Muốn tạp chí gia nhập Scopus/WoS, trường ĐH cần quy tụ "nhân tố khoa học" đủ tầm

05/10/2024 06:20
Ngọc Huệ

GDVN - Quan tâm đội ngũ ban biên tập tạp chí khoa học thuộc cơ sở giáo dục đại học là tiền đề nâng cao chất lượng, mở cơ hội gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia, khi tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học được chỉ mục chính thức vào WoS (cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới), Scopus (được xây dựng từ tháng 11/2004 và thuộc sở hữu của nhà xuất bản Elsevier), ACI (hệ thống trích dẫn Đông Nam Á) có thể giúp nâng cao được uy tín, thương hiệu của tạp chí khoa học, cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, việc đưa tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học gia nhập vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín còn nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu như: yếu tố lịch sử phát triển của tạp chí, tạp chí có xuất bản bằng tiếng Anh; tên tạp chí không bị trùng lặp với tạp chí khác,...

Có nhiều nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, chức năng chính của cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhiều hơn so với nghiên cứu khoa học. Điều này cũng khiến cho năng lực nghiên cứu khoa học, công bố công trình nghiên cứu quốc tế của giảng viên ở các trường đại học còn hạn chế so với nhiều nước trên thế giới.

gdvn-thay-khuyen-3364-6050.jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. (Ảnh: Mộc Trà)

"Đối với cơ sở giáo dục đại học, việc xây dựng một tạp chí khoa học đủ mạnh, nhất là gia nhập được vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín là một cách để khẳng định đẳng cấp, chất lượng của tạp chí và nhà trường; thể hiện rằng cơ sở giáo dục đại học đã tạo ra một môi trường nghiên cứu chất lượng cho giảng viên, nhà khoa học”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín có thể giúp đưa tạp chí khoa học đến gần hơn với bạn bè thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học; khẳng định thương hiệu, uy tín của tạp chí khoa học; thu hút tác giả không chỉ là người Việt Nam mà còn từ quốc tế,...

Cùng bàn về vấn đề này, một tiến sĩ khoa học đang công tác tại trường đại học ở miền Bắc cho biết, về mặt khách quan, cơ sở dữ liệu của Scopus, WoS, ACI... tạo ra diễn đàn để công bố khoa học nên khi tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín sẽ giúp những bài đăng trên tạp chí đến gần hơn với cộng đồng khoa học thế giới; thể hiện được năng lực, tiềm lực khoa học, công nghệ; nâng cao vị thế, uy tín của cơ sở giáo dục đại học nói riêng và khoa học của Việt Nam nói chung. Do đó, từ thực tế Việt Nam có ít cơ sở giáo dục đại học có tạp chí khoa học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín như Scopus, WoS, ACI... cho thấy tiềm lực, năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp so với thế giới.

“Việc xây dựng một tạp chí khoa học quốc tế là không đơn giản vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế hiện nay, không ít tạp chí khoa học của trường đại học công lập Việt Nam có đội ngũ biên tập viên là những nhà khoa học đầu ngành nhưng không có đủ tiềm lực kinh tế để hợp tác với nhà xuất bản hàng đầu thì cũng không thể phát triển và duy trì tạp chí khi gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín”, vị này chia sẻ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc đưa tạp chí khoa học vào danh mục của Scopus.

TS Phạm Hiệp.png
Tiến sĩ Phạm Hiệp. (Ảnh: website Trường Đại học Thành Đô)

“Những năm gần đây, Việt Nam hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học được thể hiện qua số lượng các xuất bản bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín nhiều hơn, áp dụng chuẩn quốc tế trong nghiên cứu khoa học,.. Trong tiến trình này, việc đưa tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học nói riêng, tạp chí khoa học Việt Nam nói chung vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín là vấn đề luôn được quan tâm và đạt kết quả nhất định.

Tuy nhiên, nguyên nhân số lượng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học của nước ta nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín còn khiêm tốn có thể do so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam quan tâm đến việc đưa tạp chí khoa học vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín có phần muộn hơn; đầu tư phát triển tạp chí khoa học còn nhỏ giọt”, Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho rằng, có những nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế,... của Việt Nam rất khó công bố khoa học quốc tế. Do vậy, đối với cơ sở giáo dục đại học, nếu có tạp chí khoa học về khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế được gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín thì tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học sẽ có “tiếng nói” hơn về ngành, chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế của Việt Nam trên diễn đàn khoa học quốc tế.

Muốn gia nhập cơ sở dữ liệu tạp chí quốc tế uy tín, tạp chí khoa học trong nước phải đủ tiềm lực

Để tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng, phấn đấu được chỉ mục chính thức vào WoS, Scopus, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trước hết, cơ sở giáo dục đại học phải tiến tới trở thành cơ sở đại học nghiên cứu để tập trung vào hoạt động nghiên cứu, công bố quốc tế, trong đó điều kiện tiên quyết là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của trường đại học nghiên cứu.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học có tạp chí đã gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín, để duy trì sự ổn định thương hiệu, phải tiếp tục nâng chất lượng bài đăng bằng cách thắt chặt khâu kiểm duyệt, lựa chọn tác phẩm chất lượng.

Mặt khác, nhấn mạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ biên tập tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, ban biên tập tạp chí khoa học phải quy tụ được những “nhân tố khoa học” đủ tầm. Trong đó, tổng biên tập tạp chí phải có đẳng cấp nhất định để đưa tạp chí khoa học cạnh tranh được với khu vực và thế giới.

“Thực tế, Việt Nam cũng có các nhà khoa học giỏi, đã và đang tham gia làm trong ban biên tập của một số tạp chí quốc tế uy tín. Tuy nhiên, con số này không nhiều do bản thân họ bận rộn với công việc ở trong nước, biên tập rất vất vả dù có năng lực. Do đó, việc quan tâm đến đội ngũ ban biên tập của tạp chí khoa học cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng, mở cơ hội gia nhập tạp chí quốc tế uy tín”, Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

Ngoài ra, Tiến sĩ Hiệp đề xuất, cần tăng cường đầu tư cho các tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học để đạt chuẩn Scopus, nhất là đối với những trường đại học hàng đầu đang khó khăn khi thực hiện tự chủ. Thêm nữa, những đánh giá hàng năm về cơ sở giáo dục đại học phải đưa tạp chí khoa học của trường vào làm một trong những tiêu chí đánh giá; kiểm định chất lượng giáo dục cần cộng điểm đối với cơ sở giáo dục đại học có tạp chí khoa học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín. Các tạp chí cũng cần quan tâm đến đào tạo đội ngũ biên tập viên, nâng cấp phần mềm quản lý và quản trị tạp chí tốt hơn theo chuẩn mực quốc tế.

“Theo tôi, mỗi ngành đào tạo của Việt Nam nên có 1 tạp chí khoa học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín, còn với những ngành là thế mạnh của Việt Nam thì nên có nhiều tạp chí khoa học nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín”, Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.

Đặc biệt, Tiến sĩ Hiệp nhấn mạnh việc cần thiết sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của các bộ, ngành và quốc gia. Để căn cứ vào đó, có thể cơ bản đánh giá được các chỉ số trích dẫn, tìm kiếm website của các tạp chí, bài báo khoa học được đăng tải một cách dễ dàng; giảng viên, nhà khoa học và nghiên cứu sinh có “địa chỉ” để tra cứu các tạp chí, bài báo khoa học thay vì truy cập vào từng website của các tạp chí để tìm hiểu, hoặc cũng có tạp chí chưa phát triển hạ tầng số gây khó cho việc tìm kiếm các vấn đề, đề tài nghiên cứu đã công bố.

Đồng tình với những đề xuất trên, vị tiến sĩ khoa học nêu quan điểm, thứ nhất, tạp chí khoa học phải có đội ngũ biên tập, tác giả chất lượng, tiềm lực khoa học công nghệ mạnh. Trong đó, tác giả có thể là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam nhưng tạp chí phải có được những nhà khoa học đủ giỏi.

Thứ hai, tạp chí khoa học phải được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín; các tạp chí khoa học về lĩnh vực, ngành phải đủ mạnh ở trong nước.

Thứ ba, tạp chí khoa học phải xuất bản bằng tiếng nước ngoài, trước hết là tiếng Anh để bắt nhịp hội nhập quốc tế, thực hiện các tiêu chuẩn, trình tự xuất bản chặt chẽ, theo thông lệ quốc tế.

“Trước mắt, phải xây dựng tạp chí khoa học trong nước có uy tín bằng tiếng Việt. Trên cơ sở đó để xuất bản bằng tiếng Anh, lộ trình thực hiện phải theo từng bước mới có thể đưa tạp chí khoa học trong nước gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc đăng bài công bố khoa học của giảng viên trên tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín không dễ hơn so với đăng bài trên tạp chí khoa học của nước khác trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín. Bởi, một khi tạp chí khoa học đã nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín thì đều phải đảm bảo tiêu chuẩn đánh giá quốc tế.

Song, cũng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu tạp chí quốc tế uy tín trong việc xây dựng diễn đàn, cầm cân nảy mực, chấm và xuất bản bài của nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc xuất bản vẫn trên cơ sở khách quan, đảm bảo chất lượng, không có sự ưu ái hơn giữa tác giả người Việt Nam hay quốc tế”, tiến sĩ khoa học chia sẻ.

Cả Scopus và WoS là hai cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay về tạp chí khoa học, hội nghị, sách, sáng chế, thông tin nhà xuất bản, thông tin trường/viện, thông tin tác giả.

Scopus chủ yếu tập trung vào chất lượng công bố dựa trên 6 tiêu chí như tự trích dẫn, tổng trích dẫn, điểm trích dẫn, số lượng bài báo, số lượng đọc toàn văn, và số lượng tóm tắt được sử dụng.

WoS chú trọng nhiều vào danh tiếng của tạp chí thông qua sự minh bạch các thông tin về nhà xuất bản, mã số ISSN, ngôn ngữ, ban biên tập, chức năng website, quy trình phản biện, chất lượng học thuật,… đến các tiêu chí về mức độ ảnh hưởng của công bố (có 28 tiêu chí được xét) [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://fbb.hcmus.edu.vn/vn/web-of-science-wos-va-scopus-hai-ga-khong-lo-cua-du-lieu-cong-bo.html

Ngọc Huệ