Phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" 2024

20/09/2024 06:22
Thúy Hiền

GDVN - Lễ phát động Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024 được tổ chức chiều 19/9 tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 2011 với tên gọi "Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp". Đến năm 2018, cuộc thi chính thức được đổi tên thành "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" và được tổ chức hàng năm.

Tham dự lễ phát động có Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi; bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Chủ tịch Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Phạm Quỳnh - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức.

Cùng dự có đại diện các lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương.

1.2.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ phát động cuộc thi viết ""Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, đây là lần thứ 7 liên tiếp Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đảm nhận vai trò đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”.

"Cuộc thi là cơ hội để lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh đối với các thầy cô giáo và nhà trường, góp phần nâng cao giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên về mái trường và thầy cô. Đồng thời, cuộc thi cũng là dịp để động viên, khuyến khích các thầy cô vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục và xã hội.

Mỗi năm, cuộc thi thu hút từ hàng ngàn, chục ngàn tác phẩm dự thi. Điều này không chỉ khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của những người làm công tác giáo dục, mà còn là minh chứng cho hình ảnh đầy cảm hứng của các thầy cô giáo, họ luôn là nguồn động lực to lớn đối với mỗi học trò. Những câu chuyện ấy sẽ là những viên gạch góp phần xây dựng nên một tượng đài tri ân và tôn vinh những người thầy, cô giáo – những người đã và đang gieo mầm cho tương lai của đất nước", ông Triệu Ngọc Lâm nhận định.

1.jpg
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm phát biểu

Cũng tại buổi lễ, ông Phạm Quỳnh, đại diện ban giám khảo cuộc thi, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bày tỏ, trên cương vị là ban giám khảo, đây thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

"Cuộc thi ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của thầy cô giáo, học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền Tổ quốc với số lượng bài dự thi tăng dần qua mỗi năm. Năm 2023, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ban tổ chức đã nhận được hàng trăm, hàng nghìn bài thi đa dạng về hình thức. Trong đó, tôi vô cùng xúc động khi nhận được bài dự thi của một em học sinh viết bằng chữ nổi.

Ban giám khảo luôn tâm niệm rằng mỗi bài dự thi đều cần được đón nhận với tất cả sự trân trọng, đặt mình vào hoàn cảnh và cảm xúc của tác giả để thấu hiểu trọn vẹn tình cảm mà người viết dành cho thầy cô và mái trường. Mặc dù có áp lực và thách thức nhưng chính những khó khăn đó đã mang đến cho tôi và ban giám khảo niềm tự hào, được khám phá những kỷ niệm đẹp của thí sinh gửi gắm qua bài thi".

Ông Phạm Quỳnh, đại diện Ban Giám khảo cuộc thi, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông Phạm Quỳnh, đại diện Ban Giám khảo cuộc thi, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo ông Quỳnh, viết về kỷ niệm là cách kết nối với quá khứ, suy tư về tương lai. Cuộc thi là sự kết nối tình cảm giữa nhà trường, học sinh ngày càng bền chặt; củng cố quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội khiến truyền thống "tôn sư trọng đạo" tiếp tục được phát huy. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các học sinh bài học về sự biết ơn.

Thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi, bà Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã thông qua thể lệ cuộc thi.

Về nội dung, các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy, cô giáo và mái trường. Cụ thể, các tác phẩm viết về những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức và làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả); những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết tình huống của thầy, cô giáo mà tác giả từng gặp, trải qua; những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.

Về hình thức, các tác phẩm thể hiện dạng văn bản, viết bằng tiếng Việt, tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Tác phẩm có thể viết bằng tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy A4, cỡ chữ 14, font chữ Time New Roman. Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm.

3.jpg
Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu về thể lệ cuộc thi.

Các tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa được sử dụng, chưa đăng tải trên sách báo hay công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, chưa gửi dự thi ở các cuộc thi khác do bộ, ngành, Trung ương tổ chức tính đến ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.

Đối tượng tham dự cuộc thi là công dân Việt Nam, bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục; học sinh, sinh viên; phụ huynh, người quan tâm tới giáo dục. Những thành viên tham gia Ban Tổ chức và Hội đồng chấm giải không được gửi tác phẩm tham dự cuộc thi.

Phát biểu hưởng ứng tại lễ khởi động, em Đỗ Tôn Sa, lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội cho biết, cuộc thi là một cơ hội rất có ý nghĩa để bản thân các thế hệ học trò bày tỏ những tình cảm, cảm xúc của mình về thầy cô và mái trường thân yêu.

4.jpg
Em Đỗ Tôn Sa, lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội.

"Đây là một cơ hội vô cùng đặc biệt và quý giá để chúng em có thể bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến những người thầy, người cô – những người lái đò đã dành trọn tâm huyết, tình yêu thương và sự bao dung để dìu dắt chúng em trên con đường học tập và trưởng thành.

Mỗi người thầy, người cô như một “chuyến đò của tri thức”, tận tụy, tâm tình và cao cả nhất. Trong lời giảng của thầy cô không chỉ có tri thức, mà còn những bài học về cách sống, là những bài giảng về cốt cách con người, là những chiêm nghiệm vô cùng đáng giá. Mỗi lời dạy bảo, mỗi sự kiên nhẫn và cả những lần thầy cô nghiêm khắc nhắc nhở đều là những viên gạch vững chắc, đặt nền móng cho sự trưởng thành của học sinh", em Đỗ Tôn Sa bày tỏ.

5.jpg
Đại diện ban tổ chức ấn nút phát động cuộc thi.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng

Ban tổ chức trao 2 giải tập thể; 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 6 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 2 Giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Giải Nhất: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 10.000.000 đồng/ giải;

Giải Nhì: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 8.000.000 đồng/giải;

Giải Ba: Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 6.000.000 đồng/giải;

Giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 3.000.000 đồng/giải.

Giải tập thể: Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 5.000.000 đồng/giải.

Giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải: Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 2.000.000 đồng/giải.

Giải thưởng phụ: Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 2.000.000 đồng/giải. (Tiền thưởng nêu trên đã bao gồm thuế thu nhập mà các tác giả đạt giải phải thực hiện nghĩa vụ thuế của Nhà nước)

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi tính từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 31/10/2024. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2024.

Thúy Hiền