Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm gồm 4 chương, 16 điều trên cổng thông tin điện tử của ngành để lấy ý kiến góp ý rộng rãi đến hết ngày 22-10-2024. Khi dự thảo được thông qua, thông tư này sẽ thay thế thông tư hiện hành quy định về dạy thêm, học thêm số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012.
Đọc toàn văn dự thảo dạy thêm học thêm mới này, người viết - một giáo viên đang công tác tại bậc trung học cơ sở thấy quy định dạy thêm học thêm trong dự thảo có nhiều điểm mới nhưng nhận được sự quan tâm, bình luận sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục là các dự kiến thay đổi theo hướng "quá thoáng". Điều này làm nảy sinh lo ngại dạy thêm học thêm sẽ nhiều hơn so với hiện nay.
Những thuận lợi khi dự thảo dạy thêm học thêm “thoáng”
Điểm lợi lớn nhất là về quản lý, sẽ ít thưa kiện, khiếu nại vì dự thảo dạy thêm cơ bản “thoáng” vì gần như quy định cho phép dạy thêm, phụ huynh nếu có bức xúc thì cũng khó thưa kiện vì sẽ không biết căn cứ vào đâu, những quy định không o ép hay không dạy bài giống bài thi, kiểm tra,…khó xác minh và dễ lách luật.
Ví dụ, giáo viên tiểu học ở lớp 1, sáng và chiều dạy chính khóa, buổi tối kéo học sinh học thêm thu tiền đến 21 giờ hay dạy thêm ngày chủ nhật thì phụ huynh có bức xúc, thưa kiện cũng sẽ không giải quyết được gì vì quy định tại dự thảo hiện nay là không cấm. Trừ những trường hợp dạy không đúng với nguyên tắc dạy thêm học thêm như o ép, dạy giống đề kiểm tra,…tuy nhiên những quy định này khá chung chung, giáo viên sẽ có rất nhiều cách để không vi phạm.
Điểm lợi nữa là nếu làm tốt, làm đúng thì nguồn thu cho ngân sách từ đóng thuế dạy thêm học thêm sẽ tăng lên vì học sinh học thêm nhiều hơn, giáo viên dạy thêm nhiều hơn,…
Ví dụ, hiện nay vì không cho phép giáo viên tiểu học dạy thêm, nếu có dạy họ dạy lén lút và đương nhiên sẽ không khai báo và nộp thuế, dự thảo mới cho phép họ dạy nên họ sẽ dạy ở những nơi tổ chức theo quy định công khai và sẽ có nộp thuế.
Tất nhiên, phần nộp thuế này chỉ là một phần nhỏ trong tổng thu nhập và người chịu nhiều thiệt thòi là các phụ huynh.
Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường được dạy thêm nhiều hơn, không cần thủ tục phức tạp không cần phải làm đơn xin, không cần được cho phép chỉ cần báo với hiệu trưởng về danh sách, thời gian,…học sinh cũng không cần viết đơn xin học thêm, giảm được thủ tục.
Lo lắng học thêm dạy thêm sẽ khó kiểm soát hơn
Dự thảo mới với những điểm có lợi được phân tích ở trên thực chất chỉ làm lợi cho một bộ phận nhỏ giáo viên có nhu cầu dạy thêm, kiếm thêm thu nhập, không làm lợi cho tình hình chung của trường, chưa làm rõ được dạy thêm nhiều sẽ có lợi hay hại cho học sinh, giúp tăng chất lượng giáo dục ra sao?
Tuy vậy, theo người viết nhận định nếu quá “thoáng” trong dạy thêm, giáo viên “đàng hoàng” dạy thêm, dễ xảy ra dạy thêm học thêm nhiều hơn so với hiện nay, sẽ là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại,…
Nhiều mục trong dự thảo khá “thoáng” so với quy định cũ và vì thế có thể dẫn tới công tác quản lý trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thành công việc chính của giáo viên ở trường dễ bị xem nhẹ. Giáo viên dạy thêm ở trường, phải chấm bài, thực hiện hướng nghiệp, tham gia hoạt động khác,…nếu dạy thêm quá nhiều thì sẽ dễ thực hiện công việc hời hợt, qua loa,…
Giáo viên dạy thêm nhiều, thu nhập đến hơn 50 triệu mỗi tháng không phải là con số hiếm. Dạy thêm nhiều, thu nhiều tiền thì gánh nặng tiền học phí học thêm đặt lên vai những cha mẹ học sinh. Dạy thêm nhiều thì xem việc dạy thêm là chính, dạy học là phụ, mất đi ý nghĩa tốt đẹp của giáo dục mang lại là dành những điều tốt đẹp cho học sinh.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm đều mang tinh thần tự nguyện “gượng ép”, chủ yếu từ “gợi ý” hay “nhu cầu” của người dạy. Nếu không học thêm, con họ sẽ không theo kịp chương trình, vì có thầy cô dạy thêm chủ yếu là dạy trước kiến thức trên lớp chính khóa, thầy cô dạy thêm có kinh nghiệm thì dư “chiêu trò” để học sinh đạt điểm cao khi làm bài kiểm tra, học sinh đi học thêm càng nhiều càng tốt.
Dạy thêm "thoáng" không chỉ làm mất đi khả năng tự học của học sinh và tạo gánh nặng về tài chính với các gia đình học sinh còn khó khăn. Việc này còn là nguyên nhân khiến một số giáo viên chỉ dạy qua loa trên lớp, tạo ra sự bất bình đẳng trong học tập và thi cử; gây áp lực tinh vi buộc học sinh phải đi học thêm lớp do mình dạy,…
Nếu mở dạy thêm thì giáo viên vừa là người dạy thêm cho chính học sinh của mình vừa là người ra đề, chấm bài, tổng kết điểm… “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên giáo viên khó mà giữ được trọn vẹn hình ảnh mẫu mực, trong sáng, liêm chính, công bằng, cũng như khó đòi hỏi xã hội “tôn sư trọng đạo”,…
Người viết thiết nghĩ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới việc phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh từ thực tiễn thông qua các kỹ năng rèn luyện, thực hành, vận dụng mà không cần phải “mở” cho việc dạy thêm, học thêm, gây tốn thời gian quý báu cho tự học và trải nghiệm thực tế của học sinh. Không những vậy, nó còn gây tốn kém tiền của, thời gian phụ huynh, gây bất bình đẳng, mâu thuẫn nội bộ,…. Để học sinh được đối xử công bằng, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, kỹ năng chỉ có thể thông qua dạy học và các hoạt động tại trường mà không phải là dạy thêm học thêm.
Một vấn đề tiếp theo cần bàn luận sâu là hiện nay thu nhập giáo viên được cải thiện đáng kể, nhiều giáo viên đã được thăng hạng lên hạng II có hệ số lương cao 4,0-6,38, được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên,…
Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng tại Kết luận số 91-KL/TW là cơ sở quan trọng để kỳ vọng lương nhà giáo xếp cao nhất sớm thành hiện thực.
Lương cao nhất đi kèm phụ cấp phải gắn với trách nhiệm, lương tri, đạo đức,…giáo viên phải toàn tâm toàn ý, tận tụy với việc “trồng người”, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu là nhiệm vụ của giáo viên, phải được miễn phí vì lợi ích giáo dục, lợi ích người học,…
Giáo viên công lập muốn dạy thêm thì nên dạy ngoài giờ hành chính, dạy ở trung tâm không phải học sinh chính khóa và dạy phải đúng qui định, không được dùng bất kỳ "thủ đoạn" nào lôi kéo, o ép học sinh học thêm.
Học sinh có thể học thêm theo hình thức gia sư, học tại các trung tâm không phải do giáo viên công lập dạy chính khóa, không vì bất kỳ lý do o ép hay sợ bị điểm thấp,…đó mới là dạy thêm thực chất.
Giáo dục hướng đến chân thiện mỹ, giáo dục vì người học, xây dựng trường học hạnh phúc, dạy thêm phi lợi nhuận là những điều tốt đẹp mà giáo dục cần hướng đến thay vì “mở” cho dạy thêm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.