Chỉ khi được đầu tư đúng và đủ, giáo dục đại học mới thực sự phát triển mạnh mẽ

25/09/2024 06:22
Tường San

GDVN-Muốn thực hiện hiệu quả Nội dung thứ 04 tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, cần sớm ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

"Tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn,..." là một trong điểm đáng chú ý được nêu trong Nội dung thứ 04 tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tập trung đầu tư hiện đại hoá giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Theo lãnh đạo tại một số cơ sở giáo dục đại học, trong bối cảnh hiện nay, muốn giáo dục đại học thực sự phát triển, việc đầu tư một cách tập trung là rất quan trọng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động.

Có nguồn lực đầu tư lớn, bài bản giúp cho các trường đại học công lập có cơ hội bứt phá

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Khổng Trung Thắng – Chủ tịch hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang bày tỏ, hiện nay, các trường đại học công lập nói chung, và đặc biệt là các trường đại học công lập tự chủ nhóm 3 nói riêng đều có nguồn thu chính từ học phí. Trong khi đó, việc tăng học phí phải thực hiện theo đúng quy định. Do đó, nguồn lực tài chính đầu tư chuyên sâu, cho cơ sở vật chất và con người hạn chế.

Vậy nên, nếu có nguồn lực đầu tư lớn, bài bản từ Nhà nước sẽ giúp cho các trường đại học công lập có cơ hội bứt phá.

Cụ thể, theo thầy Thắng, cơ sở vật chất cần phải hiện đại đáp ứng được đào tạo phù hợp với thực tiễn hiện nay, đặc biệt là với những trường đào tạo kỹ thuật thì việc đầu tư về cơ sở vật chất cho sinh viên thực hành, thực tập là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần phải chú trọng đầu tư máy móc hiện đại để thực hiện được các nghiên cứu chuyên sâu. Đơn cử như khi muốn nghiên cứu về biển, đội ngũ nghiên cứu cùng giảng viên, sinh viên đều cần nhiều máy móc, thiết bị chuyên sâu mới thực hiện tốt được.

Có thể nói, quy hoạch mạng lưới các trường đại học sẽ là cơ sở để Nhà nước đầu tư và cũng là cơ sở để các trường xây dựng chiến lược phát triển. Chính vì vậy, thầy Trung cũng bày tỏ mong muốn bản quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học sớm được ban hành để hiện thực hóa Nội dung thứ 04 tại Kết luận số 91.

Cùng bàn về nội dung trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp- Đại học Thái Nguyên cho hay, Nội dung thứ 04 tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị là nội dung có ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần thực hiện được chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước - “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đối với giáo dục đại học của quốc gia.

Bởi, chỉ khi có sự quan tâm cụ thể thông qua các chương trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đúng mức của Nhà nước vào những ngành, nghề, lĩnh vực thiết yếu theo chiến lược phát triển của quốc gia cho các cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng, tiềm lực thì chúng ta mới có cơ hội, khả năng tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hay nói cách khác, chỉ khi đầu tư đúng, đủ thì chúng ta mới có khả năng tạo ra sản phẩm đào tạo tương đương với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Cần xem xét đầy đủ đến tính đặc thù về vùng miền và lĩnh vực đào tạo thế mạnh của các trường

Cũng theo Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, mỗi trường đại học công lập đều có bề dày lịch sử phát triển với những thế mạnh riêng và vai trò ở một khu vực địa lý đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đào tạo nhất định.

118229911_2679553792305883_7833658633728816374_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Khoa thông tin, Đại học Thái Nguyên là 01 trong 18 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở giáo dục đại học công lập dự kiến được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở trong Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Có thể nói rằng, đây là một trong những thuận lợi giúp cho Đại học Thái Nguyên nói chung và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp nói riêng thực hiện một cách cụ thể hóa Nội dung 04 nói trên khi nhà trường có năng lực và kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ phục vụ công nghiệp 60 năm.

Hiện, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp nói riêng và Đại học Thái Nguyên đã và đang nỗ lực tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và mở rộng đối tác để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo có trình độ cao về cả về quy mô, tiến độ và chất lượng, đáp ứng trực tiếp nhu cầu nhân lực của khu vực nói riêng, quốc gia và quốc tế nói chung.

Từ kinh nghiệm này, để thực hiện hiệu quả Nội dung 04 tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, thầy Khoa bày tỏ, nhà trường mong muốn và kiến nghị Nhà nước xem xét nghiên cứu xây dựng chính sách như đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng trước hoặc cho vay kinh phí và quyết toán dựa trên kết quả đào tạo đạt chuẩn.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên cho rằng, trường đại học vốn là cái nôi tri thức để cung ứng đội ngũ nhân lực chất lượng cho thị trường và xã hội. Muốn đất nước phát triển thì việc đầu tư cho những cái “nôi tri thức” là rất quan trọng.

Trong đó, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp công tác đầu tư cho giáo dục đại học được đẩy mạnh.

Bởi lẽ sau quy hoạch, việc đầu tư các nguồn lực sẽ được nhiều hơn, tập trung hơn, đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học nào được quy hoạch là trường trọng điểm sẽ được đầu tư sâu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thông minh hiện đại, … Từ đó, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cũng theo thầy Đăng, hiện nay có tình trạng các trường đại học cùng trên địa bàn đào tạo chồng chéo ngành nghề với nhau. Chúng ta phải làm sao để mỗi trường tập trung đào tạo với đặc trưng, chiến lược phát triển riêng của mình để tránh công tác đầu tư bị dàn trải. Có như vậy, việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm mới có hiệu quả được,

Tường San