Thành thạo sử dụng công nghệ sẽ giúp giáo viên tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy

27/09/2024 06:27
Mộc Trà

GDVN-GV không chỉ cần hiểu biết chuyên môn mà phải thành thạo sử dụng công nghệ hỗ trợ, giúp tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm học tập của HS.

Ngày 27/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học về “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, diễn giả, lắng nghe những chia sẻ về những nội dung liên quan trước thềm hội thảo.

Cơ hội nâng cao năng lực giảng viên, cải thiện chất lượng giảng dạy

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đặng Xuân Thọ - Giảng viên Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển đánh giá: “Hiện nay, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Giáo viên không chỉ cần hiểu biết về chuyên môn mà còn phải thành thạo trong việc sử dụng các công cụ công nghệ để hỗ trợ quá trình giảng dạy.

Điều này không chỉ nhằm mục đích tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy mà còn giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho từng học sinh.

Việc đào tạo giáo viên trong bối cảnh công nghệ số và AI giúp họ nắm bắt các phương pháp mới, từ đó đổi mới chiến lược giảng dạy phù hợp với nhu cầu và năng lực của học sinh.

Hội thảo lần này đóng vai trò quan trọng trong việc thảo luận về các cơ hội, thách thức và khuyến nghị liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.

z5868513642328_49a2b69d3e991b086f3021f5e664f63f.jpg
Tiến sĩ Đặng Xuân Thọ - Giảng viên Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: NVCC.

“Tham dự hội thảo, tôi kỳ vọng các nội dung sẽ mang lại nhiều đóng góp thiết thực cho ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ số và AI sẽ giúp cải thiện quy trình giảng dạy, cá nhân hóa lộ trình học tập, tối ưu hóa kết quả học tập trong môi trường học tập kết hợp.

Đối với ngành giáo dục, hội thảo sẽ là nơi trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình thành công và đề xuất các chiến lược nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Đối với nhà trường, đây là cơ hội để nâng cao năng lực giảng viên và cải thiện chất lượng giảng dạy” - thầy Thọ cho biết thêm.

Chia sẻ thêm về những giải pháp đã và đang được triển khai tại Học viện Chính sách và Phát triển, Tiến sĩ Đặng Xuân Thọ thông tin: “Tại Học viện, nhiều giải pháp đã được triển khai để trang bị cho đội ngũ giảng viên kỹ năng cần thiết trong thời đại số.

Cụ thể, việc đào tạo kỹ năng số, phân tích dữ liệu và sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) đã được chú trọng.

Bên cạnh đó, Học viện đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, chẳng hạn như các công cụ điện toán đám mây, để hỗ trợ quá trình lưu trữ và xử lý dữ liệu. Các chính sách bảo mật dữ liệu cũng được thiết lập để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập”.

Theo đó, việc đào tạo đội ngũ giảng viên thành thạo công nghệ sẽ trực tiếp tác động lên sinh viên, giúp tạo ra môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và cá nhân hóa hơn. Sinh viên sẽ được trải nghiệm các phương pháp giảng dạy mới, tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn, và có thể học tập theo nhịp độ và lịch trình riêng của mình.

Ngoài ra, việc sử dụng AI và phân tích dữ liệu trong giảng dạy sẽ giúp phát hiện sớm các khó khăn mà sinh viên gặp phải, từ đó có các biện pháp hỗ trợ kịp thời".

Ngoài ra, thầy Thọ cũng chia sẻ: “Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tỷ lệ giảng viên có thể làm chủ công nghệ như:

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hệ thống LMS và các công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu, trực quan hóa dữ liệu.

Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho giảng viên và nhân viên quản lý.

Cuối cùng, xây dựng chính sách bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, đồng thời tích hợp AI vào quá trình giảng dạy để tối ưu hóa hiệu suất học tập và giảng dạy”.

z5869089128413_f0459354913dd9f156150e56cd3a35d6.jpg
Cần xây dựng chính sách bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, đồng thời tích hợp AI vào quá trình giảng dạy để tối ưu hóa hiệu suất học tập và giảng dạy. Ảnh minh họa: NVCC.

5 giải pháp chiến lược để nâng cao năng lực công nghệ của giáo viên

Từ góc nhìn của nhà doanh nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Giáo dục sáng tạo AIE (AIE Creative) cũng đánh giá: “Công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn, vì các lí do như:

z5869088738605_1f89a01bb5fb7900fe62226be690958a.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Giáo dục sáng tạo AIE (AIE Creative). Ảnh: NVCC.

Giáo viên cần được đào tạo để nắm bắt và sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ mới trong giảng dạy. Điều này giúp các thầy cô giáo sáng tạo ra các bài giảng hấp dẫn và có tính tương tác cao hơn hơn.

Công nghệ số và AI đang thay đổi cách học sinh của chúng ta tiếp cận thông tin. Giáo viên cần được đào tạo để phát triển phương pháp giảng dạy phù hợp với xu hướng này.

Phát triển tư duy phản biện trong thời đại thông tin dễ dàng tiếp cận, giáo viên cần được đào tạo để bản thân họ phát triển kỹ năng tư duy phản biện và đồng thời giúp họ hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện và đánh giá thông tin.

Giáo viên cần được trang bị kiến thức về an toàn thông tin để bảo vệ bản thân và học sinh khỏi các rủi ro trực tuyến.

Tận dụng AI trong đánh giá và cá nhân hóa giáo dục: Đào tạo giáo viên ứng dụng AI để giúp giáo viên có thêm công cụ và năng lực để đánh giá hiệu quả học tập và tạo ra các kế hoạch giảng dạy cá nhân hóa.

Ngoài ra, việc đào tạo Giáo viên ứng dụng AI còn giúp họ có thêm một số lợi ích sau: Giáo viên hiểu về xu hướng thị trường lao động trong tương lai, để chuẩn bị tốt hơn cho học sinh của mình, giúp giảm khoảng cách số giữa các vùng miền, đảm bảo cơ hội tiếp cận công nghệ công bằng hơn cho học sinh… và quan trọng hơn hết, đó là Giáo viên được đào tạo tốt có thể truyền cảm hứng và khuyến khích học sinh sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển công nghệ của đất nước”.

z5869089155106_43294996732352c39c64fa9726737e6c.jpg
Một khóa đào tạo trực tiếp ứng dụng Ai trong quản trị nhà trường và dạy học. Ảnh: NVCC.

Từ đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh kỳ vọng: “Hội thảo lần này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của đội ngũ giáo viên Việt Nam trước làn sóng công nghệ. Hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn lan tỏa, trong đó giáo viên được trao đổi kinh nghiệm, định hướng chính sách và đề xuất giải pháp đào tạo hiệu quả, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục quốc gia.

Tôi kỳ vọng hội thảo sẽ đem lại góc nhìn cô đọng về các chủ đề cốt lõi của AI đối với giáo dục và đào tạo dưới sự chia sẻ từ các chuyên gia. Chắc chắn, các chủ đề chia sẻ tại đây sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền giáo dục.

Trước hết, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của AI trong giáo dục. Thứ hai, cung cấp định hướng chiến lược để tích hợp AI vào chương trình đào tạo giáo viên. Thứ ba, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt giữa các chuyên gia và nhà giáo dục. Cuối cùng, thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, từ đó tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong kỷ nguyên số”.

Hiện tại, AIE Creative đã, đang và sẽ phát triển ngày một mạnh mẽ Cộng đồng “AI for Việt Nam Education”, với các chia sẻ hữu ích và các sự kiện online, miễn phí theo các chuyên đề.

“Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch mời các giáo viên, giảng viên, nhà quản lý giáo dục và đào tạo cùng chung tay chia sẻ kiến thức Gen AI tới rộng rãi các thành viên để tất cả mọi người cùng học tập. Qua đó, cũng đem lại nguồn khích lệ, động viên để các thành viên có thêm động lực cùng học tập, cùng tiến bộ chung.

Đồng thời, chúng tôi mong muốn “cá nhân hóa” các luồng chia sẻ ứng dụng AI cho giáo dục, đào tạo. Cụ thể, sẽ có các tuyến chuyên gia chia sẻ kiến thức và các sự kiện học tập chuyên sâu cho các “ngách hẹp” hơn của ngành, ví dụ như Ứng dụng AI cho Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông K12, Giáo dục cao đẳng, đại học, Giáo viên ngoại ngữ, Cộng đồng LnD (learning and development)…

Ở góc độ đào tạo chính thống, chúng tôi đã, đang đào tạo các khóa Ứng dụng AI cho các nhà trường, các hệ thống giáo dục lớn và cho các thầy cô giáo có nhu cầu. Chúng tôi sẽ liên tục ghi nhận phản hồi, điều chỉnh và cập nhật kiến thức và phương pháp nhằm đem lại các giá trị tốt hơn nữa” - nữ Giám đốc chia sẻ.

z5869089183764_ba02c7736f7615dd1acae97f95379134.jpg
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của AI trong giáo dục. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Ngọc Linh cũng bày tỏ: “Chúng tôi đề xuất 5 giải pháp chiến lược để nâng cao năng lực công nghệ của giáo viên Việt Nam gồm: Triển khai đào tạo trực tuyến linh hoạt; Xây dựng mạng lưới cố vấn công nghệ trong trường học; Thiết lập cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ; Phát triển nền tảng chia sẻ tài nguyên số toàn quốc. Và cần phát triển đội ngũ chuyên gia đào tạo AI cho giáo dục một cách bài bản, đảm bảo giáo viên được tiếp cận kiến thức chuyên sâu, cập nhật nhất”.

Mộc Trà