Tâm lý dạy trường THPT "sang" hơn, Trung tâm GDNN-GDTX ngày càng thiếu giáo viên

03/10/2024 06:24
Thái Vân

GDVN-Theo nhiều đơn vị, thiếu giáo viên tại các trung tâm GDNN-GDTX do điều kiện kinh tế, cơ hội phát triển, áp lực công việc. 

Bài toán thiếu giáo viên cơ hữu vẫn luôn là nỗi lo của lãnh đạo trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, uy tín và sự phát triển của trung tâm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) cho biết, việc thiếu giáo viên cơ hữu gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, quá trình giảng dạy và chất lượng đào tạo. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng tải công việc cho giáo viên hiện có. Khi thiếu giáo viên, các giáo viên còn lại thường phải dạy nhiều lớp hơn, hoặc làm việc nhiều giờ hơn, dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Đồng thời, có thể làm giảm hiệu suất giảng dạy và ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.

Thứ hai, giảm chất lượng học tập. Với số lượng giáo viên hạn chế, quy mô lớp học tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải. Điều này dẫn đến việc giảm khả năng tương tác giữa giáo viên và học viên, khiến học viên khó tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, việc hỗ trợ đầy đủ cho học viên còn hạn chế. Khi thiếu giáo viên, việc giải đáp thắc mắc, hỗ trợ cá nhân hoặc tổ chức các hoạt động dạy học, hoạt động ngoại khóa, ôn tập bổ sung kiến thức sẽ bị hạn chế. Điều này có thể khiến học viên cảm thấy bị bỏ rơi và thiếu sự quan tâm cần thiết để tiến bộ.

Thứ tư, gián đoạn chương trình học. Khi thiếu giáo viên, có thể dẫn đến tình trạng hoãn hoặc trống lịch học, làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của trung tâm. Học viên phải học bù để đáp ứng đầy đủ các nội dung cần thiết.

Thứ năm, ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của trung tâm. Nếu trung tâm thường xuyên gặp vấn đề về thiếu giáo viên, điều này có thể làm giảm sự tin tưởng của học viên và phụ huynh về chất lượng đào tạo. Về lâu dài, uy tín và sự phát triển của trung tâm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ảnh_ NVCC (1).JPG
Thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Văn Công cũng cho biết thêm: “Năm học 2024-2025, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa có tổng số 1.989 học sinh (khối 10 có 1.000 học sinh, khối 11 có 510 học sinh, khối 12 có 479 học sinh). Trong khi đó, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của đơn vị (tính đến tháng 9/2024) chỉ có 25 người (03 cán bộ quản lý; 19 giáo viên và 03 nhân viên).

Để đảm bảo chất lượng cho công tác dạy và học, và thực hiện các nhiệm vụ được giao, trung tâm chủ động ký hợp đồng với 53 giáo viên, trong đó có 17 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP; 11 giáo viên hợp đồng cơ hữu; 25 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng”.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cũng chia sẻ: “Việc thiếu giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của địa phương đã đòi hỏi các trung tâm phải mời các giáo viên đã về hưu và giáo viên giảng dạy ở các trường phổ thông về thỉnh giảng.

Tuy nhiên, đối với giáo viên thỉnh giảng, có một thực trạng là họ thường không tận dụng hết khả năng của bản thân và ít tâm huyết hơn. Đồng thời, những giáo viên này cũng không chú tâm đến công tác sinh hoạt chuyên môn, cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng gặp một số khó khăn nhất định, như phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu và quản lý sinh hoạt chuyên môn”.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, hiện địa phương này có 01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 05 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc các huyện, thị, thành phố; 03 trường trung cấp nghề có tổ chức dạy học hệ giáo dục thường xuyên. Theo số liệu thống kê chính thức từ năm học 2023-2024, có 160 giáo viên cơ hữu; với 7.402 học viên. Dựa trên tổng số học viên, trung bình mỗi lớp có tối đa không quá 45 học viên, số lớp tối thiểu là 164 lớp (thực tế có 237 lớp). Số giáo viên cần để đáp ứng là 369 giáo viên (tính theo định mức số lượng giáo viên trên một lớp: 2,25 giáo viên/lớp). Tuy nhiên, thực tế số này chỉ đáp ứng được 43,36%.

Thầy Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: NVCC.

Đánh giá về những khó khăn khi thiếu giáo viên cơ hữu, thầy Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) cho hay: “Kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trung tâm xảy ra tình trạng thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy văn hóa.

Thiếu giáo viên, dẫn đến việc các trung tâm giáo dục thường xuyên luôn luôn bị động, không có sự chủ động và tác động trực tiếp đến kết quả chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo của trung tâm. Có khi đã xây dựng kế hoạch rồi, đã tuyển học sinh rồi, nhưng người quản lý của các trung tâm vẫn phải vất vả “đi thuê” giáo viên, mà chính vì “đi thuê” đã dẫn đến việc đơn vị không chủ động”.

Nhiều nguyên nhân khiến trung tâm khó tuyển giáo viên

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại các trung tâm hiện nay là biên chế tại mỗi trung tâm được giao ít so với nhu cầu học tập của học viên; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số và dịch chuyển lao động.

Khi thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, cho phép 70% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 công lập, 30% còn lại tham gia các loại hình học tập khác như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Chính vì vậy, với nhu cầu học tập, số lượng học viên hệ giáo dục thường xuyên có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn bất cập, chưa kịp thời. Đối với trung tâm không trực thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo mà trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện cũng khiến việc tham mưu tổ chức tuyển dụng cũng gặp khó khăn.

Một buổi tham gia Hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh An Giang. Ảnh: trungtamgdtxag.angiang.edu.vn.

Một buổi tham gia Hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh An Giang. Ảnh: trungtamgdtxag.angiang.edu.vn.

Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ cho biết: “Giáo viên ở các trung tâm ít có khả năng làm thêm, dạy thêm, bởi vì học viên không có nhu cầu. Cho nên, ngoài lương chính thức tại trung tâm, thầy cô cũng không có nguồn thu nào khác nữa, do vậy, cũng khó khăn hơn so với các giáo viên tại các cơ sở giáo dục khác.

Bên cạnh đó, do công việc đặc thù của trung tâm với chức năng nhiệm vụ nhiều hơn nên rất khó tuyển dụng. Nhiều thầy cô chia sẻ, mức lương hiện tại không tương xứng với khối lượng công việc mà họ phải đảm nhiệm. Giáo viên thường phải làm thêm giờ, quản lý nhiều lớp học, nhưng mức lương cơ bản thường khá thấp, không đủ để đáp ứng, trang trải cuộc sống.

Thêm nữa, khó tuyển dụng, thu hút được đội ngũ giáo viên mới tốt nghiệp về dạy tại trung tâm, vì họ mang tâm lý dạy tại một trường phổ thông nào đó nghe “sang” hơn và có thể dạy thêm, kiếm thêm thu nhập.

Cùng với đó, công tác quản lý tại trung tâm vất vả hơn vì chất lượng đầu vào thấp hơn, nhiều học viên chưa có ý thức học tập, trong khi phụ cấp của giáo viên tại trung tâm vẫn bằng với các trường trung học phổ thông; chế độ đãi ngộ, khen thưởng lại không đồng đều… Đó đều là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên”.

Về phía Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa, vị Giám đốc cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại trung tâm, như yếu tố kinh tế, điều kiện làm việc, cơ hội phát triển và đặc thù của ngành nghề này.

Cụ thể, thầy Công phân tích: “Đầu tiên, thu nhập và phúc lợi không hấp dẫn: Mức lương thấp, mức thu nhập/tháng còn thấp dẫn đến việc giáo viên không muốn làm việc lâu dài, chủ yếu mang tính thời vụ, tạm thời để tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn. Chế độ phúc lợi không đủ hấp dẫn, thiếu các chính sách hỗ trợ như bảo hiểm, trợ cấp, các khóa đào tạo nâng cao, khiến giáo viên không có động lực để gắn bó với công việc.

Thứ hai, khối lượng công việc lớn, áp lực cao, chất lượng đầu vào của học viên còn rất thấp, khối lượng kiến thức thì ngày càng thay đổi. Sự căng thẳng và áp lực đó có thể làm cho giáo viên cảm thấy mệt mỏi và tìm đến những công việc khác “dễ thở” hơn.

Thứ ba, thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, giáo viên thường gặp khó khăn trong việc thăng tiến hoặc nâng cao chuyên môn môn nghiệp vụ. Nhiều giáo viên có năng lực phát triển nhưng lại ít cơ hội thăng tiến, việc nghiên cứu, đào sâu chuyên môn của giáo viên bị hạn chế. Điều này khiến thầy cô cảm thấy bị “chững lại” trong sự nghiệp và thiếu động lực để tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề, dễ dàng chuyển sang ngành nghề khác có điều kiện tốt hơn.

Thứ tư, thiếu sự thiếu ổn định trong công việc. Một số giáo viên không có hợp đồng dài hạn hoặc công việc phụ thuộc vào số lượng học viên đăng ký môn học (thừa thiếu cục bộ). Điều này tạo ra sự không ổn định về thu nhập và công việc, khiến thầy cô cảm thấy không yên tâm, khó lập kế hoạch dài hạn cho cuộc sống và phát triển sự nghiệp.

Thứ năm, thiếu giáo viên có chuyên môn đặc thù. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu về giáo viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế trong các ngành nghề cụ thể rất cao. Tuy nhiên, số lượng giáo viên có năng lực phù hợp thường không nhiều, làm tăng tình trạng thiếu hụt, mất cân bằng trong trung tâm.

Tăng mức lương phù hợp với khả năng, trình độ của giáo viên

Để khắc phục những tồn tại trong thực tiễn, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, Sở đã tiếp tục xây dựng và thực hiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018; đưa ra chính sách hợp lý để thu hút giáo viên về công tác tại các trung tâm.

Thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong tỉnh bảo đảm hợp lý theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 240/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/01/2021. Khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Sở chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm đến từng cơ sở giáo dục, căn cứ đề án vị trí việc làm được phê duyệt để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ đúng các quy định. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thêm nữa, Sở tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.

Cuối cùng, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ. Đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức.

Để huy động, thu hút giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại các trung tâm; cũng như nâng cao hiệu quả giáo dục trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đề xuất: Tăng cường trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

z5872911226979_8399bd7850a2cda36b9fad6d0a0387d3_76d90.jpg
Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2024-2025 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh An Giang. Ảnh: trungtamgdtxag.angiang.edu.vn.

Về phía Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ, thầy Nguyễn Trung Kiên cũng bày tỏ: “Các trung tâm cần chủ động nắm bắt số lượng nhu cầu thực tế để đề xuất với cấp trên tuyển dụng và chủ động dùng nhiều biện pháp huy động giáo viên tham gia giảng dạy".

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thầy Nguyễn Văn Công cũng đưa ra một số đề xuất: Cần cải thiện chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, tăng mức lương phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn của giáo viên. Xây dựng chính sách khen thưởng dựa trên kết quả công việc, thành tích giảng dạy và sự hài lòng của học sinh.

Tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, giúp giáo viên cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Tích cực trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm từ đơn vị có uy tín để học hỏi, cải thiện kỹ năng giảng dạy.

Cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo trung tâm có trang thiết bị hiện đại và đầy đủ để giáo viên có thể thực hiện công việc một cách tốt nhất. Khuyến khích giáo viên năng động, sáng tạo, thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới và sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.

Về lâu dài, xây dựng chiến lược giữ chân và thu hút giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên tâm huyết, yêu nghề, tận tâm, tận lực cống hiến. Thiết kế các chương trình ký hợp đồng dài hạn kèm theo cam kết hỗ trợ đào tạo và phát triển, giúp giáo viên thấy an tâm và gắn bó lâu dài với trung tâm. Tổ chức xây dựng văn hóa làm việc gắn kết, hòa đồng, để giáo viên cảm thấy được tôn trọng và hỗ trợ trong quá trình công tác...

Đồng thời, đánh giá và cải thiện liên tục, phản hồi thường xuyên, tạo hệ thống đánh giá chất lượng giảng dạy từ học sinh và phụ huynh, cung cấp phản hồi kịp thời để giáo viên có thể điều chỉnh, cải thiện hiệu quả giảng dạy.

“Những biện pháp, đề xuất trên không chỉ góp phần thu hút giáo viên giỏi, mà còn tạo ra một môi trường làm việc và học tập năng động, sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục”, thầy Công chia sẻ.

Thái Vân