TS Phạm Hương Trang: Cơ hội nghề nghiệp ngành Du lịch lớn nhưng nhiều thách thức

27/09/2024 06:40
Ngọc Huyền

GDVN- Để đào tạo nhân lực ngành du lịch chất lượng cao, Tiến sĩ Phạm Hương Trang cho rằng các cơ sở giáo dục cần chú trọng liên kết nhà trường - doanh nghiệp.

“Bén duyên” ngành du lịch từ các tour nội thành

Năm 2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là cơ sở giáo dục đầu tiên và duy nhất cả nước mở chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành Du lịch.

Quyết định theo học chương trình và nhờ nỗ lực trong cả quá trình, nghiên cứu sinh Phạm Hương Trang (sinh năm 1981) đã thành công bảo vệ luận án sớm nhất khóa, trở thành tiến sĩ ngành Du lịch đầu tiên tại Việt Nam.

ad-4nxcqmh-kxncaabiehfnvszxtfjnvkzzivo7sr1oswges4r2nwns8rn5vo8kr5jvjthifdcdh27wtzd515h6mwwsgz-e82wwf-qsy2ixic45cyaviwqq6biutvbvjp1tovot-vxh8yju6zurririoynchbh0-6753.png
Tiến sĩ Phạm Hương Trang - nữ tiến sĩ đầu tiên ngành Du lịch tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về điểm xuất phát, Tiến sĩ Phạm Hương Trang cho biết, năm 2000, cô bắt đầu theo học chương trình cử nhân chuyên ngành tiếng Đức, Khoa Tiếng Đức, Trường Đại học Hà Nội. Nhờ sẵn vốn ngoại ngữ, từ năm 3 đại học, nữ sinh khi ấy đã được kết nối để giới thiệu danh lam thắng cảnh, cuộc sống người Hà Nội đến các chuyên gia, đoàn chính khách đến Việt Nam thông qua Đại sứ quán Đức, Áo, EU.

Qua những câu chuyện chia sẻ với du khách, cô càng hiểu hơn về quê hương mình, thấy được tiềm năng du lịch của Việt Nam. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Đức, cô quyết định xin học bổng sang các nước phương Tây để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.

Năm 2006, điểm đến đầu tiên được lựa chọn là Đại học Salzburg, Áo. Trong thời gian một năm theo học cử nhân Quản trị du lịch và Khách sạn, cô được sống đúng với đam mê “xê dịch” vốn có.

“Tại Áo, tôi được sống trong một tòa lâu đài rất đẹp - đó là một trong những chế độ ưu ái của học bổng, với môi trường dịch vụ tốt, được phục vụ, học tập và quen biết rất nhiều bạn bè đến từ các nước trên thế giới. Nhiều người trong số đó có tiềm năng lãnh đạo tương lai của ngành du lịch tại các nước phát triển sau này”, cô Hương Trang chia sẻ.

Năm 2007, cô Trang tiếp tục đến Đức học hai chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản trị toàn cầu và chuyên ngành Quản trị du lịch tại Đại học Khoa học ứng dụng Bremen.

Trong quá trình học tại nước ngoài, cô đã đi thăm nhiều nơi tại Áo, Đức và Thụy Sĩ. Những trải nghiệm được đặt chân đến các quốc gia nổi tiếng trong ngành du lịch đã thôi thúc cô quyết định học chuyên sâu hơn về ngành.

Năm 2018, nhận thấy du lịch là ngành tiềm năng nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cô Trang quyết định tham gia chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Du lịch tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhìn lại hành trình học tập trong và ngoài nước, Tiến sĩ Phạm Hương Trang chia sẻ: “Khi về Việt Nam học tiến sĩ, tôi đã có gia đình, có con. Việc cân bằng công việc đang làm tại trường, cộng thêm chăm sóc gia đình, sức khỏe bản thân cũng như việc học tập đúng thời hạn bỗng trở thành rào cản lớn.

Là khoá đầu tiên học tiến sĩ ngành Du lịch, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ với quy trình, nhiều cái mới trong vấn đề đào tạo, bản chất ngành du lịch cũng thay đổi liên tục. Tôi loay hoay với câu hỏi nghiên cứu thế nào, tiếp cận nguồn tài liệu ra sao. Bù lại, vì là khoá đầu tiên nên chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ vô cùng lớn từ các thầy cô”.

Năm 2023, nghiên cứu sinh Phạm Hương Trang hoàn thành chương trình và chính thức trở thành tân tiến sĩ chuyên ngành Du lịch.

Nữ tiến sĩ trăn trở với đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong tháng 8/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19 [1].

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hương Trang cho biết, hậu Covid-19, du lịch đang phục hồi rất mạnh mẽ nhưng chưa trở lại như ban đầu.

“Có thể nói, ngành du lịch hiện nay vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm thay đổi cách các doanh nghiệp du lịch vận hành và xu hướng trải nghiệm của du khách. Đơn cử như với khách du lịch nước ngoài, xu hướng hiện tại là thích đến những địa điểm thiên nhiên còn sơ khai, du lịch bền vững - đây là điều Việt Nam đã có và sẵn sàng đáp ứng. Vì vậy lượng khách quốc tế dự báo trong tương lai sẽ ngày càng tăng trưởng”, cô cho biết.

Theo nữ tiến sĩ, đây là cơ hội để sinh viên các ngành Quản trị, Du lịch tìm kiếm việc làm. Cô nhận định, Việt Nam sẽ cần nhiều lao động thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn trong những năm tới. Chỉ riêng Hà Nội, cũng đang có rất nhiều khách sạn mới được xây dựng. Điều này có nghĩa, thị trường lao động sẽ cần thêm nhân lực và đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

ts-pham-huong-trang.jpg
Tiến sĩ Phạm Hương Trang đánh giá, Việt Nam có tiềm lực du lịch mạnh mẽ. Ảnh: NVCC.

Dù ngành Du lịch và Quản trị đang có cơ hội vực dậy mạnh mẽ, song, nữ tiến sĩ bày tỏ sự trăn trở về tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao.

Cô cho biết: “Tình trạng thiếu hụt nhân lực đã có từ trước đại dịch. Sau Covid-19 lại càng nặng nề hơn. Những nhân lực chất lượng cao không trụ được trong đại dịch, họ rời nhà hàng, khách sạn, công ty,...để chuyển hướng sang ngành nghề khác, một khi đã ổn định, rất khó để kêu gọi họ quay trở lại vị trí cũ trong ngành du lịch và khách sạn”.

Thực trạng một bộ phận sinh viên dù tốt nghiệp đúng chuyên ngành du lịch nhưng lại khá “non nghề” hiện nay cũng khiến cô Hương suy nghĩ. Cô chia sẻ: “Khi gặp gỡ đồng nghiệp làm tại các khách sạn 5 sao, họ thường nhận xét, nhiều sinh viên có kiến thức chuyên ngành về du lịch, khách sạn nhưng lại kém tiếng Anh.

Điều này buộc các nhà tuyển dụng phải tuyển những sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ, sau đó đào tạo lại các kỹ năng và kiến thức về du lịch. Thực trạng này rất không hợp lý, trong khi rõ ràng những sinh viên chuyên ngành đã có kiến thức, chỉ thiếu ngoại ngữ”.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang cũng chỉ rõ thực trạng các trường đua nhau mở ngành, tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực quản trị, du lịch hiện nay chỉ vì nhìn thấy tiềm năng lớn từ ngành học này.

“Số lượng sinh viên ngành Du lịch nhiều nhưng không phải tất cả đều đáp ứng được nhu cầu chất lượng cao. Bởi, hiện nay đang có khoảng cách lớn giữa công tác đào tạo với thực tế, tức là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, Tiến sĩ Phạm Hương Trang lý giải.

Trăn trở về thế hệ sinh viên, học viên ngành Quản trị khách sạn, Du lịch hiện nay, cô Trang bộc bạch: “Tôi mong các sinh viên, học viên đang theo đuổi ngành này hãy nuôi dưỡng niềm đam mê, chủ động hơn trong công việc, trong học tập, phát triển bản thân.

Không chỉ dừng lại ở kiến thức trên lớp, các em nên trau dồi càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Đồng thời, chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập, cơ hội tham gia dự án, các cuộc thi quốc tế, trong nước để có thể tích lũy được kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ”, nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ thông minh vào bài giảng

Cũng như các lĩnh vực khác, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động du lịch đã và đang có những biến đổi mạnh mẽ. Theo Tiến sĩ Phạm Hương Trang, cơ hội của Việt Nam hiện tại chính là công nghệ, bởi công nghệ sẽ đưa mọi người về vị trí ngang bằng nhau. Nếu áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo, big data, sẽ đem lại được rất nhiều giá trị tốt cho du lịch Việt Nam.

Nữ tiến sĩ khẳng định: “Một trong những thời cơ của Việt Nam bây giờ là ứng dụng về công nghệ, nhưng đây cũng là một thách thức. Thách thức này là làm sao để ứng dụng được công nghệ vào đào tạo nhân lực ngành du lịch và công cuộc phát triển ngành”.

Nhìn lại công tác đào tạo ngành du lịch nói chung, Tiến sĩ Phạm Hương Trang nhận định vẫn còn sự thiếu hụt lớn, không chỉ về mặt công nghệ.

Theo đó, cô Trang chỉ ra, hầu hết các trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, loay hoay làm thế nào để vừa kết hợp được cơ sở đào tạo, nội dung đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Quá trình này đang từng bước được cải thiện thông qua việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhưng vẫn cần nhiều thời gian.

Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, Tiến sĩ Phạm Hương Trang cho biết, trong quá trình giảng dạy chương trình cử nhân ngành Quản trị du lịch và Khách sạn (Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam), cô đều ứng dụng công nghệ thông minh vào bài giảng của mình.

Cô cho biết: “Sinh viên trong tiết học của tôi được học về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, được yêu cầu sử dụng AI, thậm chí nhà trường thiết kế riêng một phần mềm AI để các bạn ứng dụng trong bài tập”.

bao-ve-luan-an-tien-si.jpg
Cô Phạm Hương Trang (thứ 4, từ phải sang) trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Du lịch. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, nữ tiến sĩ cũng áp dụng triệt để hình thức liên kết nhà trường - doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường.

“Bất kỳ môn học nào liên quan đến du lịch, sinh viên của tôi sẽ được tiếp xúc với các chuyên gia, lãnh đạo đến từ các cơ quan, ban ngành tại Việt Nam, đôi khi là quản lý của các doanh nghiệp du lịch lớn. Nhờ đó, sinh viên có thêm nhiều góc nhìn thực tế về lĩnh vực này.

Ngoài ra, trong chương trình giảng dạy, tôi cũng thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan, trải nghiệm cho sinh viên ngành du lịch. Các em được giao bài tập phỏng vấn, kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý để tìm hiểu sâu rộng về vấn đề quan sát được trong chuyến đi. Tôi cho rằng, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo”, nữ tiến sĩ chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang cũng chia sẻ, các cơ sở đào tạo nên có những chương trình du học và trao đổi sinh viên trong ngành Quản trị và Du lịch.

Trong thời kỳ 4.0, các môn học nên được thiết kế để có thể kết nối với các trường hay các khoa khác nhau trên thế giới, hoặc giữa các trường tại Việt Nam. Hoạt động này nhằm giúp sinh viên có nhiều mối quan hệ, nâng cao khả năng giao tiếp, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và kiến thức.

Câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch không chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Theo Tiến sĩ Phạm Hương Trang, đội ngũ giảng viên phải là đội ngũ có kinh nghiệm thực tế, luôn học hỏi và cập nhật kiến thức, bởi ngành du lịch thay đổi rất nhanh, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0.

Nhân ngày Du lịch Thế giới 27/9, Tiến sĩ Phạm Hương Trang gửi lời chúc đặc biệt đến những thầy cô giáo đang công tác trong lĩnh vực đào tạo ngành Du lịch. Nhân dịp này, cô Trang cũng gửi gắm tới đội ngũ giảng viên đào tạo ngành Quản trị và Du lịch nói chung: “Giảng viên phải là hình mẫu về học tập suốt đời cho sinh viên, khi nhắc đến ‘lifelong learning’, giảng viên luôn là người đầu tiên. Hy vọng, tất cả thầy cô giáo đều có môi trường giảng dạy khuyến khích được tư duy sáng tạo, đổi mới, dám làm.

Tôi xin chúc tất cả những đồng nghiệp đang công tác đào tạo trong ngành du lịch luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề, là người truyền cảm hứng cho đối tượng kế cận tiếp theo”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.gso.gov.vn/bai-top/2024/09/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-tam-va-8-thang-nam-2024/

Ngọc Huyền