Trường ĐH nên sớm công bố tổ hợp xét tuyển ĐH có môn GD kinh tế và pháp luật

26/09/2024 08:45
Quỳnh Nguyễn

GDVN- Các trường ĐH cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực cần đưa nội dung này vào câu hỏi.

Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, khi học sinh lớp 12 cả nước học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn thi, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Như vậy, với phương án này, lần đầu tiên Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ xuất hiện trong danh sách các môn thi tốt nghiệp.

GDVN_gv.jpg
Ảnh minh họa: M.T.

Học sinh có tâm lý lo sợ vì môn học mới, nhiều kiến thức liên ngành

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nêu nhận xét: “Việc đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào một trong các môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Điều này đã mở ra một hướng mới cho kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời là sự cập nhật quan trọng cho chương trình giáo dục phổ thông của nước ta.

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là một môn học cốt lõi để giáo dục công dân. Đây là một môn học quan trọng trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản về kinh tế và pháp luật, từ đó phát triển tư duy kinh tế và ý thức pháp luật trong xã hội hiện đại. Giáo dục kinh tế và pháp luật là một môn học được học sinh lựa chọn dựa trên nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mỗi cá nhân”.

Cô Nhung- Học viện Thanh thiếu niên.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung cũng cho biết thêm: “Nội dung chính của môn học sẽ tập trung vào việc giảng dạy kiến thức cơ bản về kinh tế và pháp luật phù hợp với độ tuổi của học sinh. Kiến thức này mang tính ứng dụng cao và có sự thiết thực trong cuộc sống cũng như trong việc định hình hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ngoài ra, nội dung của môn học này còn được liên kết chặt chẽ với giáo dục đạo đức và phát triển kỹ năng sống, nhằm giúp học sinh nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân”.

Liên quan đến nội dung này, thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Quảng Bình) cũng đánh giá: “Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có nội dung chương trình đi theo từng chủ đề nên kiến thức mạch lạc, giúp học sinh dễ nắm và dễ ghi nhớ.

Tuy nhiên, vì là chương trình mới, nên giáo viên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu các kiến thức liên ngành, liên môn, đặc biệt, phải cập nhật kiến thức từ các nguồn khác nhau. Nguồn tài liệu tham khảo để ôn thi cũng ít nên giáo viên tốn nhiều thời gian sưu tầm. Bên cạnh đó, nội dung chương trình có nhiều kiến thức mới và khó, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực học tập, khám khá mới có thể hiểu được”.

Thầy Hải.jpg
Thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Quảng Bình). Ảnh: website trường.

Theo chia sẻ từ thầy Trần Thanh Hải, tại nhà trường, vẫn có học sinh lựa chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, song, con số này không nhiều.

“Bởi vì đây là môn học mới, nên tâm lý học sinh còn dè dặt. Đa số các em sẽ lựa chọn những môn quen thuộc trong các tổ hợp môn xét tuyển đại học từ những năm trước và những môn mà các em học tốt, có khả năng lấy điểm cao.

Hơn nữa, các trường đại học vẫn chưa công bố các tổ hợp xét tuyển, trong khi số môn thi năm 2025 ít hơn những năm trước 2 môn, nên học sinh phải ưu tiên chọn môn học xét được nhiều tổ hợp để bảo đảm an toàn. Hiện nay, chưa có nhiều trường đại học chọn tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nên các em lo sợ cơ hội nghề nghiệp sẽ không cao nếu chọn môn học này” - thầy Hải lý giải.

Vị Hiệu trưởng cũng chia sẻ: “Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, nhà trường ước tính sẽ có gần 100 thí sinh đăng ký môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là con số tương đương với số lượng thí sinh đăng ký môn Sử, Địa”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho biết, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là một trong những môn quan trọng được nhà trường tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 10 trong quá trình lựa chọn tổ hợp môn. Đây là môn dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành như Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học.

“Trên cơ sở tư vấn, định hướng như vậy, năm học 2024-2025, khối 12 của trường có 60/207 học sinh lựa chọn tổ hợp môn có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Con số này có thể được lý giải như sau: Các lớp chuyên mà nhà trường đang đào tạo, chủ yếu là chuyên Khoa học tự nhiên, có lẽ do vậy, xu hướng học sinh lựa chọn các môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học,… để thi lớn hơn số học sinh lựa chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Hiện nay, nhà trường đang tiến hành tư vấn, giới thiệu cho học sinh những khối ngành có khả năng sử dụng môn Giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển vào đại học.

Việc lựa chọn môn thi còn tuỳ thuộc vào tổ hợp môn xét tuyển vào đại học của các trường. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường đại học chưa có phương án tuyển sinh cho năm học 2025-2026, nên việc định hướng cho học sinh mới chỉ là bước đầu mang tính dự đoán” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền phân tích.

Thầy Tuyền.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Cần xây dựng chương trình giảng dạy chất lượng, tạo động lực cho học sinh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền cho rằng, rất cần thiết trong việc quan tâm tới phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cụ thể, vị Hiệu trưởng chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của môn học, nhà trường đã có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phù hợp với yêu cầu môn học. Nhà trường cử giáo viên tham dự các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và nhiều tổ chức, đơn vị liên quan. Đến nay, nhà trường hoàn toàn đáp ứng đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng giáo viên giảng dạy môn này cho cả 3 khối lớp.

Nhà trường đang tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh. Trên cơ sở nguyện vọng, nhà trường sẽ trao đổi, thống nhất với phụ huynh, hội đồng sư phạm, tổ chuyên môn để tổ chức các tiết tăng cường - giúp học sinh củng cố kiến thức, làm quen với định dạng, cấu trúc theo đề mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cùng với các môn khác, nhà trường cũng sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp. Trên cơ sở kết quả cụ thể, sẽ tiếp tục có các phương án tiếp theo nhằm đảm bảo chất lượng trong kỳ thi tốt nghiệp chính thức”.

Theo thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, một số biện pháp để xây dựng chương trình giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật hiệu quả có thể kể đến bao gồm: “Thứ nhất, cần phải ưu tiên chọn giáo viên có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn vững vàng, đã có kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp đối với môn Giáo dục công dân ở những năm trước. Theo đó, giáo viên cùng nhà trường cần phối hợp xây dựng kế hoạch ôn tập tổng thể theo từng giai đoạn; có kế hoạch kiểm tra hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của học sinh. Ngoài ra, cần tăng cường dự giờ để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh; kiểm tra hồ sơ chuyên môn đảm bảo giáo viên có đủ kế hoạch, đề cương, kế hoạch bài dạy khi lên lớp.

Thứ hai, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát chất lượng vào tháng 4/2025, nhằm đánh giá học sinh sau thời gian ôn tập, từ đó có phương hướng chỉ đạo để có quá trình ôn tập đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức đánh giá, tổng kết, khen thưởng đối với giáo viên và học sinh có thành tích tốt trong công tác ôn tập.

Thứ ba, về công tác chỉ đạo, nhà trường sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn trao đổi, thảo luận, thống nhất nội dung và xây dựng khung chương trình, kế hoạch ôn tập trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo. Tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch và đề cương ôn tập bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 cấp trung học phổ thông. Các thầy, cô giáo cần xây dựng bộ đề cương, ngân hàng câu hỏi; thiết kế các đề thi dựa trên cấu trúc đề thi minh họa của Bộ.

Thứ tư, giáo viên và học sinh cần vận dụng kiến thức môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào thực tế cuộc sống để giúp người học tiếp thu nhẹ nhàng hơn, kích thích được tư duy, hứng thú của học sinh, giúp học sinh có thói quen biết vận dụng tri thức đã học, là cầu nối giữa lý thuyết sách vở với thực tế, giữa nhà trường và xã hội.

Học sinh học tự giác, chủ động và từ đó, các em thấy hứng thú và tăng cường liên hệ thực tiễn. Hầu hết các em cảm thấy hài lòng, hứng thú và thích học bộ môn vì bản thân môn học đã giảm tính “khô khan” rất nhiều so với suy nghĩ của các em trước đây. Những công việc được giao, gặp gỡ những con người thật, những hiện tượng thực tế sinh động sẽ tạo cơ hội cho các em nắm và hiểu kiến thức dễ dàng hơn rất nhiều” - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh chia sẻ thêm.

Cơ hội việc làm được dự báo rất tiềm năng và đa dạng trong tương lai

Thầy Vinh.jpg
Ông Nguyễn Trọng Vinh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Lạc Hồng).

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở bậc trung học phổ thông) là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành như Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật,... hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học.

Liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo, ông Nguyễn Trọng Vinh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Lạc Hồng) thông tin thêm: “Các thí sinh lựa chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cần trang bị cho mình những nền tảng kiến thức về kinh tế và pháp luật vững chắc. Điều này bao gồm hiểu biết về các quy định pháp lý, quyền và nghĩa vụ của công dân, các nguyên tắc kinh tế, và cách thức áp dụng chúng trong cuộc sống và công việc.

Bên cạnh đó, các em cần có khả năng tư duy logic và phân tích, kỹ năng phản biện và giải quyết vấn đề kết hợp với định hướng nghề nghiệp rõ ràng”.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung cũng cho hay, cơ hội việc làm của các ngành liên quan đến Giáo dục kinh tế và pháp luật được dự báo sẽ rất tiềm năng và đa dạng trong tương lai.

“Những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển của các hệ thống pháp lý hiện đại đã làm tăng nhu cầu nhân lực có kiến thức sâu rộng trong cả hai lĩnh vực này. Do đó, sinh viên có thể đóng góp tri thức của mình trong những ngành nghề như: Lĩnh vực pháp luật; lĩnh vực kinh tế và quản lý; quản lý nhà nước và chính sách; khởi nghiệp và tự kinh doanh; giáo dục và nghiên cứu.

Nhìn chung, nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức về kinh tế và pháp luật sẽ không ngừng tăng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số, thương mại điện tử, và các quy định pháp lý liên quan đến các lĩnh vực mới như công nghệ và dữ liệu.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam kỳ vọng rằng, những thí sinh chọn học và thi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn này, sau khi tốt nghiệp cử nhân” - Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung bày tỏ.

Từ những chia sẻ trên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế đề nghị các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2025, trong đó có các khối ngành sử dụng môn Giáo dục kinh tế và pháp luật làm tổ hợp xét tuyển.

“Bên cạnh đó, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có khối lượng kiến thức lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, đời sống. Vì vậy, cần có có các tổ hợp xét tuyển đa dạng cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

Ngoài ra, ở các khối ngành quan trọng, được xem là “hot”, có thể cân nhắc đưa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp môn xét, qua đó tạo động lực, khuyến khích học sinh lựa chọn môn học và thi. Đồng thời, nâng cao giá trị của môn học trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông 2018” - Phó Giáo sư Trần Ngọc Tuyền cho biết thêm.

Đồng tình với những chia sẻ trên, thầy Trần Thanh Hải cũng góp ý: “Các trường đại học cần sớm công bố các tổ hợp xét tuyển mới, để tránh ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và phụ huynh và nên có những tổ hợp xét tuyển bao gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ hoặc Tin học.

Ngoài ra, các trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cần có một số điều chỉnh, đưa năng lực Giáo dục kinh tế và pháp luật vào hệ thống các câu hỏi đánh giá.

Bởi, điều đó không chỉ giúp học sinh chọn đúng môn học theo khả năng, sở trường, mà còn cải thiện chất lượng tuyển sinh; từ đó, chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra được nâng cao”.

Quỳnh Nguyễn