương trình đào tạo được công nhận bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tăng lên, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định, ở thời điểm hiện nay, việc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có thể mang lại một số lợi ích cho người học và nhà trường trong thực hiện mục tiêu hợp tác quốc tế...

Tuy nhiên, trong dài hạn, cô Phụng cho rằng, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách; các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nên tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng của công tác kiểm định, hội nhập quốc tế như: tham gia/hợp tác với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, tham khảo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, trao đổi/dùng chung kiểm định viên, công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau,... chứ không nên tạo ra quan điểm, cách hiểu rằng hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài là một đẳng cấp khác, cao hơn so với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Đến nay, cả nước có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN.

Ngọc Mai