Chỉ tiêu đã giao, kế hoạch đã duyệt, Hội nghị viên chức có còn ý nghĩa?

05/10/2024 07:39
NGUYỄN THẾ TRUNG

GDVN - Mọi đóng góp không còn giá trị và thực tế cũng chẳng mấy ai đóng góp ý kiến về chỉ tiêu, số liệu được thể hiện trong báo cáo và phương hướng năm học nữa.

Thông thường, khi bước vào năm học mới được vài tuần thực học, các nhà trường phổ thông công lập sẽ tổ chức Hội nghị viên chức nhằm tổng kết hoạt động của năm học trước và đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho năm học mới.

Trong Hội nghị, nhà trường sẽ đưa ra những dự thảo nhiệm vụ; chỉ tiêu chất lượng giảng dạy, những phong trào của ngành, của trường để các tổ thảo luận, đăng ký làm cơ sở phấn đấu, thực hiện và xét thi đua cho tập thể, cá nhân vào thời điểm cuối năm học.

Đồng thời, những nhiệm vụ, chỉ tiêu giảng dạy; chỉ tiêu các phong trào này sẽ được các tổ chuyên môn; giáo viên đưa vào kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn và kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều trường học giao chỉ tiêu từ khi chưa tiến hành hội nghị và yêu cầu tổ chuyên môn; giáo viên làm kế hoạch để nhà trường phê duyệt kế hoạch đầu năm học. Vì thế, khi tiến hành Hội nghị cán bộ, viên chức chỉ còn là thủ tục chứ không còn nhiều ý nghĩa như bản chất vốn có của nó.

hoi-nghi.jpg
Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn

Trường giao chỉ tiêu từ khi chưa bước vào năm học mới

Mặc dù ngày 5/9, các trường học trên cả nước mới tiến hành khai giảng và bước vào tuần thực học đầu tiên. Tuy nhiên, có những trường học đã triển khai đến đội ngũ tổ trưởng chuyên môn xây dựng một số kế hoạch tổ chuyên môn từ những ngày cuối tháng 8; một số kế hoạch thì đầu tháng 9.

Trong đó, chỉ tiêu chất lượng giáo dục môn học của từng tổ chuyên môn đã được nhà trường ấn định là bao nhiêu phần trăm học lực Tốt; Khá; Đạt; Chưa đạt. Và phương châm của trường là chỉ tiêu học lực Tốt năm học này phải cao hơn năm học trước; Chỉ tiêu học lực Chưa đạt phải thấp hơn năm học trước.

Vì không được thảo luận, các chỉ tiêu nhà trường đưa ra chỉ gửi qua email, tin nhắn zalo rồi yêu cầu thực hiện nên gần như các tổ trưởng chuyên môn không được bàn bạc, thảo luận mà chỉ thực hiện theo các chỉ tiêu đã được ấn định mà cấp trên giao xuống.

Bên cạnh đó, trong thông báo giao nhiệm vụ của hiệu trưởng cũng "lồng ghép" chỉ tiêu chất lượng giáo dục vào đánh giá, xếp loại viên chức; xét thi đua cuối năm học. Tất nhiên, muốn được xét loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì chất lượng giáo dục (loại Tốt) của các cá nhân phải bằng hoặc cao hơn năm học vừa qua.

Điều này cũng đồng nghĩa các tổ chuyên môn phải thực hiện thụ động các chỉ tiêu chất lượng giáo dục.

Trong khi, học sinh năm học mới có những khối lớp còn lại của năm học trước, có những khối lớp mới tuyển sinh vào. Tất nhiên, chất lượng những khối đã học các năm học trước thì nhà trường có thể căn cứ vào số liệu đạt được ở năm trước để giao nhiệm vụ cho năm học này nhưng những lớp đầu cấp mới tuyển vào chất lượng ra sao thì giáo viên chưa biết.

Việc nhà trường lấy tỉ lệ khối cũ năm trước làm thước đo tỉ lệ cho khối mới tuyển vào ở năm học mới này rõ ràng khập khiễng, khiên cưỡng và áp đặt.

Nhiều phong trào, nhiều Hội thi hiện nay được Bộ ban hành văn bản và hướng dẫn giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc như Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên dạy giỏi các cấp.

Thế nhưng, Ban giám hiệu vẫn giao chỉ tiêu và "lồng ghép" vào xếp loại viên chức tổ trưởng chuyên môn nếu như giáo viên trong tổ không tham gia. Trong khi, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 đã hướng dẫn khá kĩ các tiêu chí cho từng loại viên chức.

Đừng để Hội nghị viên chức đầu năm học thành…hình thức

Để phát huy tính dân chủ ở các đơn vị và tạo được sự đồng thuận trong Hội đồng sư phạm nhà trường khi thực hiện nhiệm vụ thì mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ cần phải được thảo luận, đóng góp ý kiến trước khi xây dựng và ban hành các kế hoạch giáo dục.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị viên chức vào thời điểm đầu năm học ở từng nhà trường là cần thiết.

Trong hội nghị, Ban giám hiệu sẽ đưa ra các dự thảo về chỉ tiêu; phong trào để các tổ chuyên môn, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cùng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, phân tích thấu đáo về những thuận lợi, khó khăn trong năm học và quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường sẽ cân nhắc và chốt các chỉ tiêu về học lực; rèn luyện của học sinh; số lượng các phong trào; hội thi và cho viên chức đăng ký danh hiệu thi đua trong năm học.

Những số liệu; chỉ tiêu được thống nhất trong Hội nghị viên chức sẽ được các tổ chuyên môn cụ thể hóa trong kế hoạch môn học của tổ và giáo viên đưa vào kế hoạch giáo dục của mình để thực hiện nhiệm vụ.

Một khi các số liệu, chỉ tiêu được thảo luận, đóng góp từ những người trực tiếp giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ giáo dục sẽ sát với thực tế. Hơn nữa, nó sẽ tạo ra tính đồng thuận, dân chủ ở cơ sở.

Các tổ chuyên môn, các giáo viên được bàn luận, được đóng góp thì khi thực hiện nhiệm vụ họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và họ thực tâm phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của mình bởi đó là những điều, những số liệu họ đồng thuận trên tinh thần tự nguyện.

Nếu Ban giám hiệu ấn định số liệu một cách chủ quan sẽ mất đi tính dân chủ và khó lòng nhận được sự đồng thuận của cấp dưới. Kế hoạch họ vẫn phải làm vì họ phải phục tùng cấp trên nhưng tâm họ không phục. Thậm chí, những bàn tán, thị phi từ cấp dưới là điều không tránh khỏi.

Một khi chỉ tiêu đã đưa ra, các tổ chuyên môn, giáo viên đã lập kế hoạch và nhà trường đã phê duyệt; niêm yết công khai thì việc tổ chức Hội nghị viên chức sẽ trở nên hình thức.

Mọi đóng góp không còn giá trị và thực tế cũng chẳng mấy ai đóng góp ý kiến về chỉ tiêu, số liệu được thể hiện trong các bản báo cáo và phương hướng năm học vì đóng góp cũng không thay đổi được gì khi các kế hoạch cá nhân và tổ chuyên môn đã thực hiện xong.

Vì vậy, Hội nghị viên chức của không ít trường học chỉ là hình thức. Ban giám hiệu; Công đoàn nhà trường đọc rất nhiều văn bản; hướng dẫn thảo luận…Nhưng, thực tế có còn gì để thảo luận nữa đâu vì các số liệu trong năm học đã được “chốt” từ khi chưa tổ chức Hội nghị viên chức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG