Nữ sinh 21 tuổi chinh phục học bổng nghiên cứu sinh của Đại học Harvard

22/09/2024 07:39
Ngọc Huệ

GDVN - Trịnh Ngọc Mỹ (sinh năm 2003, quê ở Thành phố Hồ Chí Minh) xuất sắc giành Học bổng Nghiên cứu sinh của Đại học Harvard khi mới 21 tuổi.

Học bổng nghiên cứu sinh mà Trịnh Ngọc Mỹ nhận được bao gồm 100% học phí, phí bảo hiểm và mức lương $50.000/năm (tương đương 1,2 tỷ đồng/năm).

Từ yêu thích môn Ngữ văn đến say mê nghiên cứu sinh học tiến hóa

Được biết, Ngọc Mỹ từng là học sinh lớp 10 chuyên Ngữ văn Trường Phổ thông năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Khi học lớp 10, Mỹ giành nhiều giải thưởng liên quan đến môn Ngữ văn và có ý định sẽ gắn bó và phát triển theo hướng chuyên sâu về môn học này. Tuy nhiên, hướng đi của Mỹ bắt đầu thay đổi khi em có cơ hội đi du học ở Hoa Kỳ vào năm lớp 11.

Mỹ.jpg
Trịnh Ngọc Mỹ xuất sắc giành học bổng toàn phần tiến sĩ Đại học Harvard. (Ảnh: NVCC)

Mỹ chia sẻ, năm 2019, em trúng tuyển và học lớp 11 tại Trường Trung học Villa Maria Academy (Hoa Kỳ). Đến nay, em đã có 5 là du học sinh ở Hoa Kỳ. Tại Trường Trung học Villa Maria Academy, ngoài học chương trình phổ thông, Mỹ còn đăng ký nhiều môn AP (Advanced Placement - chương trình giúp học sinh nhập môn và tìm hiểu sâu về các môn học liên quan đến tín chỉ đại học) để thực hiện mục tiêu tốt nghiệp xuất sắc và được quy đổi tín chỉ đại học. Thời điểm em say mê nghiên cứu sinh học tiến hóa là khi được học lớp AP Biology - lớp Sinh học nâng cao và chương trình về sinh học tiến hóa có những kiến thức đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với Mỹ.

Cùng với việc học ở lớp, Mỹ còn chủ động đọc thêm các loại sách về chủ đề tiến hóa ở thực vật. Càng đọc, em lại càng có ấn tượng và yêu thích tìm tòi về quá trình tiến hóa của thực vật bởi khả năng tiến hóa của chúng khá phức tạp, nhanh chóng.

Tốt nghiệp cấp 3, Mỹ muốn tiếp tục theo đuổi, khám phá những kiến thức mới, chuyên sâu về sinh học nên đã nộp đơn xin đăng ký xét cấp học bổng và trúng tuyển vào học ngành Sinh học của Đại học Oberlin (Hoa Kỳ) với có mức hỗ trợ tài chính là 60.000 USD/năm.

Trong những năm học đại học, Mỹ làm nghiên cứu về loài Schiedea - một chi thực vật thân thảo đặc hữu tại quần đảo Hawaii. Mục đích nghiên cứu về loài thực vật này là nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự tiến hóa, di truyền và khả năng sinh sản của các loại thực vật trong điều kiện cô lập, thụ phấn hạn chế. Và với kết quả nghiên cứu về sơ đồ tiến hóa của loài Schiedea, đầu năm 2024, Mỹ được nhận giải thưởng Nhà thực vật học trẻ của Hiệp hội Thực vật học Hoa Kỳ (BAS).

Cũng trong đầu năm nay, Mỹ là 1 trong 2 sinh viên của khóa tốt nghiệp Đại học Oberlin với tấm bằng danh dự. Đại học Oberlin có 3 hạng bằng danh dự gồm: Honors - mức thấp nhất của bằng danh dự; High Honors - mức cao thứ 2 của bằng danh dự và Highest Honors - mức cao nhất của bằng danh dự. Trong đó, Mỹ nhận bằng danh dự High Honors.

Chia sẻ thêm về giải thưởng Nhà thực vật học trẻ của Hiệp hội Thực vật học Hoa Kỳ, Mỹ nói: “Khi được Hội thực vật học Hoa Kỳ trao thưởng, em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Nghiên cứu về Schiedea là công trình mà em đã thực hiện trong suốt 3 năm học tại Đại học Oberlin. Nghiên cứu được hội đồng, giám khảo đánh giá cao, từ đó tiếp thêm động lực để em có thể thiết kế và theo đuổi những dự án về tiến hóa sau này".

Nhận học bổng nghiên cứu sinh khi mới 21 tuổi

Được nhận học bổng du học, học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài khi tuổi đời rất trẻ là ước mơ của nhiều người.

Kể về hành trình “săn” học bổng nghiên cứu sinh Đại học Harvard, Mỹ bày tỏ, một bộ hồ sơ đăng ký xét cấp học bổng nghiên cứu sinh hoàn chỉnh cần chuẩn bị gồm: thông tin cá nhân, bài luận chính (một số trường yêu cầu bài luận phụ), thư giới thiệu từ 3 giáo sư. Để có đủ 3 thư giới thiệu từ các giáo sư, Mỹ chủ động gặp những giáo sư mà em ngưỡng mộ để tìm hiểu và xác định mức độ phù hợp của bản thân với nghiên cứu sinh học. Sau đó, Mỹ mới bắt đầu viết luận để đăng ký xét cấp học bổng nghiên cứu sinh.

Mỹ 2.jpg
Trịnh Ngọc Mỹ chụp ảnh cùng các khách mời ở hội thảo thực vật học của Hiệp hội Thực vật học Hoa Kỳ vào tháng 6/2024. (Ảnh: NVCC)

Với Mỹ, khoảng thời gian làm hồ sơ đăng ký xét cấp học bổng nghiên cứu sinh thật sự rất bận rộn. Bởi, thời điểm đó, ngoài học năm cuối đại học, em còn học thêm 6 lớp khác, làm luận văn tốt nghiệp đại học, trợ giảng cho 2 lớp, quản lý kho hóa chất cho bộ phận hóa học của trường nơi em đang học và tham gia một số hoạt động cộng đồng khác. Vì quá bận rộn nên khi làm hồ sơ đăng ký xét cấp học bổng nghiên cứu sinh, Mỹ ít có thời gian dành cho các thành viên trong gia đình ở Việt Nam.

“Khi nhận được thông báo từ Đại học Harvard, em rất bất ngờ vì là 1 trong số 30 ứng viên được chọn phỏng vấn. Nhưng lo lắng của em khi đó là bản thân mới chỉ là sinh viên năm cuối đại học trong khi các ứng viên khác đều đã tốt nghiệp đại học, là thạc sĩ, hoặc đang làm việc tại các phòng nghiên cứu chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm.

Nếu không có sự động viên, khích lệ, khuyên nhủ từ Giáo sư Mike Moore - người đã giúp đỡ, hướng dẫn em nghiên cứu trong suốt quá trình học đại học thì có lẽ em đã không nộp hồ sơ đăng ký xét cấp học bổng nghiên cứu sinh vì em luôn nghĩ rằng bản thân mình quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và không đủ khả năng. Lời động viên của thầy trở thành đòn bẩy giúp em tập trung hoàn thành tốt hồ sơ, bài luận để có kết quả như ngày hôm nay.

Em cảm thấy thật sự may mắn khi được là học trò của Giáo sư Mike Moore”, Mỹ bày tỏ.

Chia sẻ thêm về một số kinh nghiệm để có thể “ẵm” học bổng nghiên cứu sinh Đại học Harvard ngay từ lần đầu tiên ứng tuyển, Mỹ cho rằng, kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn, xuyên suốt, độc lập và có trọng tâm là những yếu tố then chốt quyết định đến thành công của ứng viên. Ngoài ra, điểm cộng để các ứng viên có thể nhận học bổng nghiên cứu sinh là tính tự lập, khả năng đặt câu hỏi và sức bền nghiên cứu.

Mỹ 3.jpg
Trịnh Ngọc Mỹ (thứ 2, từ trái sang) cùng các bạn ở phòng thí nghiệm của giáo sư Mike Moore. (Ảnh: NVCC).

Dù đã có 5 năm du học sinh ở Hoa Kỳ nhưng Mỹ cũng không khỏi bỡ ngỡ khi phải chuyển đến Cambridge, MA - một thành phố ở Quận Middlesex, Massachusetts, Hoa Kỳ lần đầu tiên vào tháng 8/2024 để thuận tiện cho việc học và tập trung làm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard.

Theo chia sẻ của Mỹ, Đại học Harvard có môi trường rất khác so với Đại học Oberlin - ngôi trường mà Mỹ gắn bó trong suốt thời gian học đại học. Dù mới chỉ chính thức trở thành nghiên cứu sinh cách đây hơn 1 tháng nhưng Mỹ cảm nhận được tiến độ học ở Đại học Harvard rất nhanh và các nghiên cứu sinh đều có tinh thần độc lập cao, tự học là chính.

Hiện tại, mục tiêu của Mỹ là có thể xây dựng được dự án nghiên cứu cho 5 năm học tiến sĩ. Trong tương lai, Mỹ rất thích công việc giảng dạy nên mong muốn bản thân có thể trở thành một giảng viên đại học. Để “cháy” hết mình, Mỹ mong muốn xây dựng được một phòng thí nghiệm riêng để có thể cùng lúc thực hiện cả hai công việc chính là nghiên cứu và giảng dạy.

Dưới đây là một số thành tích, giải thưởng và nghiên cứu nổi bật của Trịnh Ngọc Mỹ:

Năm 2021: Nhận Giải thưởng Giáo Dục của Tổng Thống Hoa Kỳ; giải Đồng Cuộc thi Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế; giải Đồng Cuộc thi Toán học trẻ quốc tế.

Được nhận vào làm nghiên cứu sinh ở các cơ sở giáo dục đại học, gồm: Harvard University, Stanford University, và The University of Chicago.

Năm 2024, Mỹ là thành viên của tổ chức danh dự Sigma Xi; nhận giải thưởng Sinh học Norman Hill Wright của Đại học Oberlin.

Thực hiện nghiên cứu về sự tiến hóa từ lưỡng tính thành đơn tính trong thực vật trên quần đảo Hawaii (2022, 2023, 2024); Nghiên cứu các gen điều tiết trong thực vật khi đối mặt với hạn hán (2022) tại Đại học Oberlin.

Thực hiện nghiên cứu về sử dụng tin sinh học để mô tả lịch sử tiến hóa của thực vật (2023, 2024) tại Đại học St.Cloud State.

Diễn giả trong hội thảo khoa học của Hiệp hội Thực vật học Hoa Kỳ (2023, 2024); Diễn giả trong hội thảo khoa học của Đại học Oberlin (2023).

Thực tập sinh, nghiên cứu về cấu trúc và sự tiến hóa của cây trồng (2023) tại vườn ươm Arnold của Đại học Harvard.

Giành Học bổng Nghiên cứu sinh toàn phần với 5,6 tỷ đồng từ Đại học Oberlin

Ngọc Huệ