Làm sao để tạo cảm hứng, động lực học tập cho học sinh yêu thích môn Ngữ văn?

14/10/2024 09:17
Nguyễn Văn Nhượng - Giáo viên Ngữ văn tại tỉnh Nam Định

GDVN - Muốn tạo tâm thế tốt cho học sinh trong mỗi giờ học, trước hết người thầy phải có một tâm thế tốt.

Ngữ văn vừa là bộ môn khoa học vừa là bộ môn nghệ thuật, bộ môn thuộc về lĩnh vực cái đẹp, cái đẹp của mĩ cảm ngôn từ, cái đẹp của tư tưởng, tình cảm, của tâm hồn nhân văn cao cả. Văn học soi sáng các giá trị, là nền tảng giúp mỗi học sinh bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng, phát triển và hoàn thiện nhân cách.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn đã giải phóng rất lớn về cách dạy và cách học cho cả thầy lẫn trò. Nó nhắc nhở mỗi người thầy rằng: Kiến thức có thể sẽ bồi đắp, thay đổi, hoặc sẽ phôi phai theo thời gian năm tháng nhưng kĩ năng và những xúc cảm lại là thứ tồn tại mãi mãi và theo suốt hành trình cuộc đời của mỗi người. Chương trình, sách giáo khoa có tốt đến mấy thì câu chuyện tạo cảm hứng và động lực học tập cho học sinh vẫn sẽ luôn là niềm trăn trở, khát khao làm nghề của mỗi giáo viên khi đứng trên bục giảng.

gdvn-bbbb-7750-8219-9436.jpg

Dạy Văn, hẳn ai cũng mang trong mình khát vọng rất đáng trân trọng là muốn học sinh của mình trở thành một nhân bản thật tốt, đạt được mục tiêu của bộ môn. Nhưng trên thực tế, mong muốn là câu chuyện của muôn đời, làm được hay không lại phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, kĩ năng sư phạm, khả năng truyền cảm hứng, nhân cách đạo đức, và "cái duyên" làm nghề của mỗi thầy.

Có người nói, các bộ kinh sách dẫu có hay đến mấy nhưng thiếu các nhà sư giỏi thì giáo lí nhà Phật cũng chẳng thấm vào đâu. Về nguyên tắc, muốn hạt nào nảy mầm thì chăm chút, tưới tắm cho hạt đó. Đôi khi chúng ta vẫn tưới nhầm luống nên "nhọc công mà chẳng nên nông nỗi gì".

Trong bối cảnh hiện nay, vì nhiều lý do, có học sinh không còn thực sự tha thiết với môn Ngữ văn, trong khi nó vẫn là môn chủ chốt góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho học sinh và là môn thi mang tính… "đóng đinh". Mặc cho tính chất quan trọng, chứa đựng một áp lực không hề nhỏ như thế thì vẫn có nhiều học sinh học đối phó, học lấy điểm mà không thực sự hào hứng, không tìm thấy niềm vui trong môn học. Điều đó đang trở thành thách thức, nghĩ suy của mỗi thầy, nhất là mỗi khi kì thi đến gần.

Chính vì vậy, biết tạo cảm hứng và động lực học tập cho học sinh là một yêu cầu, một nhiệm vụ tối cần thiết để học sinh biết yêu thích học môn học. Khi không có cảm hứng và động lực thì làm bất cứ việc gì cũng không xong, và mọi việc sẽ trở thành gánh nặng đeo đẳng. Bởi vậy, để có được một giờ học văn lắng đọng, đầy xúc cảm, tâm hồn được thăng hoa, các giá trị của lòng bao dung, từ ái được thắp sáng, để học sinh đồng điệu với những tâm tình của thầy cô….sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, khả năng truyền cảm hứng và động lực của người thầy.

Đôi khi mải chạy theo kiến thức và thi cử, giáo viên chưa quan tâm đúng mức tới việc truyền cho các em hứng thú, động lực học tập. Về điều này, người viết xin phép được chia sẻ một vài việc mà bản thân tôi đã thực hiện có hiệu quả trong quá trình giảng dạy:

Trước hết, cần quan tâm đến đời sống tâm lí lứa tuổi, tình cảm của các em. Nắm bắt và thấu hiểu được tâm tư tình cảm chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tâm hồn. Đây là hành động "phát quang đất trồng", công việc còn lại mình sẽ yên tâm gieo hạt và tưới tắm để những hạt đó thực sự nảy mầm, bám rễ sâu vào lòng đất. Thay vì chỉ đứng trên bục giảng trong một khoảng cách vời xa, hãy làm bạn, gần gũi, quan tâm, lắng nghe tiếng lòng của từng học sinh.

Giáo viên cần biết khơi gợi các vấn đề gần gũi với tâm lí của học sinh, gieo vào các em những câu hỏi khêu gợi tinh thần hiếu tri, ham học hỏi; tạo ra nhu cầu, khát khao muốn được kết nối và chia sẻ. Hoạt động khởi động trong mỗi tiết học sẽ rất thuận lợi để kích hoạt hứng thú động lực cho học sinh.

Cần đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học, nhất là chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu vào bài. Tích cực làm mới bài giảng của mình bằng hệ thống câu hỏi có chất lượng, những câu chuyện, những tình huống từ thực tiễn để gợi mở, kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy, khai thác thái độ và nhân cách sống của học sinh.

Không cố “nhồi nhét” kiến thức mà quên đi học sinh đang muốn gì ở thầy cô. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, tránh tuyệt đối việc đọc chép những thế bản dài lê thê và yêu cầu học sinh học thuộc rồi đọc lại những điều đã thuộc mà không hiểu, không thực sự có xúc cảm văn chương. Điều này vừa lỗi thời với chương trình 2018, vừa khiến học sinh rất chán học và trở nên "khiếp sợ" môn Ngữ văn.

Tạo ra một không gian, một vùng văn hoá đọc mà ở đó thấm đẫm không khí văn chương trong suốt tiết học lẫn quá trình học bộ môn. Giáo viên phải là tấm gương sáng về văn hoá đọc và viết, sau đó ghi nhận học sinh bằng những món quà là những cuốn sách hay để hy vọng các em rèn được thói quen đọc sách, tăng vốn từ và học được cách viết văn.

Kịp thời phát hiện tuyên dương, trân trọng những thành quả, dù là nhỏ nhất của học sinh. Nhận xét đánh giá cần thận trọng, tránh những câu từ mang năng lượng tiêu cực, hoặc có khả năng gây mất hứng thú ở học sinh,…khích lệ sự trao đổi cởi mở chân thành. Trách phạt học sinh cũng là một nghệ thuật, một sự tinh tế khéo léo, phạt thế nào, đủ để các em không chỉ nhận ra lỗi, sửa lỗi và không bao giờ tái phạm mà còn thực sự cảm phục thầy cô, biến được lời dạy khuyên bảo, trách phạt ấy thành một bài học nhân sinh sâu sắc đi suốt cuộc đời.

Cuối cùng, muốn tạo tâm thế tốt cho học sinh trong mỗi giờ học, trước hết người thầy phải có một tâm thế tốt, nghĩa là luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực giúp giờ học vui tươi và hào hứng.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất thì việc tạo tâm thế, động lực, truyền cảm hứng cho các em cần phải được quan tâm, đầu tư công phu ngay từ đầu, tránh hời hợt nửa vời. Đây là quá trình "hiểu chỗ ngứa và tạo ngứa" (từ của TS.Trần Khánh Ngọc). Giáo viên chưa biết học sinh "ngứa" chỗ nào hoặc học sinh chưa "ngứa", nghĩa là chưa hứng thú với bộ môn, chưa sẵn sàng tiếp nhận thầy và bài học, thầy đã vội vã, "nhiệt tình" hăng say "sồn sột…gãi" (đổ đầy bình kiến thức), thì sau này cái đạt được trước mắt có thể sẽ mang lại cho thầy cô thành tích, điểm số như ý, học sinh đỗ được kì thi nhưng sau đó sẽ khó có niềm vui và sống trọn vẹn đời sống của con người. Bởi sau này các em sẽ còn phải tiếp tục cuộc hành trình làm người và học tập suốt đời. Đó mới là điều quan trọng và cao cả hơn hết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Văn Nhượng - Giáo viên Ngữ văn tại tỉnh Nam Định