'Lạm thu' ở trường học: Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị 'hàm oan'?

26/09/2024 06:42
Sơn Quang Huyến

GDVN - Nhà trường vận động tài trợ đúng theo quy định Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 

Đầu năm học 2024 – 2025 cụm từ “lạm thu” lại nổi lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các hội nhóm trên mạng xã hội.

Các khoản mang tên “lạm thu” trong trường học được dư luận điểm tên như: mua sắm máy lạnh, ti vi, quạt điện, máy tính, máy chiếu, sửa chữa sân trường, nhà để xe cho học sinh, làm đường bê tông vào sân trường …

Có ý kiến cho rằng, chính Ban đại diện cha mẹ học sinh tiếp tay cho nạn lạm thu trong trường học, nên đã đề nghị bãi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần kinh phí cho những hoạt động nào?

Thực tế, mọi hoạt động của các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh đều tự nguyện, tự giác, phi lợi nhuận, không đòi hỏi tiền lương. Có thể nói Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường, không cần bất cứ kinh phí nào cho thành viên của mình.

Kinh phí mà Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, chủ yếu phục vụ cho các khoản sau: in ấn tài liệu công khai tài chính, phát thưởng cho học sinh, tập thể đạt giải các cuộc thi, hoạt động phong trào khác.

Thực tế, mới đây người viết tham dự cuộc họp phụ huynh học sinh tại lớp 11 A5, Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), nội dung công khai tài chính của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tất cả các khoản chi đều dành cho học sinh.

Việc quy kết Ban đại diện cha mẹ học sinh là tiếp tay cho nạn lạm thu trong trường học là chưa đúng, chưa phản ánh thực tế của vấn đề.

Các khoản thu mà dư luận điểm tên là lạm thu, thực chất là các khoản tài trợ cho các cơ sở giáo dục, chứ không phải quỹ của phụ huynh học sinh nộp cho Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý thu, chi.

Quỹ tài trợ cho các cơ sở giáo dục đã được quy định tại Thông tư Số: 16/2018/TT-BGDĐT rất cụ thể, chi tiết.

Khoản 1 Điều 5 Thông tư Số: 16/2018/TT-BGDĐT nêu: "Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ".

Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT đã quy định cụ thể, chi tiết toàn bộ quy trình từ: Tiếp nhận tài trợ, Quản lý, sử dụng tài trợ, Báo cáo tài chính và công khai tài chính nguồn quỹ tài trợ đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị.

Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không có trách nhiệm quản lý thu, chi nguồn quỹ tài trợ đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị như mua sắm máy lạnh, thiết bị dạy học ... mà dư luận điểm tên.

Thực tế, nguồn quỹ tài trợ đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị … không do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, nhưng nhà trường đã nhờ Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động tài trợ trong buổi họp phụ huynh, cho nên Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị hàm oan lạm thu ở trường học.

hop-phu-huynh-563.jpg

Có bị lạm thu hay không là do phụ huynh học sinh tự quyết định

Cha mẹ học sinh có quyền từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.

Phụ huynh không tự nguyện, không đóng tiền, sẽ không có lạm thu. Phụ huynh tự nguyện đóng tiền, khoản thu đó có thể coi là không phải lạm thu.

Thực tế, vừa qua người viết tham dự cuộc họp phụ huynh học sinh lớp 11 A5, trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), khi vận động quỹ phụ huynh học sinh, quỹ lớp, có phụ huynh đóng 1.000.000 đồng, có phụ huynh đóng 500.000 đồng, có người đóng 400.000 đồng ... , cũng có người chưa đóng.

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 11 A5 không thay mặt nhà trường vận động tài trợ bất cứ khoản nào cho nhà trường trong năm học 2024-2025.

Vì vậy, có thể nói để xảy ra tình trạng lạm thu, phụ huynh học sinh cũng có phần trách nhiệm do không nắm được quyền hạn của mình mà pháp luật đã quy định.

Vậy làm sao phát hiện lạm thu trong trường học?

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được vận động các khoản thu: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường mà vận động các khoản thu trên trong cuộc họp phụ huynh là lạm thu.

Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định các khoản đóng góp quỹ tài trợ, quỹ phụ huynh học sinh đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không cào bằng.

Cơ sở giáo dục, ban đại diện cha mẹ học sinh đang, đã, thu quỹ tài trợ, quỹ phụ huynh mang tính cào bằng, ép buộc là chưa đúng với tinh thần của Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, có thể coi là lạm thu.

Để nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh không mang tiếng xấu lạm thu, người viết kiến nghị:

Thứ nhất, nhà trường cần phổ biến, giáo dục, giới thiệu cho thành viên của Hội cha mẹ học sinh biết, hiểu được Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, từ đó các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh giới thiệu đến phụ huynh học sinh.

Thứ hai, các giáo viên chủ nhiệm có thể sử dụng nhóm phụ huynh của lớp mình trên mạng xã hội để giới thiệu, tuyên truyền về Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT trước mỗi cuộc họp phụ huynh.

Thứ ba, Ban đại diện cha mẹ học sinh sinh hoạt động đúng theo Thông tư Số: 55/2011/TT-BGDĐT, không vận động các khoản mà Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT đã nghiêm cấm; không thay mặt nhà trường vận động tài trợ các khoản đóng góp ngoài quỹ phụ huynh học sinh.

Thứ tư, nhà trường vận động tài trợ đúng theo quy định Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT.

Thứ năm, lãnh đạo nhà trường phải duyệt kế hoạch hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không cho phép Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động bất cứ khoản đóng góp nào ngoài quy định của thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Thứ sáu, xử lý nghiêm hiệu trưởng thực hiện vận động tài trợ, quản lý thu chi quỹ tài trợ không đúng theo quy định Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến