Hiệu trưởng TH An Thượng A: Chủ trương xã hội hóa trường đưa ra là vì học sinh

25/09/2024 06:42
Trung Dũng

GDVN - Lãnh đạo Trường TH An Thượng A cho biết, chính sách nhà trường đưa ra là vì học sinh. Tuy nhiên có thể giữa phụ huynh và nhà trường đang "chưa hiểu nhau". 

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh về việc một số khoản thu xã hội hoá tại Trường Tiểu học An Thượng A (Hoài Đức, Hà Nội) gây ra ý kiến băn khoăn của phụ huynh.

Sau bài viết, lãnh đạo Trường Tiểu học An Thượng A, cô Bùi Thị Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng A có thêm một số chia với mong muốn dư luận và phụ huynh hiểu rõ hơn về chủ trương của nhà trường.

Cô Giang cho rằng, để xảy ra "sự cố" đáng tiếc vừa qua có một phần do sơ suất của nhà trường khi chưa nắm bắt được hết tâm lý phụ huynh, khiến cho giữa phụ huynh và nhà trường đang "không hiểu ý nhau". Vì thế, sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã có sự chỉnh đốn và thống nhất với đội ngũ giáo viên trong việc diễn đạt cho phụ huynh hiểu về việc thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện.

Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ thêm, sắp tới nhà trường sẽ bố trí các hòm thư góp ý ở cổng trường để những phụ huynh nào có thắc mắc, băn khoăn về các hoạt động của nhà trường đều có thể bày tỏ ý kiến.

Sau đó, dự kiến nhà trường cũng sẽ xây dựng kênh thông tin góp ý trên các nền tảng mạng xã hội với chế độ bảo mật, không lộ danh tính người gửi để phụ huynh yên tâm phản hồi mà không sợ bị phát hiện tên người gửi. Hiệu trưởng sẽ là người trực tiếp đọc các thông tin góp ý và có giải đáp, uốn nắn kịp thời để phụ huynh không sợ bị trù dập.

"Tôi cũng sẽ công khai số điện thoại của mình để tất cả các phụ huynh đều được biết và bật chế độ trực 24/24 để lúc nào có băn khoăn phụ huynh cũng có thể gọi điện trực tiếp cho tôi. Tất cả với mong muốn là giữa nhà trường và phụ huynh luôn có tiếng nói chung. Từ đó tạo ra một môi trường giáo dục phát triển và bình đẳng", cô Giang nói.

GDVN_a2.jpg
Công văn Trường Tiểu học An Thượng A gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoài Đức về việc xin chủ trương vận động xã hội hoá năm học 2022 - 2023. Ảnh: NTCC

Đối với việc vận động xã hội hoá, trong đó có khoản xã hội hoá điều hoà đang gây ra nhiều băn khoăn với phụ huynh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng A cho biết, năm học 2022 - 2023 nhà trường đã có công văn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức để xin ý kiến.

"Sau khi nhận được công văn của nhà trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo dù không có phê duyệt bằng văn bản nhưng cũng đã có một số chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường để thực hiện việc này. Đặc biệt là hướng dẫn về kế hoạch ra sao, lộ trình triển khai như thế nào.

Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện xã hội hoá nhà trường nên tự nghiên cứu thật kỹ, chỉ nên đóng vai trò là chứng kiến, giám sát thực hiện và tiếp nhận tài sản phụ huynh ủng hộ và cần bám sát vào thông tư 16 (Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT - PV) khi thực hiện. Còn việc vận động ra sao, mức đóng góp, lắp đặt như thế nào thì để Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp tự dàn xếp.

Công văn xin vận động xã hội hoá được xin một lần vào năm học 2022 - 2023, những năm sau làm theo kế hoạch của năm đầu, trong kế hoạch cũng đã nêu rõ nội dung này. Qua 2 năm đã thực hiện, việc vận động xã hội hoá điều hoà diễn ra thuận lợi, phụ huynh cũng không có ý kiến gì.

Lãnh đạo phòng cũng chỉ đạo với tinh thần là nhà trường phải có vai trò trong việc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động các khoản thu phải trên tinh thần tự nguyện, ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều và ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn.

Về việc này chúng tôi cũng đã quán triệt tinh thần với các giáo viên chủ nhiệm đồng hành cùng hội phụ huynh các lớp để đảm bảo tinh thần tự nguyện.

Để xảy ra sự việc vừa qua có thể do giáo viên chủ nhiệm chưa có trao đổi rõ ràng với phụ huynh hoặc cũng có một số phụ huynh không tham dự buổi họp hoặc trong buổi họp không chú ý lắng nghe. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này", cô Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cũng cho rằng, đối với khoản vận động xã hội hoá điều hoà, các học sinh chỉ đóng một lần duy nhất khi vào học lớp 1, các năm về sau học tại trường sẽ không phải đóng thêm khoản này nữa.

Vị này cũng nêu lên dự tính, trong vòng 2 năm học tiếp theo khi các phòng đã được lắp đặt đầy đủ điều hoà thì nhà trường sẽ không kêu gọi đóng góp mua điều hoà nữa mà chỉ kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để lấy chi phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, khoản tiền đó là không đáng kể.

"Khi thực hiện vận động xã hội hoá điều hoà trong năm đầu tiên là năm 2022 - 2023 chúng tôi cũng đã đưa ra mức dự tính sẽ thu với mức cao nhất ở học sinh lớp 1, các lớp sau sẽ giảm dần. Như vậy quyền lợi được chia đều, tất cả học sinh trong trường đều có phần đóng góp tự nguyện để lắp điều hoà cho tất cả các lớp.

Vì thế, dù là tài sản đóng góp tự nguyện nhưng với các lớp cuối cấp, khi chuyển trường cũng không ai phải lăn tăn chuyện phải tháo đi hay thanh lý mà sẵn sàng bàn giao cho nhà trường quản lý. Mỗi đóng góp của các em bây giờ sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho những thế hệ học sinh sau này của trường. Đó là ý nghĩa nhân văn mà các chủ trương của chúng tôi đang muốn hướng tới.

Ngoài ra, với việc vận động lắp điều hoà cho các phòng đa năng, chúng tôi cũng căn cứ theo nhu cầu của phụ huynh, rất nhiều phụ huynh muốn con được học với điều kiện tốt nhất nên khi đưa ra chủ trương tất cả đều ủng hộ", Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng A cho biết.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc với nhà trường, phóng viên cũng đề cập đến một số khoản thu như: giặt giẻ lau, quét lớp, lau bàn. Về việc này, hiệu trưởng này cho rằng, đầu năm học nhà trường cũng có đề nghị cho học sinh các lớp bố trí trực nhật và thay phiên nhau để làm công tác vệ sinh lớp học.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp đa phần các phụ huynh có con học lớp 1 đều muốn đảm bảo điều kiện vệ sinh cho con nên không muốn cho con làm việc này mà nhờ nhà trường thuê các nhân viên lao công trong trường để thực hiện.

GDVN_a1.jpg
Danh sách các lớp ủng hộ xã hội hoá điều hoà. Trong danh sách này có thể thấy, với các lớp về sau sẽ có mức đóng thấp hơn so với lớp 1. Ảnh: NTCC

Đối với băn khoăn của phụ huynh về việc nhà trường gửi phiếu đăng ký cho con học tiếng Anh tăng cường đang đề xuất mức thu là 150.000 đồng/ tháng/ 8 tiết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thượng A chia sẻ, mức thu đó đưa ra là dựa trên sự thoả thuận.

"Học tiếng Anh với người nước ngoài được nhà trường đưa vào là theo đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tăng cường tiếng Anh cho lớp 3, lớp 5 và giúp học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen với tiếng Anh. Việc này nhà trường cũng đã triển khai nhiều năm nay.

Việc này cũng được nhà trường dựa trên tinh thần tự nguyện, trong phiếu xin ý kiến của phụ huynh chúng tôi cũng ghi rõ đó là phần thu thoả thuận. Nghĩa là phụ huynh được lựa chọn đồng ý theo học hoặc không đồng ý. Nhà trường hoàn toàn tôn trọng ý kiến phụ huynh", cô Giang chia sẻ.

Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này, việc đăng ký cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài năm nào cũng có một tỷ lệ nhất định phụ huynh không tham gia.

Để giải quyết với số học sinh không đăng ký học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài, cô Giang cho biết, nhà trường sẽ bố trí các em đó đến thư viện để đọc sách trong khi tiết học tiếng Anh diễn ra.

"Năm nào chúng tôi cũng xin các trung tâm tiếng Anh cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn chi phí theo học các tiết tiếng Anh đó và được đồng ý. Năm nay nhà trường cũng xin miễn được cho 30 học sinh", lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh.

Đối với việc lựa chọn các trung tâm tiếng Anh giảng dạy vào trường, cô Giang cho biết: "Đầu năm học nào nhà trường cũng nhận được rất nhiều hồ sơ năng lực của các trung tâm ngoại ngữ gửi về.

Khi đó chúng tôi sẽ dựa trên các tiêu chí để lựa chọn. Trong đó, trung tâm được lựa chọn phải nằm trong danh sách các đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp phép. Sau đó Ban Giám hiệu nhà trường sẽ ngồi lại với giáo viên tiếng Anh của nhà trường để đánh giá xem có tiếp tục ký hợp đồng với trung tâm tiếng Anh của năm trước hay không.

Nếu xét thấy trung tâm đó không đảm bảo thì nhà trường sẽ đổi đơn vị khác. Đến nay qua khảo sát đánh giá chúng tôi cũng đã thay thế đến 3 trung tâm.

Không chỉ với tiếng Anh mà với tất cả các hoạt động dạy học khác có liên quan đến yếu tố tự nguyện chúng tôi đều cầu thị, lắng nghe những phản hồi của phụ huynh. Nếu có quá nhiều ý kiến phản đối chúng tôi sẽ xem xét hoặc cho dừng lại. Nhà trường vẫn đang nỗ lực hướng đến mục tiêu về trường học thân thiện, học sinh và giáo viên đều muốn đến".

Trung Dũng