Thầy Nguyễn Xuân Khang – ông đồ Nghệ giữa đời thường

19/09/2024 10:30
Linh An

GDVN -Những ngày này, thông tin nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nhận nuôi tất cả học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét tại Làng Nủ đang nhận được nhiều cảm phục.

Nhận “nuôi” các em học sinh may mắn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ

Những ngày này, thông tin nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang nhận được nhiều sự cảm phục vì tấm lòng “vàng” của thầy.

Hơn tuần qua, đau thương của toàn dân miền Bắc sau ảnh hưởng của bão lũ khiến ai ai cũng rơi lệ và thầy Khang cũng không ngoại lệ. Nhưng “khóc thôi ư? Phải làm gì để nguôi ngoai. Thế là nghĩ ra cách mình có thể làm đó là nhận “nuôi” các cháu còn sống sót, bù đắp để các con được ấm no và học hành tử tế”, đó là suy nghĩ của thầy Khang lắng nghe câu chuyện của những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ hay chỉ còn bố hoặc mẹ, thầy không khỏi xót xa và thôi thúc thầy phải làm một điều gì đó.

Ngay tại thời điểm ấy, thầy Khang kết nối và nhờ chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau vụ lũ quét. Thầy Khang và hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định sẽ nhận “nuôi” các em ăn học cho đến 18 tuổi, bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/em/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.

Khi chưa thể có danh sách đầy đủ vì còn nhiều người đang mất tích, thầy quyết định hỗ trợ ngay những trường hợp đã nắm bắt được. Trong số này có em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12, Trường trung học phổ thông số 1 Bảo Yên. Sau trận lũ quét qua Làng Nủ, Hành mất hết cả gia đình, chỉ còn lại một mình. Thông qua cô Nguyễn Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông số 1 Bảo Yên, thầy Khang được kết nối qua điện thoại với Hành.

Thầy hỏi Hành tỉ mỉ từ tình hình gia đình, tình trạng sức khỏe đến việc ăn uống ra sao rồi nói: "Con hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi. Vậy con đồng ý cho thầy nhận con là cháu nội được không?". Hành khóc và nói: "Dạ được ạ".

Thế rồi hai ông cháu, một người ở Hà Nội, một người đang ở bệnh viện điều trị vết thương sau trận lũ kinh hoàng ở Làng Nủ, thủ thỉ bàn việc.

0.jpeg
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang

Thông qua phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng, biết Hành không còn muốn đi học nữa và sẽ đi làm để kiếm sống vì tương lai mờ mịt, "ông nội" nói: "Bây giờ ông sẽ giúp con đủ tiền để ăn học. Ông và các cô giáo của con đều muốn con tiếp tục học xong lớp 12 và học lên nữa, con đồng ý không?". Hành lại khóc: "Con đồng ý ạ".

Thầy Khang hỏi Hành: "Để đủ tiền ăn học thì mỗi tháng con cần bao nhiêu?". Hành vốn chưa từng phải lo toan nên lúng túng không biết trả lời thế nào. Cô Hồng sau khi trao đổi với Hành nói với thầy Khang: "Ở trên này các cháu được khoảng 3 triệu một tháng thì thoải mái rồi ạ".

Thầy Khang "chốt" ngay, mỗi tháng sẽ cho Hành 3 triệu đồng, khi nào có việc đột xuất cần thêm thì nói với "ông nội". Thầy nhờ cô Hồng mở tài khoản ngân hàng cho Hành để hàng tháng thầy gửi tiền vào tài khoản đó. Đồng thời cũng nhờ cô mua giúp thầy tặng cho Hành một chiếc điện thoại để ông cháu thi thoảng nói chuyện với nhau.

Đáp lại tấm lòng của thầy Khang, Hành khóc nghẹn khi nói lời cảm ơn thầy và hứa với sẽ học vượt qua nỗi đau mất hết cả gia đình, cố gắng học hành chăm chỉ để tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn học gì sau đó nữa thì Hành xin "ông nội" cho con suy nghĩ thêm…". Thầy Khang động viên: "Con hứa rồi nhé. Cố gắng lên".

Thầy Khang cho biết, khi nhận bảng danh sách mang tên "Học sinh bị lũ cuốn" do Trường tiểu học – Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) tổng hợp, thầy Khang nói: "Cứ nhìn vào danh sách ấy tôi lại khóc".

Danh sách thống kê 20 em ở mọi khối lớp có những cái tên bôi đỏ, bôi vàng. Cuối danh sách ấy có ghi chú: "Học sinh bôi vàng là bị thương, bôi đỏ là đã mất". Số học sinh "bôi đỏ" lên tới 13 em, chỉ còn lại 7 học sinh "bôi vàng".

“Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét” là điều thầy mong muốn để bù đắp, giúp tương lai của những đứa trẻ may mắn sống sót nhưng phải chịu nhiều tổn thương sẽ không còn “mù mịt” nữa.

Đây không phải dự án đầu tiên mà thầy Nguyễn Xuân Khang “chung tay” cùng với ngành giáo dục huyện miền núi để phát triển bền vững. Bởi, đến nay, thầy đã và đang triển khai nhiều dự án thiện nguyện gửi đến thầy, trò vùng khó.

Nhiều người hỏi thầy Khang: "Với việc làm này, thầy muốn truyền đến học sinh của mình bài học gì?". Thầy Khang trả lời rằng: "Bài học thì từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã viết đủ, viết đúng ở trong các bộ sách giáo khoa rồi. Thầy chỉ làm để học trò làm theo, thế thôi".

Trồng 4-5 vạn cây xanh ở địa đầu Tổ quốc

Nhìn lại hành trình, tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ phát động đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Cuối năm 2021 Trường Marie Curie đã trồng được 2 vạn cây sa mộc (giai đoạn 1) tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

4.jpg
Có khoảng 40.000 - 50.000 cây xanh tạo thành khu rừng Marie Curie ở địa đầu Tổ quốc - huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

"Trong sự nghiệp trồng người của chúng ta có việc trồng rừng. Và chính việc trồng rừng này sẽ góp phần tích cực trong sự nghiệp trồng người ở của hệ thống Marie Curie", thầy Khang vừa kể vừa cho biết năm 2024 bước sang giai đoạn 2, trồng 20.000 - 30.000 cây sa mộc nữa tại nơi này.

Như vậy, khởi đầu bằng tên gọi "Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc" nhưng khi kết thúc dự án, sẽ có khoảng 40.000 - 50.000 cây xanh tạo thành khu rừng Marie Curie ở địa đầu Tổ quốc, điều này không chỉ giúp Mèo Vạc phủ kín cây xanh mà còn có tác động đến tâm lý của học sinh, cha mẹ học sinh góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ giáo viên tiếng Anh 3 năm liền cho Mèo Vạc

Thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023 khi tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 mà huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 ở 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học.

Trong bối cảnh của ngành giáo dục như thế, “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” với hàng chục giáo viên của thầy Nguyễn Xuân Khang đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.

Với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, hệ thống Marie Curie đã hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 3 các trường của huyện Mèo Vạc.

1.jpg
Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie

Sự thú vị và hiệu quả của dự án thể hiện ở chỗ, không chỉ khiến học sinh hào hứng mà còn thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng các nhà trường huyện Mèo Vạc cùng ngồi học tiếng Anh với học trò.

Chính những điều đó tạo nên niềm vui, động lực để thầy Nguyễn Xuân Khang tiếp tục thực hiện dự án 2 năm nữa (2023-2024, 2024-2025) đối với lứa học sinh này.

Đặc biệt, dự án này đã lan tỏa khắp nơi, nhiều nơi cũng thực hiện theo cách làm này của thầy Khang, ví như Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cử 16 giáo viên tiếng Anh hỗ trợ dạy trực tuyến cho 16 lớp 3 của 4 trường trên địa bàn và nhóm “Những bước chân xanh” ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ dạy trực tuyến cho 48 lớp 3 của huyện Mèo Vạc.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của dự án, nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen cho trường Marie Curie và thầy Nguyễn Xuân Khang vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023.

2.jpg
Tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Marie Curie (Hà Nội), lãnh đạo và đại diện Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ giáo dục Tiểu học và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tập thể trường Marie Curie và cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023

“Nuôi” 30 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh

Vừa triển khai “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc”, “ông đồ” xứ Nghệ không đành lòng khi nghĩ đến lúc dự án kết thúc vì Mèo Vạc vẫn thiếu giáo viên. Đầu năm học (tháng 9/2023), tôi trăn trở và nảy ra ý tưởng đào tạo người địa phương trở thành giáo viên Tiếng Anh cho Mèo Vạc để dạy lâu dài. Nếu làm được thì sẽ giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên không chỉ ở Mèo Vạc mà còn tại các địa phương khác. Dự án thực hiện theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”. Ủy ban nhân dân huyện chọn tuyển sinh viên cử đi học đại học chuyên ngành tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp, tiếp nhận số giáo viên này về dạy tiếng Anh cho quê hương, thầy chia sẻ.

Thầy Khang đặt tên cho dự án là "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc".

6.jpg
Hiện nay đã có 17 sinh viên tham gia dự án "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc"

Theo biên bản cam kết giữa nhà trường và Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, hệ thống Marie Curie cấp học bổng 5 -10 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm (tùy vào kết quả học tập và rèn luyện), bắt đầu từ tháng 12/2023. Dự án sẽ “nuôi” 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới 6 tỷ - 12 tỷ đồng. Còn Ủy ban nhân dân huyện chọn tuyển 30 sinh viên là con em sinh ra và lớn lên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo học chuyên ngành tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp tiếp nhận số giáo viên này về dạy tiếng Anh cho quê hương.

Hiện nay đã có 17 sinh viên tham gia dự án. Thầy Khang luôn nhắn nhủ các sinh viên rằng: "Mong các con cố gắng học tập để có kết quả tốt nhất trong khả năng của mình. Sau khi tốt nghiệp, các con sẽ trở về quê hương của mình, cùng các thầy cô giáo hiện nay dạy dỗ các em học sinh của huyện. Từ nay, thầy sẽ coi các con như con trong nhà và trách nhiệm làm cha phải lo cho các con mình ăn học. Các con đã trở thành một thành viên của gia đình Marie Curie".

Xây trường ở huyện biên giới

Dự án “nuôi” 30 sinh viên vừa mới chỉ bắt đầu thì thầy Nguyễn Xuân Khang lại ấp ủ thực hiện mong muốn xây tặng nơi đây một ngôi trường đủ lớn, đủ khang trang để thu hẹp phần nào khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược. Ý tưởng này được thầy Khang chia sẻ ngay trong buổi lãnh đạo ngành giáo dục và Đào tạo Hà Giang và Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc về Trường Marie Curie dự lễ ký kết “Dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc” vào tháng 11/2023.

Sau đó, thầy Khang và lãnh đạo huyện Mèo Vạc bàn bạc dự án mới, dự án mà thầy Khang gọi tên là: "Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc" và thống nhất về tiến độ rằng năm 2024 chuẩn bị đầu tư, năm 2025 - 2026 xây dựng cơ bản, dự kiến hoàn thành và tuyển sinh từ năm học 2026 – 2027. Để xây trường, hệ thống Marie Curie sẽ tài trợ khoảng 100 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc đồng thời bố trí kinh phí đối ứng để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho quá trình ăn ở của học sinh bán trú.

Dù bỏ ra nhiều tỉ đồng cho các dự án, nhưng trong những lần tâm sự về những tâm nguyện giúp cho giáo dục vùng khó, thầy Khang luôn không muốn nhấn mạnh đến việc mình đã và sẽ chi bao nhiêu tiền. Bởi thầy Khang cho rằng với người có tiền, tặng tiền có thể là cách dễ nhất nhưng khi đã xây dựng thành các dự án, có mục tiêu, có kế hoạch thì chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm đến cùng, dù biết sẽ nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, trong thư ngỏ gửi các thầy cô tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh huyện Mèo Vạc, thầy nói điều cần nhất vẫn là "ngọn lửa nồng nàn trong tim" mỗi người khi tham gia dự án này vì thầy Khang tâm niệm rằng “nếu chỉ có ngọn lửa trong trong tim của chính tôi thì chưa đủ…”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang quê ở Nghệ An, là cựu sinh viên khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, thầy Khang trở thành giáo viên giảng dạy môn Vật lý cho khối phổ thông chuyên Lý của Trường. Sau khi nghỉ chế độ, ông đã sáng lập Hệ thống giáo dục Marie Curie, gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ở vai trò lãnh đạo điều hành Trường Marie Curie, thầy Khang đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học. Thầy Nguyễn Xuân Khang là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Linh An