Khát khao đưa Tiếng Anh về bản, cô giáo người Dao nỗ lực giành học bổng Mỹ, Úc

03/10/2024 06:42
Hồng Mai

GDVN - Ngoài học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ, cô giáo Đặng Thị Thảo (sinh năm 1992, Hà Giang) còn thành công chinh phục học bổng AAS của chính phủ Úc.

giáo viên Tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Giang, dù có công việc ổn định nhưng cô Đặng Thị Thảo vẫn quyết tâm vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Cô giáo trẻ đã chinh phục thành công học bổng AAS của chính phủ Úc và học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ.

Nữ giáo viên trẻ đã lựa chọn đi du học theo học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ và bắt đầu đặt chân tới "xứ sở cờ hoa" từ cuối tháng 7/2024. Đây là chương trình lấy bằng thạc sĩ kéo dài 2 năm. Học bổng mà cô Thảo nhận được bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp hàng tháng, vé máy bay khứ hồi giữa Việt Nam và Mỹ kèm theo bảo hiểm y tế.

unnamed (19).jpg
Cô Đặng Thị Thảo giành học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ và học bổng AAS của chính phủ Úc. (Ảnh: NVCC)

Khát khao học ngoại ngữ, đưa Tiếng Anh đến gần hơn với học sinh

Động lực khiến nữ giáo viên trẻ quyết tâm đi du học là có thể đưa Tiếng Anh đến gần hơn với các em học sinh. Trong ký ức của cô giáo người dân tộc Dao vẫn in sâu hình ảnh con đường đến trường đầy bùn đất, lớp học được lợp bằng lá cọ và ván gỗ chằng chịt. Mãi tới khi lên lớp 6, cô Thảo mới được tiếp xúc lần đầu tiên với môn Tiếng Anh.

“Tôi là người dân tộc thiểu số, lúc ấy, tôi vừa quen với tiếng Việt đã được học thêm ngoại ngữ nên rất hào hứng. Tuy nhiên, ở vùng núi địa hình khó khăn nên cơ hội gặp người nước ngoài của tôi gần như không có. Cả làng khi đó chỉ có một chiếc tivi đen trắng, nhà tôi không có nên cũng không thể xem các chương trình bằng tiếng Anh.

Việc học chỉ tập trung vào ngữ pháp cũng như học từ vựng một cách máy móc đã gây khá nhiều khó khăn cho tôi trong quá trình giao tiếp, nghe hiểu thực tế. Cách học của tôi khi ấy là chỉ cố gắng học thuộc các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng liên quan đến chủ đề trên lớp để giải quyết các bài tập, bài kiểm tra của thầy cô”, cô Thảo nhớ lại.

Chính sự khó khăn đó đã thôi thúc cô Thảo quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm Tiếng Anh để mở mang kiến thức, đem hiểu biết của mình dạy cho học sinh trên bản. Năm 2010, cô gái người Dao trúng tuyển ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cuối năm 2014, cô gái người Dao trở thành giáo viên Tiếng Anh ở Trường Trung học phổ thông Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Cùng thời gian này, cô đã mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh thôn Bản Cưởm, xã Tân Thanh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đây cũng là quê hương của nữ giáo viên.

“Lên đến lớp 6 các em nhỏ ở quê tôi mới bắt đầu được tiếp xúc với Tiếng Anh, đây là thiệt thòi rất lớn. Hơn nữa, nhiều bạn phải dậy từ khi trời tờ mờ sáng, trèo đồi, lội suối và đi bè để sang xã học cấp 2. Không ít học sinh đã bỏ học trước khi hoàn thành bậc trung học cơ sở vì điều kiện khó khăn”.

Mong muốn các học sinh tại địa phương có điều kiện tốt nhất để học ngoại ngữ, cô Thảo đã liên hệ, nhờ sự hỗ trợ về kinh phí từ Tiến sỹ Melvyn Sakaguchi ở Hawaii, Mỹ để mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho học sinh. Để đưa lớp học vào hoạt động, cô giáo người Dao đã trực tiếp làm việc với cán bộ 3 thôn bản gần nhau và lãnh đạo xã, xin phép mượn lớp học ở địa phương để dạy học.

Nữ giáo viên chia sẻ: “Tôi đã rất bất ngờ vì số lượng học sinh đăng ký theo học vượt quá sự mong đợi (hơn 50 học sinh). Các em nhỏ tham gia lớp học hoàn toàn được miễn phí từ tài liệu đến đồ dùng học tập như vở, bút viết và các dụng cụ học tập cần thiết khác.

Mỗi buổi học, các em sẽ được nhận các phần thưởng nhỏ như bánh, kẹo, bút chì, tẩy để động viên. Đồng thời, cuối khóa chúng tôi còn tổ chức một bữa tiệc liên hoan nhỏ có sự góp mặt của các cán bộ thôn bản. Vì thế, các bạn đều rất háo hức đến lớp. Tôi nhớ có hôm mới 5 giờ sáng, cô giáo chưa dậy, có vài bạn học sinh đã đi đến nhà để gọi cô dạy học”.

ad-4nxe29yl5aownvfssic8-p589wmwho-xvaefywdjigdkstht88oidpr-lflv6hmzq0a5fwabqf56ei4v5sd3v2fp8adfm-nwfjf0ygbg6imqokfx4gqam0dwhuoczq5ccbm-lnpvbyclhkdywbeckw-20etg-3031.jpg
Các bạn học sinh trong lớp học miễn phí của cô Thảo. (Ảnh: NVCC)
ad-4nxfqlekmmnaeuq7vg9ycmthfffey-gpefjpoqubvucyxgjzbht1wp8crbn0r56rnqsa3b1rn68ix4-sqyguld9wrjwznibqgq6nekqr67g3u6ztxql5r7tmgu4v9ua4hjp1bj4dgtsxtdmpgkgd0n-ed92hc-1231.jpg
Các bạn học sinh tham trong lớp học miễn phí của cô Thảo lần đầu thấy máy tính. (Ảnh chụp năm 2014 - NVCC)

Mùa hè năm 2015, cô Thảo tiếp tục mở thêm một lớp dạy Tiếng Anh miễn phí ở thôn Tân Lợi, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Và cứ như thế, các lớp học Tiếng Anh miễn phí khác lần lượt được cô giáo trẻ mở thêm. Trong giai đoạn từ năm 2014-2023, cô Đặng Thị Thảo đã mở 6 lớp học Tiếng Anh miễn phí mùa hè. Trong đó có 5 lớp học trực tiếp và 1 lớp học trực tuyến.

Cô Thảo cho biết sau mỗi khóa học miễn phí, các em nhỏ đã trở nên tự tin hơn và có thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản bằng Tiếng Anh. Cô Thảo hi vọng với những nền tảng đó, khi bắt đầu vào học Tiếng Anh lớp 6, các em sẽ bớt bỡ ngỡ hơn và theo kịp tiến độ của chương trình.

Bí quyết giành 2 học bổng thạc sĩ của chính phủ Mỹ và Úc

Năm 2020, cô Thảo trở thành giáo viên Tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Giang. Mặc dù đã có công việc ổn định nhưng cô Thảo vẫn khát khao được học hỏi nhiều hơn trong môi trường quốc tế. Mong muốn cải thiện kỹ năng tiếng Anh cũng như phương pháp giảng dạy để đóng góp nhiều hơn cho giáo dục quê nhà, sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, cô Thảo quyết tâm bước ra khỏi “vùng an toàn” để thực hiện mục tiêu tìm học bổng du học: “Tôi muốn làm gương cho các em nhỏ, để các em có thêm động lực phấn đấu trên hành trình chinh phục kiến thức”.

Cuối năm 2022, cô Thảo tìm hiểu và nhận thấy học bổng Fulbright rất phù hợp với bản thân. Cô bắt đầu đọc về quy trình nộp hồ sơ và cách viết các bài luận. Với cô giáo trẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình chinh phục học bổng là vòng hồ sơ. Biết rõ bản thân có những tiêu chí mà học bổng đang tìm kiếm nhưng làm thế nào để nổi bật được những tiêu chí đó trong hai bài luận dài 2000 từ, quả thật không hề dễ dàng với nữ giáo viên.

Cô Thảo bắt đầu viết bài luận từ tháng 8/2022. Tuy nhiên, viết lách không phải sở trường của nữ giáo viên nên cô đã phải xóa đi viết lại rất nhiều lần. Để hoàn thành bài luận, cô Thảo không ngại liên lạc với các giảng viên đại học để xin nhận xét cũng như định hướng. Ngoài ra, cô cũng tìm tới các Fulbrighter (những người đạt học bổng Fulbright) để xin lời khuyên.

“Thực sự đã có lúc tôi hoài nghi về năng lực của bản thân. Tôi cảm thấy những bạn đã đạt được học bổng đều là những cá nhân rất xuất sắc và tự hỏi liệu bản thân có phù hợp với học bổng này không? Nhưng sau đó tôi lại tự động viên: học bổng này tìm những ứng viên phù hợp nhất và phải dốc hết sức mới biết tôi có thể đi đến đâu”.

Sau hơn nửa năm nỗ lực, cô giáo người Dao đã hoàn thành 2 bài luận và chính thức nộp hồ sơ xin học bổng cùng bài luận vào ngày 15/4/2023. Ở vòng phỏng vấn, cô Thảo cảm thấy tự tin hơn vì đã có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như biết rõ về thế mạnh và hạn chế của bản thân. Sau khi tham gia Mock interview (phỏng vấn thử) với những người bạn Fulbrighter và nhận được sự khích lệ, động viên, cô Thảo càng thêm tự tin để vượt qua vòng phỏng vấn. Cô giáo trẻ hào hứng kể về lớp học Tiếng Anh miễn phí của mình cùng ước mơ đưa các em nhỏ trên bản đến với ngôn ngữ mới một cách bài bản hơn.

Cùng thời gian đó, cô giáo người Dao còn chuẩn bị nộp hồ sơ xin thêm học bổng AAS của chính phủ Úc. Đúng ngày khai giảng năm học 2023-2024, cô Thảo nhận thông báo trúng tuyển học bổng Fulbright. Trước đó gần một tháng, cô cũng giành được học bổng AAS của chính phủ Úc.

“Tôi muốn nhắn gửi với các bạn có ước mơ du học giống tôi nhưng còn đang tự ti, e ngại là hãy đặt niềm tin vào bản thân vì các bạn là phiên bản đặc biệt nhất. Hãy mạnh dạn thử sức vì nếu không thử bạn sẽ không bao giờ biết năng lực của mình có thể đi xa đến đâu”, cô giáo Hà Giang chia sẻ.

unnamed (20).jpg
Cô Đặng Thị Thảo (ở giữa) cùng các bạn trong chương trình Pre-academic tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte. (Ảnh: NVCC)

Cuối tháng 7/2024, cô Thảo bắt đầu sang Mỹ theo học thạc sĩ ngành Giảng dạy Tiếng Anh (TESOL) tại Đại học Bang Michigan. Ngành học này đúng với mong muốn của cô giáo trẻ, được tiếp thu các phương pháp giảng dạy hiện đại, các ứng dụng công nghệ cũng như tích hợp văn hóa để có thể mang lại cho học sinh những tiết học sinh động, thú vị và có chiều sâu hơn.

Trải nghiệm việc học ở môi trường quốc tế, cô Thảo có cơ hội tham gia các lớp học của những giáo sư rất tận tình. Bên cạnh đó, cô cũng học được nhiều điều mới từ việc giảng dạy của nhiều thầy cô và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Ấn tượng nhất với cô Thảo khi đặt chân đến “xứ cờ hoa” là được tham gia chương trình Pre-academic ở Đại học Bắc Carolina ở Charlotte kéo dài 3 tuần. Cô Thảo không giấu nổi niềm xúc động khi nhớ về buổi tổng kết của chương trình, được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao: “Những người bạn quốc tế vô cùng tò mò và ngạc nhiên kéo tôi đi chụp ảnh. Một bạn trong đó phong cho tôi danh hiệu 'the best costume' (trang phục đẹp nhất)".

Cô giáo Hà Giang cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc khi được giới thiệu văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế. Cô Thảo mong muốn có thể làm được nhiều hơn nữa để mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu.

ad-4nxesd2egrrwrxlq3r7in7okrurxzdiaqtmo8zgylevnldfvvecn8drgyydbhzdlq5-gvz-bmf-fpgg33ikhi-sushylli3xulvilxbwmbkxeeeuwdjf0sdlvxbw-5znm80-ypiavlnzupp4jxios2a5dtqg-7652.jpg
Các thành viên trong chương trình Pre-academic tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc học tập trên trường, cô gái sinh năm 1992 cũng đăng ký tham gia các hoạt động ngoại khóa đa dạng như I-Speak để quảng bá văn hóa đất nước; SOSLAP- chương trình của khoa dành cho sinh viên ngôn ngữ có cơ hội phát triển chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; International Friendship Program (IFP) để có cơ hội làm quen và hiểu hơn về văn hóa Mỹ.

“Thời gian tới khi việc học dần ổn định, tôi mong muốn có thể tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn để có thêm nhiều trải nghiệm thực tế và làm cho hành trình của mình có ý nghĩa hơn”, cô Đặng Thị Thảo chia sẻ.

Hồng Mai