Sách giáo khoa giả trà trộn vào nhà sách dưới nhiều hình thức tinh vi

08/10/2024 08:35
Hồng Linh

GDVN - Sách giáo khoa giả thường được trà trộn trong các cơ sở kinh doanh dưới nhiều hình thức như xen lẫn sách giả, sách thật, xuất các đơn hàng lớn từ kho sách giả...

Sách giả, sách lậu gây ra nhiều hậu quả cả về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, khi các loại sách giáo khoa, sách tham khảo bị làm giả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng là các em học sinh - những "mầm non" tương lai của đất nước.

Sách giáo khoa giả dễ khiến học sinh tiếp thu kiến thức sai lệch

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồng Văn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh nói: "Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến.

Không chỉ bày bán ở các cửa hàng, hiện nay, có tình trạng sách giả, sách lậu được rao bán, quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ, đã đặt mua, để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền.

Đặc biệt những sản phẩm sách giáo khoa giả, sách in lậu thường có những sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung nhất là đường nét vẽ biên giới, vấn đề biển đảo, ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, sẽ tác động xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.

Sử dụng xuất bản sản phẩm giáo dục giả, học sinh cũng sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho người học".

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NVCC.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NVCC.

Nói đến nguyên nhân của tình trạng sách giả, sách lậu, bà Trịnh Thị Ái Sa - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam đề cập đến 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất: về cơ chế quản lý của nhà nước. Cơ chế quản lý các cơ sở in ấn, xuất bản, phát hành chưa đủ quyết liệt và sát sao. Ngoài ra, cơ chế xử phạt cho hành vi làm giả sách còn thấp, thiếu sức sức răn đe.

Những đối tượng vi phạm sau khi bị phạt vẫn tiếp tục làm giả sách vì lợi nhuận mang lại cao trong khi mức phạt còn thấp, khiến cho “ngựa quen đường cũ”, khó hạn chế hành vi sai phạm.

Thứ hai: thông tin và ý thức của người đọc. Nhiều độc giả chưa được tiếp cận với thông tin đầy đủ về sách giả nên chưa thể phân biệt sách giả và sách thật.

Đồng thời sách giả bán với giá rẻ cũng là một nguyên nhân quan trọng đánh vào tâm lý mua hàng chung của đa phần mọi người, khiến cho sách thật khó lòng cạnh tranh và sách giả có cơ hội phát triển nhanh chóng.

Thứ ba: yếu tố khách quan về việc phát triển các công nghệ về in ấn, công nghệ sách điện tử, các nền tảng chia sẻ miễn phí, cũng như các hình thức bán hàng hiện đại như trực tuyến trên Facebook, trên các sàn thương mại điện tử, trên các website mà chúng ta chưa thể có hình thức quản lý và xử phạt kịp thời.

"Việc phát triển của kênh thương mại điện tử là một cơ hội tốt phát triển kinh doanh. Mặc dù vậy, đây đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho sách giả, sách lậu có nơi để hoạt động.

Phát triển kênh thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của xã hội và sẽ có nhiều hình thức mới phát triển trong tương lai. Quan trọng hơn hết là cơ chế quản lý phải theo kịp các hình thức kinh doanh mới này" - vị phó giám đốc nhấn mạnh.

Trinh Thi Ai Sa Omega Books.jpg
Bà Trịnh Thị Ái Sa - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, khi mua phải các sản phẩm sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Đầu tiên, vì nội dung trong sách giả, sách in lậu thường không được kiểm soát kĩ lưỡng như các sản phẩm được bảo hộ nguồn gốc. Với các bộ sách giáo khoa do các nhà xuất bản in ấn và phát hành, các sản phẩm này thường phải trải qua các bước kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung, hình ảnh.

Thay vào đó, sách giả, sách in lậu chỉ sử dụng sách thật để sao chép hoặc scan lại, một số chỗ thường gõ lại văn bản khiến nội dung trong sách bị xô lệch và sai sót.

Đặc biệt, đối với các hình ảnh đặc thù như bản đồ, sách giả thường bị lược bỏ nhiều thông tin hoặc tỉ lệ thể hiện không chính xác, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức trở nên bị sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình học tập của các học sinh.

Ngoài ra, sách giả, sách in lậu còn sản xuất tem giả đi kèm - khiến khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi mua hàng. Tuy nhiên, khi kích hoạt, sẽ bị báo mã này không đúng hoặc đã qua sử dụng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trịnh Thị Ái Sa nói: "Tình trạng sách giả, sách lậu gây thiệt hại kinh tế lớn cho những doanh nghiệp làm xuất bản chân chính khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sách giả, sách lậu.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về kinh doanh, thất thu, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm mới và sự phát triển lâu dài trong hành trình mang những cuốn sách giá trị đem đến cho cộng đồng, xã hội.

Các tác giả viết sách sẽ không nhận được giá trị tương xứng với những công sức mà mình bỏ ra, gây hạn chế cho việc phát triển những nhà nghiên cứu, nhà văn… trong tương lai.

Các độc giả sẽ có trải nghiệm không tốt khi đọc phải sách giả như chất lượng giấy kém, chữ không sắc nét gây khó đọc.

Cuối cùng là trình độ dân trí của toàn dân về ý thức bản quyền, ý thức về quyền sở hữu trí tuệ không được nâng cao".

Bà Trịnh Thị Ái Sa cũng chỉ ra, thách thức đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực in ấn – xuất bản là phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm để sách giả khó lòng theo kịp, nhưng đồng thời cũng phải tính toán các chi phí để giá thành phải chăng với người tiêu dùng.

Đặc biệt là tích cực thông tin, tuyên truyền cho độc giả về những nơi bán sách giả và cách phân biệt sách giả và sách thật.

Sách giáo khoa giả trà trộn vào nhà sách dưới nhiều hình thức tinh vi

Ở phía cơ quan chức năng, ông Hồng Văn Hoàng cho biết tháng 6/2024 vừa qua, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và tiến hành thu giữ trên 5.000 bản sách giáo khoa nghi ngờ là sách giả mạo với tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện tại vụ việc đã được chuyển đến cơ quan điều tra xử lý.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh chỉ ra ba hình thức để tiêu thụ sách giả tại các đơn vị kinh doanh như sau:

Thứ nhất: Tại các cửa hàng bán lẻ, sách giả sẽ được trộn lẫn với sách giả trong một chồng sách, thùng sách.

Thứ hai: Những người vi phạm bán lẻ sách thật tại cửa hàng, còn khi có đơn hàng lớn đến những đại lý nhỏ hơn họ sẽ xuất hàng từ kho sách giả.

Thứ ba: Tinh vi hơn, những người vi phạm sẽ đóng bộ, đóng màng co bọc sách, xen lẫn sách giả và sách thật để bán lẻ cho học sinh phụ huynh và giao tới các trường.

Ngoài ra, đối tượng bán sách giả cũng thường mời chào qua các kênh như Zalo, Facebook, đưa mức chiết khấu rất cao, mạo nhận là nhân viên của các công ty phát hành sách để giao sách giả thẳng đến các nhà sách, đại lý sách tư nhân thông qua các ứng dụng giao hàng nhằm xoá dấu vết.

Số lượng sách nghi ngờ giả mạo được Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh phát hiện. Ảnh: Cục Quản lý Thị trường Tây Ninh cung cấp.

Số lượng sách nghi ngờ giả mạo được Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh phát hiện. Ảnh: Cục Quản lý Thị trường Tây Ninh cung cấp.

Để phân biệt sách giả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, sách giáo khoa giả, sách giáo khoa in lậu thường cho ra các sản phẩm kém chất lượng như màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều, chỗ đậm, chỗ nhạt.

Đối với sách thật, hình ảnh trong sách đều sắc nét, phù hợp với thị lực người dùng. Nếu đặt cạnh sách thật, dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trong sách giả đều không đẹp, chất lượng kém và có phần tối hơn.

Một số sách mới đều đi kèm với một mã thẻ cào riêng ở cuối nên phụ huynh có thể cào tem, quét mã QR để xác thực sách thật.

Cán bộ Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra sách giả. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cung cấp.

Cán bộ Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra sách giả. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cung cấp.

Chia sẻ về thủ đoạn của các đối tượng vi phạm, bà Trịnh Thị Ái Sa cho biết: "Các ấn phẩm giả mạo trước kia thường nhắm đến những quyển sách bán chạy, ưu tiên bán với giá rẻ để bán được nhiều. Có thể thấy, chất lượng của những quyển sách giả, sách lậu này không đảm bảo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chất lượng của một số sách giả đã cải thiện đáng kể và bán giá gần như bằng sách thật, khiến độc giả khó phân biệt được sách giả và sách thật.

Ngoài ra các sách vừa mới phát hành đã có sách lậu, đối tượng vi phạm in từng cuốn khi có đơn đặt hàng. Họ cạnh tranh về giá rẻ khiến độc giả nhanh chóng mua hàng mà không biết là mình mua phải sách giả".

Nhằm đẩy lùi "vấn nạn" sách giáo khoa giả, ông Hoàng Văn Hồng cho rằng: "Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả.

Chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dùng về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua các hội thảo, các triển lãm trưng bày, nhận diện sách thật, sách giả...

Khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống nhà sách uy tín, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan... trong công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, kinh doanh sách giả".

Bà Trịnh Thị Ái Sa cho biết, các biện pháp được Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam thường sử dụng là để hạn chế tình trạng sách giả là thông báo cho độc giả nếu phát triển những nơi buôn bán sách lậu, sách giả; chia sẻ cách thức phân biệt sách giả sách thật; báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước về những hành vi làm giả

Vị phó giám đốc chia sẻ: "Hiệu quả của các biện pháp này nhìn chung thấp vì việc thông tin tới độc giả cũng còn nhiều hạn chế, nhiều độc giả vẫn không được tiếp cận. Khi báo cáo cho các cơ quan nhà nước cũng cần đầy đủ các thông tin, chứng cứ… mà với một doanh nghiệp khó lòng đủ sức để thu thập đầy đủ.

"Cuộc chiến” này cần sự chung tay mạnh mẽ nhất là từ cơ quan quản lý của nhà nước, quản lý các nền tảng kinh doanh trực tuyến, quản lý của các nền tảng mạng xã hội, các doanh nghiệp đang kinh doanh và cuối cùng là độc giả - những người mua hàng.

Việc phát động người dân tăng cường, phản ánh, tố giác sách lậu là nên làm, vì người dân là người cuối cùng tiêu thụ sản phẩm, người chịu hậu quả của sách giả.

Tuy nhiên, chúng ta cần có cơ chế để khuyến khích việc này như cách thức phải rõ ràng, có thưởng để động viên và quan trọng hơn là phát động việc người dân có ý thức hơn về việc mua và sử dụng sách thật, cảnh giác với các sách rẻ và sách kém chất lượng".

Phó giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam đưa ra các kiến nghị như sau, nhằm đẩy lùi sách giả sách lậu:

Thứ nhất: tăng hình thức xử phạt cho hành vi phát tán sách miễn phí, buôn bán và in ấn sách giả, để đủ sức răn đe.

Thứ hai: tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng về việc mua và sử dụng sách có bản quyền.

Thứ ba: mở thêm cổng thông tin để tiếp nhận các tố giác từ cộng đồng về hành vi sản xuất và buôn bán sách lậu.

Ông Trần Đức Thành, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Tân, nhà sách Minh Thắng bày tỏ: "Vấn đề sách giả, sách lậu gây nhức nhối cho toàn ngành xuất bản và các đơn vị phát hàng sách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người đọc mà còn tác động tiêu cực đến toàn xã hội.

Phía các nhà sách mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ các công ty bị in sách giả bằng cách ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, thêm chế tài xử phạt.

Đặc biệt là siết chặt vấn đề buôn bán trên các sàn thương mại điện tử. Hình thức buôn bán trực tuyến dễ "mở cửa" cho các ấn phẩm giả mạo trà trộn, đến tay độc giả.

Bởi vậy cần kiểm soát các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để tránh việc cung cấp những nguồn sách không chính thống."

Hồng Linh