Xây dựng kênh tiếp nhận ý kiến là giải pháp xử lý kịp thời việc buôn bán SGK giả

02/10/2024 10:22
Lệ Nguyễn

GDVN- Việc phối hợp giữa các sàn thương mại điện tử với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý sách giả cần thực hiện một cách triệt để và nhanh chóng.

Nhu cầu mua sách giáo khoa, giáo trình, học liệu vào đầu năm học của học sinh, sinh viên tăng cao cũng là lúc các gian thương chớp thời cơ để “tuồn” sách lậu ra thị trường. Bên cạnh đó, việc sách giả len lỏi, tràn lên các sàn thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác quản lý, ngăn chặn.

Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng làm giả sách

Theo thống kê sơ bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra, từ năm 2010 đến nay có gần 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. [1]

Điều đáng nói, từ mẫu mã đến màu sắc của sách lậu đều được sao chép hoàn toàn theo sách thật khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Vũ Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books) đánh giá, hành vi in lậu sách nói chung và sách giáo khoa, học liệu nói riêng ngày càng trở nên tinh vi.

“Các đơn vị làm giả đã lập trang web, rồi lấy thông tin sách từ nhà xuất bản để giới thiệu, tư vấn cho độc giả. Trường hợp khác, các trang web chính thống bị sao chép nội dung và điều chỉnh một số thông tin như logo, tên công ty, email hay số tài khoản”, bà Thủy cho biết.

Bà Vũ Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà. Ảnh: NVCC.

Bà Vũ Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà. Ảnh: NVCC.

Giám đốc Vũ Thị Thủy cũng chỉ ra những điểm khác biệt về hình thức của hai loại sách: “Trong khi bìa của sách thật thường có tiêu đề được in chìm, in nổi hoặc đổ bóng thì tiêu đề sách lậu không được in bằng kỹ thuật khác biệt nào cả. Hơn nữa, bìa giả thường không được phủ lớp nilon bóng, có thể bị lem ở một số vị trí và dễ bị bạc màu; đặc biệt mực in dễ bị lem, mờ hoặc nhanh phai màu.

Ngoài ra, sách bị in lậu thường có tình trạng dính trang vào nhau, khi mở hết cỡ sẽ thấy rõ đường keo dán không chắc chắn. Đối với hàng giả, lớp keo nhiệt này sẽ có màu trắng thay vì màu ngà như loại keo mà các nhà xuất bản sử dụng cho sách thật. Những thông tin về đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết, tem hay QR code không được in đầy đủ, thậm chí bị biến dạng”.

Nêu quan điểm về thực trạng sách, học liệu bị làm giả, bày bán tràn lan trên mạng xã hội cùng các sàn thương mại điện tử, bà Phạm Thị Hiếu - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ cho biết các gian hàng giả mạo thường được mở và đóng nhanh chóng, chuyển sang tên mới hoặc tài khoản khác nếu bị phát hiện, gây khó khăn cho việc ngăn chặn, theo dõi và xử lý.

“Các sàn thương mại điện tử phát triển với tốc độ nhanh chóng, cho phép rất nhiều cá nhân, tổ chức có thể đăng ký và tự do bày bán. Số lượng sản phẩm tại đây rất lớn nhưng không phải tất cả đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi đăng. Điều này tạo điều kiện cho sách giả dễ dàng xuất hiện và tiếp cận người dùng.

Hơn nữa, các đối tượng ngày càng tinh vi trong việc thiết kế và tạo ra sách giả có đặc điểm giống sách thật, thậm chí giả mạo cả tem chống hàng giả. Điều này khiến cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt thông qua mô tả trực tuyến. Một số đối tượng còn tìm cách tích hợp các bài đánh giá tích cực giả mạo hoặc tạo tài khoản bán hàng uy tín để tăng độ tin cậy, khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào bẫy”, bà Phạm Thị Hiếu chia sẻ.

Sách giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tác giả khi họ phải chứng kiến những tác phẩm mồ hôi, công sức của mình bị in lậu rồi bày bán công khai. Chia sẻ về điều này, nhà văn Trang Hạ cho biết cô rất bức xúc khi chính tay cầm lên cuốn sách làm giả tác phẩm bản thân viết nên với chất lượng vô cùng kém: “Trong một lần đi quay phóng sự, đúng lúc tôi vừa cầm cuốn sách từ trên giá và mở ra để ghi hình, tôi biến sắc mặt vì đó là một cuốn sách giả, in giấy xấu, chữ méo, bìa đóng keo dày xù. Quá táo tợn và đáng sợ!”.

Nữ nhà văn cũng nói thêm, fanpage quảng cáo sách bị in lậu, làm giả trên mạng xã hội chi tiền quảng cáo khổng lồ để tiếp cận tới công chúng trẻ: “Một giờ lướt Facebook, tôi có thể bắt gặp khoảng 30 quảng cáo như vậy từ khoảng 20 tài khoản bán sách. Với mỗi lời rao bán sách lậu này, bên dưới có vài trăm người hỏi mua; có những cuốn giá lên tới tiền triệu. Một người bạn của tôi - là một nhà báo nổi tiếng, mua 3 cuốn sách từ Facebook với giá 2 triệu đồng, tuy nhiên sau khi nhận tất cả đều là sách giả”.

Ảnh 2.jpg
Nhà văn Trang Hạ trong một buổi ký tặng độc giả. Ảnh: NVCC.

Đánh trúng tâm lý “ham giá rẻ” của người tiêu dùng

Về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn sách, học liệu giả, bà Phạm Thị Hiếu - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ chỉ ra 4 lý do chính.

Thứ nhất, nhu cầu cao khiến các đối tượng có dịp giở chiêu trò. Hằng năm, nhu cầu mua sách giáo khoa, học liệu học tập là rất lớn, đặc biệt vào đầu năm học. Việc in lậu mang lại lợi nhuận lớn khi phát hành sách giả không phải chịu các chi phí như bản quyền, thiết kế hay sản xuất như sách chính thống. Đây được coi là động lực chính khiến cho các đối tượng sẵn sàng vi phạm luật pháp để kiếm lời.

Thứ hai, thực tế cho thấy một số bộ phận người tiêu dùng vì kiến thức pháp luật còn hạn chế, chưa nhận thức được việc mua, sử dụng sách giả là hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể gây hại cho tác giả, nhà xuất bản, tổ chức/đơn vị phát hành,... Người tiêu dùng thường chỉ mua và sử dụng với suy nghĩ đơn giản là vì giá thành rẻ.

Thứ ba, việc dễ tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật in ấn hiện nay giúp việc sao chép sách giáo khoa, giáo trình trở nên dễ dàng và tinh vi hơn. Chất lượng sách giả đôi khi rất khó phân biệt với hàng thật, làm người tiêu dùng khó nhận ra.

Cuối cùng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ cho rằng, mặc dù có các quy định pháp luật về bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đôi khi chưa quyết liệt, dẫn đến việc sách giả vẫn có thể lưu hành trên thị trường.

Bà Vũ Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà cho rằng: “Những cuốn sách bị chọn làm giả là những tác phẩm đang bán chạy trên thị trường. Người làm sách giả đã đánh trúng vào tâm lý của độc giả khi bán với giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn. Việc in lậu sách giúp giảm các chi phí sản xuất nên có thể tập trung chạy quảng cáo, tiếp cận tới nhóm độc giả tiềm năng, từ đó, dễ tạo hiệu ứng thị trường.

Phía độc giả, thường lựa chọn mua hàng qua các sàn thương mại điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, tuy nhiên lại khó để phân biệt sự khác nhau giữa hàng giả và thật. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận chưa đề cao giá trị của sách, mang tâm lý mua hàng giảm giá, hàng rẻ thay vì chất lượng, tính chính gốc của sách. Về phía cơ quan quản lý, việc kiểm soát và chế tài chưa có tính răn đe, mức phạt hành chính chưa đủ khiến đối tượng vi phạm biết sợ, khiến vi phạm có thể lặp lại”, bà Vũ Thị Thủy chia sẻ thêm.

Ảnh 1.jpg
So sánh hình thức giữa sách giả và sách thật. Ảnh: Thái Hà Books.

Tăng cường khuyến khích người tiêu dùng tố cáo sách giả

Đưa ra đề xuất nhằm ngăn chặn hành vi in lậu sách và giảm thiểu việc tiêu thụ sách, học liệu giả, nhà văn Trang Hạ nêu ý kiến: “Các đơn vị quản lý xuất bản, quản lý thị trường cần có một kênh tiếp nhận những thông tin phản ánh sách giả kịp thời về địa điểm mua, hình thức bày bán từ chính độc giả, để có biện pháp xử lý trong 24 - 48 giờ, trước khi gian thương kịp xóa dấu vết. Như vậy, tôi tin, thị trường sách sẽ được thanh lọc”.

Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng buôn bán, sử dụng sách lậu nói chung, đặc biệt là sách giáo khoa và học liệu giả trên các sàn thương mại điện tử, cần có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía.

Đầu tiên, cần tăng cường hoàn thiện khung pháp lý và xử phạt, áp dụng chế tài mạnh mẽ hơn như tịch thu hàng hóa và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Về phía các cơ sở giáo dục, có thể tích hợp nội dung giáo dục về quyền sở hữu trí tuệ, tác hại của sách lậu và tầm quan trọng của việc sử dụng sách chính hãng trong chương trình học, để học sinh, sinh viên nhận thức rõ từ sớm.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Hiếu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, khuyến khích độc giả mua sách chính hãng cũng như phát hiện và tố giác hành vi buôn bán sách lậu.

“Cần phát triển và cung cấp ứng dụng di động cho phép người tiêu dùng quét mã QR hoặc mã số ISBN để xác minh nguồn gốc của sách. Nếu phát hiện nghi vấn về sách giả, ứng dụng, có thể gửi thông tin tố giác trực tiếp tới nhà xuất bản hoặc cơ quan chức năng.

Để khuyến khích người tiêu dùng tích cực tố giác, có thể thiết lập một cơ chế khen thưởng cho những người có thông tin tố giác chính xác, giúp phát hiện và ngăn chặn sách lậu. Phần thưởng có thể là phiếu mua hàng, sách miễn phí hoặc các phần quà khác. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để người tiêu dùng tham gia phát hiện và báo cáo” - bà Hiếu cho biết.

Ảnh 4.JPG
Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ - bà Phạm Thị Hiếu. Ảnh: NVCC.

Theo thông tin từ phía Công ty Cổ phần sách Thái Hà, số lượng sách bán của những đầu sách bán chạy đã giảm 40% so với trước năm 2020; có hơn 100 đầu sách đang bị in lậu, chiếm 60% số đầu sách bán chạy của Thái Hà Books.

Theo đề xuất giải pháp của Giám đốc Trung tâm Bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà, các nhà xuất bản nên tăng cường quảng bá hình ảnh để người tiêu dùng biết và chọn mua sách ở trang web của đơn vị xuất bản uy tín. Đối với cơ quan quản lý, cần tăng cường kiểm tra, áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc in ấn và phát hành sách lậu. Cần kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị in lậu không có giấy phép xuất bản.

Đồng thời, bà Vũ Thị Thủy cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành ngăn chặn tất cả các tài khoản IP của các đơn vị, các trang bán sách giả. Các cơ quan chủ quản cần kiểm soát các hình thức ưu đãi, chiến dịch bán hàng với chiết khấu cao, phải ổn định thị trường chung, để tránh tạo tâm lý đợi giảm giá mới đi mua sách.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/tang-cuong-xu-phat-ap-dung-cong-nghe-cao-de-chong-nan-sach-gia

Lệ Nguyễn